SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Xã Hội

Ngày 11/4 Tòa tuyên án với 86 bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát

Sau hơn một tháng xét xử và nghị án, ngày mai (11/4), dự kiến TAND TP.HCM sẽ tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Chỉ 1 người trong đoàn thanh tra bị truy tố tội nhận hối lộ

Trong số các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng chỉ có bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ vì đã nhận từ ngân hàng SCB 5,2 triệu USD.

Theo đại diện VKS, bị cáo Nhàn trong quá trình thanh tra SCB biết thực trạng rất xấu của ngân hàng này đã lợi dụng những sai phạm của SCB, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn hai lần gặp bị cáo Trương Mỹ Lan để thông báo và đưa ra các biện pháp đối phó giúp cho Trương Mỹ Lan che dấu các sai phạm.

Hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn là xuyên suốt trong quá trình thanh tra, là phương thức, thủ đoạn để bị cáo Nhàn thực hiện thành công hành vi nhận hối lộ và đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.

SCB - công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan

Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là bị cáo duy nhất bị đề nghị tổng hợp mức án là tử hình về 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Quá trình tranh tụng tại toà, bị cáo Lan và các luật sư bào chữa từng nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét lại hoàn cảnh xảy ra vụ án, xem xét lại các cáo buộc “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét lại hậu quả thiệt hại trong hành vi vi phạm quy định về cho vay.

Theo các luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ là một nhà đầu tư hợp pháp của SCB, đưa rất nhiều tài sản của gia đình vào ngân hàng này nhằm cơ cấu lại các khoản nợ xấu, bảo đảm thanh khoản cho Ngân hàng SCB tránh bị sụp đổ. Bị cáo Trương Mỹ Lan không có vai trò là người quản lý, điều hành Ngân hàng SCB nên không có đủ dấu hiệu là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”.

Về cáo buộc tội “Đưa hối lộ”, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan cho rằng, ngoài lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) hoàn toàn không có chứng cứ nào khác chứng minh thân chủ đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra SCB). Theo các luật sư, tính khách quan của lời khai này của Võ Tấn Hoàng Văn cần được đánh giá lại.

Đối đáp tại toà, đại diện VKSND cho biết, tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan đã thâu tóm và nắm giữ trên 91% vốn điều lệ của Ngân hàng SCB. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, toàn bộ tài sản bị cáo Trương Mỹ Lan đưa vào Ngân hàng SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội.

Theo cơ quan công tố, kết quả điều tra đã chứng minh rõ, thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng tiền thân của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB và Ngân hàng Tín Nghĩa.

Đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đảm bảo có giá trị thấp. Bị cáo không hề có tiềm lực tài chính nhưng lại muốn sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.

Nhiều bị cáo nhận thức được sai phạm

Xuyên suốt phiên toà, nhóm bị cáo nguyên lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát luôn thừa nhận sai phạm của mình. Các bị cáo cho biết, việc thực hiện các hành vi sai phạm lập khống hồ sơ vay và cho vay là vì quá tin tưởng bà Trương Mỹ Lan trong việc tái cơ cấu thành công Ngân hàng SCB.

Khi nhận ra những sai phạm của bản thân và thiệt hại quá lớn, nhiều bị cáo đã chủ động nghỉ việc. Họ cho rằng không được hưởng lợi gì ngoài “làm công ăn lương” nên mong HĐXX xem xét, xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Phủ nhận hầu hết các cáo buộc, song tại toà, bị cáo Trương Mỹ Lan tự nguyện xin được xử lý các tài sản nhằm giải quyết hậu quả vụ án. Bị cáo cũng tự nguyện hứa sẽ kêu gọi bạn bè, người thân cùng phối hợp giải quyết hậu quả.

Quá trình tranh tụng, HĐXX đã tạo điều kiện tối đa cho các bên đối đáp, nhiều tranh luận bổ sung. Nhiều bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, từ đó tỏ ra ăn năn hối cải. Một số bị cáo đã tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Trong quá trình này, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo, sự thành khẩn của các bị cáo tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị lại mức hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho 22 bị cáo, trong đó có chồng và cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đối với bị cáo bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn cùng các bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát nhân dân giữ nguyên quan điểm truy tố và nội dung luận tội.

Những giọt nước mắt muộn màng

Với cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu và nắm giữ trên 91% cổ phần ngân hàng SCB từ đó nắm quyền chi phối, điều hành hoạt động của ngân hàng này, bị cáo Trương Mỹ Lan trong suốt quá trình xét xử luôn bình tĩnh trả lời, giải đáp tất cả các vấn đề mà HĐXX, đại diện VKS và các LS đưa ra.

Trước, trong và sau khi bị VKS đề nghị mức án tử hình bị cáo này cũng luôn giữ thái độ bình tĩnh, và chăm chú ghi chép, thể hiện nhớ rất rõ các dự án hợp tác đầu tư, các tài sản của gia đình mình và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thế nhưng, trong khoảng 40 phút nói lời nói sau cùng, phần lớn thời gian bị cáo Trương Mỹ Lan đã không kiềm chế được cảm xúc, đã khóc và đau xót cho hoàn cảnh của gia đình mình khi cả chồng và cháu đều bị bắt tạm giam, gia đình tan nát.

“Có nhiều lúc tuyệt vọng, bị cáo đã từng nghĩ đến cái chết..., bị cáo nghĩ hoàn cảnh chồng và cháu cũng đang bị tạm giam như muối xát vào lòng" - bị cáo Trương Mỹ Lan nói.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) cũng phải thốt lên rằng Trương Mỹ Lan, một người được mệnh danh là người phụ nữ không có nước mắt, tinh thần thép nhưng gần như đã tan nát cõi lòng khi đứng trước HĐXX và xin cho cô mình thoát án tử.

Ngoài ra, rất nhiều bị cáo khác khi nói lời sau cùng cũng rơi lệ. Bị cáo Nguyễn Thị Nhàn (trưởng đoàn thanh tra) khóc vì ân hận, xấu hổ về hành vi của mình. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước) nghẹn lời khi xin giảm nhẹ cho các bị cáo là thành viên trong đoàn thanh tra. Còn bị cáo Nguyễn Cao Trí thì tự trách bản thân khi đã có những quyết định sai lầm của một doanh nhân trong bối cảnh cố gắng vượt qua khủng hoảng.

Xuyên suốt quá trình diễn ra phiên toà, chủ toạ cho biết luôn tạo điều kiện tối đa để tất cả các bị cáo trong vụ án khắc phục hậu quả vì vậy mà nhiều bị cáo trong vụ án đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trong đó bị cáo Nguyễn Cao Trí Trí là người nộp thêm nhiều nhất với khoảng 70 tỉ đồng, chồng bị cáo Trương Huệ Vân nộp thêm 2 tỉ đồng.

Nhóm cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Là một trong những bị cáo nói lời sau cùng cuối của phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cưu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra, bị đề nghị mức hình phạt là từ 11 - 12 năm tù) nói rằng, tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo như Viện Kiểm sát kết luận thì bị cáo thừa nhận và tâm phục, khẩu phục.

Bị cáo Hưng cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến Đảng, Chính phủ, NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, bị cáo đã thấy được sai phạm của mình khi là người ra quyết định thanh tra, những sai phạm của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến các cơ quan.

Nhiều bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát bị đề nghị mức án cao, cách ly khỏi xã hội

Theo quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) đối với bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Lan ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải, "cần loại trừ ra khỏi đời sống xã hội".

Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...

Tuy nhiên, VKS cho rằng bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.

Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt. Từ đó đại diện VKS cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

Tranh luận dân chủ, thượng tôn pháp luật

Trong nhiều ngày diễn ra phần tranh luận giữa đại diện VKS và luật sư (LS), dù đôi lúc hai bên cũng căng thẳng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng nhìn một cách tổng quan quyền bào chữa và tự bào chữa của LS và các bị cáo được HĐXX tạo điều kiện trình bày tối đa để đối tranh luận lại với quan điểm buộc tội của đại diện VKS, thể hiện quá trình tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước toà.

Một vấn đề đáng chú ý được hai bên tranh luận là cấu thành tội danh tham ô tài sản và xác định thiệt hại của vụ án vì số tiền thất thoát, số tiền thiệt hại của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, điều này quyết định đến tội danh và hình phạt của các bị cáo.

Theo đó, LS cho rằng tại SCB, Hội đồng quản trị (HĐQT) và chủ tịch HĐQT mới là người có quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB nên không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản.

Đối đáp lại, VKS cho biết tính đến tháng 10-2022, bị cáo Lan đã thâu tóm và nắm giữ trên 91% vốn điều lệ của SCB. Tại bảng theo dõi biến động cổ đông và sổ chứng nhận cổ đông thì các cá nhân, tổ chức đứng tên cổ phần tại SCB đều khai đứng tên hộ cho Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên cơ quan quyết định cao nhất là Đại hội đồng cổ đông, không phải HĐQT quyết định. Với số lượng cổ phần trên 91% nắm giữ, Trương Mỹ Lan là người nắm quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông và là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động tại SCB, thoả mãn các yếu tố cấu thành của tội tham ô tài sản.

Về phần xác định thiệt hại của vụ án, đại diện VKS cho biết không dùng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại mà áp dụng các biện pháp điều tra, sổ sách, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định thiệt hại. Không nhất thiết án phải thông qua hội đồng định giá trong tố tụng hình sự mới xác định được thiệt hại của vụ án.

Bài viết tham khảo