Những khu vực như VCS, CBLOL có thể gặp một số nguy cơ rõ rệt khi Riot gộp khu vực.
Như đã biết, trong năm 2025, Riot dự kiến sẽ sát nhập một số khu vực lại, để chỉ còn 5 khu vực lớn nhất của làng LMHT tồn tại. Trong đó, CBLOL sẽ trở thành một phần của khu vực châu Mỹ còn VCS sẽ gộp chung với PCS, LJL... trở thành khu vực châu Á APAC.
Thể thức này đã được áp dụng từ lâu cho VALORANT. Mục tiêu của Riot là hướng đến sự phát triển bền vững hơn, với nguồn ngân sách hỗ trợ được đưa đến đúng nơi, đúng chỗ. Ngoài ra, mục tiêu của Riot còn là nâng cao chất lượng các giải đấu MSI, CKTG khi các đội sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để tìm kiếm suất tham dự các giải quốc tế.
Tuy nhiên, cộng đồng LMHT quốc tế, đặc biệt là ở CBLOL đang tỏ ra không thực sự hào hứng, nếu không muốn nói là đang lên tiếng chỉ trích Riot vì chính sách sát nhập khu vực. Có lẽ ai cũng biết, CBLOL đang là một khu vực giàu tiềm năng phát triển trong những năm gần đây. Tuy rằng thành tích quốc tế không cao, nhưng bù lại, giải đấu ở CBLOL được tổ chức khá quy mô, hoành tráng với lượng khán giả luôn rất ấn tượng. Thậm chí có thể so với LoL Park của Hàn.
CBLOL là giải đấu rất được chú ý nhờ sự đầu tư, quy mô và sự cuồng nhiệt của khán giả thậm chí ngang hàng với các khu vực lớn dù LMHT ở đây vẫn còn khá trẻ trung
Điều tương tự cũng áp dụng với VCS dù không có một nhà thi đấu chính thức nhưng khán giả nơi đây vẫn rất cuồng nhiệt với giải đấu và lượng người xem trực tuyến hay tham gia các Viewing Party cũng rất cao. Điển hình như clip phát trực tiếp của trận chung kết tổng VCS Mùa Xuân 2024 giữa GAM Esports và Vikings Esports lên đến hơn 2.2 triệu lượt xem dù thời điểm đó là giai đoạn khó khăn và đầy biến động của LMHT Việt.
Những lượt xem các trận phát trực tiếp của VCS luôn ở mức khá cao
Nếu Riot sát nhập các khu vực, sẽ có nhiều đội tuyển không thể nào cạnh tranh nổi một suất trong vòng loại APAC/châu Mỹ hoặc thậm chí là biến mất. Đáng nói, có không ít khán giả xem và ủng hộ một đội tuyển không hẳn chỉ vì thành tích, mà còn vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, như màn thể hiện của các tuyển thủ hay những tên tuổi quen thuộc. Chính vì vậy, có không ít ý kiến lo ngại rằng, những cộng đồng vốn đang hùng mạnh như CBLOL hay VCS hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng một khi sát nhập với những khu vực có cộng đồng kém phát triển hơn.
HLV Collmer đang dẫn dắt Black Rock Esports ở giải NACL: "Thực sự khó chịu khi thấy mọi người hạ thấp fan BR/CBLOL và cố gắng thuyết phục họ vui mừng vì mất đi một nửa số đội tuyển. Tôi không hiểu tại sao người ta lại khó chấp nhận việc những fan hâm mộ cuồng nhiệt không muốn mất đi một nửa giải đấu chỉ vì những khó khăn của NA. Thật kỳ cục khi mọi người lại tỏ ra "cao hơn người khác" về vấn đề này"
Đơn cử như LCS, có không ít đội tuyển gần như không có fan tại Việt Nam hay tại các khu vực lớn trên thế giới. Hay như ở LJL, ngay tại đất nước mặt trời mọc thì LMHT cũng không phải là tựa game được quan tâm. Chưa kể, chính vì cộng đồng gần như không thể phát triển mà LMHT Nhật Bản cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn phải trông đợi vào những lão tướng như Evi còn trình độ trung bình tuyển thủ thì dậm chân tại chỗ hoặc... thụt lùi theo năm tháng cũng như không có gương mặt trẻ nào thực sự nổi bật.
Trước khi dính vào loạt drama thì SE rất được ưa thích, vì truyền thông tốt, có nhiều hảo thủ quen mặt... chứ không hẳn vì thành tích
Trong khi đó, các khu vực như LJL thì gần như không có nổi một cộng đồng LMHT đúng nghĩa hay phát triển được
Trong quá khứ, từng có những đội tuyển dù không có thành tích quốc tế đáng kể (thậm chí là không được tham dự các giải quốc tế lần nào) vẫn có một lượng fan khá lớn, với SBTC Esports là ví dụ điển hình. Nhưng với chính sách của Riot, trường hợp như của SE có lẽ sẽ không còn được thấy quá nhiều, thậm chí là có thể hoàn toàn biến mất nếu đi đến những tương lai xa hơn.