Việc định hướng nghề nghiệp đầu tiên và quan trọng nhất là các bạn lựa chọn chuyên môn cho mình, sau đó mới định hướng đến việc phát triển chuyên môn đó như thế nào.
Quy tắc 1: chọn ngành rồi mới chọn trường
Bạn phải xem mình THÍCH chuyên môn nào đã, sau đó xem NGÀNH nào phù hợp chuyên môn đó, rồi mới chọn trường. Như tôi thì thường sẽ chia làm 5 KHỐI NGÀNH chính để bạn dễ định hướng:
1. Khối ngành kinh tế: bao gồm các ngành như Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – kiểm toán, Quản trị nhân sự, Marketing, Đầu tư…
Đây là ngành có nhiều người chọn nhất trong vài năm trở lại đây, vì ai cũng nghĩ học kinh tế DỄ XIN VIỆC. Thực tế thì nhu cầu tuyển dụng khối ngành kinh tế đều rất cao, đáng tiếc là về đào tạo của Việt Nam ở khối ngành này là YẾU KÉM nhất. Đa số sinh viên học xong kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng đều rất kém. Nhiều người học xong 4 năm còn không biết gì.
Hơn nữa, kinh tế lại là lĩnh vực DỄ TỰ HỌC nhất trong số các chuyên môn, các khóa đào tạo bên ngoài nhiều, thậm chí chất lượng còn hơn đại học vì tính thực tế, thực hành cao, học xong làm được luôn.
Như vậy, nếu thực sự thích về kinh tế thì hãy học kết hợp cả đại học và học bên ngoài nữa nhé!
2. Khối ngành xã hội: bao gồm các ngành như Luật, sư phạm, ngoại ngữ, báo chí, khoa học xã hội nhân văn, Việt Nam học, Đông phương học…
Đây là ngành KHÔNG NHIỀU người lựa chọn và ở Việt Nam thì ngành xã hội KHÓ XIN VIỆC nhất và yêu cầu cũng tương đối cao. Khoa học xã hội ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Tuy nhiên, việc đào tạo cũng tương đối tốt.
Bạn nào chọn khối này thì phải định hướng từ SỚM công việc sau khi ra trường của mình kẻo lại bơ vơ không nơi nương tựa, rồi lại chuyển sang khối kinh tế làm thì phí lắm!
3. Khối ngành Khoa học – Kỹ thuật: Bao gồm các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh, các ngành kỹ thuật như công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, giao thông vận tải, xây dựng, công nghệ sinh học…
Đây là khối ngành DỄ XIN VIỆC nhất ở Việt Nam, đào tạo cũng tương đối tốt, thị trường lao động có nhu cầu cao (vì nước ta vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng – công nghệ).
4. Khối ngành nghệ thuật: bao gồm các ngành mỹ thuật, diễn xuất, hát, múa, các loại nhạc cụ…
Ngành này dành cho những bạn có năng khiếu từ sớm.
5. Khối ngành thể dục thể thao: cũng dành cho những bạn có năng khiếu từ sớm.
Như vậy, đa số chúng ta sẽ lựa chọn 1 trong 3: Kinh tế hay Xã hội hay Khoa học – kỹ thuật tùy sở thích của mỗi người.
Quy tắc 2: nên chọn ngành cụ thể - đừng chọn ngành chung chung
Điều này khá quan trọng! Nhiều bạn thích khoa Quản trị kinh doanh, nhưng thực sự đây là lựa chọn không tốt lắm, nhất là đối với chương trình học “chuối” như Việt Nam. Học quản trị kinh doanh rất chung chung, ra trường cái gì cũng biết một tý nhưng chẳng sâu cái gì, chuyên môn gần như không có, rất nguy hiểm.
Nên chọn các chuyên môn cụ thể hơn như: Marketing, Quản trị nhân lực, Kế toán – Kiểm toán hay Tài chính – ngân hàng.
Xã hội thì cũng nên chọn cụ thể như Luật, Sư phạm (môn gì đó), Ngoại ngữ nước nào chứ đừng chọn Việt Nam học, Đông phương học ra trường rất khó định hướng công việc.
Quy tắc 3: tìm hiểu kỹ tính chất của chuyên môn xem bản thân có thấy thích và phù hợp không rồi hãy chọn
Chọn ngành nào thì nên đọc về ngành đó kỹ một chút, xem mình có thấy hứng thú, thấy thích nó thì hãy chọn.
VD: Quản trị nhân lực thì làm việc với con người nhiều, thiên về công việc nhìn nhận, đánh giá thái độ, tính cách, năng lực của người khác; điều hòa các mối quan hệ; phù hợp với những bạn EQ cao, nhạy cảm, tâm lý, sâu sắc.
Marketing thì cần năng động, sáng tạo, thích kinh doanh.
Kế toán – kiểm toán thì cần người thích các con số, chi tiết, cẩn thân, tỉ mỉ…
Quy tắc 4: chọn trường mạnh về đào tạo ngành đó
Các trường Đại học Việt Nam mở các ngành học rất vớ vẩn.
VD: Đại học Điện lực là khối kỹ thuật nhưng lại có khoa Quản trị kinh doanh.
ĐH Nông nghiệp cũng có khoa Quản trị kinh doanh.
Ra trường hỏi bằng gì thì bạn thử bảo bằng QTKD trường Điện lực hay trường Nông nghiệp nghe có buồn cười không?
Học khối Kinh tế thì phải chọn trường nghe nó “kinh tế” một chút như ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, HV Ngân hàng, ĐH Kinh doanh công nghệ…
Đừng học kinh tế ở mấy trường nghe chả liên quan như ĐH Điện Lực, ĐH Công nghiệp hay ĐH Giao thông vận tải. Đã tệ lại còn tệ hơn!
Các khối khác thì tương tự!
Quy tắc 5: chọn trường có môi trường học tập tốt và năng động
Môi trường ở đây là tổng hợp về sinh viên, danh tiếng, giảng viên, hoạt động ngoại khóa…
ĐH Ngoại thương có thê nói là trường ĐH có môi trường học tập tốt nhất ở Hà Nội hiện nay!
Một số trường cũng có môi trường tương đối tốt như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương Mại, ĐH Lao động xã hội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia, ĐH Thăng Long…
Một số trường tương đối trầm về không khí học tập và hoạt động ngoại khóa như Học viện hành chính, ĐH Công đoàn…thì nên cân nhắc trước khi chọn.
Đó là 5 quy tắc mà tôi nghĩ sẽ giúp cho các bạn học sinh cấp 3 LỰA CHỌN ngành học, trường học cho mình tốt hơn. Mong là bài viết này sẽ đến được với nhiều bạn cần nó!
✅ Lưu ý: Những thông tin này cũng chỉ mang tính chất tham khảo!
Trắc nghiệm chọn ngành chọn trường
Em yêu thích nghề gì những nghề nào phù hợp với khả năng của em
Phương án chọn ngành nghề
Nên chọn ngành nào cho phù hợp
Em hãy cho biết để chọn nghề nghiệp tương lai cho bản thân thì phải đưa vào những yếu tố nào
Giải pháp chọn ngành phù hợp với bản thân
Thích khám phá thì học ngành gì
Kinh nghiệm chọn ngành đại học