Quyển thứ năm của Michel Bussi mà mình đọc. Thường thì mình bàn đến cách dịch tựa sau, nhưng lần này phải nói trước vì nó liên quan mật thiết đến nội dung và bối cảnh. “Kho báu bị nguyền rủa” đúng là một cái tựa đủ gây tò mò với một tác phẩm trinh thám, nhưng khi mình thấy tựa gốc tiếng Pháp “On la trouvait plutôt jolie” (Cô ấy trông khá xinh), mình đã tự hỏi vì sao lại như vậy? Bản dịch tiếng Anh của quyển này dự kiến năm 2022 mới xuất bản, và tựa công bố là “The Red Notebook” (bạn nào đã đọc sách sẽ biết vì sao lại chọn tựa này). Sau khi tra cứu, mình cho rằng lý do các bản dịch không dịch nguyên văn là vì người Pháp nhìn tựa gốc có thể hiểu nó đến từ đâu, còn độc giả ở các nước khác khó có thể liên hệ ngay.
Mua sách
Tháng 5-2017, Bussi đã bày trò chơi nhỏ trên Facebook cho fan: yêu cầu họ đoán tên và tên nữ chính trong quyển sách sẽ sớm xuất bản sau đó, với gợi ý: đây là một bài hát của Pierre Perret. Và nhiều người đã chọn đúng, bài hát “Lily” của Pierre Perret, với câu mở đầu “On la trouvait plutôt jolie, Lily”. Cả bài hát là lời tâm sự của một người với Lily, về một phụ nữ không tên: “She looked rather cute, Lily / She came from Somalia, Lily / in a ship full of immigrants / who all came willingly / to sweep the streets of Paris.” (bản dịch của lyricstranslate.com). Người phụ nữ này tin rằng có bình đẳng ở xứ sở của Voltaire và Victor Hugo, nhưng phần sau của bài hát là những khó khăn mà cô ấy và những người nhập cư khác phải trải qua vì là nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Bài hát năm 1977 đó đã là nguồn cảm hứng cho Michel Bussi viết “On la trouvait plutôt jolie” đúng 40 năm sau, và đặt tên cho nhân vật nữ chính, như ông viết trong dòng cuối sách (mất bao nhiêu công tra cứu rốt cuộc thứ mình tìm lại có sẵn). Tóm lại, “Kho báu bị nguyền rủa” là câu chuyện về những người nhập cư, những người đã đánh đổi để đến được nước Pháp, châu Âu, và hành trình sau đó của họ, khát vọng vươn lên và xóa định kiến nhập cư bất hợp pháp, tội phạm, cướp việc làm của họ, nếu họ may mắn không nằm lại đáy Địa Trung Hải.
Nhân vật nữ chính là Leyli Maal – một phụ nữ Mali có cư trú hợp pháp ở Pháp, là mẹ của ba đứa con, và làm công việc dọn dẹp vệ sinh ở khách sạn. Leyli che giấu một bí mật lớn, một kho báu bị nguyền rủa mà việc giữ bí mật về nó dẫn tới những lời nói dối và những vụ án mạng. Tất cả đều liên hệ đến chuyện rời châu Phi và đến Pháp. Sẽ có nhiều hơn một vụ án mạng, và giới thực thi pháp luật phải đối mặt với một bài toán hóc búa, “chẳng khác nào một bức tranh ghép hình không thể hoàn thiện với những mảnh ghép không chịu khớp lại với nhau”.
Với sách của Michel Bussi thì mình nghĩ không nên nói nhiều. Toàn quyển sách là những gì diễn ra trong bốn ngày ba đêm, sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời người nhập cư kiểu mẫu Leyli và các con của cô. Bạn hãy kiên nhẫn nghe từng phần chuyện đời của Leyli được kể rất túc tắc, hãy chú ý từng chi tiết, từng cái tên, từng câu nói dù là bâng quơ nhất. Đó là những dụng công sắp đặt của tác giả để đưa ta đến phần cuối cùng, nơi mạch truyện tăng tốc 10x và hàng loạt cú twist khiến ta tỉnh ngủ, nếu đang đọc lúc nửa đêm.
Ngoài yếu tố trinh thám, tác giả cũng đưa vào nhiều tuyên ngôn về vấn đề nhập cư, về những mảng tối trong những đường dây đưa người nhập cư trái phép, những nỗi kinh hoàng của chuyện liều mình vượt sa mạc, vượt biển, rừng thẳm để đến miền đất hứa. Sách xuất bản năm 2017 và mình nghĩ hẳn tác giả cũng nhân một vụ chấn động liên quan đến đề tài này là em bé Syria bị cuốn vào bờ Thổ Nhĩ Kỳ trên đường rời khỏi đất nước vào năm 2015. Mới đây là hình ảnh hai cha con người Mexico chết đuối khi cố đến nước Mỹ vào năm 2019. Và nếu muốn biết cảnh vượt biển để đến châu Âu thế nào, bạn có thể Google Images với các từ khóa migrants boats Mediterranean.