Truyện cổ tích Việt Nam là kho tàng văn hóa quý giá, chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc. Qua các nhân vật và tình huống kỳ diệu, những câu chuyện này không chỉ giải trí mà còn giáo dục, phản ánh giá trị đạo đức và truyền thống của dân tộc.
Mục lục [Ẩn]
Truyện cổ tích Việt Nam được chọn lọc
1. Nợ như chúa Chổm
Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn: ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được. Cuối cùng nhà vua cất lẻn trốn đi nhưng chẳng được bao lâu đã bị Mạc Đăng Dung bắt đem về giam lại. Hồi ấy ở trại giam có một cô hàng rượu vẫn thường gánh rượu đến bán cho lính canh ngục. Một hôm, cô hàng đưa rượu vào bán, thấy có một phạm nhân mới mặt mũi khôi ngô bị giam riêng ra một nơi. Khi biết người đó làm vua, cô hàng có ý muốn làm quen. Mỗi lần bán rượu cho ngục tốt nàng đều rót rượu cho vua uống. Dần già giữa hai người một mối tình nhóm lên. Một hôm cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon lại có pha thuốc mê đem đến chuốc cho quân canh. Chờ cho họ nằm gục xuống, nàng bèn vào tình tự với vua. Từ đó cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của Mạc, bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói:
-Nàng hãy giữ vật này làm tin, nếu sau này đẻ con trai, sẽ có ngày nó phục thù cho cha.
Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của vua đều chịu chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê làm vua nước Đại Việt. Cô hàng rượu được tin không còn hồn vía nào nữa. Nàng trốn đi nơi khác làm thuê làm mướn, sống một cuộc đời lẩn lút. Đủ ngày đủ tháng, nàng sinh được một người con trai đặt tên là Chổm. Lớn lên, Chổm được vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ. Hắn rất sáng dạ nhưng phải cái nghịch ngợm thì không ai bằng. Một hôm đi chơi về đói, Chổm thấy trước tượng Mụ Thiện có bày một mâm bồng đầy chuối và quýt. Anh chàng rón rén đến bệ, bịt mắt Mụ Thiện lại và bẻ chuối ăn. Bất đồ sư cụ ở đâu đi vào trông thấy liền nọc cổ Chổm ra đánh.
Chổm tức lắm, chờ lúc sư đi vắng lấy giấy viết mấy chữ “Mười tay, mười mắt không giúp được gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa”. Viết xong dán vào ngực Mụ Thiện. Đêm hôm ấy sư cụ tự nhiên mộng thấy Mụ Thiện bảo mình rằng: “Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi? Phải mau mau tìm cách xin lỗi ngài, để ngài tha cho ta”. Tỉnh dậy, sư cụ rất phân vân, mới gọi chú tiểu Chổm vào kể chuyện cho biết và bảo bóc giấy đi. Sư cụ hỏi anh chàng: “Cha mày đâu?”. Chổm đáp: “Tôi lớn lên chưa từng nghe nói có cha”. Sau đó Chổm trở về hỏi mẹ: “Cha con đâu?”. Mẹ sợ không dám nói sự thật cho con biết, đáp: “Cha con là họ Lê, bị hổ ăn thịt chết rồi”. Nghe nói Chổm rất buồn. Từ hôm đó anh chàng lập tâm giết hổ để báo thù cho cha.
Một hôm, Chổm vào rừng chơi, thấy một con hổ đang ngủ dưới gốc cây, liền rón rén cầm một hòn đá lớn ném mạnh vào đầu hổ, hổ vỡ óc chết tươi. Đang nắm đuôi hổ lôi về thì Chổm bỗng gặp một con hổ khác xông ra. Chổm sợ quá, quẳng xác hổ cắm đầu chạy. Nào ngờ khi hổ sắp đuổi kịp thì tự nhiên có một ông già tay cầm côn sắt ở trong rừng hiện ra đánh chết con hổ dữ. Chổm thoát chết, sụp lạy ông già. ông già trao cho chàng cái côn, bảo: “Con hãy học một ít miếng võ để mà hộ thân”. Chổm sung sướng vâng lời. Dạy xong, ông già cho Chổm cái côn rồi đi mất. Từ đó, Chổm dùng côn làm vũ khí tùy thân. Một hôm đi qua một cái miếu, nghe đồn có nhiều yêu quái hại người, Chổm bèn cầm côn trèo tường nhảy vào tìm yêu quái. Một lát, ở trong hang sâu bò ra một con rắn lớn mắt sáng như sao, miệng phun khí độc toan vồ lấy Chổm. Chổm giơ thần côn vụt lấy vụt để vào đầu rắn. Rắn chết, từ đó trong xóm được yên ổn. Hai mẹ con Chổm về sau thấy yên lại trở về chốn cũ. Hàng ngày anh chàng đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn ở các quán cơm tại cửa ô. Hàng nào được Chổm vào ăn là hôm đó bán đắt như tôm tươi, còn các hàng khác chỉ ngồi xua ruồi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía nên hàng nào cũng muốn mời anh ta vào ăn, dù bán chịu cũng được. Chổm được thể ngày nào cũng đánh chén hoang toàng và tiêu pha bạt mạng. Toàn là ăn chịu mua chịu. Ai hỏi nợ, hắn đều bảo:
-Đến ngày tôi làm nên, sẽ xin trả chu tất! Hồi bấy giờ có một vị quan tên là Nguyễn Kim trốn sang Lào mưu đồ việc diệt Mạc. Vua nước Lào nhường cho ông miếng đất Sầm Châu làm căn cứ để lo việc khởi nghĩa. Qua mấy năm chiêu binh mãi mã, Nguyễn Kim đã gây dựng được lực lượng. Nhưng ông ta còn muốn tìm một người thuộc dòng chính thống để bá cáo với thiên hạ. Khốn nỗi, con cháu vua Lê đã bị Mạc giết hại hầu hết. Một đêm nọ Nguyễn Kim thấy một vị thần nhân hiện ra trong giấc mộng bảo ông: “Thiên tử ra đời đã lâu sao không đón về còn chờ gì nữa?” ông hỏi: “ở đâu?”
-“Cứ đi về phía Tây kinh thành, ở dãy hàng cơm đúng ngày thìn giờ ngọ, hễ thấy rồng đen quấn cột là chính thị thiên tử”. Sau khi tỉnh dậy, Nguyễn Kim rất mừng, bèn mang theo một ít bộ hạ cải trang đi tìm con cháu nhà Lê theo như lời thần nhân đã mách. Hôm đó, Chổm đang ngồi ở hàng cơm, thấy có mấy người khách lạ đi qua bèn đứng ôm lấy cột nhìn ra. Nguyễn Kim rảo qua một lượt chỉ thấy quấn cột là một chàng trai trẻ tuổi da đen sì, nhưng thấy dáng điệu hèn hạ nên cũng không để ý. Đêm hôm đó Nguyễn Kim lại mộng thấy thần trách: “Ta đã mách cho biết thiên tử mà không nghe. Ngày mai ra bờ sông hễ thấy ai đội mũ sắt, cưỡi thuyền rồng là đúng”. Ngày mai Nguyễn Kim chực ở bờ sông nhìn những thuyền bè qua lại, nhưng chờ mãi chả thấy ai đội mũ sắt cả. Mãi đến gần tối có một chuyến đò ngang, trong đó có Chổm và một người bán chảo gang. Gặp khi trời đổ cơn mưa, Chổm không có nón, phải mượn chiếc chảo úp lên đầu cho đỡ ướt. Nhưng Nguyễn Kim không chú ý vì thấy y không có vẻ gì là người quyền quý. Thần lại xuất hiện trong giấc mộng của Nguyễn Kim trách ông ta không nghe lời mình rồi bảo: “Ngày mai cứ đến chỗ quán cơm cũ tìm người nào “đi chữ đại, trở lại chữ vương” thì đón về”. Qua ngày sau, Nguyễn Kim và bộ hạ lại kéo nhau đi tìm. Họ quả thấy anh con trai hôm nọ bây giờ đang rượu say nằm trong quán cơm, đầu gối lên ngọn côn, hai tay bỏ xuôi xuống, hai chân dạng ra hai bên như chữ “đại” . Bỏ đi một chốc, đến lúc trở lại họ thấy Chổm cựa mình, lúc này ngọn côn trật lên khỏi đầu, hai tay bỏ ra trước ngực còn hai chân thì xếp bằng tròn như chữ “vương” . Bấy giờ Nguyễn Kim mới tin chắc anh chàng này là người thần có ý mách cho mình, bèn giả cách vào quán ăn uống, chờ Chổm dậy sẽ đến làm quen. Chổm chợt tỉnh, thấy một người khăn áo có vẻ quyền quý đến sát giường mình, thì cầm côn chực bỏ chạy. Nhưng Nguyễn Kim đã giữ Chổm lại thưa rằng:
-Xin điện hạ đừng sợ. Chổm ngạc nhiên đáp:
-Lạ hay! Điện hạ nào. Tôi là thằng Chổm đây! Nhưng thấy người quyền quý ấy có vẻ ân cần khi hỏi thăm cha mẹ và chỗ ở, Chổm an tâm hơn trả lời:
-Tôi họ Lê, cha bị hổ ăn thịt, còn mẹ ở nhà. Nghe nói là họ Lê, bọn Nguyễn Kim mười phần đã chắc đến bảy tám, liền theo Chổm về đến tận nơi. Trước những người khách lạ, mẹ Chổm nửa mừng nửa sợ. Mãi đến khi biết được thiện ý của bọn họ bà mới đưa ấn ngọc ra và kể rõ tình đầu. Thế là từ đó Chổm cùng mẹ từ giã ngôi nhà nát ở ngoài thành lên đường đến Sầm Châu lo việc phục thù cho cha. Thanh thế quân Lê mỗi ngày một to. Vua Mạc nghe tin sai tướng đem sáu mươi vạn quân vào đánh.
Qua bao nhiêu trận kịch chiến, quân Lê đại thắng. Rồi không bao lâu, quân của Chổm tiến đánh ra Bắc. Quân Mạc hễ thấy quân Lê đến đâu là chạy trốn như vịt. Bấy giờ Chổm đường đường là một vị chúa uy thế lẫy lừng. Đến ngày khải hoàn, trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô thì bỗng có một số người chủ hàng cơm ngày xưa bán chịu cho Chổm, từ đâu kéo ra để chào người quen và để đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính tiền đạo toan bắt tội vô lễ. Nhưng chúa Chổm ngăn lại rồi kể chuyện ăn chịu ngày còn hàn vi cho các tướng tá nghe. Đoạn bảo quan hầu lấy tiền ra trả cho họ. Lúc đó có nhiều người thấy kẻ kia đòi được nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa cũ: kẻ tính thành năm quan, người kể thành mười, v.v… biến thành một cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan hầu đếm tiền mãi 65 66 không xiết vì con số chủ nợ mỗi ngày một tăng. Bọn họ bèn nghĩ ra được một kế là đứng trên kiệu vung tiền xuống cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mọi người thấy thế đổ xô ra cướp. Dần dần quan quân tiến đến phố cứ như bây giờ là vườn hoa cửa Nam. Một viên đại tướng nghĩ chúa mình sắp lên ngôi tôn mà khách nợ cứ chạy theo réo mãi như thế này thì còn thể thống gì nữa, mới viết vào một tờ giấy hai chữ “cấm chỉ” dán ở giữa phố và sai một toán quân đóng tại đó, ra lệnh hễ thấy ai còn đòi nợ chúa nữa thì chém ngay. Nhờ thế, người ta mới thôi réo và thôi đuổi theo xe Chổm.
Chúa Chổm vào đến hoàng cung thì trời sắp tối. Thấy văn võ bách quan ai cũng mong muốn mình lên ngôi ngay để yên lòng thiên hạ, Chổm bèn ngửa mặt khấn trời rằng: “Hỡi thượng đế, nếu tôi xứng đáng nối nghiệp nhà Lê thì xin quay mặt trời trở lại chính ngọ, bằng không thì tôi sẽ trở về chốn cũ làm ăn, giao quyền vị lại cho người khác”. Khấn được một lúc, quả nhiên trời sắp tối bỗng sáng hẳn, mặt trời lại treo giữa đỉnh đầu. Chổm đường hoàng bước lên đàn làm lễ đăng quang tự xưng hoàng đế. Lễ tất, mặt trời tự nhiên kéo một mạch về phương Tây lặn mất. Trời bỗng lại tối sầm như mực; lúc mọi nhà vừa thắp đèn lên thì gà vừa gáy canh.
2. Sự tích hoa ban trắng
“Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường – vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng.
Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban – Khum. Sơn La, cứ xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xoè, trao và đón nhận tình yêu.”
3. Sự tích hoa Thủy tinh
“Ngày xửa ngày xưa, trong một ngôi làng nọ, có hai vợ chồng nghèo, rất nghèo, họ nghèo đến nỗi không có nổi một căn nhà để ở, không có 1 mảnh ruộng để nuôi thân. Hai vợ chồng phải đi làm mướn cho những gia đình giàu có trong làng, và dựng 1 túp lều sát bìa rừng để ở.
Hàng ngày, họ phải thức dậy từ rất sớm, còng lưng ra làm thuê cuốc mướn cho đến tận khuya. Cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, may mắn lắm cũng chỉ kiếm đủ thức ăn cho họ trong ngày.
Nhưng bù lại, họ sinh được 1 cô con gái, cô bé là nguồn động lực giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Họ đặt tên con là Hoa.
Hoa càng lớn càng siêng năng, ngoan ngoãn, thông minh và xinh xắn. Nàng giúp cha mẹ mình tất cả những công việc nhà và đôi khi giúp cha mẹ trồng và gặt lúa. Tuy nhà nghèo nhưng nàng có 1 tấm lòng rất nhân hậu. Nàng được cha mẹ và mọi người trong làng hết lòng yêu mến. Nàng là niềm tự hào của cha mẹ mình, nàng là người con rất có hiếu với cha mẹ của mình.
Cuộc sống tuy nghèo nhưng yên bình và hạnh phúc của họ sẽ cứ thế trôi qua, và sẽ vẫn như thế nếu không có một thảm họa xảy ra trong ngôi làng của họ.
Trong làng đột nhiên xuất hiện một con quái vật độc ác. Không ai có thể bắt và giết được con quái vật đó…Nhà vua ra lệnh cho tất cả đàn ông con trai trong làng thay phiên nhau đi tìm và mang đầu con quái vật đó về cho ngài.
Rất nhiều, rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng ra đi….Nhưng không một ai quay về…Cho đến một ngày, theo lệnh của nhà vua, cha của nàng cũng phải lên đường đi tìm giết con quái vật đó. Thấy cha buồn bã, nàng xin được đi thay. Nhưng cha nàng không đồng ý, vì nàng còn quá nhỏ, lúc đó nàng mới 12 tuổi.
Rồi sau đêm hôm đó, cha của nàng cũng không quay trở về…Nàng khóc vì thương cha, khóc suốt ba ngày ba đêm thì nàng mệt quá, ngủ thiếp đi.
Trong mơ, nàng gặp một bà tiên, bà nói cha của nàng chưa chết, ông và tất cả những thanh niên trai tráng trong làng chỉ bị phù phép bởi con quái vật độc ác, họ bị biến thành những pho tượng bằng đá. Và hiện đang bị giam giữ trong hang động nơi con quái vật trú ngụ. Bà chỉ cho nàng cách cứu thoát mọi người “Con quái vật đó sợ ánh ánh mặt trời, con hãy dùng những bông hoa được tạo ra từ nước mắt của con, cắm ngay trước hang động của nó khi mặt trời trên đỉnh ngọn tre, ánh sáng mặt trời từ những bông hoa ấy sẽ giết chết nó”.
Khi tỉnh dậy, nàng nhìn quanh thì thấy từ chỗ những giọt nước mắt của nàng rơi xuống mọc lên những bông hoa kỳ lạ, trong suốt như những giọt nước mắt của nàng, những bông hoa thanh mảnh, xinh xắn, mỏng manh và dễ vỡ…
Nàng thích thú ngắm nhìn và lấy tất cả những bông hoa đó đem theo bên mình, rồi từ biệt mẹ lên đường đi tìm giết con quái vật để cứu cha.
Ròng rã một thời gian dài, ngày đi, đêm leo lên cây ngủ để tránh thú dữ. Cuối cùng nàng cũng đến được hang động của con quái vật. May mắn thay, lúc này là ban ngày nên con quái vật đang trốn trong hang. Nàng làm theo lời bà tiên, cắm tất cả những bông hoa trước cửa hang và chui vào một bụi cây để trốn.
Ánh sáng mặt trời hấp thụ qua những bông hoa rọi thẳng vào trong hang, con quái vật gầm lên, gào thét rên la một cách đau đớn. Một lát sau thì tiếng la im bặt…Nàng chui vào trong hang, đi sâu vào bên trong thì thấy con quái vật đã chết. Đi sâu hơn nữa, nàng nghe tiếng cha gọi. Ánh sáng từ những bông hoa thủy tinh chiếu vào cũng hóa giải mọi phù phép của con quái vật, giúp cho cha nàng và tất cả mọi người trở lại bình thường.
Nàng tìm chìa khóa mở cửa cho cha và mọi người. Hai cha con mừng rỡ ôm nhau khóc.
Họ cùng mọi người quay trở về ngôi làng, nàng dùng những bông hoa còn lại đem trồng xung quanh ngôi làng, ánh sáng kỳ diệu phát ra từ những bông hoa đó như những ngôi sao may mắn đem lại bình yên và may mắn cho ngôi làng của họ cho đến tận sau này.
Từ đó người đời gọi những bông hoa đó với một cái tên mộc mạc, đơn sơ đó là: Hoa Thủy Tinh và cả làng sống một cuộc sống thật thanh bình và hạnh phúc bên những bông hoa may mắn đó!”
4. Sự tích cây đào
Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt, có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.
Quỹ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành đào là bỏ chạy xa bay.
Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Luỹ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái.
Ðể ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành đào về cắm trong lọ,nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ. Lâu dần, người Việt quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này, không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa. Ngày nay, hoa đào hoa mai tươi thắm khắp nhà nhà vào dịp Tết, và sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hoà hợp được trang trí mấy ngày Xuân trong không khí vui vẻ, trong sáng.
5. Sự tích hoa Thuỷ Tiên
Ngày xưa, có một ông phú hộ sinh được 4 người con trai. Khi biết mình sắp chết, ông gọi 4 người con đến, dặn dò các con phải chia gia tài của cha làm 4 phần đều nhau. Bốn người con hứa tuân lời cha trối lại, tuy nhiên, vừa chôn cất cha xong thì 3 người con đầu dành phần gia tài nhiều hơn người em út. Họ chỉ chia cho đứa em út một mảnh đất khô cằn.
Người em út rất buồn, vừa thương nhớ cha, vừa buồn các anh xử tệ với em. Đang ngồi khóc một mình trước mảnh đất khô cằn, thì người em bỗng thấy một bà Tiên từ mặt ao gần đó hiện lên bảo:
– Này con, thôi đừng khóc nữa. Khoảng đất này của con có chứa một kho tàng, mà các anh của con không biết. Kho tàng này chứa nhiều mầm của một loại hoa quý vô giá. Mỗi năm, cứ đến mùa Xuân, thì hoa đâm chồi nẩy lộc, nở từng hàng chi chít trên đất đai của con. Con sẽ hái hoa, đem bán, rất được giá. Nhờ đó, chẳng bao lâu thì con sẽ giầu có hơn các anh.
Quả thật, đến mùa Xuân ấy, đúng như lời bà Tiên nói, mảnh đất khô cằn của người em bỗng nhiên mọc lên từng hàng hoa trắng, hương thơm ngào ngạt. Để nhớ đến ơn lành của bà Tiên, người em đặt tên cho loại hoa này là Hoa Thuỷ Tiên.
Những người thích hoa, chơi hoa, và những người nhà giầu đã thi nhau đến mua hoa Thuỷ Tiên hiếm quý, với giá rất đắt. Chẳng bao lâu, người em trở nên giầu có, nhiều tiền bạc. Rồi cứ mỗi năm Tết đến, người em út lại giầu thêm, nhờ mảnh đất nở đầy hoa thơm tươi thắm. Người em trở nên giầu hơn 3 người anh tham lam kia.
Người ta tin rằng Hoa Thuỷ Tiên mang lại tài lộc và thịnh vượng. Do vậy, mỗi dịp Tết đến, chơi hoa thuỷ tiên trở thành một tục lệ đón Xuân. Những ngày cuối năm, Thuỷ Tiên được chăm sóc để hoa nở đúng Giao Thừa, hy vọng mang đến tài lộc sung túc và may mắn trong năm mới.
6. Sự tích người mẹ
Ngày xưa, khi tạo ra người Mẹ đầu tiên trên thế gian, ông Trời đã làm việc miệt mài suốt sáu ngày liền, quên ăn quên ngủ mà vẫn chưa xong việc.Thấy vậy một vị thần bèn hỏi:“Tại sao ngài lại mất quá nhiều thời giờ cho tạo vật này?”
Ông Trời đáp: “Ngươi thấy đấy. Đây là một tạo vật cực kì phức tạp gồm hơn hai trăm bộ phận có thể thay thế nhau và cực kì bền bỉ, nhưng lại không phải là gỗ đá vô tri vô giác. Tạo vật này có thể sống bằng nước lã và thức ăn thừa của con, nhưng lại đủ sức ôm ấp trong vòng tay nhiều đứa con cùng một lúc. Nụ hôn của nó có thể chữa lành mọi vết thương, từ vết trầy trên đầu gối cho tới một trái tim tan nát. Ngoài ra ta định ban cho vật này có sáu đôi tay”
Vị thần nọ ngạc nhiên: “Sáu đôi tay? Không thể tin được!”. Ông Trời đáp lại: “Thế còn ít đấy. Nếu nó có ba đôi mắt cũng chưa chắc đã đủ”. “Vậy thì ngài sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về con người do chính ngài đặt ra trước đây”, vị thần nói.
Ông Trời gật đầu thở dài: “Đành vậy. Sinh vật này là vật ta tâm đắc nhất trong những gì ta đã tạo ra, nên ta dành mọi sự ưu ái cho nó. Nó có một đôi mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đóng kín và biết được lũ trẻ đang làm gì. Đôi mắt thứ hai ở sau gáy để nhìn thấy mọi điều mà ai cũng nghĩ là không thể biết được. Đôi mắt thứ ba nằm trên trán để nhìn thấu ruột gan của những đứa con lầm lạc. Và đôi mắt này sẽ nói cho những đứa con đó biết rằng Mẹ chúng luôn hiểu, thương yêu và sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của chúng, dù bà không hề nói ra”.
Vị thần nọ chạm vào tạo vật mà ông Trời đang bỏ công cho ra đời và kêu lên: “Tại sao nó lại mềm mại đến thế?”. Ông trời đáp: “ Vậy là ngươi chưa biết. Tạo vật này rất cứng cỏi. Ngươi không thể tưởng tượng nổi những khổ đau mà tạo vật này sẽ chịu đựng và những công việc mà nó phải hoàn tất trong cuộc đời.”
Vị thần dường như phát hiện ra điều gì, bèn đưa tay sờ lên má người Mẹ đang được ông Trời tạo ra “Ồ, thưa ngài. Hình như ngài để rơi cái gì ở đây”. “Không phải. Đó là những giọt nước mắt đấy”, ông Trời thở dài.
“Nước mắt để làm gì, thưa ngài?”, vị thần hỏi.
“Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng, đau đớn, đơn độc và cả lòng tự hào – những thứ mà người Mẹ nào cũng sẽ trải qua”.
7. Con cú
Hồi đó cách đây khoảng mấy trăm năm, khi con người còn chưa tinh khôn, ranh mãnh như chúng ta ngày nay, ở thị trấn kia đã xảy ra một chuyện lạ kỳ như sau:
– Tình cờ có một con cú thuộc giống cú lớn bay đi ăn đêm từ một khu rừng gần đó rồi lạc vào kho lúa và rơm của một gia đình kia. Đến sáng hôm sau, nó vẫn náu mình trong góc kho chẳng dám bay ra nữa vì sợ các giống chim khác thấy nó tất sẽ khiếp đảm mà kêu la ầm lên.
Khi trời đã rạng hẳn, người đầy tớ nhà kho ấy vào kho lấy rơm, hắn sợ hãi co cẳng chạy lên báo chủ là trong kho có một con quái vật suốt đời hắn chưa từng thấy bao giờ. Con quái vật đảo mắt lia lịa, chắc là nó nuốt chửng người ta dễ như chơi. Chủ nhà nói:
– Tao biết tính mày rồi! Mày chỉ có gan đuổi sẻ ngoài đồng, còn hễ thấy dù chỉ là một con gà mái đã chết lăn ra đó. Trước tiên mà cũng cứ đi kiếm gậy cầm lăm lăm trong tay rồi mới dám đến gần. Để tao thân chinh xuống xem con vật kỳ quái ấy hình thù thế nào?
Chủ nhà đứng phắt ngay dậy, hùng hổ vẻ can đảm lắm, đi thẳng xuống kho, tìm ngó quanh quẩn. Nhưng khi chính mắt bác nhìn thấy con vật lạ kỳ và gớm ghiếc kia thì hoảng sợ cũng chẳng kém gì người đầy tớ. Chỉ vài bước nhảy, bác đã ra khỏi nhà kho, chạy sang khẩn khoản xin hàng xóm cứu giúp chống lại con vật lạ kỳ nguy hiểm. Nếu không sẽ nguy cho cả thị trấn một khi con quái lọt được ra ngoài.
Khắp phố xá huyên náo, bàn tán về chuyện đó. Người người khắp mọi nơi đổ về, tay giáo, tay mác, tay liềm, tay hái, tay rìu, cứ như đi đánh giặc. Mấy vị trong tòa thị chính do viên thị trưởng dẫn đầu cũng có mặt. Đoàn người tụ tập ở bãi chợ để chỉnh đốn hàng ngũ, rồi nhất tề kéo đến vây kín kho. Tiếp đấy, một người dũng cảm táo tợn nhất trong đám đông, tay lăm lăm ngọn giáo, xông vào. Nhưng mới thấy con quái, hắn đã ù té chạy, mặt nhợt như da người chết, miệng lắp bắp không nói được lời nào. Thêm hai người nữa liều mình xông đến, nhưng cũng chẳng hơn gì người kia.
Mãi sau, có một người cao lớn, lực lưỡng bước ra. Anh nổi tiếng xưa nay vì những chiến công trong chiến trận. Anh nói:
– Các người chỉ nhìn suông thì làm sao đuổi được quái vật! Trong chuyện này, phải nghiêm túc mới được. Nhưng tôi thấy hình như các ông đã hóa thành loại đàn bà nhút nhát cả rồi thì phải, chẳng ai có gan đấu trí với cáo cả.
Anh đòi đem giáp, trụ, giáo, kiếm lại. Binh giáp đã sẵn sàng, mọi người đâm lo cho tính mạng anh, nhưng ai cũng khen anh là dũng cảm. Hai cánh cổng kho được mở và người ta thấy con cú đã bay lên đậu chính giữa một cái xà ngang rất lớn. Anh bảo đi lấy thang. Khi anh đặt thang xong, chuẩn bị trèo lên, ở bốn phía mọi người reo hò, cổ vũ anh, cầu thánh Gioóc, vị thánh đã giết rồng khi xưa phù hộ độ trì cho anh. Khi anh trèo sắp tới gần, con cú mới nhận ra là anh muốn trèo đến chỗ nó. Nó lại nhìn thấy đám đông người ở ngoài hô hoán huyên náo cả một vùng nên càng bàng hoàng, không biết trốn đi đâu. Mắt nó long lên, chớp liên tục, xù lông, giương cánh, cất giọng khàn khàn: “Cú… cú….” Đám đông hò hét khích lệ người anh hùng dũng cảm:
– Đâm đi, đâm luôn đi thôi!
Anh thanh niên đáp:
– Có giỏi cứ lên đây đứng, xem có còn dám hô “đâm đi” nữa không.
Thực ra anh cứ bước lên thêm được một nấc thang nữa, nhưng rồi toàn thân run rẩy. Anh rút lui trong tình trạng gần ngất xỉu.
Giờ không còn một ai dám dấn thân vào chỗ nguy hiểm ấy nữa. Mọi người bảo nhau:
– Con quái vật mới há mỏ, hà hơi thôi mà đã làm cho tráng sĩ cừ nhất của chúng ta trúng độc và bị thương rồi. Những loại như chúng ta dù có liều thân cũng chẳng được tích sự gì.
Họ đứng bàn tán, tìm xem có cách nào để cứu cả thị trấn khỏi đổ nát không. Tất cả mọi cách gần như không có hy vọng gì. Mãi sau, viên thị trưởng mới nghĩ ra một kế. Ông nói:
– Tôi nghĩ thế này: Ta đốt cả nhà kho cùng con quái vật kia. Rồi ta quyên góp tiền bồi thường cho chủ nhà cả kho lẫn rơm, lúa, cỏ, cùng những vật dụng để trong đó. Như vậy thì chẳng một ai phải liều thân nữa. Trong chuyện này không thể tính chi li được. Bủn xỉn chỉ mang hại cho chính mình.
Tất cả mọi người đều nhất trí như vậy. Mọi người, mỗi người một tay, châm lửa bốn góc nhà kho. Chẳng mấy chốc, nhà kho bị cháy rụi, con cú cũng bị chết thảm hại trong lò lửa.
Ai không tin chuyện kể, xin cứ đến đó mà hỏi.
8. Con sáo và phú trưởng giả
Ngày xưa có một con sáo nói được tiếng người và hiểu được ý người. Từ lâu, sáo làm bạn với một bác nông dân rất nghèo. Hôm ấy, bác đi cày bắt được sáo ta bị thương nằm nép trong bụi lúa, bèn đưa về chăm sóc, dần dần dạy sáo học, sáo biết đủ mọi thứ. Đối với sáo bác rất tận tình; mỗi khi có miếng ăn đều dành phần cho sáo. Bác bảo sáo: – “Tao già rồi mà không có con nên tao nhận mày làm con!”. Sáo được tự do muốn đi đâu mặc ý, không bị nhốt trong lồng. Nhưng sáo rất quyến luyến bác, không muốn rời.
Gần đấy có phú trưởng giả giàu nứt đố đổ vách. Nhà hắn tiền ròng bạc chảy đến nỗi thỉnh thoảng hắn lại đem vàng ra phơi nói là cho đỡ ẩm. Một hôm sáo bay qua nhà phú trường giả gặp kỳ hắn đang phơi vàng. Sáo biết là của quý vội sà xuống cắp lấy mấy thoi đưa về cho bố nuôi. Từ đấy bác nông dân sống dễ chịu hơn trước.
Phú trưởng giả từ ngày mất vàng không biết nghi cho ai được, vì hắn phơi tận trên nóc nhà lại nghiêm cấm không cho một ai tới gần, nên hắn đành nín lặng. Nhưng hắn vẫn để tâm rình mò quyết tìm cho ra. Một hôm khác, hắn lại phơi vàng. Sáo bay qua trông thấy lại sà xuống lấy, nhưng không may bị phú trưởng giả nhanh tay chộp được. Lập tức hắn tra khảo sáo để mong tìm lại những vàng đã mất lần trước. Hắn hỏi sáo:
– Mày ở nhà nào?
Sáo đáp:
– Tôi ở trên rừng.
– Ai dạy mày trộm vàng của tao?
– Chả ai dạy cả.
– Mày trộm về cho ai?
– Tôi quẳng lên rừng.
Tức tối vì không tìm ra được manh mối, phú trưởng giả liền sai gia nhân vặt lông sáo cho kỳ trụi để cho sáo chết một cách đau đớn. Nhưng mới nhổ được mấy cái lông thì sáo đã giả bộ chết, nằm ngay đơ, cánh sã ra, không cựa quậy. Phú trưởng giả sai vứt sáo ra ngoài bụi tre. Chỉ một chốc sau sáo đã đứng dậy và gượng lần về nhà.
Mấy tháng sau, ở một ngôi đền của làng bỗng xảy ra một việc rất lạ. Mỗi lần người thủ từ vào thắp hương đều nghe trên tượng Đức ông có phát ra tiếng gọi: – “Sắp có nạn lớn, hãy bảo phú trưởng giả đến cho ta bảo”. Người thủ từ trước còn hồ nghi, nhưng nghe đến lần thứ hai thì hốt hoảng, vội đi báo tin cho phú trưởng giả biết. Nghe thủ từ nói, phú trưởng giả cũng không kém hốt hoảng, vội mang khăn áo tới đền với một mâm cỗ để nghe Đức Ông phán bảo. Khi hắn đang lễ xì xụp thì tiếng ở trên tượng truyền xuống bảo hắn phải cạo đầu quy y một thời gian mới mong tai qua nạn khỏi. Hắn toát mồ hôi, vâng vâng dạ dạ. Cuối cùng, hắn đành nhờ người cạo phăng mớ tóc và mặc đồ nâu sồng xin hòa thượng cho vào ở chùa để mong Phật che chở như lời Đức Ông truyền.
Nhưng được mấy ngày sau, Đức Ông lại bảo người từ giữ đền gọi hắn đến. Khi lão phú trưởng giả và mọi người đang quỳ lom khom đợi Đức Ông bảo ban, thì sáo ta từ bức tượng bay ra nói với chúng:
– Hãy mở mắt ra mà nhìn đây! Tao đây chả phải thần thánh gì cả. Chỉ vì mày làm tao đau đớn suýt chết nên tao phải báo thù mày một phen.
Nói đoạn, sáo cười lên một thôi rồi sà xuống mâm mổ lấy mổ để.
Cái đầu trọc của phú trưởng giả ngửng lên, và khi thấy được sự thực, hắn giận tràn hông, nhảy xô lại định bắt giết con sáo cho hả giận, nhưng sáo ta đã bay ra khỏi đền và đi mất.
9. Sự tích hoa Ngọc Lan
Ngày xửa ngày xưa, tất cả các loài cây trên Trái Đất thuở ban đầu mới chỉ có lá mà chưa có hoa như bây giờ. Trời sai Thần Sắc Đẹp dùng bút vẽ muôn ngàn bông hoa khác nhau cho cây cối. Vâng mệnh trời, Thần Sắc Đẹp bay xuống trần gian, đi khắp nơi để vẽ hoa cho cây cối.
Vẽ xong, Thần ngắm lại vẫn chưa hài lòng. Thần muốn tặng các hương thơm lên các loài hoa Thần vừa vẽ. Ngặt một nỗi Thần không đủ hương để chia đều cho tất cả các loài hoa. Thần quyết định sẽ tặng làn hương quý báu này cho loài hoa nào có tấm lòng tốt nhất, thơm thảo nhất. Thần hỏi Hoa Hồng:
– Nếu có hương thơm thì nhà ngươi sẽ làm gì?
– Cháu sẽ nhờ chị gió mang tặng cho tất cả. – Hoa Hồng trả lời.
Thần Sắc Đẹp hài lòng, tặng ngay cho Hoa Hồng làn hương quý báu. Thần hỏi Hoa Sữa:
– Nếu có hương thơm thì nhà ngươi sẽ làm gì?
– Cháu sẽ tỏa ngát trong đêm để dù đêm tối đến đâu ai cũng nhận ra cháu. – Hoa Sữa trả lời.
Câu trả lời này không làm Thần Sắc Đẹp hài lòng lắm. Nhưng rồi Thần cũng ban tặng làn hương thơm cho Hoa Sữa. Gặp hàng Râm Bụt đỏ chót, Thần lại hỏi:
– Nếu có hương thơm thì nhà ngươi sẽ làm gì?
Hoa Râm Bụt loe cái miệng trả lời:
– Nếu có hương thơm thì ai cũng nể phục tôi. Cái đám hoa Dong Riềng kia không dám khoe sắc, đọ tài với tôi nữa.
Thần Sắc Đẹp lắc đầu, buồn rầu bỏ đi. Đi mãi, ban tặng gần hết bình hương thì Thần gặp hoa Ngọc Lan:
– Hỡi hoa Ngọc Lan bé nhỏ. Nếu ta ban cho nhà ngươi làn hương thơm còn lại kỳ diệu này thì nhà ngươi sẽ làm gì?
Hoa Ngọc Lan suy nghĩ một hồi. Thần Sắc Đẹp nhắc lại câu hỏi đến lần thứ ba hoa Ngọc Lan mới ngập ngừng trả lời:
– Cháu xin cảm ơn Thần Sắc Đẹp. Cháu thích lắm. Nhưng cháu không muốn nhận đâu.
Thần Sắc Đẹp ngạc nhiên hỏi:
– Loài hoa nào cũng muốn ta ban tặng. Tại sao nhà ngươi lại từ chối?
– Cháu muốn Thần đem phần hương này đến ban tặng cho loài Hoa Cỏ. Cháu còn được ở trên cao. Hoa Cỏ đã xấu xí lại còn bị giày xéo hàng ngày. Hoa Cỏ khổ lắm…
Nói đến đấy hoa Ngọc Lan òa khóc. Thần Sắc Đẹp vô cùng cảm động liền ban tặng cho hoa Ngọc Lan phần hương nhiều hơn các loài hoa khác.
Chính vì có tấm lòng thơm thảo mà từ đó hoa Ngọc Lan lúc nào cũng thơm ngát hương hơn hẳn các loài hoa khác.
10. Sự tích con dế
Ngày xưa, có một người đàn ông hai vợ, người vợ cả chết sớm để lại một đứa con trai còn bé tên là Văn Linh. Người vợ lẽ cũng sinh được một đứa con trai khác tên là Văn Lang. Văn Lang hơn Văn Linh những năm tuổi, nhưng hai anh em chơi với nhau thân thiết hơn cả anh em cùng một mẹ. Những khi Văn Linh bị trẻ con lối xóm ăn hiếp, Văn Lang lập tức bênh vực. Nhưng Văn Lang không biết rằng mẹ chàng trai lại coi Văn Linh như kẻ thù.
Văn Linh ngày một lớn khôn, người bố cho chàng theo nghiệp sách đèn. Còn Văn Lang thì từ lâu đã theo bố tập quen nghề trông coi cày cấy. Nhà họ vốn có của ăn của để. Cả một tư cơ đồ sộ chắt chiu đã vài ba đời được gần vài chục mẫu ruộng và một mẫu vườn, có nhà ngói cây mít, thuộc vào loại khá nhất trong vùng.
Đột nhiên người bố ốm nặng rồi qua đời. Người dì ghẻ ngoài mặt thì đối đãi với Văn Linh ngọt ngào tử tế nhưng trong bụng muốn nhổ cái gai trước mắt. Là con đích, Văn Linh sẽ được gần như toàn bộ tài sản. Còn mẹ con Văn Lang thì nhiều lắm cũng được vài ba mẫu ruộng xấu với một cái trại ở bên kia đồi. Tục lệ đã đặt số phận của hai anh em là như vậy. Người dì ghẻ bỗng nảy tà tâm, muốn giết chết con chồng để chiếm lấy tất cả gia tài. Ý nghĩ ấy ngày một nung nấu trong lòng mụ, càng nung nấu nhiều hơn từ hôm người chồng, kẻ bênh vực cho Văn Linh không còn nữa.
Một hôm, người mẹ ghẻ sai hai anh em mang tiền đi mua gỗ. Trước khi đi, mẹ gọi con đẻ vào buồng riêng dặn dò:
– “Con ơi! Con hãy tìm cách “khử” nó đi. Rừng nhiều thú dữ, sức con thì khỏe gấp đôi nó, nếu khôn khéo và kín đáo thì con chẳng sợ tội vạ gì hết!…” Người mẹ còn rỉ tai:
– “Nếu nó mà sống được thì mẹ con ta không đất cắm dùi… Có trừ đi được, chúng ta mới mong sung sướng…”.
Văn Lang không muốn nghe lời mẹ, nhưng cũng không muốn làm phật ý mẹ, bèn cứ giả tảng vâng lời khăn gói ra đi. Đến cửa rừng. Văn Lang nói thật cho Văn Linh biết mọi việc, rồi bảo:
– Mẹ tôi trước sau cũng tìm cách hại anh. Vậy anh hãy tìm cách trốn đi. Số tiền mua gỗ anh hãy cầm lấy tất cả mà tiêu. Đến một lúc nào đó anh hãy trở về, chúng ta sẽ sống bên nhau.
Khi Văn Linh đi rồi, Văn Lang giết một con chó lấy máu bôi khắp nơi, rồi trở về nói cho mẹ biết là mình đã hạ thủ Văn Linh xong, mặt khác nói với mọi người rằng anh mình đã bị hổ vồ mất tích. Xóm làng không một ai nghi ngờ. Người dì ghẻ cho là mưu của mình đã đạt, từ đấy không còn lo lắng gì nữa.
Lại nói chuyện Văn Linh đau khổ từ giã Văn Lang ra đi. Một thân một mình chưa từng rời khỏi nhà bao giờ nay bơ vơ giữa một nơi xa lạ, chàng ngập ngừng không biết đi đâu. Loanh quanh mãi, cuối cùng một đêm nọ chàng lại lần về mồ mẹ, nằm úp lên mộ than khóc rồi ngủ quên. Ở dưới mồ, mẹ chàng thương con quá, bèn hiện lên thành con chim phượng hoàng lớn ấp con vào đôi cánh. Thấy trời sắp sáng, phượng hoàng dùng chân quắp lấy Văn Linh rồi bay đi rất xa. Từ một hòn núi cao, phượng hoàng hạ cánh. Tỉnh dậy, Văn Linh sửng sốt, nhưng phượng hoàng đã nói:
– Ta là mẹ con. Con hãy ở đây chớ về mà nguy hiểm. Rồi hàng ngày mẹ sẽ đến với con.
Nói rồi phượng hoàng hóa thành nhà cửa và mọi đồ ăn thức dùng để Văn Linh ăn ở tại đấy. Sợ con xao nhãng học tập, phượng hoàng lại mang sách vở tới cho con ôn luyện. Ban ngày phượng hoàng biến đi, nhưng đêm lại, nó bay đến chỗ Văn Linh ở để bảo vệ chàng. Tờ mờ sáng nó còn gáy lên để đánh thức con dậy học, rồi mới chịu cất cánh bay về.
Bấy giờ ở phía dưới núi có một xóm dân cư rải rác, trong xóm có nhà một cô con gái tên là Ngọc Châu. Ngọc Châu đẹp như hoa mà chưa có chồng. Nàng có một người đầy tớ gái tên là Hồng. Hai người sống nương tựa vào nhau, lấy nghề dệt vải nuôi thân. Từ dạo Văn Linh đến ở trên núi, hai thầy trò Ngọc Châu lấy làm lạ không hiểu vì sao trên núi từ xưa vắng bóng người, thế mà lúc này cứ mờ sáng khi họ ngồi vào khung cửi đã nghe tiếng chim phượng gáy, rồi nghe tiếng học trò học sang sảng cho đến sáng.
Một hôm gà gáy canh năm, Ngọc Châu giả cách làm tắt đống nhấm để bắt nàng Hồng lên núi xin lửa của người học trò bấy giờ đã cất tiếng đọc sách. Hôm ấy Văn Linh dậy sớm thắp đèn ngồi học, bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Chàng mở cửa ra thì là một cô gái. Sau khi cho lửa, anh hỏi vay cô gái một hũ dầu vì dầu nhà mình đã cạn. Nàng Hồng chỉ nhà để anh xuống lấy. Nhờ đó Văn Linh làm quen với Ngọc Châu. Thế là chàng đã có bạn xóm giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Từ chỗ quen nhau họ muốn được nên vợ nên chồng. Một hôm, Ngọc Châu mời chàng về ở cùng mình một nhà để tiện bề đèn sách. Được con báo tin, chim phượng hoàng mang tới cho áo quần và tiền bạc. Rồi đó nó không trở lại nữa. Đám cưới cử hành đơn giản nhưng cũng rất vui. Từ nay bên anh đọc sách bên nàng quay xa, cảnh đầm ấm ấy không ai hơn được. Sau năm năm học thành tài, Văn Linh quảy lều chiếu đi thi. Đậu trường hương, chàng vào kinh quyết tranh đua ở trường hội. Chàng sung sướng khi nghe loa báo có tên mình ở bảng tiến sĩ. Hôm vinh quy, cờ quạt chiêng trống và quân gia rầm rộ kéo về quê. Thấy anh vinh hiển trở về, Văn Lang hết sức mừng rỡ. Trong khi ấy người dì ghẻ nghe tin đột ngột không kịp trốn, bèn chui xuống nấp dưới gậm giường. Nhưng vì quá sợ hãi mụ đã vỡ mật mà chết, hóa thành con dế.
11. Sự tích bông hoa cúc
Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, không ai còn nhớ rõ là tự bao giờ. Ở một vùng nọ có hai mẹ con rất nghèo sống với nhau. Người mẹ đau yếu luôn. Mắt bà mờ dần đi, còn tai thì ù không nghe rõ.
Con gái bà còn rất nhỏ. Bệnh tình của người mẹ ngày một nặng thêm. Bà không ăn, không ngủ được. Em bé thương mẹ lắm. Em luôn luôn ở bên mẹ, nhưng cũng không thể làm cho mẹ khỏi bệnh được. Người ta bảo em rằng: ở một nơi kia, có ông thầy lang giỏi, nên em quyết tâm đi tìm thầy chữa bệnh cho mẹ. Em đi suốt cả ngày đêm. Rồi một hôm em đến một ngôi chùa. Em vừa đói vừa mệt, nằm vật ra trước cổng chùa.
Tấm lòng hiếu thảo của em động đến Trời Phật, nên một ông thầy chùa đi ra ngoài về, gặp thấy em, ông đưa vào chùa, và cho em ăn uống, nghe đầu đuôi câu chuyện. Thấy em hiếu thảo, ông đưa cho em một bông hoa Cúc, và dặn cách làm thuốc cho mẹ uống. Ông Sư còn cho em biết là bông Cúc có bao nhiêu cánh thì mẹ em sẽ sống thêm được bấy nhiêu năm. Em bé cám ơn rối rít, rồi mừng rỡ, em chào từ giã nhà sư ra về.
Vì mong cho mẹ sống thật lâu, em ngồi xuống bên đường, lấy tay xé các cánh hoa cúc ra thành nhiều cánh nhỏ. Từ đó hoa Cúc có vô số cánh nhỏ li ti. Bà mẹ đã được chữa lành bệnh và sống rất lâu với người con gái hiếu thảo của mình. Ngày nay hoa Cúc là một trong những vị thuốc nam được dùng nhiều trong các đơn thuốc, có tên là Liêu Chi.
12. Sơn Tinh, Thủy Tinh
Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên gọi là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Mỵ Nương được vua cha yêu thương rất mực. Nhà vua muốn kén cho nàng một người chồng thật xứng đáng.
Một hôm có hai chàng trai đến, xin ra mắt nhà vua để cầu hôn. Một người ở vùng núi Ba Vì, tuấn tú và tài giỏi khác thường: chỉ tay về phía đông, phía đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về phía tây, phía tây mọc lên hàng dãy núi. Nhân dân trong vùng gọi chàng là Sơn Tinh. Còn một người ở mãi tận miền biển Đông tài giỏi cũng không kém: gọi gió, gió đến, hò ma, ma tới – Chàng này tên gọi là Thủy Tinh.
Một người là chúa của miền non cao, một người là chúa của vùng nước thẳm, cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng cả. Hùng Vương băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai. Nhà vua cho mời các quan lạc hầu vào bàn mà vẫn không tìm được kế hay. Cuối cùng, Hùng Vương phán rằng:
– Hai người đều vừa ý ta cả, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Ngày mai, nếu ai đem đồ sính lễ đến đây trước: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, thì được rước dâu về.
Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến trước và được phép đưa dâu về núi. Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo, một hai đòi cướp lại Mỵ Nương.
Thủy Tinh hô ma, gọi gió, làm thành dông bão đùng đùng rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn tiến đánh Sơn Tinh. Nước ngập lúa, ngập đồng rồi ngập nhà, ngập cửa.
Sơn Tinh không hề nao núng, dùng phép màu bốc từng quả đồi, di từng dãy núi chặn đứng dòng nước lũ. Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời liền, cuối cùng Thủy Tinh đuối sức phải rút quân về.
Từ đó, oán ngày càng thêm nặng, thù ngày càng thêm sâu, không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, dâng nước lên đánh Sơn Tinh và lần nào Thủy Tinh cũng thua, phải bỏ chạy.
13. Ông vua và anh thợ giày
Ngày xưa, tại kinh đô một nước nọ, có một người thợ đóng giày rất nghèo. Anh khâu vá giày suốt ngày mà chỉ đủ ăn.
Một hôm, nhà vua muốn biết trong kinh đô mọi người sống ra sao. Tối hôm đó, vua bèn đóng giả một người dân thường và đi ra phố. Nhà nào cũng ngủ cả, chỉ có gia đình anh thợ giày còn thức. Vua liền vào.
Anh thợ giày không biết là ai nhưng vẫn niềm nở mời khách ngồi vào bàn cùng ăn cơm. Vua hỏi:
– Tôi muốn biết anh làm nghề gì?
– Thưa bác, tôi là một người thợ giày tầm thương, cả ngày làm lụng vất vả, được bao nhiêu tiền là mua gạo nuôi cả nhà. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.
– A! Thế nếu người ta đóng cửa hàng của anh thì anh làm thế nào?
Anh thợ giày trả lời:
– Ai có quyền đóng của hàng của tôi, chỉ trừ nhà vua. Nhưng tôi chắc nhà vua không điên rồ như vậy.
Nhà vua ra về. Sáng hôm sau chợt có lệnh ban ra: “Bất cứ cửa hàng nào cũng phải đóng cửa trong ngày hôm nay”.
Các của hàng đều phải đóng cửa. Đến tối, nhà vua lại đóng giả dân thường, đến thăm anh thợ giày xem anh ta làm gì. Nhưng anh thợ giày vẫn vui vẻ như hôm qua.
Thấy có khách đến, anh reo lên:
– A! Bác vẫn mạnh khỏe đấy chứ? Mời bác vào đây.
Vua ngồi xuống bên bàn và hỏi:
– Sao hôm nay anh cũng kiếm được đủ ăn cả ngày thế?
Anh thợ giày nói:
– Nhà vua thật đáng ghét. Nhưng tôi ra phố gánh nước thuê, nên vẫn kiếm ăn được. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.
Nhà vua về và sáng hôm sau cho gọi anh thợ giày vào cung. Vì vua mặc áo mũ dát vàng ngọc lấp lánh nên anh thợ giày không nhận ra người khách hôm qua.
Vua trao cho anh thợ giày một thanh kiếm và bắt đứng gác ở cổng thành. Đến gần tối, vua cho anh về và bắt sáng mai lại phải đến gác.
Về nhà, anh thợ giày lo vợ con đói, liền tháo lưỡi kiếm của vua đem bán để lấy tiền đong gạo. Anh đẽo một lưỡi kiếm gỗ tra vào cán và vẫn để vào bao để treo như cũ.
Tối hôm đó, vua lại cải trang ra thăm anh thợ giày.
Anh thợ giày nói với khách:
– Hôm nay, ông vua ngốc bắt tôi đi gác. Tôi lo không kiếm ra tiền thì cả nhà đói. Sau tôi nghĩ: “Không đời nào nhà vua lại sai tôi dùng kiếm để chém ai cả, nên tôi đã bán đi và đẽo một thanh kiếm gỗ thay vào. Nhà vua ngu ngốc biết sao được trong bao kiếm có cái gì”.
Sáng hôm sau, anh thợ giày vẫn phải gác ở cổng thành. Nhà vua gọi một người hầu ra và quát mắng. Sau vua truyền lệnh đem chém người hầu đó. Vua gọi anh thợ giày vào và bắt anh chém đầu người hầu.
Anh thở giày thở dài, rồi nói:
– Tâu bệ hạ [5], tên hầy này là người ngay thật. Xin bệ hạ tha cho hắn.
Vua quát:
– Không phải thương cho hắn. Ngươi hãy chém đầu hắn ngay trước mặt ta.
Anh thợ giày nói:
– Nếu người hầu đây không phạm tội gì thì xin lưỡi kiếm này sẽ biến thành lưỡi gỗ.
Anh rút kiếm ra và lưỡi kiếm sắt biến thành lưỡi kiếm gỗ thật.
Nhà vua đành chịu thua anh thợ giày. Vua truyền tha cho người hầu và cho anh thợ giày về nhà làm ăn như cũ.
14. Chàng rể thông minh
Vua A-bíp có một nàng công chúa đã lớn mà chưa chịu lấy chồng.
Đã có hàng trăm chàng trai, con các gia đình quyền quý đến cầu hôn nhưng nàng đều từ chối.
Vua cha tuy không muốn ép buộc con, nhưng vẫn lo âu, phàn nàn với công chúa:
– Con không thể ở vậy suốt đời con ạ, con chẳng có anh em trai, con là con gái độc nhất của ta. Sau khi ta chết đi, thân phận con rồi sẽ ra sao? Con ương bướng thế này làm ta buồn phiền lắm.
– Thưa vua cha, con có từ chối không lấy chồng đâu. Con chỉ muốn cha tìm được một chàng rể chồng thông minh và tế nhị.
Vua cha vui mừng:
– Vậy con làm thế nào để nhận ra trí thông minh và sự tế nhị của người chồng tương lại của con?
– Như thế này ạ: Vua cha hãy mở một cuộc thi. Con sẽ kể về một câu chuyện nói khoác. Người nào bịa được một chuyện nói khoác tài hơn sẽ làm chồng con.
Đúng là một lý lẽ khôn ngoan, vì phải có một trí thông minh mới bịa được một câu chuyện hay.
Đối với nhà vua, cách chọn chồng như vậy thật là lạ đời, nhưng vua vẫn không muốn trái ý cô con gái yêu.
Lệnh truyền đi khắp các đô thị, thôn xóm, các bộ lạc xa xôi: Nhà vua sẽ gả con gái cho người nào kể được một câu chuyện nói khoác hay hơn hẳn câu chuyện của công chúa.
Câu chuyện ấy như sau: “Công chúa thuê làm một cái nồi. Nồi to đến nỗi phải dùng ba trăm sáu mươi cái đinh để đóng ghép các bộ phận lại. Mỗi cái đinh phải do một người thợ rèn đóng. Người thợ rèn này không nghe thấy tiếng búa của người kia vì khoảng cách giữa những người thợ làm chiếc nồi khổng lồ kia xa lắm”.
Những chàng trai con các nhà quyền quý, sang trọng từ khắp bốn phương trời đến, lũ lượt về thủ đô dự thi. Họ đều được mời vào triều, đến trước nhà vua, có công chúa đứng bên cạnh.
Người nào cũng kể câu chuyện nói khoác của mình nhưng so với câu chuyện của công chúa thì những chuyện của họ đều ngớ ngẩn.
Tuần này tiếp tuần nọ, các chàng trai đến cầu hôn ngượng ngùng lần lượt rút lui. Vua cha vẫn làm tiệc linh đình tiễn đưa họ và ban nhiều tặng phẩm an ủi họ.
Công chúa thắng lợi. Nàng kiêu hãnh thấy mình đã hơn hẳn các chàng trai kia. Hơn nữa nàng vui sướng được tiếp tục sống theo ý thích của mình mà vẫn không làm vua cha buồn giận. Trái lại nhà vua rất buồn phiền, lo lắng. Vua biết rằng mỗi một người thua cuộc sẽ là một kẻ thù địch của đất nước mình.
Thế rồi một ngày nọ, một chàng trai đến xin dự thi. Anh ta khác hẳn các chàng trai giàu có, sang trọng đến thi lần trước: Anh ta chỉ là một người nghèo khổ. Cúi chào nhà vua và công chúa xong, anh bắt đầu kể:
“Tôi trồng được một cây bắp cải có ba trăm sáu mươi lá. Mỗi lá che được ba trăm sáu mươi kỵ sĩ. Người kỵ sĩ này không trông thấy được kỵ sĩ kia, vì chỗ họ đứng rất cách xa nhau”
Công chúa hỏi:
– Thế anh định dùng cái gì để luộc cây bắp cải ấy?
– Thưa công chúa, chính dùng cái nồi của công chúa đấy ạ.
Công chúa reo lên:
– A! Câu chuyện của anh hay hơn hẳn của tôi. Tôi xin chịu tài anh.
Thế là anh chàng nghèo khó được lấy công chúa và họ sống cuộc đời rất sung sướng.
15. Sự tích hoa Mimosa
Ở vùng đất tươi đẹp nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm xưa, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm. Chàng là con của một ngư dân, có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và thông minh tuyệt vời.
Nàng là con gái cưng của một gia đình quý tộc, đẹp rực rỡ, đài các và có tấm lòng nhân hậu.
Tuy nhiên, gia đình lại ép gả nàng cho một công tước hoàng gia. Chàng trai buồn phiền từ giã biển khơi, bỏ nghề chài lưới, lên một vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng.
Khi chàng vừa đặt chân đến nơi, thì một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra. Một mình chàng bất chấp hiểm nguy để cứu những cánh rừng xanh và những con Kangaroo tội nghiệp. Và rồi, ngọn lửa quái ác kia đã làm chàng ngất xỉu và thiêu sống chàng.
Khi hay tin chàng trai bỏ thành phố biển lên ngàn tìm quên mối tình đầu dang dở, trong đêm tân hôn cô gái đã bỏ trốn để tìm người yêu. Nhưng, khi gặp được chàng thì nàng chỉ thấy thân xác chàng bên đống tro tàn của cánh rừng bị cháy.
Nàng quỳ xuống và gục chết bên người yêu. Từ đó, trên vùng núi cao của đất nước thơ mộng – nơi cặp tình nhân đã mất cho tình yêu xuất hiện một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm mát.
Người dân địa phương đặt cho loài cây này một cái tên thật đẹp: Mimosa. Ngày nay, các cặp tình nhân thường tặng hoa Mimosa cho nhau để khẳng định sự chung thủy, luôn hướng về người mình đem lòng yêu thương.