Hôm nay 3/7, Tòa án tối cao Nhật Bản tuyên bố Luật Bảo vệ ưu sinh cũ là vi phạm Hiến pháp và ra phán quyết yêu cầu nhà nước bồi thường cho các nạn nhân của luật này, đó là những người bị ép triệt sản do khiếm khuyết về tâm thần…
Phán quyết liên quan đến Luật Bảo vệ ưu sinh cũ này cũng là lần thứ 13 trong lịch sử kể từ thời chiến tranh, Tòa án tối cao Nhật Bản đánh giá một điều khoản pháp lý của nước này là vi hiến.
Luật Bảo vệ ưu sinh cũ của Nhật Bản được chế định và bắt đầu thực hiện từ năm 1948 trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số. Luật này cho phép cưỡng chế phẫu thuật triệt sản vĩnh viễn đối với với những người có bệnh lý và khiếm khuyết về mặt tâm lý, cũng như tinh thần mà không cần sự chấp thuận của đương sự. Luật này được cho là để ngăn chặn việc sinh sản ra những người khuyết tật và bảo vệ chất lượng giống nòi của người Nhật, được thực hiện trong suốt 48 năm trước khi được sửa đổi vào năm 1996 bằng một điều luật khác. Trong thời gian đó có tới gần 25.000 người bị triệt sản vĩnh viễn, trong đó có 16.500 người bị cưỡng chế.
Từ tháng 2/2017 - 12/2018, Liên đoàn luật sư Nhật Bản đã 2 lần công bố vấn đề và đưa ra yêu sách về việc nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ và bồi thường cho tất cả những người bị triệt sản, bao gồm cả những người tự nguyện. Luận điểm được đưa ra ở đây là những người đã có bệnh lý và khiếm khuyết về tâm lý, tinh thần thì không đủ năng lực hành vi để chấp thuận hay không. Vì vậy, tất cả 25.000 người bị triệt sản đều là nạn nhân. Các luật sư còn lên án Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản kỳ thị người khuyết tật.
Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản cho rằng vào thời điểm đó, luật này là hợp pháp và từ chối xin lỗi cũng như bồi thường cho các nạn nhân. Phải đến tháng 4/2019, trước áp lực của dư luận, Quốc hội Nhật Bản đã đưa ra đạo luật về việc bồi thường một lần cho các nạn nhân, nhưng luật này bị chỉ trích là chung chung và không đầy đủ dẫn đến phong trào phản đối tiếp tục lan rộng ra khắp Nhật Bản.
Phán quyết ngày hôm nay của Tòa án tối cao Nhật Bản được đưa ra sau 2 vòng xét xử, là thắng lợi lớn và là tin vui bất tận cho các nạn nhân của Luật Bảo vệ ưu sinh cũ. Sau khi Tòa Tối cao Nhật Bản đưa ra phán quyết, Liên đoàn luật sư Nhật Bản đã thiết lập đường dây nóng để tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân cho đến khi nhận được bồi thường thỏa đáng.
Tòa tối cao Nhật Bản yêu cầu nhà nước bồi thường nạn nhân Luật Bảo vệ ưu sinh cũ
Hôm nay 3/7, Tòa án tối cao Nhật Bản tuyên bố Luật Bảo vệ ưu sinh cũ là vi phạm Hiến pháp và ra phán quyết yêu cầu nhà nước bồi thường cho các nạn nhân của luật này.