Đây là cách mở bài khá độc đáo, có thể giúp gây ấn tượng. Các em có thể sử dụng những bài ca dao, tục ngữ hay câu châm ngôn tương đồng. Dưới đây chắc chắn sẽ góp phần giúp bạn đạt điểm cao với bài văn của mình.
1. Mở bài trực tiếp
Công thức: Tác giả (nêu phong cách) Tác phẩm (nêu vị trí) Nội dung chính của đề thi yêu cầu Dẫn vào
VÍ DỤ: Phân tích hình tượng người lính "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng qua 1 đoạn thơ nào đó.
Tác giả (nêu phong cách): Quang Dũng là nhà thơ của “Xứ đoài mây trắng”- một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc...Ở lĩnh vực nào cũng ghi dấu ấn thành công của ông, nhưng Quang Dũng trước hết là một tiếng thơ tinh tế, một hồn thơ lãng mạn và tài hoa. Anh viết rất nhiều về linh, trong số đó có bài thơ “Tây Tiến”.
Tác phẩm (nếu vị trí ): “Tây Tiến” là sáng tác tiêu biểu nhất cho hồn thơ ấy của Quan Dũng . Bài thơ được ví như bông hoa đầu mùa ngát hương của vườn hoa thơ ca khán chiến chống Pháp.
Nội dung chính của đề thi yêu cầu: Tác phẩm là hồi ức đẹp về những năm tháng gian khổ mà hào hùng của những người chiến binh dũng cảm mà hào hoa – Tây Tiến.
Dẫn vào: Tất cả những vẻ đẹp ấy đã được Quang Dũng tập trung khắc họa một cách tinh tế qua đoạn thơ:
Mở bài mẫu
Quang Dũng là nhà thơ của “xứ Đoài mây trắng” – một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc...Ở lĩnh vực nào cũng dấu ấn thành công của ông, nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ tinh tế, một hồn thơ lãng mạn và tài hoa. Anh viết rất nhiều về trong số đó có bài thơ “Tây Tiến”. “Tây Tiến” là sáng tác tiêu nhất cho hồn thơ ấy của Quang Dũng . Bài thơ được ví như bông đầu mùa ngát hương của vườn hoa thơ ca kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là hồi ức đẹp về những năm tháng gian khổ mà hào của những người chiến binh dũng cảm mà hào hoa – Tây Tiến. Tất cả những vẻ đẹp ấy đã được Quang Dũng tập trung khắc họa một cách tinh tế qua đoạn thơ:
2. Mở bài gián tiếp
Công thức: Dẫn dắt bằng khái quát, lý luận hoá vấn đề Nội dung đề bài yêu cầu.
VÍ DỤ: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua bài thơ "Sóng" của thi sĩ Xuân Quỳnh.
Dẫn dắt bằng khái quát, lý luận hóa vấn đề: Không biết từ bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc hơi thở của một mùa thu trong veo, Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng.
Nội dung đề thi yêu cầu: Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ “Sóng” ngời sáng như một hòn ngọc báu của Văn chương.
Mở bài mẫu
Không biết từ bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc hơi thở của một mùa thu trong veo, Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ “Sóng” ngời sáng như một hòn ngọc báu của Văn chương.
3. Mở bài khi quá bí
Mở bài cho dạng đề phân tích nhân vật
Cách 1: “Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. ( Văn chương lâm nguy, Todorov).
Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi thế giới khác nhau của mỗi một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm, nhà văn/nhà thơ,đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật.
Cách 2: Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sang, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn/nhà thơ đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật
Cách 3: Nhà phê bình văn học G.Jung từng viết “Từ sự không thỏa mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.” Và trong tác phẩm nhà văn/nhà thơ đã để nguyên tượng ấy hiện lên đầy sống động qua nhân vật
Cách 4: Văn học như một thiên thần mang sứ mệnh che chở và bảo vệ con người. Trong tác phẩm nhà văn/nhà thơ đã để ngòi bút của mình thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả đó qua hình tượng nhân vật thật ấn tượng.
Nghị luận về đoạn trích, thơ, văn xuôi
Cách 1: Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao. Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ để tác phẩm, đặc biệt là đoạn trích còn vấn vương trong trái tim biết bao bạn đọc.
Cách 2: Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả đã để tác phẩm của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích
4. Mở bài dùng cho lý luận văn học
Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống
Mở bài 1
Có ai yêu một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó là tiếng lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời – câu chuyện được ngân vang trên ngọn đồi tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo. Chính hiện thực cuộc sống luôn là cảm hứng cho sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, là cầu nối tâm hồn đồng điệu của người nghệ sĩ với độc giả. Chính vì vậy, … đã khẳng định: …
Mở bài 2
“Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy
Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều
Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy
Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu”.
Nếu hội họa dùng đường nét và màu sắc để phác họa nên bức tranh cuộc sống, âm nhạc dùng ca từ và giai điệu để tạo nên những tiếng ca thì văn học dùng ngôn ngữ và hình ảnh để làm chất liệu cho sáng tác. Hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương, người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát thì mới mong tạo ra được thứ gì đó để đời. Nói như …:
Chức năng giáo dục của văn học
Mở bài 1
Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn tự hát về vùng đất mênh mang nắng gió; như ánh mặt trời sinh ra để thiêu đốt đi cái lạnh giá vĩnh cửu của mùa đông, văn học sinh ra để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị đẩy vào cùng đường, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Nói như …:
Mở bài 2
Sáng tác văn học được ví như công việc của một người chèo thuyền trên sông. Nước chảy thuyền trôi … Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên bờ hoang vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến, mang theo những khuôn hàng để trao tay đến độc giả những bài học, những cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn trong suốt chặng đường lênh đênh sóng nước. Một tác phẩm chân chính phải có chức năng hàng đầu là giáo dục và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Nói như …:
Giá trị thẩm mĩ của văn học
Mở bài 1
Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hay những cánh đồng đã úa tàn không còn sinh khí? Cuộc đời là hành trình đi tìm cái đẹp và luôn vì cái đẹp mà tồn tại. Xuất phát từ đặc trưng của văn học, đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, cũng là đạo đức của văn chương. Chính vì vậy, … đã khẳng định:
Mở bài 2
Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất, tôi sẽ chọn lấy một cành hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu phải chọn một thanh âm cao nhất, tôi sẽ chọn lấy tiếng hót thiết tha của loài chim họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca từ văn chương bao giờ cũng vui tươi và rạo rực, giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên, chúng giống như một nốt nhạc du dương va chạm với tâm hồn người đọc. Từ đó, văn chương sẽ giúp con người có những nhận thức mới mẻ và cảm nhận sâu sắc hơn về cái đẹp của cuộc đời, cái đẹp trong từng trang thơ. Nói như …:
Tính sáng tạo của người nghệ sĩ
Mở bài 1
Ai đó đã nó rằng hoa hồng ở lại giữa đời nhờ hương thơm say đắm, không nồng nàn như hoa cúc hay ngọt ngào như ngọc lan. Loài chim sơn ca ở lại giữa đời bởi tiếng hót thiết tha vút lên giữa dàn đồng ca của núi rừng. Câu chuyện ấy gợi nhắc chúng ta nỗi băn khoăn: Có phải điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng điệu riêng của mình?
Mở bài 2
Có ai đó đã từng ví, mỗi nhà văn như một loài hoa, một thứ chim trong cánh rừng đại ngàn văn học. Mỗi loài hoa tỏa một hương thơm riêng cũng như mỗi thứ chim cất lên một giọng hót riêng. Mỗi nhà văn sẽ chỉ sống được trong lịch sử văn học, trong tâm hồn người đọc khi anh ta tạo ra một giọng hát, một hương thơm của riêng mình. Nói như …:
Mở bài 3
Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: Điều gì khiến mỗi tác phẩm mang hình hài một chiếc lá, thả mình theo dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì hấp dẫn? Một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Văn học bật ra từ những cơn mê tỉnh của người nghệ sĩ, từ cõi lòng tinh tế đến nhạy cảm mong manh, để rồi nhìn thấu nỗi đau thực tại, để rồi một đời trăn trở, một đời băn khoăn. Văn học vốn dĩ nặng nợ thế gian, cũng như nỗi niềm muôn đời của người nghệ sĩ đối với văn chương, để rồi từ đó anh cất lên những vấn thơ, những câu chữ say đắm lòng người.