Kênh YouTube với 7,3 triệu người theo dõi của Độ Mixi bị đổi tên, ẩn toàn bộ video cũ, thay bằng những video quảng cáo và livestream tiền số.
"Một ngày thật tệ, kết thúc bằng mất kênh YouTube", Độ Mixi, tên thật là Phùng Thanh Độ, thông báo trên nhóm cá nhân hôm 2/4. Kênh này hiện bị đổi tên, ảnh đại diện thành một dự án tiền số. Sau khi chiếm được quyền điều khiển, toàn bộ video của streamer Việt bị ẩn, thay bằng các nội dung lạ.
Sáng nay, kênh này tiếp tục phát video trực tiếp, nội dung là các đoạn cắt ghép từ video trả lời phỏng vấn của CEO dự án cùng tên. Bên dưới đính kèm đường link, kêu gọi người xem chuyển tiền mã hóa để nhận được gấp đôi phần thưởng.
Ông Phạm Huy, đại diện Metub - đơn vị hỗ trợ quản trị kênh MixiGaming, cho biết đã làm việc với YouTube sáng 2/4 để hỗ trợ lấy lại kênh. "100% sẽ lấy lại được", ông nói và cho biết việc này có thể hoàn thành trong ngày.
Theo ông, tình trạng hack kênh YouTube để livestream tiền số thường xảy ra khi thị trường ở giai đoạn sôi động như hiện nay. Kể tấn công thường xâm nhập qua một số phần mềm, extension của trình duyệt và khai thác tính năng livestream của mạng xã hội. Ông khuyến nghị nhà sáng tạo nội dung, người quản trị kênh không nên sử dụng phần mềm không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ có thể xảy ra.
Quang Tú, đại diện một đơn vị làm dịch vụ mạng xã hội ở TP HCM, cũng cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chủ sở hữu bảo mật kém. "Đa số có thể lấy lại quyền sở hữu sau khi kháng cáo với YouTube. Thời gian lấy lại nhanh hay lâu tùy trường hợp. Nếu kênh lớn, chưa bị 'đánh gậy' bản quyền hoặc vi phạm chính sách, việc lấy lại sẽ sớm diễn ra", ông Tú nói.
Theo ông Tú, nếu may mắn, hacker chỉ ẩn video cũ của Độ Mixi. Trong trường hợp xấu, toàn bộ video bị xóa, chủ nhân nếu có lấy lại kênh cũng chỉ nhận về tài khoản còn nội dung, không hiển thị lượng view và mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Đây không phải lần đầu các kênh YouTube lớn ở Việt Nam bị chiếm quyền quản lý và livestream dự án tiền số. Tháng 5/2022, kênh YouTube FapTV với 13 triệu lượt theo dõi bị đổi tên thành "Tesla US" và phát video phỏng vấn giả mạo một số lãnh đạo tiền số. Kênh này cũng để lại đường link, lừa người dùng về việc tặng tiền số.
Một số người nổi tiếng như Trấn Thành, Hồ Quang Hiếu, Lynklee, Lý Hải cũng từng bị chiếm quyền điều khiển kênh và phát những nội dung về tiền số.
Sau vụ việc MixiGaming bị tấn công, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là vụ việc sẽ gây thiệt hại thế nào cho chủ sở hữu kênh YouTube này?
Thống kê của Social Blade cho thấy, chi phí cho mỗi 1.000 lượt quảng cáo (CPM) trên YouTube dao động trong khoảng từ 0.25-4 USD. Social Blade ước tính số tiền thu được hàng tháng của kênh MixiGaming sẽ dao động trong khoảng từ 7 chiếc máy ảnh (giá 1.995 USD) cho đến 5 chiếc ô tô Tesla Model 3 (giá 47.000 USD).
Tức là, theo ước đoán của Social Blade, doanh thu hàng tháng từ YouTube của kênh MixiGaming sẽ dao động trong khoảng từ 14.000 USD đến 235.000 USD. Mặc dù vậy, theo nhiều YouTuber Việt Nam, các con số thống kê về doanh thu từ Social Blade thường chưa phản ánh chính xác, số liệu bị cao vọt lên hẳn so với thực tế thu nhập của họ.
Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia về kiếm tiền trên YouTube cho biết, ở các quốc gia Âu Mỹ, tùy theo từng chủ đề, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube sẽ nhận được khoảng từ 4-8 USD với mỗi 1.000 lượt xem. Tuy vậy, tại Việt Nam, con số này thường dao động trong khoảng từ 0,3-0,7 USD trên 1.000 lượt xem, thậm chí thấp hơn.
Với các YouTuber, thông số này được phản ánh qua chỉ số RPM (Revenue per mille) hay doanh thu mỗi 1.000 lần hiển thị.
👉 Độ Mixi, sinh năm 1989, bắt đầu làm streamer từ năm 2017 và nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật tại Việt Nam. Năm 2020, anh lập kỷ lục người xem trực tuyến cùng lúc trong một buổi stream với hơn 240.000. Ngoài công việc chính, anh còn phát hành MV, tham gia chương trình thực tế Sao nhập ngũ.