SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Xã Hội

Phân Tích Bài Thơ Vội Vàng Ngắn Gọn Hay Nhất

Đề: Vội vàng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Hãy phân tích bài thơ “vội vàng” để thấy được điều đó.

Bài Làm

“Khó có thể nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam khi Xuân Diệu đến” Hoài Thanh đã mở đầu trang viết về Xuân Diệu trong cuốn “thi nhân Việt Nam” bằng một giọng điệu nghẹn ngùng và ngạc nhiên như thế. Xuân Diệu đã bước vào thi đàn Việt Nam như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, tràn đầy sức sống của một con người mới, một thế hệ mới. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt những năm 32-45 với một cái tôi hoàn toàn nổi bật. Có chăng cái tôi ấy đã đã làm nên một hồn thơ rất mới mẻ, rất độc đáo, rất Xuân Diệu mà Vội Vàng là một trích dẫn tiêu biểu nhất?

Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Phong cách sống và phong cách sáng tác của Xuân Diệu rất đáng để người đời học hỏi. Ông luôn cần cù kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo nghệ thuật. Trong sự nghiệp sáng tác thơ của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, là nhà thơ mới nhất của phong trào Thơ mới giai đoạn 1930-1945 với tư tưởng tiến bộ chi phối toàn bộ sự nghiệp văn học của mình- niềm khát khao giao cảm với đời.

Vội vàng là được giới văn sĩ đánh giá là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám, một hồn thơ bồng bột, khát khao giao cảm đến mãnh liệt, đến cuồng si. Bài thơ bộc lộ nét đẹp của một quan niệm nhân sinh mới : sống tự giác và tích cực, sống với niềm khao khát phát huy hết giá trị bản ngã, tận hiến cho cuộc đời và cũng là một cách tận hưởng cuộc đời.

Sống vội vàng chỉ là một cách nói. Trong cốt lõi, đây là một quan niệm sống mới mang ý nghĩa tích cực nhằm phát huy cao độ giá trị của cái Tôi cá nhân trong thời hiện đại. Quan niệm sống nói trên được diễn giải qua một hệ thống cảm xúc và suy nghĩ mang màu sắc “ biện luận” rất riêng của tác giả. Với Xuân Diệu, cuộc đời như một thiên đường trên mặt đất.

Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Thức nhận được sự trôi chảy vô biên của thời gian, nhà thơ như cảm thấy sợ hãi và khao khát níu giữ được nó để tận hưởng vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Thi sĩ muốn đoạt quyền tạo hoá, muốn đi ngược lại sự vận động của thiên nhiên, muốn tự mình nắm giữ điều chỉnh thời gian, bởi một người như Xuân Diệu sống để yêu và yêu để sống thì thời gian mà tự nhiên định sẵn từ ngàn xưa đến nay không thể nào đủ. Bằng việc sử dụng những động từ mạnh “tắt”, “buộc”, Xuân Diệu như muốn lưu giữ lại cái khoảnh khắc của tuổi xuân, muốn thời gian ngưng đọng lại, muốn và muốn như vậy mới có đủ thời gian để thỏa mãn lòng khao khát trong tâm hồn nhà thơ. Lần đầu tiên trong thơ ca hiện đại lại có một quan niệm về thời gian một cách ráo riết như Xuân Diệu.

Thiên đường cuộc sống của Xuân Diệu nơi trần gian thật mới mẻ!Trong quan niệm của người xưa, đời là chốn bụi trần, cuộc đời là bể khổ. Đấy là lý do vì sao lánh đời nhiều khi đã trở thành một cách thế sống mà cả tôn giáo cũng như văn chương đều chủ trương vẫy gọi con người trên hành trình đi tìm sự an lạc tâm hồn. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, đạo Phật tô đậm vẻ đẹp của cõi Tây Phương cực lạc; văn học cổ Trung Quốc cũng như văn học trung đại Việt Nam đều đề cao tâm lý hoài cổ, phục cổ, khuyến khích xu hướng tìm về với những giá trị trong quá khứ vàng son một đi không trở lại như đi tìm một thiên đường đã mất. Xuân Diệu thuộc thế hệ những người trẻ tuổi ham sống và sống sôi nổi, họ không coi lánh đời là một xu thế mang ý nghĩa tích cực mà ngược lại, họ không ngần ngại lao vào đời. Và thật ngạc nhiên, nhờ tuổi trẻ, họ phát hiện ra cuộc đời thực chất không phải là một cõi mông lung, mờ mờ nhân ảnh, cũng chẳng phải là cái bể khổ đầy đoạ con người bằng sinh, lão, bệnh, tử … những định mệnh đã hàng ngàn năm ám ảnh con người mà trái lại, là cả một thế giới tinh khôi, quyến rũ. Tất cả đều hiện hữu, tất cả đều gần gũi, đầy ắp, ngay trong đời thực và trong tầm tay với:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống được tác giả cảm nhận bằng mọi giác quan, bằng cả tâm hồn của một thi sĩ. Trong cái nhìn mới mẻ, say sưa thi nhân vồn vã liệt kê bao vẻ đẹp của cuộc đời bằng hàng loạt đại từ chỉ trỏ này đây làm hiện lên cả một thế giới thật sống động. Hơn thế, cõi sống đầy quyến rũ ấy như đang vẫy gọi, chào mời bằng vẻ ngọt ngào, trẻ trung: đây là tuần tháng mật để dành cho ong bướm, đây là hoa của đồng nội (đang) “xanh rì, đây là lá của cành tơ phơ phất và khúc tình si kia là của những lứa đôi. Có lẽ trước Xuân Diệu trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn non tơ đầy một sức sống thanh tân kia mà sao quyến rũ – tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một người tình rạo rực đắm say. Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy đắm say. Xuân Diệu hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.

Tuy nhiên, trong ý thức mới của con người thời đại về thời gian, khi khám phá ra cái đẹp đích thực kia của đời cũng là lúc người ta hiểu rằng điều tuyệt diệu này có số phận thật ngắn ngủi, mong manh và sẽ nhanh chóng tàn phai vì theo vòng quay của thời gian có cái gì trên đời là vĩnh viễn?

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

Niềm ám ảnh về sự chảy trôi vô tình của thời gian khiến cái nhìn của thi nhân về thế giới bỗng đổi khác, tất cả đều nhuốm màu của âu lo, bàng hoàng, thảng thốt. Đấy là lý do vì sao mạch cảm xúc trong đoạn thơ bỗng liên tục thay đổi : từ việc xuất hiện các kiểu câu định nghĩa, tăng cấp : “nghĩa là (3lần/3dòng thơ), để định nghĩa về mùa xuân và tuổi trẻ, mà thực chất là để cảm nhận về hiện hữu và phôi pha, đến ý tưởng ràng buộc số phận cá nhân mình với số phận của mùa xuân, tuổi xuân nhằm thổ lộ niềm xót tiếc cái phần đẹp nhất của đời người, cuối cùng cất lên tiếng than đầy khổ não :

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất!

Con người thời trung đại hình như yên trí với quan niệm thời gian tuần hoàn với cái chu kỳ bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu ngàn ngày của kiếp người. Con người hiện đại sống với quan niệm thời gian tuyến tính, thời gian như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc qua là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định “còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”.

Thi sĩ lại cảm nhận về không gian và thời gian đầy sự lạ hóa:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt

Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép “tương giao” của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác: “Mùi tháng năm” – thời gian của Xuân Diệu được làm bằng mùi hương, bằng mùi vị. Niềm xót tiếc cứ thế tuôn chảy miên man trong hàng loạt câu thơ và khắc nghiệt với bất công đã trở thành một quan hệ định mệnh giữa tự nhiên với con người. Nỗi cay đắng trước sự thật đó được triển khai trong những hình ảnh và ý niệm sắp xếp theo tương quan đối lập giữa : lòng người rộng” mà lượng trời chật; Xuân của thiên nhiên thì tuần hoàn” mà tuổi trẻ của con người thì chẳng hai lần thắm lại. Cõi vô thuỷ vô chung là vũ trụ vẫn còn mãi vậy mà con người, sinh thể sống đầy xúc cảm và khao khát lại hoá thành hư vô. Điều “ bất công” này thôi thúc cái tôi cá nhân đi tìm sức mạnh hoá giải.

Từ nỗi ám ảnh về số phận mong manh chóng tàn lụi của tuổi xuân, tác giả đề ra một giải pháp táo bạo. Con người không thể chặn đứng được bước đi của thời gian, con người chỉ có thể phải chạy đua với nó bằng một nhịp sống mới mà nhà thơ gọi là vội vàng.

Mau đi thôi! Màu chưa ngã chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê hương sắc của thời tươi

-hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa và song song vỗ vào tâm hồn người đọc. Cái điệp ngữ “ta muốn” được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn: ôm – riết – say – thâu – cắn. Những chữ “và” hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của nhà thơ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc tham lam đang trào lên mãnh liệt trong lòng ngực yêu đời của thi sĩ !

Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu được Hoài Thanh nhận xét là “nhà thơ mới nhất của phong trào thơ Mới”. Ngoài những sự mới lạ trong nội dung đề tài, Xuân Diệu còn có những bước đi táo baojtrong việc cách tân nghệ thuật. Với “Vội Vàng”, bài thơ có sự kết hợp giữa hai yếu tố trữ tình , chính luận. Yếu tố trữ tình được bộc lộ ở những rung động mãnh liệt bên cạnh những ám ảnh kinh hoàng khi phát hiện vè số phận mong manh của cái đẹp, của tình yêu và tuổi trẻ trước sự hủy hoại của thời gian. Mạch chính luận là hệ thống lập luận, lí giải về lẽ sống vội vàng , thông ddiejp mà Xuân Diệu muốn gửi đến cho độc giả được trình bày theo lối quy nạp từ nghịch lí mâu thuẫn đến giải đáp. Bên cạnh đó, Xuân Diệu còn thành công trong việc tạo ra cú pháp mới của câu thơ, cách diễn đạt mới, hình ảnh và ngôn từ mới.

Có thể nói Xuân Diệu qua bài thơ này không chỉ “sống” hay “ham sống” mà là “say sống”. Sống mãnh liệt sống hối hả, sống gấp để tận hưởng vẻ đẹp của trần gian. Đó là một nhân sinh quan lành mạnh. tuy chưa phải là lối sống cao đẹp nhất, nhưng đó là một lối sống tích cực, sống trong ý thức phát huy hết giá trị của tuổi trẻ và cũng là của cái tôi. Bài thơ là nhịp đập gấp gáp trước thanh sắc trần gian một ngày xuân của một trái tim chưa bao giờ chán sống!

Nhà thơ Thế Lữ trong lời tựa cho tập “Thơ Thơ” của Xuan Diệu đã có nhận xét khá tinh tế: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Đã mấy mươi năm Xuân Diệu giã từ chúng ta vào cõi hư vô, nhưng tấm lòng trần gian của ông thì vẫn còn lưu mãi với các thế hệ. Hẳn những ai yêu cuộc sống, yêu thơ Xuân Diệu chắc không khỏi những rung động trước những cảm xúc mãnh liệt tâm tình của tác giả qua bài thơ “Vội vàng” gắn với những niềm khát khao giao cảm với trời đất, với con người trong mùa xuân diệu kì!

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi...

Phân tích bài thơ Vội vàng 13 câu đầu

Mở bài Vội vàng

Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Bài thơ Vội vàng

Cảm nhận về bài thơ Vội vàng 13 câu đầu

Cấu tứ của bài thơ Vội vàng

Nội dung bài Vội vàng

Chủ đề bài thơ Vội vàng

Shopacgame.vn