Do bị đồng nghiệp chế giễu giọng hát, Shigeichi Negishi nảy ra ý tưởng tạo chiếc máy để ai cũng có thể hát theo được. Phát minh của ông được Hiệp hội các nhà công nghiệp Karaoke Nhật Bản công nhận là máy karaoke xuất hiện sớm nhất trên thế giới.
Ngày 16/3, Japan Times đưa tin Shigeichi Negishi, một trong những người phát minh ra công nghệ karaoke qua đời ở tuổi 100, nguyên nhân do tuổi già.
Matt Alt, tác giả cuốn Nhật Bản tạo nên thế giới hiện đại thế nào?, chia buồn: "Vĩnh biệt huyền thoại. Ông ấy gây ra 'sự thù địch', khi ban đầu những nghệ sĩ chuyên nghiệp xem phát minh của ông là mối đe dọa cho công việc của họ".
Trước khi phát minh karaoke, Shigeichi Negishi điều hành công ty điện tử . Ông nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm có thể khiến người không biết hát cũng có thể hát sau khi bị đồng nghiệp chế nhạo hát quá tệ.
"Ông ấy nghĩ rằng nếu bản thân có thể hát theo nhạc đệm thì mọi chuyện thay đổi. Và vào năm 1967, thế giới có chiếc máy karaoke đầu tiên", Wall Street Journal viết.
Wall Street Journal nhận định ông là người đầu tiên tự động và thương mại hóa việc "hát với nhau thông qua màn hình" (sau này gọi là karaoke). Tuy nhiên, ông chưa bao giờ được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm của mình.
Sáng chế của ông có tên gọi là Sparko Box và được Hiệp hội các nhà công nghiệp Karaoke Nhật Bản công nhận là máy karaoke xuất hiện sớm nhất. Ông cũng là một trong 5 người phát minh Nhật Bản tạo ra các máy karaoke hoàn thiện từ 1967-1971.
Phát triển thương mại
Ngay lập tức nhận ra tiềm năng thương mại của thiết bị, Negishi đã cùng một người bạn phân phối sản phẩm. Một trở ngại ban đầu là phải gọi thiết bị này là gì. Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản từ lâu đã sử dụng thuật ngữ karaoke (viết tắt của các từ mang ý nghĩa “trống rỗng” và “dàn nhạc”) để chỉ một ca sĩ biểu diễn trên một bản nhạc đệm được ghi sẵn.
Đối tác của ông Negishi ngần ngại trước từ này vì sợ rằng nó nghe quá giống kan'oke, từ chỉ quan tài.
Dựa trên thực tế thiết bị có đèn nhấp nháy theo nhạc, hai người bạn quyết định gọi chiếc máy singalong của mình là “Sparko Box”.
Để thu âm, ông Negishi dựa vào một thị trường đang phát triển mạnh về các loại nhạc nền được dùng trong vũ trường, nơi một nghệ sĩ được thuê sẽ hát theo bài hát nổi tiếng để giải trí cho đám đông. Sau khi chất máy móc lên xe và thử băng 8 rãnh, Negishi đã lái xe khắp Nhật Bản để giới thiệu Sparko Box cho các chủ quán bar, khách sạn, nhà hàng - bất kỳ địa điểm nào có khách tụ tập để uống rượu, thư giãn và ca hát.
Vào thời điểm đó, những khách quen của quán bar muốn có chút lời ca tiếng nhạc thường gọi nagashi, nghĩa là “nghệ sĩ lang thang”- một tay guitar tự do nhận yêu cầu biểu diễn phục vụ khách. Sparko Box đã tự động hóa quá trình này, cung cấp các bài hát với giá 100 yen thay vì 1.000 yen cho nagashi.
Bất cứ khi nào ông Negishi giới thiệu Sparko Box, khách hàng đều nhanh chóng “chốt đơn” - nhưng gọi lại ngay ngày hôm sau để trả lại hàng.
“Đó chính là vì giới nagashi!”, ông Negishi nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018. “Họ phàn nàn. Chúng tôi đặt Sparko Box ở đâu thì họ cũng đòi chủ quán phải bỏ nó đi”.
Ông Negishi cuối cùng đặt khoảng 8.000 Sparko Box tại các cơ sở trên khắp Nhật Bản. Nhưng ông ngày càng mệt mỏi vì xung đột với các nhạc sĩ nagashi cũng như công việc bán hàng và bảo trì tận nhà. Ông hoàn toàn rời bỏ công việc kinh doanh karaoke vào năm 1975. Ngày nay, chỉ còn lại một chiếc Sparko Box, được gia đình Negishi giữ làm kỷ vật.
Cả Negishi, Inoue hay bất kỳ nhà phát minh karaoke đầu tiên nào khác đều chưa từng được cấp bằng sáng chế cho những sáng tạo của họ; thời gian và chi phí nộp đơn tại Nhật Bản vào thời điểm đó đã làm nản lòng tất cả công ty, trừ những công ty có nguồn tài chính mạnh.
Nhạc sĩ Daisuke Inoue ra mắt Karaoke Juke 8 vào năm 1971 và thường được công nhận là người phát minh karaoke. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu cho thấy chính Negishi mới là người đầu tiên nảy ra ý tưởng nối dây micrô, loa và đầu băng với nhau để chơi nhạc.
Nhận thấy tiềm năng thương mại của thiết bị, Negishi đặt khoảng 8.000 Sparko Box tại nhiều địa điểm khác nhau khắp Nhật Bản, bao gồm ở các nhà hàng. Tuy nhiên, chiếc máy không đạt được sức hút và ông đã rời bỏ công việc kinh doanh karaoke vào năm 1975, theo WSJ.
Báo cáo cho thấy mọi thứ đã thay đổi sau khi các nhà sản xuất lớn đầu tư vào hoạt động này và karaoke phát triển mạnh mẽ để trở thành hình thức giải trí phổ biến khắp thế giới.