Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là một di sản văn hóa phong phú, lưu giữ những giá trị lịch sử và đạo đức. Qua các nhân vật và phép màu, những câu chuyện này không chỉ giải trí mà còn giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng của bao thế hệ.
Mục lục [Ẩn]
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
1. Người lấy cóc
Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiếm hoi, cầu Trời khấn Phật mãi người vợ mới có thai, nhưng đến khi sinh ra, không phải là người mà lại là một con cóc.
Con cóc lớn lên, biết nói tiếng người, song hình thù sần sùi, xấu xí, khiến cha mẹ nó lấy làm buồn phiền, thường than thở với nhau: “Vợ chồng mình già cả, hiếm hoi, tưởng sinh được mụn con nối dòng, trông nom đỡ đần mình, ngờ đâu oan gia nghiệp báo lại sinh ra cóc, còn trông mong gì nữa”!
Cóc nghe thấy thế, khuyên cha mẹ đừng lo. Rồi ngay hôm sau cóc nhảy đi coi ruộng cho cha mẹ, và từ khi nó trông nom đồng áng thì chẳng có ai lấy trộm lúa ruộng nhà nó như trước nữa.
Một hôm, có mấy thư sinh đi qua ruộng nó, dẫm lên lúa, bỗng nghe có tiếng lanh lảnh như giọng con gái bảo rằng: “Xin các cậu đi cho có ý tứ kẻo làm nát lúa nhà em”. Lũ thư sinh nhìn vào ruộng lúa, chẳng thấy ai, chỉ thấy một con cóc đang ngồi đó. Tiếng nói dịu ngọt làm cho một anh trong bọn đâm ra có cảm tình. Chàng thư sinh này bấy lâu đọc sách đạo thần tiên, tin tưởng có sự mầu nhiệm ở đời, nên về nhà nói với cha mẹ xin hỏi cóc làm vợ.
Ban đầu cha mẹ thư sinh tưởng con mình hóa dại, song anh ta cứ một mực đòi lấy cóc làm vợ cho kỳ được, nếu không thì thề quyết chẳng lấy ai. Người cha bèn kiếm cớ từ khước, bảo chỉ có một mình anh ta là con trai, cưới cóc về có sinh ra được con cái để nối dòng không? Thư sinh tin là sẽ có sự nhiệm màu xảy đến trong ngày cưới cóc về, Tiên Phật sẽ giúp cho cóc thành người có đức hạnh, nhan sắc hơn đời. Thấy con đã nhất quyết như vậy, cha mẹ anh ta cũng đành phải chiều theo, đem trầu cau đi hỏi cóc.
Đến ngày cưới, bên nhà trai mang đủ lễ vật, đồ nữ trang, quần áo cho cô dâu như người thường, chàng rể hy vọng Tiên Phật hóa phép cho cóc thành một cô gái xinh tươi như chàng vẫn mộng tưởng. Cả hai họ cũng trông mong như vậy, nhưng đến khi rước dâu, mọi người phải tức cười và xấu hổ vì đưa đón một con cóc nhảy về nhà chồng.
Cha mẹ chồng vừa rầu, phiền cho con trai, vừa chua xót vì con dâu cóc, liền cấp ruộng cho đôi lứa đi ở riêng. Thư sinh cũng buồn lòng, cặm cụi học hành, nghiên cứu các khoa học thần bí, hy vọng gỡ rối cho gia đình, nhất là đối với cha mẹ già đang khát khao có cháu bế. Cóc thì siêng năng công việc ở nhà, thức khuya dậy sớm khuyên chồng chăm chỉ bút nghiên.
Ngày ngày anh ta đi học về thì đã thấy cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mới nghĩ bụng rằng trong lúc vắng mình, chắc vợ trút lốt cóc thành người, chứ một con cóc thì làm sao lo việc nội trợ khéo léo được thế kia? Mấy bận anh ta thử rình, ra đi rồi thình lình trở về bất ngờ, hy vọng bắt gặp vợ là một cô gái xinh đẹp, song chỉ thấy một con cóc sần sùi ở nhà. Anh van nài cóc hóa thành người đẹp cho mình được sung sướng, nhưng cóc vẫn thản nhiên không tỏ vẻ gì cả.
Một tối, anh cho cóc hay tin mình được bổ đi dạy ở trường tỉnh, ngỏ thật rằng mình không thể đưa vợ đi theo nếu vợ vẫn giữ lốt cóc. Từ ngày cưới về anh ta đã chịu biết bao lời chế diễu của hàng xóm, bè bạn. Hơn nữa, cha mẹ vẫn thúc dục anh lấy thêm vợ khác để có con nối nghiệp tông đường. Cóc lặng yên nghe chồng than thở, khuyên chồng chớ nên quá buồn phiền, và xin phép hôm sau về nhà thăm cha mẹ.
Sáng ngày, cóc đi theo chồng, được một quãng thì nhảy vào một cái bụi bên đường. Thư sinh dừng bước lại thì thấy ở bụi cây đi ra một cô gái xinh đẹp lạ lùng, quá sức ước mong của anh bấy lâu. Anh sung sướng ngẩn ngơ nhìn người vợ đẹp lại gần, say đắm ngắm nghía vợ từ đầu đến chân rồi thiết tha xin vợ từ đây cứ giữ hình người. Biết là vợ đã trút lốt cóc ra trong bụi, anh ta kiếm cớ đi lùi lại sau rồi chạy lẻn đến bụi tìm lốt cóc mà dấu vào mình.
Đến nhà, cha mẹ thư sinh mừng rỡ thấy con dâu cóc đã hóa ra người xinh đẹp, dịu dàng. Anh chồng hân hoan thừa lúc mọi người không để ý đến, đem lốt da cóc bỏ vào bếp lửa cho tiêu tan. Hai vợ chồng ở lại nhà cha mẹ cả đôi bên luôn mấy ngày, vui vẻ tiệc tùng liên tiếp rồi mới trở về nhà.
Trên đường về vợ kiếm cớ vào bụi cây để tìm lại lốt cũ, không thấy, chồng mới cho hay là mình đã lấy đốt đi rồi. Vợ đành phải giữ nguyên hình người để về với chồng.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau đằm thắm vui vẻ, vợ sinh được nhiều con cái, chồng học thi đỗ cao làm nên chức lớn, sống một đời sung sướng.
2. Truyền thuyết Thánh Gióng
Đời (vua) Hùng Vương thứ Sáu, nước Tàu ở phía bắc chỉ muốn sang chiếm nước Nam ta. Vua Hùng hiện ra dạy sai người đi khắp nước mời thần xuống giúp chống giặc.
Bấy giờ ở làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, có một người đàn bà đã 60 tuổi. Một hôm bà ra đồng ruộng thấy có một vết chân rất to lớn, bà đặt chân vào thì khi về nhà bà có thai. Bà sinh được một con trai và đặt tên là Gióng.
Gióng lên ba tuổi mà không biết nói.
Một hôm vua Hùng sai người đi tìm người tài giỏi ra đánh giặc. Gióng tự nhiên nói với mẹ mời sứ giả đến. Gióng bảo sứ giả về đúc một con ngựa sắt và một thanh gươm sắt, đưa đến cho chàng đi giết giặc. Bấy giờ Gióng vươn vai thành người lớn, ăn biết bao nhiêu cơm, thịt cũng không no, mặc quần áo rộng cỡ nào cũng thấy chật.
Sứ giả về tâu lại sự việc với vua. Khi đã đem ngựa và gươm sắt đến, Gióng đội mũ, cầm gươm phóng lên ngựa sắt, xông ra trận như bão táp, đi đến đâu Gióng cũng chém giặc như chém cỏ rác. Khi gươm bị gãy, Gióng nhổ các bụi tre bên đường quăng ném vào quân địch.
Đánh tan giặc, Gióng thẳng bay lên núi Sóc, trút bỏ quần áo lại rồi bay thẳng lên trời.
Ngày nay còn thấy các hồ ao là dấu vết chân ngựa sắt để lại. Khu rừng giặc bị đốt cháy còn mang tên là rừng Cháy. Người dân lập miếu thờ Gióng gọi là thánh Gióng đã hoá thân cứu dân Việt
3. Các truyền thuyết về vua Hùng
Truyền thuyết “Vua Hùng trồng kê ra lúa”
Một hôm các con gái vua Hùng theo dân đi đánh cá ven sông thấy từng đàn chim bay lượn khắp bãi, nhảy nhót trong đám lau cỏ, khiến các nàng rất vui thích. Có một nàng công chúa, mải ngắm đàn chim, dừng tay quăng lưới, chợt có con chim thả một bông kê rơi trên mái tóc. Công chúa mang bông kê về trình với Vua, Vua mừng, cho là điềm tốt lành, hạt này chim ăn được chắc người cũng ăn được liền bảo các Mỵ nương ra bãi tuốt các bông đó đem về.
Tới mùa xuân, Vua đem các hạt kê ra và phái các công chúa gọi dân đi quải. Nhân dân vui mừng rước Vua ra đồng. Trống mõ đi đầu rồi tới người rước lúa, rước kê. Tới bên sông, Vua xuống bãi lấy que nhọn chọc đất tra lúa và gieo kê trên bãi. Làm xong, Vua cắm một cành tre để chim sợ khỏi ăn hạt. Các Mỵ nương và dân đều làm theo.
Truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”
Thuở xưa, nhân dân chưa biết cày cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả cây và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông hàng năm được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân gỡ hạt, gieo mạ. Khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước.
Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi Vua. Vua Hùng nhổ cây mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem. Mọi người làm theo, cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua cùng mọi người lên gốc đa lớn nghỉ ngơi ăn uống.
4. Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên
Cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lâm. Lớn lên Sùng Lâm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lâm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đề bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh. Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.
Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.
Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hóa thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại. Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó. Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.
Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.
Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh. Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quất ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.
Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: “Hễ có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! “
Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: “Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!”. Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.
Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hóa làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao. Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp khoẻ mạnh và thông minh tuyệt vời.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về, nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: “Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này”.
Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
– Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não.
Lạc Long Quân nói:
– Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.
Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long
Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.
5. Làm ơn hóa hại
Xưa có Trần Công là người có lòng sốt sắng. Ai có việc gì nhờ vả, ông đều sẵn sàng. Trong đời ông, ông đã từng đi lại nhiều nơi, đến đâu cũng hết lòng giúp đỡ người nguy kẻ khó mà không quản ngại.
Một hôm Trần Công vai đeo đãy, tay chống gậy tới vùng Hạ-hòa. Ở đây đang có nạn hạn hán. Trời nắng chang chang như thiêu như đốt, ruộng nứt nẻ hết. Trải qua một đoạn đường dài, ông thấy khát khô cổ nhưng đi mãi vẫn không gặp một hàng quán nào cả. Ông ghé vào một nhà nọ ở bên đường. Cả nhà đều đi vắng. Nhìn vào chum vại, ông thấy khô kiệt. Vào nhà thứ hai cũng vậy. Ông vội đi tìm giếng nhưng không thấy đâu cả. Ông bèn trèo lên một hòn đá đứng để tìm ao hồ, nhưng bao nhiêu ao hồ đều khô rông rốc. Mãi sau mới thấy một đám đông đang lúi húi chắt mạch ở một vũng nọ, ông vội tìm đến nơi. Gặp một người cầm bình nước, ông gọi xin uống. Uống xong, Trần Công tỉnh ra liền hỏi;
– May quá, nếu không gặp ông, có lẽ tôi chết mất. Không ngờ ở đây hột nước lại hiếm đến như vậy.
Người kia đáp:
– Vâng, chúng tôi đều nguy mất. Đã hai năm nay cái bà thần Mưa ác nghiệt đã quên mất vùng này. Giá có ai lên đó nhắc bà ấy hộ nhỉ.
Trần Công khảng khái nói ngay:
– Vậy thì tôi xin đi tìm thần Mưa giục phải làm mưa sớm cho bà con ta!
Từ giã ra đi, Trần Công quyết tìm đến xứ sở của thần Mưa. Ông trèo lên nhiều núi, lội rất nhiều khe, qua rất nhiều ngày mà vẫn chưa đến. Một hôm, Trần Công trèo lên một quả đồi. Một con vượn già bị mắc bẫy, thấy có người đến thì kêu lên:
– Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Ông vội chạy lại tháo bẫy cho nó. Được tự do, vượn hết lời cảm ơn ông. Nó hỏi:
– Ông đi đâu bây giờ?
– Ta đi tìm xứ sở của thần Mưa.
– Xứ sở của thần Mưa còn xa đây lắm, ông già rồi làm sao có thể tới nổi?
– Dù xa bao nhiêu ta cũng quyết đi để giục thần Mưa phải mau mau cứu vùng Hạ-hòa đang bị hạn.
– Thế thì để tôi biếu ông một vật.
Vượn bèn bảo ông ngồi chờ, rồi chạy vội vào rừng, chốc sau nó trở lại với một cái gậy con. Đưa cho Trần Công, vượn nói:
– Cái gậy có phép rút đất, ông có thể đi bất cứ nơi nào cũng được, chỉ cần nói chỗ mình đến là đủ.
Trần Công vui vẻ nhận món tặng vật, cảm ơn vượn rồi bảo gậy:
– Hỡi thần gậy, hãy đưa ta đến xứ sở của thần Mưa.
Tự nhiên ông thấy mắt hoa lên, cây cối núi non hai bên như chạy rạt rất nhanh về phía sau, chỉ độ nửa buổi là đứng lại. Ông nhận thấy mình đứng giữa một nơi quang cảnh lạ lùng. Nhưng ở cũng có người và vật như ở trần gian. Ông hỏi nhà thần Mưa, người ta chỉ cho ông. Ông gọi đến cổng. Có tiếng nói vọng ra: – “Ai đó mời vào”.
Bước vào nhà, ông thấy một bà già hom hem đang nằm trên giường. Ông hỏi:
– Bà có phải là thần Mưa không?
– Phải.
– Tại sao bà để cho trần gian có những vùng hạn hán đến nỗi không đủ nước mà uống. Sao bà ác thế? Bà không biết ở hạ giới người ta rủa bà hàng ngày hàng giờ đấy ư?
Bà già không nói gì, mời ông ở lại khoản đãi cơm nước tử tế. Ở được vài ngày vẫn không thấy bà làm gì cả, suốt ngày chỉ nằm rên khừ khừ, Trần Công lại tới nhắc. Bà già nói:
– Ta vốn có phận sự làm mưa ở trần gian. Nhưng mấy lúc này ta bị một ác chứng không thể đi đâu được. Ta có ý chờ con gái ta về, nhưng không hiểu sao nó đi chơi lâu quá! Nay trời cũng có lệnh truyền bảo làm mưa, ta muốn cậy ông làm hộ.
– Tôi thì biết gì mà làm.
– Công việc kể ra không có gì khó lắm, chỉ cần làm theo lời dặn là đủ. Ông nhìn trên vách kia có một cái bầu, nếu ông bằng lòng đi, tôi sẽ múc nước đầy bầu cho ông. Bên cạnh bầu có một nhành lá. Chỉ cần trèo lên lưng con sư tử mà ngồi cho vững. Nó sẽ đưa ông đi tới những miền đã định sẵn. Thế rồi ông cứ nhúng những nhành lá vào bầu mà vẩy xuống, nhưng phải vẩy từ từ mới được.
– Thế thì tôi sẵn lòng làm giúp. Bà cứ sắm sửa mọi thứ ngay đi!
Bà già ngồi dậy ra bể múc đầy bầu nước và gọi một con sư tử đến dặn dò mọi việc, Trần Công trèo lên lưng sư tử, một tay cầm bầu, một tay cầm nhành lá. Sư tử liệng một vòng trên không rồi bay xuống hạ giới lần lượt đến những chỗ làm mưa. Trần Công nhìn xuống thấy mọi vật đều nhỏ li ti như hạt bụi. Nhưng ông lo lắng đến công việc đã hứa. Ông bèn cầm nhành lá nhúng vào bình rồi vẩy lia lịa. Nhìn xuống đã thấy một phía trời mịt mù. Ông đoán chắc là mưa to, trong lòng lấy làm thích thú. Ông cứ lần lượt vẩy mãi, vẩy mãi, mỗi lần đến một chỗ mới. Khi đi đến vùng trời Hạ-hòa, ông sực nhớ tới những lời than phiền hạn hán của những người dân nơi đây, bụng bảo dạ: -“Ta phải cho họ thêm một ít nước để bù vào những cơn nắng hạn dữ dội, chứ mưa như thế chắc không thấm tháp gì. Và lại để đền ơn cho họ đã cứu ta khỏi chết khát”. Bèn không vẩy nữa mà cầm cả bầu dốc ngược. Thấy thế sư tử tỏ vẻ hoảng sợ ngoái lại bảo ông dừng tay, rồi quay trở về. Chỉ một lát sau nó đã về đến nhà. Bà già ra đón hỏi. Ông thực thà kể lại đầu đuôi. Nghe đoạn, bà già chép miệng:
– Thôi, thế là ông đã làm hại người ta rồi. Ở chốn ấy bây giờ chắc chẳng còn một mống nào sống sót.
Trần Công nghe nói giật mình, nhưng vẫn không tin lời bà già lắm. Hôm sau ông từ giã thần Mưa ra về. Chiếc gậy rút đất lại đưa ông xuống cõi trần một cách chóng vánh. Đường đi qua vùng Hạ-hòa, ông dừng lại để xem thử thế nào. Thì ra ở nơi này nhà cửa, cây cối, người và vật đều chẳng còn một tí gì. Cả cái mô đất cao cũng bị hóa bằng, nếu không có hòn đá lớn mà ông nằm nghỉ hôm nọ còn lại, thì cơ hồ ông cứ tưởng là cõi hoang vu nào thưở trước. Ông tặc lưỡi hối hận:
– Thật có ai ngờ làm ơn hoá hại.
6. Hai bảy mười ba
Ngày xưa, ở huyện Hà-đông thuộc tỉnh Quảng có hai vợ chồng nhà nọ, chồng quen thói lấn lướt vợ, nhưng vợ cũng không phải tay vừa.
Một hôm nhà có giỗ. Người vợ nấu một nồi chè để cúng. Chè nấu xong, vợ lần lượt múc vào bát. Nhưng vì mâm ở bếp còn bận, nên vợ cứ hai tay hai bát bưng lên cho chồng bày lên bàn thờ. Cứ như thế, vợ lần lượt bưng đến bảy chuyến mới hết. Vợ lẩm bẩm một mình: – “Bảy chuyến vị chi là mười bốn bát”.
Chồng xếp tới xếp lui mấy bát chè vào lòng mâm trên bàn thờ. Cuối cùng thấy thừa một bát, xếp gọn thế nào cũng không để lọt. Bụng bảo dạ: – “Chẳng lẽ lại đặt nó lẻ loi ra ngoài mâm. Thôi, sẵn dịp vắng vẻ không có ai, ta hãy nếm thử, chắc vợ mình cũng chẳng đếm đâu mà biết”. Nghĩ vậy nhân lúc vợ còn loay hoay sau nhà, chồng bèn lấy bát chè thừa đưa ra sau bàn thờ húp lấy húp để. Húp xong, hắn ra bể cạn rửa, rồi đi vào bếp úp cái bát sạch vào rổ. Đoạn trở lên nhà trên làm nốt công việc khác.
Đến chừng cúng xong, bưng mâm chè xuống, người vợ ngẩn ra khi thấy đếm đi đếm lại mấy lần vẫn cứ thiếu một bát chè. Vợ tự hỏi: – “Quái, chắc là chồng ta ăn, hay là trong khi xếp làm đổ mất một. Ta phải tìm cho ra lẽ mới được”. Nghĩ vậy vợ bèn hỏi chồng:
– Tại sao lại thiếu một bát chè?
Chồng làm ra vẻ tự nhiên:
– Ủa, mình bưng lên bao nhiêu thì tôi bày ra bấy nhiêu đó.
Vợ phân trần:
– Tôi bưng lên cả thảy là bảy lần, mỗi lần hai bát, hai bảy mười bốn. Đầu đuôi là thế. Tại sao bây giờ chỉ còn mười ba?
Chồng không ngờ vợ đã có đếm hằn hoi, nhưng chẳng lẽ bây giờ lại nhận là mình ăn thì đâm ngượng. – “Nhận mình ăn cũng chẳng sao, nhưng có nhận thì nhận ngay từ đầu, để đến bây giờ đã muộn”. Bèn làm mặt giận:
– Tôi biết đâu đấy. Hay là mình nghi cho tôi ăn chăng?
Vợ không nhịn được:
– Còn gì nữa. Trong nhà lúc ấy chỉ có tôi với mình, con thì đi vắng. Vậy chẳng lẽ ai vào đây mà nuốt mất bát chè.
Đến đây chồng đỏ mặt tía tai, sừng sộ:
– Mày bảo tao ăn thì tang chứng đâu? À quân này láo!
Nói rồi chồng sấn lại. Vợ không xuống nước, nhất quyết đổ riệt cho chồng ăn vụng. Thế là một cuộc xô xát xảy ra giữa hai người, đi liền theo là mâm bát đổ vỡ, bàn ghế xiêu vẹo. Bữa giỗ vì thế không những mất ngon mà còn thiệt hại cả đơn lẫn kép.
Thấy mình nắm chắc phần đúng trong tay, không ngờ kết quả lại đến thế, người vợ vừa đau thân vừa giận đời, bèn phát đơn kiện lên quan.
Biết vậy, người chồng từ chỗ hung hăng chuyển sang lo lắng. Hắn nghĩ bụng: – “Nếu nó làm ra chuyện thì chuyến này không những xấu hổ với bà con làng xóm mà rồi đây còn khó ăn khó nói với con cái trong nhà!”. Hắn bèn mang lễ vật lên lo lót quan, xin quan gỡ cho để khỏi “mất mặt”. Nhìn món lễ vật hậu hĩ, quan gật gù:
– Được được, ta sẽ lo cho êm thắm.
Hôm ra trước công đường, sau khi nghe nguyên cáo trình bày, quan phán:
– Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này, hãy ngước mắt nhìn những đường đòn tay trên mái công đường mà xem. Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không?
Vợ chồng cùng ngửa mặt lên nhìn. Chồng chịu là quan có tài. Nhưng vợ thì còn muốn cãi lại. Quan đập bàn phán tiếp:
– Thánh nhân có nói: “Phu xướng phụ tùy”. Vợ chồng chúng bay hãy dẫn nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.
Nói rồi thét lính đuổi cả vợ lẫn chồng ra khỏi công đường.
Khi họ về đến nhà, bà con xóm giềng tới hỏi thăm. Giữa lúc người chồng hoa chân múa tay có vẻ thích chí, thì người vợ than:
Nực cười ông huyện Hà-đông,
Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba.
Không nghe tan cửa hại nhà,
Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng[1].
Người ta còn nói câu tục ngữ: “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” là do truyện trên mà ra.
7. Tham thì thâm
Ở vùng núi Tuyên Hưng có loài đười ươi có thể nói được tiếng người, người ta bắt chúng về nuôi làm cảnh tập nói một vài tiếng cho vui.
Lúc ấy ở kinh thành Thăng Long có một lão nhà buôn giàu có nhưng rất tham lam, lão ta rất khinh miệt người nghèo khó. Một hôm có mấy người khiêng võng đến trước tiệm nhà lão, một người gia nhân vào nhà và nói:
– Bà lớn nhà tôi bị cảm không ra gió được, ông chịu khó mang hang ra võng cho Bà chọn.
Nghe thấy có Bà lớn đến mua hàng , lão chủ tiệm hí hửng mang hàng ra cho Bà lớn chọn. Lão đưa món nào Bà lớn ở trong võng cũng nói: “Được, được”. Gia nhân lại nói:
– Bà lớn bảo mang hết hàng bà chọn về dinh để lấy tiền.
Lão chủ tiệm mừng rỡ vô cùng. Lão hí hửng đi theo Bà lớn vừa đi lão vừa lẩm bẩm:
– Đúng là bán cho nhà quan nói gì cũng mua.
Đến một ngôi nhà lớn gia nhân lại nói:
– Ông ngồi chờ ở đây, tôi sẽ mang tiền ra.
Lão chủ tiệm hí hửng ngồi chờ, đám gia nhân mang hàng đi vào cổng lớn nên lão không hề nghi ngờ gì. Lão ngồi đợi mãi đến chiều mà không thấy ai ra thì lão vào trong ngôi nhà thì thấy giữa sân là cái võng của Bà lớn. Lão giật tấm vải che ra thì hốt hoảng nhận ra Bà lớn là một con đười ươi. Đười ươi nói: “Được, được”.
Lão hốt hoảng chạy sâu vào bên trong thì thấy đó chỉ là một căn nhà bỏ hoang, đám gia nhân đã mang hàng theo cửa sau chạy đi mất.
Biết mình đã bị lừa, lão chạy ra chửi rủa con đười ươi, nhưng nó vẫn chỉ nói “Được, được”.
Lão chủ tiệm đành nuốt giận đi về nhà. Đó là bài học thích đáng cho tính tham lam của lão thấy lợi là hoa mắt không suy tính thiệt hơn.
8. Thạch Sanh
Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống. Việc làm của gia đình họ Thạch thấu đến trời, Ngọc Hoàng cho Thái tử đầu thai xuống trần làm con nhà họ Thạch. Thạch bà thụ thai ba năm, chưa sinh con thì Thạch ông mất. Sau đó, Thạch bà sinh một con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Thạch Sanh. Cách ít năm sau, Thạch bà cũng mất, Thạch Sanh sống côi cút một mình trong túp lều tranh dưới gốc đa với một mảnh khố che thân và một cái búa đốn củi.
Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên ông xuống dạy cho chàng các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.
Một hôm có anh hàng rượu tên là Lý Thông, đi bán rượu ghé vào gốc đa nghỉ chân, thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lanh lợi, ở một mình, bèn kết làm anh em và đưa Thạch Sanh về nhà.
Bấy giờ ở trong vùng có một con Trăn Tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa; nhà vua phải cho lập miếu thờ và mỗi năm nộp mạng một người cho nó. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải nộp mình. Mẹ con Lý Thông nghe tin hoảng hốt, bàn mưu tính kế đưa Thạch Sanh đi thế mạng. Khi Thạch Sanh đi lấy củi về, Lý Thông đon đả mời chàng uống rượu và nói: “Ðêm nay anh phải đi canh miếu thờ trong rừng, nhưng trót cất mẻ rượu, anh đi sợ hỏng, nhờ em thay anh canh miếu một đêm”. Thạch Sanh vui vẻ nhận lời và đi ngay.
Nửa đêm Trăn Tinh hiện về, giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh trổ tài đánh nhau với Trăn Tinh, cuối cùng chàng chém được đầu nó, đốt xác nó thành than, và thấy hiện lên trong miếu một bộ cung tên bằng vàng ngời sáng. Thạch Sanh mừng rỡ giắt búa, đeo cung và xách đầu Trăn Tinh chạy thẳng một mạch về nhà. Nghe tiếng Thạch Sanh gọi, mẹ con Lý Thông hoảng sợ, cho là oan hồn của Thạch Sanh sau khi bị Trăn Tinh ăn thịt, trở về nhà oán trách, bèn cất lời cầu khấn, van xin: “Sống khôn, thác thiêng em hãy tạm đi, ngày mai mẹ cùng anh sẽ mua sắm vàng hương, cơm canh, cỗ bàn cúng em chu tất!”. Bấy giờ, Thạch Sanh mới biết rõ tâm địa và mưu kế của mẹ con Lý Thông nhưng chàng không giận, vẫn vui vẻ kể chuyện giết Trăn Tinh cho mẹ con họ Lý nghe. Lý Thông liền nảy ra một mưu thâm độc mới. Nó nói Trăn Tinh là báu vật nhà vua nuôi, ai giết sẽ bị tội lớn. Thạch Sanh lo sợ, Lý Thông bảo Thạch Sanh trốn đi cho an toàn, một mình y sẽ tự lo liệu thu xếp giúp cho.
Sau khi Thạch Sanh từ giã mẹ con Lý Thông trở về gốc đa xưa, Lý Thông đi ngay về Kinh, tâu vua là đã trừ được Trăn Tinh. Nhà vua vui mừng trọng thưởng và phong cho Lý Thông làm Ðô đốc quận công. Tiếp đó, nhà vua mở hội kén chồng cho con gái là công chúa Quỳnh Nga. Hội kén chồng kéo dài hàng tháng nhưng công chúa không chọn được ai vừa ý đẹp lòng. Một hôm công chúa đang dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ khác sà xuống cắp đi. Thấy chim cắp người bay qua, Thạch Sanh giương cung bắn, đại bàng bị trúng tên vào cánh trái, nó dùng mỏ ngậm tên rút ra rồi bay tiếp về hang ổ. Thạch Sanh lần theo vết máu tìm đến cửa hang đại bàng, chàng đánh dấu cửa hang ác điểu rồi trở lại gốc đa.
Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, tìm được thì sẽ được lấy công chúa, làm phò mã, nối ngôi vua, không tìm được phải chịu tội. Lý Thông vừa mừng, vừa lo, y lập kế mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng dò la tin tức. Ðến ngày thứ mười, biết tin Lý Thông mở hội, Thạch Sanh đến thăm và kể cho Lý Thông nghe việc bắn chim đại bàng, Lý Thông mừng vui khôn xiết, hậu đãi Thạch Sanh và nhờ chàng dẫn đường đến hang Ðại bàng cứu công chúa.
Thạch Sanh dùng thang dây xuống hang gặp công chúa và đưa thuốc mê cho đại bàng uống. Công chúa hẹn ước kết duyên cùng Thạch Sanh rồi Thạch Sanh buộc dây đưa nàng lên mặt đất. Lý Thông sai quân lính đưa công chúa lên kiệu rước về cung, còn y nói dối là ở lại đánh nhau với quái vật. Sau đó, Lý Thông dùng đá lấp kín cửa hang và trở về triều đình mạo nhận công trạng. Không thấy Thạch Sanh trở về, công chúa buồn thương rầu rĩ và bặt câm, không hé môi nói nửa lời. Nhà vua buồn bã, Lý Thông cầu đảo thuốc thang khắp nơi đều vô hiệu, việc tổ chức cưới xin phải đình hoãn.
Hết liều thuốc mê, đại bàng tỉnh dậy hóa phép thần thông hãm hại Thạch Sanh, chàng dũng sĩ “mặt đỏ mày xanh”, đã dám cả gan “phá nhà, cướp vợ” của nó. Thạch Sanh dùng tài võ nghệ và phép thần thông của mình tiêu diệt được đại bàng. Nhìn lên cửa hang kín bưng không còn một khe hở nhỏ, Thạch Sanh dạo khắp hang động của đại bàng và gặp Thái tử con vua Thủy Tề đang bị yêu quái nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh phá tan cũi sắt giải thoát cho Thái tử. Thái tử mời Thạch Sanh về Thủy Tề gặp vua cha. Vua Thủy Tề cảm ơn và hậu đãi chàng. Trong thời gian lưu lại thủy cung, một hôm Thạch Sanh đang cùng Thái tử dạo chơi thì một con Hồ Tinh xuất hiện, biến thành một cô gái xinh đẹp để cám dỗ, mê hoặc hại chàng. Thạch Sanh bắt nó phải hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi và hóa phép giam nó lại. Vua Thủy Tề mời Thạch Sanh ở lại thủy cung và sẽ phong chức tước cho chàng, nhưng Thạch Sanh từ chối. Vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn thần và sai sứ giả rẽ nước đưa chàng trở lại trần gian. Thạch Sanh lại về với gốc đa xưa. Vắng bóng Thạch Sanh cây đa buồn ủ ê, khi Thạch Sanh trở về cây đa lại xanh tươi như cũ. Hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết (Trăn Tinh và Ðại Bàng) gặp nhau tìm cách hãm hại Thạch Sanh. Chúng vào kho châu báu của nhà vua lấy cắp vàng bạc ném vào gốc đa nơi Thạch Sanh ở. Quân lính nhà vua bắt Thạch Sanh tống ngục, nhà vua giao cho Lý Thông xử tội. Lý Thông khép Thạch Sanh vào tội tử hình để bịt đầu mối. Trong lúc bị giam trong ngục, chờ hành hình, Thạch Sanh đem đàn ra gảy. Cây đàn thần vang lên tiếng tơ, tiếng trúc, cung thảm, cung sầu; cung thì kể tội Lý Thông vong ân, bạc nghĩa, cướp công Thạch Sanh; cung thì trách nàng công chúa sai lời hẹn ước dưới hang (tích tịch tình tang, ai đem công Chúa dưới hang mà về?)…
Nghe tiếng đàn, công chúa bừng tỉnh dậy, cười cười, nói nói. Nhà vua vui mừng nghe công chúa nói rõ ngọn ngành. Lập tức nhà vua hạ lệnh tha cho Thạch Sanh và bắt Lý Thông tống ngục. Tiếp đó, vua làm lễ thành hôn cho Thạch Sanh cùng công chúa và truyền ngôi cho Thạch Sanh. Vua giao toàn quyền cho Thạch Sanh xử tội Lý Thông. Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, cho mẹ con họ Lý về quê quán làm ăn. Nhưng về giữa đường, trời nổi giông gió, mẹ con Lý Thông bạc ác bị sét đánh chết, Lý Thông hóa thành con bọ hung suốt đời chui rúc nơi bẩn thỉu.
Biết tin Thạch Sanh kết duyên với công chúa Quỳnh Nga và lên ngôi trị vì thiên hạ, các hoàng tử, công hầu của mười tám nước chư hầu, những người đã từng kéo đến cầu hôn công chúa không được, vô cùng ghen tức, họ kéo quân đến gây sự với Thạch Sanh và công chúa. Thạch Sanh cùng công chúa ra tiếp đãi họ một cách tử tế. Tiếng đàn thần của Thạch Sanh phân rõ lẽ thiệt hơn, phải trái, làm cho quân sĩ các nước chư hầu mềm lòng, nản chí. Kẻ nhớ mẹ nhớ cha, người thương con nhớ vợ, ai cũng muốn về và ngại việc binh đao, cuối cùng các nước chư hầu đều thuận lui binh. Thạch Sanh mời họ ăn cơm. Chàng có niêu cơm thần nhỏ bé nhưng xới bao nhiêu bát, cơm vẫn đầy lên như cũ, khiến cho các nước chư hầu càng thêm kính phục.
9. Người con hiếu thảo
Ngày xưa trong một gia đình nọ có ba anh em trai, hai người anh thì lười biếng ích kỷ, tham lam ngược lại người con út vừa siêng năng, vừa thật thà hiếu thảo.
Những việc khó khăn nặng nhọc trong nhà thì hai người anh đẩy hết cho người em nhưng khi có món ăn ngon hay quần áo đẹp thì hai anh lại tranh nhau giành hết về phần mình. Tuy vậy Út vẫn không than phiền gì lúc nào cũng vui vẻ nhường nhịn hai anh.
Một hôm người cha lâm bệnh nặng, Út vô cùng lo lắng ngày đêm túc trực chăm sóc cha rất chu đáo, trong khi hai người anh vẫn mải mê rong chơi đầu làng cuối xóm. Bệnh tình của người cha ngày càng nguy kịch, thầy thuốc bảo:
– Ông cụ mắc phải bệnh nan y khó lòng qua khỏi!
Út hốt hoảng:
– Thật vậy sao? Chẳng lẽ không còn cách nào cứu chữa sao?
Thầy thuốc suy nghĩ một lát rồi nói:
– Có một cách nhưng khó khăn lắm.
– Thưa thầy, khó thế nào con cũng làm được xin thầy cứ cho con biết.
– Giờ chỉ có một vị thuốc quý là có thể chữa khỏi bệnh cho cha của con, nhưng để sắc được loại thuốc này thì cần phải tìm được một loại cỏ quý trên núi Trúc Lĩnh, đường đi đến đó gian nguy, hiểm trở, phải đi qua một cây cầu làm bằng một sợi dây thừng bắc ngang con suối sâu, phải vượt qua một con sông rộng mà không có đò, rồi lại phải leo lên một ngọn núi bốn phía đá dựng lên như bức tường thành lúc đó mới đến được ngôi chùa có thứ cỏ thơm ấy.
Người cha nghe vậy gắng gượng nói:
– Ai trong các con kiếm được thuốc về chữa cho cha sẽ được hưởng toàn bộ gia tài.
Hai người anh nghe thấy hai chữ “gia tài” sợ người em sẽ chiếm mất nên nhảy bổ đến bên giường cha nhanh nhảu nói: “Để chúng con đi.”
Sáng hôm sau hai người anh lên đường đi đến núi Trúc Lĩnh, đến con suối sâu nước réo ùng ục họ sợ quá, lại thấy cây cầu bắc qua suối chỉ là một sợi dây thừng đung đưa trong gió, hai người họ cứ đùn đẩy nhau không ai dám bước qua trước. Bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ gánh củi từ trong rừng đi ra nói:
– Các cháu có thể gánh giúp cụ bó củi này đi qua bên kia bờ được ko?
Người anh cáu kỉnh đáp:
– Chúng tôi đi người không mà còn chưa dám qua, ai lại đi gánh củi cho ông nữa.
Rồi sau đó họ cố gắng bước qua cây cầu, nhưng sợi dây cứ chao qua chao lại như muốn hất cả hai xuống suối. Loay hoay mãi không được họ đành tay không trở về.
Người em út thấy vậy liền từ biệt cha và hai anh lên đường quyết tìm cho được loại cỏ quý ấy. Đi đến bờ suối anh cũng gặp ông lão hôm nọ, ông lão chưa nói gì anh đã chạy lại đỡ gánh củi lên vai rồi lễ phép nói:
– Thưa ông cây cầu này nguy hiểm lắm ông hãy để con gánh bó củi này qua rồi quay lại dìu ông sang bên kia bờ.
Lạ thay anh bước lên cầu dễ dàng và đi một mạch sang bên kia anh mừng quá đặt gánh củi xuống định quay lại đón ông lão thì lại thấy ông lão đã đứng trước mặt mình từ bao giờ. Ông lão tươi cười hiền từ nói:
– Con thật tốt bụng và gan dạ, bây giờ con muốn đi đâu?
– Thưa ông con muốn đi tìm cây thuốc quý để chữa bênh cho cha.
– À ta biết nơi có loại dược thảo đấy, để ta chỉ đường cho.
– Dạ con xin cảm ơn ông.
– Bây giờ con hãy đi thẳng theo con đường này đến khi gặp một con sông lớn, con hãy gọi ba lần: “Ơi Bạch hạc giúp ta sang sông”. Đi tiếp ba ngày trời con sẽ đến chân núi Trúc Lĩnh Con nhớ đi đến chân núi phía Nam, gõ vào vách đá 7 tiếng rồi gọi: “Hỡi núi cao hãy mở đường cho ta đi”. Lên đến ngôi chùa sẽ có sư ông giúp con.
Anh bái tạ ông lão rồi lên đường. Anh làm theo những gì cụ già dặn và cuối cùng anh đã lên được đến ngôi chùa.
Anh vừa tới nơi thì sư ông xuất hiện, anh vái chào sư ông rồi nói:
– Thưa sư ông con lên đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho cha xin sư ông giúp con ạ.
Sư ông nhìn anh trìu mến và nói:
– A di đà phật, con đúng là một người con hiếu thảo. Thật đáng khen.
Rồi sư ông dắt anh vào vườn chùa hái cho anh một nắm cỏ rồi dặn:
– Con hãy đem nắm cỏ này về sắc với hoa bưởi rồi đem cho người bệnh uống.
Người con út đa tạ sư ông rồi xin phép trở về. Anh đi theo con đường cũ để trở về nhà nhưng lạ thay sông suối rồi cây cầu bằng dây thừng đều biến mất và trước mắt anh là con đường bằng phẳng. Anh đi thật nhanh về nhà. Vừa về đến đầu làng người em đã gặp hai người anh đang đứng đợi mình. Hai anh nói:
– Em đi đường xa chắc là mệt cứ ngồi ở đây nghỉ ngơi, để anh mang bó thuốc này về trước cho cha.
Không hề so đo tính toán người em liền đưa bó thuốc cho hai anh. Chỉ chờ có thể hai người anh chạy thật nhanh về nhà đưa bó thuốc cho cha nhằm cướp công của người em.
Hai người anh hí hửng lấy một ít thuốc ra cho vào ấm để đun lên. Người cha vui mừng khen ngợi hai người anh. Nhưng khi người cha vừa uống một ngụm thuốc thì ông thấy choáng váng và đau đớn vô cùng. Đúng lúc đó người em út về đến nhà. Thấy vậy người em chạy ra vườn hái hoa bưởi để sắc thuốc theo lời sư ông dặn. Quả nhiên khi vừa uống xong chén thuốc người em sắc ông trở nên khỏe mạnh hơn.
Vài ngày sau ông gọi ba người con đến và nói:
– Út đã không ngại khó khăn đi lấy thuốc về cho cha, nay cha sẽ để lại gia tài cho con.
Người con Út thấy cha trở lại mạnh khỏe, nên vô cùng vui sướng và nói với cha:
– Thưa cha, xin cha hãy chia đều gia tài cho 3 anh em con.
Người cha thấy vậy liền nói: “Con đúng là em hiền con thảo, được, cha sẽ làm theo ý của con.” Trước nghĩa cử cao đẹp của người em hai người anh vô cùng hối hận từ đó họ bắt đầu thay đổi tính tình không còn tham lam và lười biếng nữa.
10. Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ
Ngày xưa có hai mẹ con một anh chàng nhà nghèo rớt mùng tơi. Anh chàng lang thang đi kiếm việc làm nhưng chả có ai thuê cả. Mãi sau có một chủ thuyền buôn thấy anh khỏe mạnh lại biết bơi lội mới thuê làm thủy thủ. Hắn hứa cho anh cơm một ngày ba bữa và bốn mươi quan tiền trả trước. Anh chàng mừng rỡ tưởng không có hạnh phúc nào hơn thế nữa, vội cầm ba mươi quan đem về cho mẹ tiêu, còn mười quan thì mang theo định để dành may mặc.
Thuyền cất hàng, vượt biển luôn năm ngày đến một thị trấn lớn. Trên bến người mua kẻ bán chen chúc như hội. Bọn thủy thủ bảo chàng:
– Ở đây thứ gì cũng buôn được. Cứ mua một ít đưa về quê nhà bán là tự khắc có lãi.
Anh chàng xưa nay không quen buôn bán nên cầm mười quan tiền trong tay chưa biết nên mua thứ hàng gì. Bỗng chốc anh thấy có một người mang ra bến một con chó bị trói toan vứt xuống sông. Lấy làm thương, anh vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Người ấy cho biết chó này là của chủ mình. Hôm nay chủ đi chợ mua thịt về dọn tiệc, không rõ cắt đặt thế nào để chó ăn vụng mất cả. Chủ tức giận trói chó đánh một trận thừa sống thiếu chết rồi sai đi buông sông. Nghe kể thế, anh chàng xin mua lại con chó. Người kia cười mà rằng:
– Nó chỉ chuyên môn ăn vụng, anh mua về làm gì?
Chàng đáp:
– Thây kệ, cứ bán cho tôi đi!
Cuối cùng anh chàng xỉa ra ba quan mua lấy con chó, cởi trói cho nó, đoạn xích lại bên chỗ mình làm việc.
Sau đó một chốc, anh lại trông thấy có một người đàn bà mang một con mèo toan vứt xuống sông. Anh chàng vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Khi biết tội trạng của mèo cũng chỉ là ăn vụng, anh nài nỉ để con vật lại cho mình. Thấy người đàn bà khuyên can không nên mua thứ mèo xấu nết, anh không nghe và nói:
– Thây kệ! Chị cứ bán cho tôi đi!
Thế là cuối cùng mèo cũng thoát chết. Và người chủ mới của nó sau khi xỉa ra ba quan để mua, đem buộc lại gần bên con chó.
Ngồi một mình trên thuyền, thấy buồn, anh chàng bèn bỏ thuyền lên bộ đi dạo bờ sông. Bỗng chốc anh thấy có ba đứa trẻ chăn trâu bắt được một con rắn nước, toan dùng roi xử tội. Anh chàng vội chạy lại ngăn cản:
– Các em đừng đánh nó, nó là rắn nước, có làm hại ai đâu?
– Mặc kệ chúng tôi – bọn trẻ đáp – Chúng tôi bắt được nó, chúng tôi đánh, ông cản làm gì?
Thấy bọn chúng khăng khăng cố tình giết rắn, anh chàng lại dùng tiền để cứu con vật vô tội. Chúng đòi năm quan. Mãi sau anh mới bớt được một. Thế là tất cả số tiền mang theo đều lần lượt vợi đến hết. Mua được con rắn, anh vội thả xuống sông cho nó trở về xứ sở. Bọn thủy thủ khi nghe anh kể lại những việc mua bán của mình thì đều cười ngất, cho là một người khờ dại ít có. Anh chỉ ngồi lặng yên không nói gì cả.
Khi thuyền bắt đầu trở về, vào khoảng nửa đêm, anh đang chèo bỗng thấy con rắn nước bơi từ dưới sông bơi lên trao cho mình một viên ngọc và nói:
– Cha tôi là Long Vương, cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, cho tôi đem biếu anh một viên ngọc “băng xuyên” để mời anh xuống chơi. Mang ngọc vào mình, anh có thể đi được dưới nước cũng dễ dàng như đi trên bộ.
Anh chàng nghe nói vội buông chèo đi theo rắn nước xống Thủy phủ. Quả nhiên, anh được vua Long Vương tiếp đãi rất hậu, tống tiễn ngọc vàng châu báu rất nhiều. Sau đó anh được người của Long Vương đưa về tận nhà.
Chủ thuyền thấy mất hút anh, tưởng anh đã rơi xuống nước, bèn đỗ thuyền lại, lên bộ trình với xã sở tại. Nhưng khi mọi người về đến quê hương thì họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì anh thủy thủ trẻ tuổi đã về đến nhà ba ngày trước rồi.
Từ đó anh trở nên giàu có. Nhưng anh vẫn sống một cuộc đời bình thường với người mẹ già. Con chó, con mèo được anh cứu vẫn theo anh không rời. Về sau, anh lấy vợ. Vợ anh là một cô gái đẹp. Nàng rất thích đeo nữ trang. Thấy viên ngọc “băng xuyên” chiếu sáng một góc tủ, nàng thích lắm nên một hôm lấy trộmg mang đến cho một người thợ kim hoàn bảo đánh cho mình một chiếc ngẫn. Không ngờ, người thợ kim hoàn biết là ngọc quý ít có trong thế gian, bèn đi kiếm một viên khác tương tự như thế đánh tráo vào mà cướp lấy bảo vật.
Khi biết rõ chuyện mất cắp, anh chàng thủy thủ trở nên buồn bã. Hàng ngày anh ra bờ sông mong tìm lại con rắn nước nhưng chả làm sao gặp được. Chó và mèo thấy chủ không vui, một hôm nói với chủ xin đi tìm viên ngọc.
Đường đi đến nhà người thợ kim hoàn phải qua một con sông rộng. Không có cách gì vượt qua cả, hai con vật cứ loanh quanh ở trên bờ. Về sau chúng nó tìm được vào nhà một con rái cá. Chúng kể sự tình cho rái cá nghe và nhờ nó đưa giúp qua sông. Rái cá vui lòng gọi các bạn bè của nó đứng sát vào nhau, kết thành một cái bè cho chó và mèo ngồi lên lưng, chở qua sông yên lành.
Khi đến nhà người thợ kim hoàn, mèo bảo chó:
– Để tao trèo lên nóc nhà kêu lên mấy tiếng cho những con chó trong nhà xúm lại sủa. Thế là mày cứ đường hoàng theo cổng mà vào không ai biết.
Quả nhiên, bầy chó nhà của người thợ kim hoàn nghe mấy tiếng mèo kêu vội xông ra đuổi. Mèo dẫn chúng đi thật xa nên chó ta lẻn vào nấp dưới một cái hầm, vô sự.
Khi hai con vật gặp lại nhau, chúng tìm tòi khắp trong nhà. Tất cả của cải của lão thợ kim hoàn đều bỏ trong một cái rương xe, luôn luôn khóa kín, không dễ gì lọt vào được. Mèo bèn cố sức tìm tòi, chụp bắt được một con chuột. Chuột van lạy xin tha mạng. Mèo bảo nó dẫn mình đến gặp chuột chúa đàn. Mèo nói rõ cho chuột chúa biết việc mình đến đây, và nhờ hắn giúp mình lấy cho được viên ngọc, đổi lại, mèo hứa sẽ luôn luôn để ý không phạm đến tôn tộc nhà chuột ở đấy. Chuột chúa đàn vâng lời ngay:
– Để tôi bảo lũ con cháu, tôi tớ trong nhà khoét chiếc rương của nó ra, tìm cho các ông.
Nhưng đến khi lọt được vào trong rương, lũ chuột tìm mãi vẫn không thấy ngọc. Chuột chúa đàn ra báo lại cho mèo biết, và nói:
– Trong rương này có một cái hộp bằng bạc. Có lẽ nó giấu ngọc trong đó; cái hộp đó thì khó lòng mà gặm được.
– Vậy làm thế nào bây giờ? – Mèo hỏi.
– Chỉ có cách là chúng tôi sẽ nhờ xóm giềng hợp sức cùng chúng tôi khoét rộng lỗ thủng làm sao đưa lọt cái hộp ấy ra đây cho các ông tìm.
– Thế thì làm gấp lên đi!
Chỉ trong một đêm, cả xóm nhà chuột đã gặm nát rương, lấy được cái hộp đưa ra cho mèo. Hai con vật tìm cách phá hộp ra, quả thấy viên ngọc của chủ. Chúng vô cùng mừng rỡ.
Sau khi ra khỏi nhà người thợ kim hoàn, chó tranh mèo mang ngọc. Nhưng đến lúc sắp sửa sang sông, vì mắng nhau với một con chó khác, nên chó đã để ngọc văng xuống nước. Một con cá trông thấy ngọc sáng vội bơi tới đớp và nuốt ngay.
Thấy chó để mất ngọc, mèo giận quá mắng chó một trận thậm tệ. Chó biết lỗi, lặng thinh, cuối cùng mếu máo:
– Biết làm sao bây giờ?
Suy nghĩ một lát, mèo tìm được một kế bảo chó:
– Chúng ta sẽ tìm đến một nhà thuyền chài ở vùng này xin ở với họ. Thế rồi chờ khi họ câu được con cá đã nuốt viên ngọc thì sẽ kiếm cách cướp lấy đem về.
Chó khen mưu kế hay, bèn cùng mèo tìm đến một gia đình ông chài đang đỗ thuyền lại ở bờ sông phơi lưới. Hai con vật tỏ ra rất khôn ngoan, hiền lành nên được cả nhà đối đãi tử tế.
Mấy hôm sau, ông chài đánh mẻ lưới được một con cá chày rất lớn, mổ ruột ra, thấy có viên ngọc. Chó và mèo khấp khởi mừng thầm. Trong khi cả nhà đang trao ngọc cho nhau để xem của lạ, thì mèo lẹ làng tiến lại cọ người vào chân chủ. Nhân khi chủ sơ ý, nó nhảy lên ngoạm lấy viên ngọc và lập tức cong đuôi nhảy lên bờ chạy mất. Thấy thế, chó cũng ba chân bốn cẳng chạy theo làm mấy bố con ông chài ngơ ngác chẳng hiểu vì sao.
Lần này mèo tranh chó mang ngọc. Mèo lên mặt khôn, bảo chó:
– Lần trước ngậm bị rơi mất, lần này có cách rất hay là đội lên đầu. Sắp đến nhà rồi, chả sợ gì nữa.
Nó nói thế nào thì làm như thế.
Nào ngờ mới đi được một quãng đường, bấy giờ có một con quạ đang bay trên không trung, nhác thấy có cái gì lấp lánh trên đầu mèo, thình lình sà xuống đớp lấy rồi bay lên đậu trên cành cây cao. Thấy ngọc lại mất, chó đến lượt mắng chửi mèo rất dữ, rồi nói:
– Ngọc rơi xuống nước còn có thể lấy được, chứ bay lên trời thì đừng có hòng.
Mèo buồn rầu, nhưng ngẫm nghĩ một lát, nó lại bảo chó:
– Đúng rồi. Tao đã nghĩ ra được một kế.
Chó hỏi:
– Kế gì?
Đáp:
– Giả chết bắt quạ.
Nói xong mèo chạy xuống bờ sông uống một bụng nước đầy căng. Đoạn trở về xua chó trốn đi một chỗ, còn mình thì tới nằm dưới gốc cây phơi bụng trắng hếu giả vờ chết.
Quạ đang ngậm ngọc đậu trên ngọn cây nhìn xuống thoáng thấy có bóng con vật chết, vội vàng bay xuống toan rỉa thịt. Nhưng khi quạ vừa đáp tới thì mèo đã nhảy xổ lên vồ lấy quạ. Quạ van lạy xin trả lại viên ngọc cho mèo để được tha mạng. Mèo chỉ đợi có thế, ngoạm lấy viên ngọc, ra đi.
Lần này, cả hai con đưa ngọc về đến nhà vẹn toàn. Anh chàng thủy thủ lấy lại được món tặng vật của Long vương hết sức vui mừng. Hắn càng thêm quý mến hai con vật có tình có nghĩa.
11. Phượng Hoàng Đất
Ngày xưa, có một phú ông tự cho mình có tính nhẫn nại ít ai bì kịp. Phú ông có một cô con gái nhan sắc rất là xinh đẹp.
Ngày con gái đến tuổi lấy chồng, phú ông liền nghĩ ra một cách, ông niêm yết bảng ở cổng nhà mình nói rằng: Hễ anh chàng nào làm cho lão nổi nóng hoặc giận dữ thì lão sẽ gả ngay con gái cho người đó, nhưng trong vòng một tháng mà không làm được điều ấy thì sẽ bị đánh một trăm hèo rồi đuổi về.
Thấy bảng niêm yết như thế, có nhiều chàng trai tìm đến thử sức để mong lấy được cô gái xinh đẹp kia về làm vợ. Rất nhiều chàng trai lần lượt nộp đơn xin làm rể với nhiều mưu mẹo khác nhau mà vẫn không làm được lão nổi giận, đành chịu nhận lấy trận đòn đau mà tay không trở ra, mọi công sức làm rể để kiếm vợ coi như xôi hỏng bỏng không. Vì thế đã bao năm tháng, cô gái vẫn phòng không chiếc bóng.
Hôm nọ, có một chàng trai gầy gò đến xin ra mắt. Phú ông hỏi:
– Anh muốn gì?
Chàng trai đáp:
– Tôi muốn được làm rể ông.
Phú ông nghe vậy liền căn vặn:
– Thế anh đã đọc kỹ những lời ta giao hẹn yết ở bảng chưa?
– Thưa đã.
Nhìn anh chàng từ đầu đến chân, phú ông nói:
– Ta sợ rằng anh không chịu nổi một trăm hèo của ta đâu.
Anh chàng cứ cho là được và đến làm rể như lời y ước. Ở được mấy ngày, anh chàng đã rủ phú ông:
– Sáng mai thầy với con đi săn một chuyến kiếm vài con cầy, con chồn về ăn.
Nghe nói đi săn, phú ông tỏ ý ham thích, nhưng lại bảo:
– Đi săn nhưng nhà ta không có chó săn thì làm thế nào?
Anh chàng đáp ngay:
– Thưa thầy, Nếu vậy thì con sẽ làm chó cho. Được ngay mà!
Phú ông lấy dây cột “chó” lại rồi dẫn vào trong rừng. Chàng trai cứ hít hít ngửi ngửi hết bụi này tới lùm kia như giả vờ tìm mồi vậy.
Được một lúc thì thoáng thấy dấu vết con cầy gần đó nên phú ông thúc chàng trai chạy theo săn đuổi cho bằng được.
Chỉ sau một thoáng thì hai người vây chặt lấy lùm cây và săn được một con cầy. Phú ông và anh chàng rể vui lắm, hối hả mang mồi về nhà cho kịp bữa nhậu.
Sau khi đưa con mồi về nhà, phú ông liền bảo anh:
– Nào, đi làm thịt con cầy đi mày.
Anh chàng lắc đầu:
– Con là chó thì làm sao cầm dao làm thịt cầy được?
Phú ông lại bảo:
– Hừm, cũng biết đối đáp ghê nhỉ? Thế thì để đó tao làm mồi cho, còn mày đi mua rượu vậy!
Anh chàng vẫn lắc đầu:
– Con đã nói với thầy rồi, là chó thì đi mua rượu sao được!
Phú ông tức lắm, nhưng vẻ mặt vẫn tỉnh như sáo, một mình hì hục làm thịt con cầy, nấu nướng mọi thứ, trong khi đó anh chàng rể nhà ta cứ việc nằm khểnh ra đánh một giấc ngon lành.
Nấu nướng mọi thứ xong xuôi đâu đó, phú ông lại tất tả cầm bầu đi ra hàng quán mua rượu.
Anh chàng rể thấy phú ông đi khuất liền mang thịt cầy ra chén sạch, no đến tận cổ, chẳng chừa cho ông một miếng nào để chọc tức.
Phú ông mang được rượu về, thấy nồi thịt cầy đã hết nhẵn, trong bụng tức muốn sôi lên nhưng ngoài mặt lão vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ hỏi anh chàng:
– Mày ăn cũng được, nhưng có để phần tao miếng nào không?
Anh thản nhiên đáp:
– Chó treo mèo đậy. Thầy vô ý để cho chó ăn mất, thì làm sao còn mà mong để phần?!
Phú ông đành trả lời:
– Thôi được!
Anh chàng biết phú ông tức mình lắm nên chờ một chốc sau liền tiến lại gần hỏi:
– Thầy có giận con không thầy?
Nhưng lão vẫn cười đáp:
– Hừm, giận mày tao ở với ai?
Anh chàng rể biết rằng thế là mình vẫn chưa thắng được lão, bèn cố nghĩ ra cách khác để đưa lão vào tròng, song cũng không phải giản đơn gì, vì đã có bao kẻ đến đây chịu đòn ra về rồi.
– Được, để rồi xem…
Một hôm khác, hai người lại rủ nhau đi săn. Lần này phú ông định tìm cách trả đũa chàng rể láu lỉnh, nên nhận làm chó.
Anh chàng rể cũng đã đoán ra thế, nên lần này anh lại nhắm vào những nơi đầy gai góc mà cắm lưới. Cứ mỗi lần thấy phú ông không dám xông vào, anh cầm roi quất vào đít ông và giục:
– Mau lên! Vào đi! Làm chó thì phải cố chui rúc, mới hòng bắt được mồi chứ!
Phú ông mấy lần bị đòn, đành phải xông vào, gai cào toạc cả mặt mũi trông rất xót, anh chàng ta lại lôi hết sang đông rồi sang tây để chặn bắt con cầy hương, nhưng cứ vuột con mồi mãi.
Bấy giờ lão thấy làm chó không ổn rồi, nhưng chẳng lẽ chịu thua thằng rể láu lỉnh này nên lão đành nén giận. Anh chàng ta lại hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Lão vẫn tươi cười:
– Giận mày tao ở với ai?
Ngày hôm ấy, hai người cũng săn được một con cầy. Về nhà, anh làm thịt và nấu nướng xong liền quay sang bảo phú ông:
– Giờ thầy đi mua rượu đi!
Phú ông bắt chước anh đáp:
– Chó thì làm sao mà biết đi mua rượu hở mày!
Ngờ đâu anh chàng ta chỉ đợi lão trả lời thế, liền đi lấy sợi dây thừng trói phú ông lại bên cột nhà, nói:
– Giống chó là chúa ăn vụng, phải trói lại mới chắc ăn.
Nói xong rồi bỏ đi mua rượu. Phú ông ở nhà tức lắm, nhưng bị trói chặt quá, không nhúc nhích đi đâu được nửa bước.
Mua được rượu về, anh chàng rể một mình ngồi chén tì tì, bao nhiêu xương xẩu vứt lại chỗ phú ông để chọc tức. Chén xong anh mới mở dây thừng cho lão và hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Anh chàng vẫn nghe câu trả lời quen thuộc:
– Giận mày tao ở với ai?
Thấy chưa thắng được phú ông mà thời hạn đã gần kề, anh chàng hơi lo. Một hôm anh bàn:
– Nay công việc đồng áng hơi rỗi, con xin thầy đi buôn một chuyến kiếm ít lãi về, thầy con chia nhau.
– Ừ, được đấy!
Lúc ra đi, anh dặn phú ông:
– Chiều mai thầy ra chỗ ngã ba đầu làng, con đặt gánh hàng ở đó rồi phải đi ngay làm chuyến khác. Vì vậy nếu thấy gánh hàng, thầy cứ việc gánh về hộ con.
Chiều hôm sau, phú ông nghe lời anh chàng ra chỗ hẹn, đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây cẩn thận để sẵn ở đó.
Lão không biết hàng gì, nhưng cứ làm theo lời con rể, cất lên vai gánh về, đường thì xa mà gánh hàng thì thật là nặng.
– Cái thằng ranh này buôn bán hàng gì mà nặng như quỷ sứ…
Miệng thì trách nhưng lão vẫn phải gánh về, mặt mày phờ phạc, mồ hôi mồ kê tuôn như suối.
Gánh tới nơi thì lão mệt muốn xỉu, nhưng cố nén tức giận, cương quyết không chịu thua thằng rể láu cá này.
Sau khi ngồi nghỉ mệt một lúc, lão đứng dậy mở nắp ra, thấy một bồ đựng toàn là đá, còn bồ kia thì thấy thằng rể trời đánh ngồi thu lu ở trong. Anh chàng đứng dậy vừa cười vừa hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông vẫn cười đáp:
– Giận mày tao ở với ai?
Lần sau, phú ông cũng bắt chước quảy bồ đi buôn và dặn anh ra bờ sông gánh hộ hàng về. Đoán được âm mưu của lão nên chiều hôm sau, anh đến bên đôi bồ gõ lóc cóc giả làm tiếng ngựa phi, miệng thì hô to:
– Gánh gồng của ai để giữa đường chắn lối không cho ngựa quan đi à?
Ngồi thu mình trong bồ, phú ông nghe tiếng la, tưởng là ngựa quan sắp tới thật nên đâm hoảng, lúng túng thế nào để bồ lăn mấy vòng rồi rơi tõm xuống sông.
Anh chàng rể để cho lão làm một bụng nước rồi mới vớt lên hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Lão cố cười gượng:
– Giận mày tao ở với ai?
Hôm sau, người ta thấy anh quảy đôi sọt ra đi. Được một lúc, anh hốt hoảng chạy về nhà gọi rối rít:
– Thầy ơi, con úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Thầy ra giữ hộ con để con tìm lưới bủa xung quanh mà bắt cho chắc. Con chặn mấy hòn đá lại rồi, thầy ra ngay đi!
Phú ông vốn rất thích nuôi chim, nghe nói thế mừng quá, liền chạy ra chỗ dặn thì thấy có một chiếc nón úp giữa đường, phía trên dằn mấy hòn đá, lão bèn sụp xuống ôm chặt lấy nón.
Không may cho lão là vừa lúc ấy, có vua và đoàn tùy tùng trẩy qua nơi đó, nhìn thấy một người nằm phủ phục giữa đường khư khư ôm lấy chiếc nón, vua bèn cho dừng kiệu lại rồi bước ra hỏi:
– Nhà ngươi làm gì thế này?
Phú ông liền thưa:
– Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân này có úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Nó ở trong nón này, hiện đang chờ người về lấy lưới ra bắt kẻo sợ nó sổng mất thì rất uổng.
Nghe nói phượng hoàng đất, vua không ngăn được tò mò, vội truyền cho quân tìm cách bắt cho vua xem, không đợi lưới. Nhưng khi giở chiếc nón lên thì chỉ thấy lù lù một đống phân trâu, chẳng có phượng hoàng đất nào cả.
Giận vì có kẻ dám trắng trợn lừa mình, vua thét quân binh nọc phú ông ra đánh một trận nhừ tử.
Đợi vua quan và lính tráng đi rồi. Anh chàng mới từ trong bụi chạy ra đỡ phú ông dậy, xoa bóp rồi hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông tức quá chồm dậy:
– Đồ khốn! Mày làm ông suýt mất đầu, không giận mày sao được! Mày chết với ông nghe chưa?
Anh chàng vừa bỏ chạy vừa nói:
– Thế thì thầy thua rồi đấy nhé!
Mấy ngày sau, người ta thấy nhà phú ông có đám cưới. Ấy là đám cưới của chàng trai láu lỉnh lấy con gái chủ nhà mà anh đã thắng trong cuộc thi lạ lùng này.
12. Hòn đá có phép nhiệm màu
Ngày xưa, có một chị vợ hay cãi cọ, nhất định không chịu nhường chồng bất cứ chuyện gì. Anh chồng lại cũng không phải dạng vừa, sẵn sàng nổi cáu rồi giở trò đánh đập vợ. Gia đình vì thế bất hòa luôn.
Một hôm, chị vợ vào rừng gặp một cụ già tu luyện. Chị xin cụ bày cho cách để chấm dứt tình trạng này.
Cụ già cho chị một hòn đá cuội nhỏ, và dặn khi nào anh chồng bắt đầu chửi mắng thì cứ dặt hòn đá cuội vào dưới lưỡi, chồng sẽ dịu tính đi.
Chị về đến nhà. Vừa trông thấy, anh chồng quát ngay:
– Đi đâu mà mất mặt cả ngày? Hử?
Chị vợ vội vàng lấy hòn đá cuội đặt dưới lưỡi mình. Anh chồng nổi cơn tam bành, mắng mỏ. Chị ta định cãi lại, nhưng sợ hòn đá cuội rơi, nên cứ phải im lặng. Anh chồng mắng chán rồi thôi. Nhiều lần như vậy, thành thử chồng chẳng còn có cớ gì mà đấu khẩu với vợ nữa.
Chị vợ vui mừng chạy vào rừng, gặp cụ già, khoe:
– Chồng con bây giờ mát tính lắm. Không chửi mắng, đánh đập con nữa. Con xin hỏi, hòn đá có phép nhiệm màu gì mà linh thiêng thế ạ?
Cụ già cười to:
– Hòn đá có phép nhiệm màu gì đâu. Nó chỉ giúp cho những người vợ thông minh, thực hiện đúng điều mà ca dao đã dạy:
“Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hột nào”.
13. Sự tích loài ve sầu rỗng ruột
Chuyện xảy ra đã từ ngày xửa ngày xưa. Vào một buổi trưa mùa hè trời nắng chang chang, đàn ve rừng cất tiếng kêu inh ỏi. Có một con hoẵng đang kiếm ăn ở bên cạnh nương vừng nghe thấy tiếng ve đột ngột cất lên thì giật thót mình. Hoẵng co chân nhảy chạy qua đám quả cây vừng đang vào độ chín làm cho hạt vừng bị bắn tung toé phải vào mắt của một con gà rừng.
Gà rừng đột ngột bị hạt vừng bắn đúng vào mắt nên cuống cuồng bay đậu lên cành cây nơi có một tổ kiến bống. Bởi mắt đang bị đau cộm do hạt vừng bắn vào nên gà rừng tức bực cứ thế bới lia lịa phá tổ kiến bống.
Kiến bống bị phá tổ liền bò ra khắp cả cành cây. Bầy kiến bống đang bò thì gặp một con sóc thế là chúng bám chặt lấy con sóc và cùng nhau ra sức đốt.
Sóc bị kiến đốt đau liền leo tót lên dây mà tỉnh kình, đồng thời cắn lung tung vào những thứ gặp ở xung quanh. Vô tình sóc cắn đứt cuống một quả mák tỉnh kình làm quả mák tỉnh kình rơi xuống trúng phải lưng một con trâu.
Trâu giật mình tưởng có ai lấy đá ném mình lồng lên chạy thục mạng và nhảy xuống một cái ao. Không ngờ trâu giẫm phải một con nòng nọc khiến cho nòng nọc bị thủng bụng lòi gan ruột ra ngoài. Bị mất hết ruột gan nên nòng nọc bèn lên tận Mường Bun tìm tới vua Then để kêu kiện.
Vua Then hỏi:
– Nòng nọc tìm lên đây có việc gì?
Nòng nọc đáp:
– Thưa, con muốn kiện kẻ đã làm hại con.
Vua Then hỏi tiếp:
– Vậy kẻ nào đã làm hại nòng nọc?
Nòng nọc bèn kể rõ từ đầu:
– Thưa vua Then! Con đang sống yên ổn ở dưới ao. Bỗng dưng vô cớ lại có một con trâu chạy lồng đến. Nó dẫm phải con khiến cho con bị vỡ nát bụng gan ruột chẳng còn gì. Vậy mong vua Then hãy trừng trị con trâu.
Vua Then cho gọi trâu tới để xét hỏi.
– Tại sao trâu lại tự dưng giẫm bẹp gan nát ruột của nòng nọc?
Trâu ra sức thanh minh:
– Xin vua Then xem xét cho công bằng. Không phải là tại do con cố ý. Mà là tại có một quả mák tỉnh kình rơi trúng phải lưng con khiến cho con hoảng sợ mà lồng chạy lung tung nên mới vô ý giẫm phải nòng nọc đấy thôi.
Vua Then lại cho gọi quả mák tỉnh kình đến để hỏi:
– Bỗng dưng tại sao ngươi lại rơi rụng trúng vào lưng trâu?
Mák tỉnh kình thưa:
– Tất cả đều tại con sóc. Con vẫn đang gắn lơ lửng ở trên dây. Tự dưng sóc ở đâu chạy tới cắn đứt cuống vì thế nên con mới rụng xuống trúng phải lưng trâu đấy ạ.
Vua Then lại cho gọi đến sóc.
– Sao ngươi bỗng dưng lại đi cắn đứt cuống của quả mák tỉnh kình?
Sóc liền ra sức thanh minh để chối tội:
– Dạ, thưa vua Then. Con đang kiếm ăn ở trên một cành cây. Nào ngờ có đám kiến bống lại bâu đến cắn con. Đau không chịu nổi nên con mới cắn lung tung, lỡ trúng phải quả mák tỉnh kình. Vậy nên có trách tội thì xin vua Then hãy trách tội đám kiến bống đã cắn con ấy ạ.
Vua Then tiếp tục cho gọi bầy kiến bống lên và hạch tội:
– Sao đám kiến các ngươi tự dưng lại đi cắn con sóc?
Kiến từ tốn trình bày:
– Đàn kiến chúng con xưa nay vốn chỉ biết chăm chỉ làm ăn nào đâu có nỡ muốn hại ai. Nhưng chẳng hiểu sao có một con gà rừng bay xổ đến cào bới lung tung, phá tổ của chúng con, làm chúng con hoảng loạn phải chạy hết ra khỏi tổ. Trong lúc chạy đó chúng con gặp sóc nên mới cắn sóc cho hả cơn tức bỗng dưng bị gà rừng phá tổ.
Lần này thì vua Then cho gọi gà rừng. Vừa nhìn thấy gà, vua Then đã quát ngay:
– Gà rừng, tại sao tự dưng ngươi lại đi bới phá tổ kiến bống?
Gà rừng thật thà đáp:
– Lúc ấy con đang kiếm ăn ở chỗ nương vừng. Tự nhiên có hạt vừng bắn vào đúng mắt con. Không chịu nổi con mới bay lên cành cây đậu rồi đạp chân lung vô tình làm hỏng tổ kiến chứ không phải là do cố ý.
Vua Then lại cho gọi cây vừng để hạch tội. Cây vừng đổ tội cho hoẵng. Hoẵng lại đổ tội cho ve sầu.
Vua Then bèn cho gọi đến ve sầu. Ve sầu cố gắng thanh minh:
– Dạ, bẩm thưa vua Then. Cứ mùa hè tới nắng nóng nên ve sầu chúng con tìm đậu ở dưới những bóng cây râm mát. Tụ tập cùng nhau đông đúc nên chúng con rủ nhau hát chơi cho vui mà thôi.
Nghe ve sầu nói xong vua Then phán xử:
– Ve sầu các ngươi chỉ vì thú vui của mình mà làm tổn hại tới người khác. Vì vậy các ngươi phải lấy ruột gan của mình đền cho nòng nọc.
Thế là từ đấy loài ve sầu con nào trong bụng cũng bị rỗng bởi ruột gan đã phải đem đền cho nòng nọc.
14. Ngôi nhà cổ
Ở đầu phố, có một ngôi nhà cổ, cổ lắm, xây từ ba trăm năm nay. Người ta đọc thấy điều đó trên một cái xà lớn có ghi ngày tháng xây dựng ngôi nhà và đã bị uất kim hương và dây hốt bố phủ kín. Cũng còn thấy khắc trên xà trọn cả những tiếng thánh kinh Cơ đốc và trên mỗi cửa sổ đều có chạm nổi trên gỗ hình mặt người nhăn nhó. Tầng gác trên nhô ra ngoài tầng dưới, một ống máng chạy theo dọc mái nhà, cuối máng có hình một cái đầu rồng. Đáng lẽ nước mưa phải chảy ra đằng miệng rồng, nhưng lại đổ xuống từ bụng rồng, vì ống máng bị thủng.
Những ngôi nhà khác trong phố đều là nhà mới cả, nhà nào cũng có cửa kính lớn và tường quét sơn. Hình như người ta muốn cho các ngôi nhà này có cái gì khác ngôi nhà cổ.
Dãy nhà mới hình như muốn nói lên rằng: “Liệu cái nhà cũ kỹ kia còn tồn tại đến bao giờ để làm xấu cả dãy phố này nhỉ? Nó vít kín cả tầm mắt, chẳng còn cho ai nhìn thấy cửa sổ hai bên đầu hồi chúng mình nữa. Cầu thang rộng như cầu thang một tòa lâu đài và cao như gác chuông ấy! Hàng lan can sắt nom cứ như hàng rào một cái mồ, lại còn những nắm đấm bằng đồng cắm trên các thanh sắt nữa. Nhìn mà xem, tởm quá đi mất”.
Đối diện với ngôi nhà cổ cũng có nhiều nhà mới và đẹp, hình như mấy nhà này cũng đồng ý kiến như trên. Nhưng có một đứa trẻ ngồi sau một cái cửa sổ, đôi má đỏ hồng, cặp mắt lanh lợi sáng ngời, lại cho ngôi nhà cổ là đẹp dù là ban ngày, dưới ánh mặt trời hay là ban đêm, dưới ánh trăng. Lắm lúc em bé ngắm nhìn ngôi nhà hồi lâu, và những khi ấy, em tưởng tượng ra dãy phố thời xưa với các cầu thang gác, các góc tường và các mái nhà nhọn hoắt. Em hình dung rõ cả những quân lính vác kích, những ống máng chạm rồng và kỳ lân.
Quả thật, ngôi nhà ấy đáng được để ý. Chủ nhà là một cụ già đến giờ vẫn còn mặc quần chẽn bằng da theo kiểu thời cổ và mặc cái áo đơm khuy đồng. Cụ còn có một bộ tóc giả, một bộ tóc giả thực sự.
Sáng sáng, một người đầy tớ đến dọn dẹp nhà cửa, sau đó, ông cụ thui thủi một mình suốt ngày. Thỉnh thoảng cụ đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.
Một hôm cậu bé chào cụ rất lễ phép và cụ đáp lại. Từ đấy ông già và cháu bé quen nhau và trở thành đôi bạn, tuy chẳng nói với nhau lấy một lời.
Có một lần cậu bé nghe thấy người ta nói với cha mẹ cậu: “Chắc ông lão trước cửa giàu lắm, nhưng sống cô đơn như vậy thì buồn quá”.
Một ngày chủ nhật, cậu gói vật gì trong một mẩu giấy, đi đến đứng trước cửa ngôi nhà cổ và khi người đày tớ có việc đi ra ngoài, cậu nói với bác ta:
– Cháu nhờ bác làm ơn đưa biếu cụ chủ bác cái này giúp cháu. Cháu có hai chú lính chì, cháu gửi biếu cụ một chú, vì cháu biết cụ sống có một mình.
Người đày tớ mỉm cười, chào cậu bé và đem chú lính chì vào cho ông cụ.
Hôm sau anh ta đến nhà hỏi cậu bé có muốn đến thăm ông cụ hay không. Cha mẹ bằng lòng cho phép và cậu đi sang ngôi nhà cổ.
Những nắm đấm bằng đồng trên bao lơn cầu thang gác sáng bóng hơn lúc nào hết, dường như để chào đón cậu bé sang chơi. Những chiếc kèn đồng chạm trên cửa ra vào dường như muốn ráng hết sức thổi: “Tò te tí, cậu bé con đã sang đây rồi, tí te tò!”. Cửa mở. Suốt dọc dãy hành lang, treo toàn chân dung các hiệp sĩ mặc áo giáp và các cô các bà mặc áo dài lụa. Hình như cậu bé vẳng nghe thấy tiếng chiến bào bằng đồng thau va chạm vào nhau và tiếng sột soạt của các bộ áo dài.
Cậu leo một cầu thang dài và lên tới một bao lơn nhìn xuống một cái sân to. Không người săn sóc, sàn bao lơn nứt thủng khắp nơi, rêu cỏ mọc đầy, chẳng khác gì ngoài sân và trên bờ tường ngoài trời.
Trên bao lơn có nhiều chậu hoa cổ bằng thứ sành rất quý, tạc theo hình những cái đầu kỳ quái có tai to như tai lừa dùng làm quai chậu. Người ta đã trồng những cây hiếm có vào đấy, nhưng để mặc, muốn mọc thế nào thì mọc, cho nên giờ đây chỉ còn là những cụm lá không hoa. Trong một chậu, mấy bông cẩm chướng khe khẽ hát: “Gió nhẹ đã vuốt ve chúng ta, ánh mặt trời đã lướt qua chúng ta và đã hứa cho chúng ta nở một bông hoa nhỏ vào ngày chủ nhật”.
Từ bao lơn đi vào là một căn phòng tường lát bằng da có in những bông hoa vàng óng rất đẹp. Các bức tường dường như muốn nói rằng: “Nước sơn thếp vàng bay dần, nhưng da thì còn mãi”.
Còn có cả những ghế bành với những tấm tựa lưng cao chạm trổ, dường như đang mời khách: “Ngồi xuống đây ngồi xuống đây!”.
Cuối cùng cậu bé đi đến căn phòng ông già đang đứng. Cụ nói:
– Cám ơn, cháu đã cho lão chú lính chì. Cám ơn cháu đã đến thăm lão. Cám ơn, cám ơn!
– Cọt kẹt! – Các đồ gỗ trong nhà dường như kêu lên và đang ngắm nhìn cậu bé.
Giữa một bức tường có treo chân dung một bà tuyệt đẹp, vẻ mặt hớn hở, nhưng mặc áo kiểu cổ, tóc rắc phấn, váy xòe như cái nơm.
Bức chân dung không nói “cám ơn”, cũng chẳng kêu “cọt kẹt”, nhưng đưa mắt xuống nhìn cậu bé một cách dịu dàng. Cậu hỏi ông già:
– Thưa cụ, bà xinh đẹp này ở đâu đến đây thế ạ?
– Ở nhà người bán đồ cũ đến đấy, cháu ạ. Ở đấy người ta còn nhiều bức họa nữa, nhưng chẳng ai biết đến và cũng chẳng quan hệ đến ai, vì những người vẽ trong tranh đã chết và chôn từ lâu rồi. Riêng bà này thì ta quen từ hồi còn trẻ, bà ta chết đã được nửa thế kỷ nay.
Dưới bức tranh có một đóa hoa héo, dường như cũng đã được bày ở đó đến nửa thế kỷ nay. Quả lắc chiếc đồng hồ lớn vẫn tiếp tục kêu tích tắc đều đều, kim quay chầm chậm. Trong ngôi nhà cổ, tất cả đều già đi như thế, nhưng chẳng ai để ý đến.
Cậu bé lại lên tiếng:
– Cha mẹ cháu bảo là cụ sống cô đơn quá.
– Ồ! Không đâu. Lão có nhiều kỷ niệm xưa vẫn thường đến thăm lão, rồi bây giờ lại có cả cháu đến nữa này. Ta cảm thấy rất sung sướng.
Cụ mở tủ lấy ra một quyền sách toàn là tranh vẽ, nào là những đám rước dài dằng dặc, nào là những xe loan tuyệt đẹp ngày nay không còn có nữa, nào là những thầy quyền nom giống hệt như những anh lính hầu vẽ trong quân bài “tép”, nào là những thị dân với cờ hiệu về nghề nghiệp của họ. Trên cờ hiệu của các bác phó may có hai con sư tử cầm kéo, còn cờ hiệu của thợ giày thì có con chim ưng hai đầu, vì đối với thợ giày cái gì cũng phải có đôi cả.
Cụ già sang buồng bên cạnh để lấy bánh mứt và hoa quả.
Cậu bé nghĩ thầm:
– Ngôi nhà cổ này cũng dễ chịu đấy chứ!
– Tôi thì tôi không chịu được nữa rồi! – Chú lính chì đứng trên tủ bỗng nói to lên. – Ở đây buồn và tẻ lắm, ai đã quen sống cảnh gia đình thì không thể ở đây được đâu! Ngày trôi đi một cách buồn tẻ, đêm dài vô kể. Ở đây không có cái không khí êm đềm, âu yếm như khi cha mẹ cậu ngồi nói chuyện với nhau ở đằng nhà đâu. Ở nhà cậu, ít nhất cậu còn có thể đùa nghịch ầm ĩ với các em giai, em gái cậu. Còn ở nhà ông cụ này sao mà buồn tẻ đến thế! Chẳng có ma nào hôn ông ta hay biếu ông ta lấy một cây thông Nôen! Rồi cũng có ngày người ta sẽ biếu ông ta một cái quan tài, thế là xong. Tôi không chịu được nữa rồi!
Cậu bé bảo:
– Sao lại sốt ruột và khó tính nết đến thế. Tao thì lại thấy cái gì ở đây cũng tuyệt cả, ấy là chưa nói đến những cái ông cụ có thể làm sống lại trong tâm trí.
– Tôi chẳng bao giờ được biết những cái ấy đâu. Tôi van cậu, hãy đem tôi về với!
– Không được, mày phải ở lại đây làm bạn với ông cụ.
Vừa lúc ấy, cụ già hớn hở quay vào, mang theo bánh mứt, táo, hạt dẻ và nhiều thứ quà khác. Cụ bày tất cả trước mặt cậu bạn nhỏ làm cho cậu quên cả chú lính chì và những lời than phiền của chú.
Sau một ngày sống ở ngôi nhà cổ, cậu bé khoan khoái trở về nhà. Ngay hôm sau cậu lại ra cửa sổ để vẫy chào người bạn mới.
Chỉ vài ngày sau cậu lại được ông già mời đến.
Tiếng kèn đồng lại nổi lên: “Tò te tí! Cậu bé lại sang chơi đây rồi, tí te tò!”. Các hiệp sĩ và các bà, các cô trong tranh nhìn người bạn trẻ của cả nhà đi qua; ghế bành lại kêu lên “cót két”; các bức tượng lại nhắc lại rằng da lát tường bền hơn nước sơn thiếp vàng, tóm lại, mọi việc xảy ra y như ngày đầu tiên. Ngày giờ có khác, nhưng trong ngôi nhà cổ, không có gì thay đổi.
Chú lính chì lại nói:
– Tôi không chịu được nữa rồi. Ở đây hiu quạnh đến nỗi tôi khóc rỏ cả nước mắt bằng chì ra. Thà cho tôi ra trận đánh nhau cụt chân, cụt tay còn hơn; như thế, ít nhất cũng có một sự thay đổi. Tôi không chịu được nữa rồi. Bây giờ tôi mới biết thế nào là nhớ lại các kỷ niệm thời xưa. Ở đây chẳng có gì là thích thú cả. Tôi chỉ muốn đâm đầu từ cái tủ xuống mặt sàn. Ở trên mặt tủ, tôi trông thấy cả nhà bên ấy như là các bạn ở ngay trước mặt tôi.
“Tôi nhớ lại một buổi sáng chủ nhật, các cô các cậu họp nhau lại hát một bài thánh thi trong lúc cha mẹ cậu ngồi nghe một cách thành kính. Bỗng cô Maria, em út của cậu mới lên hai tuổi, bước vào buồng và cứ như mọi khi, hễ nghe thấy tiếng nhạc là nhảy rồi, nhưng lần này không thể nhảy theo điệu bài thánh kinh được, vì nhịp chậm quá cô bé không thể giơ chân lâu được. Cô lại lắc lư cái đầu theo nhịp điệu làm cho cả nhà bật cười. Còn tôi, tôi cười mạnh đến nỗi, nhân có một chiếc xe đi qua, làm rung chuyển cả nhà, tôi lăn xuống sàn bươu cả đầu. Cũng được thôi! Thà ngã mười lần một ngày còn thích hơn sống buồn tẻ trên cái tủ này giữa mớ kỷ niệm cũ rích.
“Nhưng này cậu ơi, dạo này, sáng chủ nhật, các cô các cậu còn hát nữa không? Cô Maria dạo này ra sao, còn anh bạn lính chì kia của tôi thế nào rồi? Chắc gã sung sướng lắm đấy nhỉ? Còn tôi thì không chịu nổi nữa rồi.
Cậu bé đáp:
– Tao đã đưa biếu mày cho ông cụ. Mày phải ở lại đây. Có thế mà cũng không hiểu à?
Vừa lúc đó, ông cụ đem đến những hộp đựng đầy đồ chơi cổ, những cỗ bài to bản thếp vàng, rất hiếm. Cụ mở chiếc đàn phong cầm cổ, bên trong có những bức vẽ mục đồng và những bức họa phong cảnh rất đẹp. Cụ dạo một bản nhạc cổ, tiếng đàn hơi lạc điệu, các nốt đều hơi sai, nhưng khi nghe thấy điệu nhạc ấy, người đàn bà trẻ trong tranh hình như động đậy. Cụ già nhìn bức họa với đôi mắt long lanh ngời sáng và nói:
– Phải, đây là một điệu nhạc mà ta biết hát.
– Tôi muốn ra trận! Tôi muốn ra trận! – Chú lính chì vừa kêu vang lên vừa giãy giụa đến nỗi lăn đùng xuống sàn nhà.
Chú rơi đâu mất rồi, cụ già và cậu bé tìm mãi nhưng chú đã ra đi không trở lại.
– Lão sẽ tìm thấy chú. – Cụ già nói vậy, nhưng chẳng tìm ra chú lính chì.
Sàn nhà đầy những khe cùng lỗ. Chú lính chì đã lọt qua một khe xuống phía dưới và mất tích rồi.
Hết ngày hôm đó, cậu bé lại trở về nhà. Nhiều tuần lễ trôi qua.
Đông đến, băng bám trên các cửa sổ, cậu bé phải hà hơi lên các ô kính thành một hình tròn để nhìn qua ngôi nhà cổ. Kèn đồng và những hình chạm trổ trên vách gỗ gần như biến hẳn dưới lớp tuyết phủ. Ngôi nhà cổ cô tịch hơn bao giờ hết, chẳng có ai vào ra cả.
Và quả đúng như thế thật, vì ông già đã chết. Chiều đến, một chiếc xe dừng lại trước cửa. Người ta đưa linh cữu đi chôn rất xa, trong một cái làng của họ nhà ông cụ. Xe chuyển bánh. Chẳng có một ai theo, vì bạn bè ông cụ đã chết từ lâu. Chỉ có mỗi mình cậu bé gửi theo linh xa một chiếc hôn từ biệt.
Vài hôm sau, người ta bán ngôi nhà. Đứng bên cửa sổ nhà mình cậu bé trông thấy người ta đem đi tất cả các đồ đạc: chân dung hiệp sĩ và các bà già, chậu hoa, ghế bành. Tất cả đồ đạc đều bị phân tán. Bức vẽ người thiếu phụ mà ông già mua của người bán đồ cũ lại trở về với chủ cũ và treo tại nhà người ấy mãi mãi, vì chẳng ai quen biết bà ta và cũng chẳng ai quan tâm đến bức họa cũ kỹ ấy.
Đến mùa xuân, ngôi nhà ấy bị phá đi, vì người ta cho rằng nó chỉ còn là một cái túp ọp ẹp. Giờ đây đứng ngoài đường cũng trông thấy những tấm da lát vách và những dây lá xanh leo trên bao lơn.
Các căn nhà bên cạnh thở phào:
– Thế là xong.
Người ta xây một ngôi nhà đẹp có cửa sổ to, tường quét vôi trắng; phía trước, nơi dựng ngôi nhà cổ trước đây, người ta sửa sang lại thành một mảnh vườn nhỏ và đem trồng nho dại cho leo lên tường ngôi nhà mới. Vườn rào bằng sắt, có một chiếc cổng to lớn, nặng nề, người qua đường thường dừng lại trước cổng để nhìn vào bên trong.
Hàng đàn chim sẻ đến đậu trong dàn nho dại, vừa tranh nhau ăn vừa cãi nhau ríu rít, nhưng cuộc tranh cãi của chúng chẳng liên quan gì đến ngôi nhà cổ, vì chúng chẳng còn nhớ gì cả.
Nhiều năm nối tiếp nhau trôi qua. Cậu bé bây giờ đã là một người lớn, một người có địa vị. Chàng vừa mới kết hôn và sống với người vợ trẻ trong căn nhà có mảnh vườn nhỏ ấy.
Một hôm, chàng đứng cạnh người vợ đang ngồi trồng lại một cây hoa nhỏ ở giữa vườn. Nàng lấy tay bới đất ẩm bỗng chạm phải một vật nhọn lòi lên mặt đất.
Thì ra là một chú lính chì, chú lính chì mà ông già đã mất ngày nào và đã nằm dưới đất ròng rã bao năm qua. Người thiếu phụ lấy một chiếc lá lau sạch chú lính xinh xắn, rồi gói vào chiếc mùi xoa thơm phức của mình. Chú tưởng như tỉnh lại sau một giấc ngủ say sưa.
Người chồng nói.
– Cho anh xem nào!
Nói rồi, chàng mỉm cười và lắc đầu nói tiếp:
– Chưa chắc đã phải chú lính chì này, nhưng chú cũng làm anh nhớ lại một chuyện đã xảy ra giữa anh và một chú lính chì, hồi anh còn bé.
Chàng kể cho vợ nghe chuyện ngôi nhà cổ, cụ già và chú lính chì mà chàng đã gửi biếu để làm bạn với ông cụ trong cảnh cô đơn. Chàng kể chuyện cảm động đến nỗi cô vợ rỏ nước mắt thương hại ngôi nhà cổ và ông cụ già.
Nàng nói:
– Có lẽ đúng là chú lính chì ấy đấy. Em muốn giữ chú ấy lại và không bao giờ quên câu chuyện anh đã kể cho em nghe. Nhưng anh sẽ chỉ cho em ngôi mộ của ông cụ nhé!
– Anh không biết mộ ông cụ ở đâu và cũng chẳng ai biết cả, các bạn ông ta đều đã chết, còn anh hồi đó còn bé quá.
– Ông cụ cô đơn quá, anh nhỉ?
Bỗng nhiên chú lính chì nói:
– Vâng, cô đơn, nhưng không bị quên đi là tốt rồi.
– Tốt! Có người nào vừa nói lên tiếng ấy, nhưng chẳng rõ là ai. Trên mặt đất còn sót lại một miếng da lát vách, giờ đây nom lẫn với đất, vì nước sơn thếp vàng đã long hết. Miếng da vẫn còn thì thầm: “Nước thếp vàng mất đi, nhưng da vẫn còn lại”.
Chú lính chì bé nhỏ không tán thành ý kiến ấy.