SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Truyện Chữ

Top 20 Truyện cổ tích Việt Nam hay (Trọn bộ)

Truyện cổ tích Việt Nam là những viên ngọc quý trong văn hóa dân gian, chứa đựng triết lý sống và bài học nhân văn sâu sắc. Dưới đây là 20 truyện cổ tích hay không chỉ mang đến những giây phút thư giãn mà còn gợi mở những giá trị truyền thống quý báu.

Tổng hợp 20 Truyện cổ tích Việt Nam hay

1. Sự tích cây khoai lang

Ở bìa rừng, có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hằng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:

– Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn, ăn củ mài mãi thì khổ lắm!

Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ: “Thế là bà sắp được ăn cơm rồi!”.

Nhưng chẳng may, một hôm cả khu rừng bị cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc. Bỗng có ông Bụt hiện lên và bảo:

– Hỡi cậu bé hiếu thảo chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi!

– Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi, bà con già yếu lắm rồi…

Ông Bụt gật đầu và biến mất.

Buổi trưa cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi cũng chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng chua cũng chẳng có.

Bỗng cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Ruột nó màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cái củ đó cũng bị lửa rừng hâm nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé bẻ một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt, Cậu bèn đào thêm mấy củ nữa đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi:

– Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu?

Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói:

– Vậy thì thức củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cũng có cái ăn.

Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vài dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa sẽ thu hoạch được rất nhiều củ.

Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.

2. Sự tích Mèo và Chuột

Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhận được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.

Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.

Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn no nê. Đến nỗi người phải có câu than rằng:

“Chuột kia xưa ở nơi nào ?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?”

Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:

– Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?

Trời nói:

– Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.

Vua Bếp tâu:

– Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.

Trời nghe tâu, phán rằng:

– Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dạy mà làm.

Thành thử bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ “gầm gừ, gầm gừ” và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…

Nhưng lúc ấy, mèo ngồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp để phóng uế.

3. Nàng tiên gạo

Ngày xưa, có một nhà chỉ có hai mẹ con. Người mẹ già yếu, không đi nương rẫy làm được nữa. Cô gái rất thương mẹ, suốt ngày chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ già.
Năm ấy hạn hán to, mất mùa đói kém xảy ra. Cô gái và mọi người trong làng đổ dồn về làm thuê cho lão nhà giàu trong vùng.

Lão bắt mọi người làm việc cả ngày nhưng chỉ cho ăn một bát cơm độn với rất nhiều ngô sắn. Mỗi ngày cô ăn nửa bát cơm, còn nửa bát cô gói mang về cho mẹ.

Ban đêm, cô phải ngủ cạnh kho lúa canh chuột. Một đêm, vừa chợp mắt thì cô nghe thấy tiếng thở dài, rồi một giọng dịu dàng: “Ta là Tiên gạo đây. Ta đã nhầm khi giúp lão keo kiệt kia, có của mà không biết thương người. Lão xưa kia nghèo khổ, nhưng thương người nên ta giúp hắn trở nên giàu có. Nhưng càng giàu hắn càng thay đổi tính nết, đâm ra tham lam độc ác. Rồi ta sẽ trị lão thích đáng”.

Khi nương lúa vàng ươm, chỉ còn đợi gặt. Lão sợ người làm trộm lúa nên đuổi hết thảy mà chẳng trả một xu. Bỗng nước từ đâu ào tới tràn ngập nhà lão, lúa má trên nương dưới ruộng đều bị cuốn sạch. Sau đại hạn, mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa. Trong khi đó lão nhà giàu gọi người làm nhưng không ai đến. Họ bảo nhau tránh xa lão tham lam keo kiệt. Lão khánh kiệt, không còn nổi bát cơm ăn.

Cô gái lại vào rừng đào củ, hái măng, tần tảo nuôi mẹ già. Một hôm vừa ra đến cửa rừng thì gặp bà lão ăn mày. Bà cụ run lẩy bẩy vì rét, miệng rên hư hử: “Tôi… mệt… Tôi… đói!”. Cô vội vàng vơ lá đốt lửa sưởi, nướng măng cho bà ăn. Bà cụ nhai ngon lành, hết cái măng thì kêu khát nước. Cô liền xách ống tre ra suối lấy nước. Trở lại, chẳng thấy bà cụ đâu. Chỉ thấy cái gùi không. Cô bèn đeo gùi về định hôm sau trả lại, nhưng mãi chẳng gặp lại bà cụ. Cô đành cất gùi lên gác bếp.

Kỳ lạ thay, đi làm về, cô lại thấy trong gùi có đầy thóc. Thì ra đó là những hạt ngọc nuôi sống con người mà bà tiên đã ban tặng cho cô. Cô gái mang thóc cho mọi người làm giống. Dân trong làng chẳng bao giờ biết đến cái đói cái rét nữa. Từ các cụ già đến trẻ con, ai cũng tấm tắc khen cô gái đẹp người lại đẹp nết.

4. Hai ông tướng Đá Rãi

Dưới thời nhà Lý, có một ông vua, nhân một hôm đi du ngoạn về miền núi xứ Đoài, tự nhiên thấy ở sườn núi nứt ra một khe rộng, rồi từ trong đi ra hai người to lớn lạ thường, mỗi người vác trên vai một phiến đá tảng như cái bồ, coi bộ không có tý gì là mệt nhọc.
Lấy làm lạ quá, ông vua cho gọi hai người đến hỏi: -“Các ngươi quê ở đâu ta?”. Họ đáp: – “Chúng tôi là hai anh em sinh đôi ở trên núi này”. – “Các ngươi có tài nghề gì chăng?” – “Chúng tôi chỉ giỏi môn vật!”. Nhà vua bèn đưa họ về kinh thành cho tỷ thí với các đô vật khỏe nhất của mình. Nhưng không có một tay nào trụ nổi họ. Hễ ai sơ hở để cho họ mó phải một chỗ nào ở trên người là y như chỗ ấy không gãy xương cũng nát thịt. Nhiều người thấy run sợ lảng tránh, không dám đọ sức.

Nhà vua rất kính phục và mừng rỡ, cho họ làm thị vệ, lúc nào cũng bắt hầu bên mình. Người ta gọi là Đô Nghê và Đô Voi. Họ không quen mặc phẩm phục của triều đình; dù trời nóng hay lạnh, lúc nào cũng trần mình đóng khố như lúc họ mới về triều. Nhà vua cũng không thể bắt buộc họ được. Nhiều lúc vua đi về các hành cung ở địa phương sai họ canh cửa. Hai ông đứng canh luôn mười mấy ngày giữa mưa nắng gió sương mà không mệt mỏi, không đau ốm. Bởi thế người ta cũng gọi là hai ông tướng Đá Rãi. Thường thường vào những ngày hội ở triều đình, họ vật nhau và múa nhảy cho người bốn phương thưởng ngoạn.

Trong những năm chinh chiến, hai ông lập được nhiều công trạng. Giữa chiến trận, hai ông đóng khố bao, đầu đội mũ lưỡi búa, mỗi tay cầm một cây roi xông vào giữa đám thiên binh vạn mã như vào chỗ không người. Bởi vì gươm giáo chém vào mình họ chỉ quằn lại chứ thịt da không hề xây xát. Nhà vua phong cho họ làm tướng và yêu mến vô cùng.

Thấy điều trái tai gai mắt, hai ông tướng Đá Rãi thường nói thẳng không kiêng nể ai cả. Bởi vậy trong triều có nhiều người kính phục nhưng cũng có nhiều kẻ ghen ghét.

Buổi ấy nhà vua rất sùng đạo Thích Ca. Những công trình đúc chuông tô tượng làm chùa mỗi ngày một nhiều. Theo lệnh vua, giữa kinh đô bắt đầu dựng lên một cái tháp đồ sộ có thể đứng trên tháp nhìn thấy khắp bốn phía ngoài thành. Có hàng ngàn người phải bỏ nhà đến đấy phục dịch. Hai ông tướng Đá Rãi một hôm đi qua đó thấy mọi người xúm nhau lại khiêng một cây cột lớn lên tường cao. Không may nửa chừng dây đứt, cây cột rơi xuống nghiến nát mấy người. Hai ông bước tới, cùng một lúc nhấc bổng cây cột lên, vứt đi chỗ khác và than thở:

– Phật chỉ làm chết dân!

Không ngờ câu nói đó vô tình lọt vào tai một tên nịnh thần. Hắn vốn căm ghét hai ông từ lâu. Hắn về kể chuyện cho vua biết và nói thêm:

– Thần thấy hai tên đô vật ấy ngày càng lộng quyền. Sự lộng quyền sẽ dẫn tới sự thoán nghịch. Nếu không sớm trừ đi ắt về sau sẽ có họa lớn.

Thế là qua hôm sau, hai ông bị đưa ra pháp trường. Nhưng đao phủ chém chặt băm vằm thế nào cũng không thể nào làm họ chết được. Người ta lại cho bốn ngựa phanh thây, nhưng ngựa không chạy nổi. Cho là thần linh, ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, sợ xanh cả mắt. Mãi về sau có một tên hung đồ, tay chân của viên nịnh thần, hiến một kế là vót một thanh nứa lấy đằng cứa thật sắc, rồi tống ngược từ hậu môn đến mồm.

Viên nịnh thần nghe theo, quả nhiên hai ông chết thật, nhưng hai ông còn lớn tiếng chửi rủa bọn tham quan ô lại trong chiều cho đến lúc tắt thở.

5. Sự tích cây đu đủ

Ngày xưa có một bác nông dân nghèo có thú nuôi chim. Một hôm chim của ông ăn mất 3 hạt bắp của quan làng.

Ba năm sau quan làng bắt đền, ông nghĩ thầm: “Ông quan làng thật giàu có, chỉ mất 3 hạt bắp thôi mà cũng chẳng tha, thật là tiểu nhân và thất đức, 3 hạt bắp chẳng đáng là bao, đền quách cho xong “..

Và người nông dân nghèo đã đến xin đền 3 hạt bắp. Quan làng bắt đầu tính nhân lên, từ 3 hạt bắp gieo xuống đất 3 tháng được 3 cây bắp, mỗi cây sinh 1 trái bắp, 1 trái bắp được 1500 hạt gieo 3 tháng lại được 1500 cây bắp… Và cứ thế ông tính 3 năm…

Bác nông dân nghe xong toát mồ hôi, ra về, cơn bệnh bắt đầu hành hạ bác, khiến bác suy nhược toàn thân, ít lâu sau bệnh trở nên trầm trọng, trong cơn hấp hối bác cố lết ra bờ giậu hướng về phía nhà quan làng miệng lẩm bẩm: “Đâu đủ mà trả, đâu đủ mà trả”, rồi bác chết tại chỗ.

Ít ngày sau, chỗ bác nông dân chết mọc lên một cây, người ta đặt cho cây ấy là cây “Đâu đủ.” Sau này người ta đọc khác đi là cây “Đu đủ” như ngày nay.

6. Sự tích con kiến Dương

Thuở xưa ở một làng nọ có anh chàng họ Dương, rất keo kiệt và lười biếng. Tối ngày chỉ rong chơi đây đó và la cà những nơi đình đám để kiếm ăn. Thấy anh chàng còn trẻ mà không lo chuyện học hành, cũng chẳng lo làm lụng nên dân làng rất khinh ghét, chẳng ai chịu cho ăn, khiến cho anh chàng đói khổ rồi bỏ làng mà đi.

Lang thang khắp nơi để kiếm ăn, rồi một ngày kia vì quá đói khát anh ta mệt lả ngã ra bất tỉnh bên đường. Trong cơn mê man anh ta thấy trước mắt tự nhiên hiện ra một núi vàng. Mừng rỡ, anh ta định chạy đến hốt vàng thì bỗng nghe một tiếng quát :

– Ngươi kia, ở đâu tới đây mà dám ngang nhiên lấy vàng của ta? Ngươi không biết ta là thần núi vàng hay sao?

Anh chàng họ Dương hốt hoảng nhìn lên thì thấy một cụ già dáng điệu hiền từ nhân hậu, chàng ta liền khóc lóc than van.

Vị thần thấy vậy động lòng nhân từ:

– Thôi được ta sẽ giúp ngươi. Nhưng khi được giàu sang rồi, ngươi sẽ xử sự với đời như thế nào?

Anh chàng họ Dương thề là sẽ lấy lòng nhân mà ở đời và sẽ giúp đỡ người nghèo khó, và thề độc nếu trái lời thì sẽ bị hoá thành loài sâu bọ phải tự đi kiếm ăn và bị người đời ghét bỏ, lúc nào cũng chui rúc trong khe vách, chân tường.

Vị thần nghe nói vậy liền trao cho anh chàng họ Dương một cái túi rồi xô anh chàng xuống núi. Anh ta giật mình tỉnh giấc thấy trong tay mình đang nắm một túi đầy vàng thì mừng rỡ trở về mua sắm đủ thứ và sống một cuộc sống rất xa hoa .

Những người trước kia hay xua đuổi anh chàng họ Dương lân la tới làm thân. Anh chàng họ Dương nhớ tới thù xưa nên căm tức tìm đủ mọi cách để làm nhục họ. Còn những người nghèo đến xin ăn thì bị anh ta khinh rẻ, xua đuổi.

Một hôm có một lão ăn mày, mình mẩy lở loét, áo quần rách rưới đến xin ăn. Anh chàng họ Dương cũng xua đuổi nhưng lão già cứ ngồi lì trước nhà không chịu đi.

Anh chàng thấy thế giận lắm, nghĩ nhà đẹp mà lại bị một lão già hôi hám, dơ dáy ngồi ngay lối vào nên xách gậy ra đánh đuổi. Nhưng khi đưa gậy lên lão ăn mày hiện hình thành vị thần núi vàng năm xưa và mắng rằng :

– Nhà ngươi thật là bạc ác, tội không thể tha. Nhà ngươi có nhớ lời thề khi xưa chăng?

Nói rồi vị thần hoá phép và biến anh chàng thành loài sâu bọ mà người đời sau này gọi là kiến Dương. Chỉ chui rúc suốt ngày, hễ đụng đến thì cuộn tròn mình lại để giấu sự xấu hổ …

7. Sự tích củ kiệu

Ngày xửa ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương, có một nàng công chúa rất yêu thích việc trồng trọt, cày cấy. Không như những công chúa khác, công chúa Kiệu sống cùng với những người dân chất phác chia sẻ cuộc sống thường ngày với họ.

Công chúa Kiệu rất thông minh, và hay tìm tòi ra những giống cây mới giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Một ngày nọ, công chúa bước xuống một thửa ruộng bỏ hoang. Nàng định dọn sạch đám cỏ đang mọc cao để gieo lúa. Trong lúc ngắm nghía nàng thấy một cây cỏ lạ, nàng thấy nó rất giống với cây hành lá. Công chúa Kiệu tò mò, nếm và ngửi thử mùi vị của củ. Kỳ lạ thay, củ của cây cỏ này tuy hơi nồng gắt nhưng rất lạ, không giống với những củ nàng đã biết qua. Công chúa vui mừng quá, liền đem giống cỏ lạ về trồng. Khi đã đến lúc gặt hái, nàng thử ngâm củ trong hỗn hợp giấm và nước ngọt của cây trái. Vài ngày sau, củ đã không còn vị gắt mà thơm nồng và vị lạ chưa từng thấy. Nàng dùng củ đã ngâm, ăn với thịt hay bánh chưng, thì sự kết hợp đó thật là tuyệt hảo.

Lúc đó cũng là dịp Xuân về, nhân một ngày vua Hùng xuống thăm dân, công chúa Kiệu dâng lên vua cha những củ trắng trong, thơm ngát, cùng với những món ăn dân gian. Vua Hùng nếm thử, và rất thích. Từ đó, vua hạ lệnh trong dân gian cho trồng phổ biến cây cỏ lạ đó, mà vua đã đặt tên là Kiệu theo tên nàng công chúa đã có công khám phá.

8. Tại sao trâu đen, bò vàng?

Trâu và bò ngày xưa là hai anh em kết nghĩa. Chúng cùng sinh ra ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Khi còn nhỏ cả hai đều có một bộ lông trắng rất đẹp và mịn màng.

Lớn lên, trâu rất chăm chỉ làm việc. Mọi công việc đồng áng dù nặng nhọc vất vả đến đâu trâu đều không quản ngại. Ban ngày trâu kéo cày ở những đám ruộng sâu bùn lầy. Tối về nó lại chăm chỉ giúp người kéo trục đập lúa. Khi người làm nhà nó đảm nhiệm việc vào rừng kéo những cây gỗ dài và nặng. Một lần, lão hổ già đòi người phải cho xem trí khôn, trâu đã giúp người trói được lão hổ gian ác vào gốc cây. Hôm ấy lão hổ bị người chất rơm đốt nên lông hổ mới vằn vện như bây giờ.

Trong khi đó thì bò lại rất lười biếng. Nó chỉ đi cày bừa ở những nơi ruộng nương cao ráo, đất tơi xốp và nhẹ. Đêm đêm khi trâu giúp người đập lúa thì bò nằm nghỉ ngơi và nhai rơm khô.

Chính vì trâu chăm chỉ nên người mới yêu quý và giao cho trông coi cây rơm. Đó là thức ăn dự trữ mùa đông của trâu bò. Khi bò muốn đến ăn rơm đều phải xin phép trâu. Mùa đông năm ấy, trời rét lắm, sương muối rơi dày nên cỏ lụi hết. Bò đói quá năn nỉ:

– Anh trâu ơi! Em đói quá, cho em thêm một bó rơm…

– Mày là đồ lười biếng, hay trốn việc nên ăn ít thôi!

Bị trâu mắng, bò tức lắm. Nó ôm cái bụng lép kẹp đi ngủ nhưng không làm sao ngủ được. Bò rất muốn đến ăn rơm nhưng trâu luôn nằm chắn canh chừng ngay cạnh cây rơm. Hai cái sừng nhọn hoắt chĩa ra. Mấy anh lợn toan đến rút trộm ít rơm để lót ổ cũng không dám lại gần.

Bị đói, nằm không ngủ được nên bò rất oán hận trâu. Nó liền nghĩ cách trả thù.

Một hôm, lừa cho trâu đi cày về mệt ngủ quên, bò liền châm lửa đốt cây rơm. Cây rơm bén lửa cháy đùng đùng, khói mù mịt. Trâu nằm đắp rơm lên cho ấm nên bị bén lửa ngay. Bộ lông trắng của trâu bị cháy đen thui, nó hốt hoảng lăn ngay xuống vũng bùn cho đỡ nóng. Trong khi đó vì đói quá, bò liều mạng lao vào chỗ cây rơm đang cháy cố lôi lấy một ít rơm để ăn. Thành thử bộ lông trắng mượt và chải chuốt của bò cũng bị ám khói vàng khè.

9. Sự tích cây vú sữa

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Ví quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.
-“Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”.

Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! – Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé.

Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá

Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá.

Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào :

“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

10. Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận. Vì thế, khi nghe nói ở huyện có khuyết chân thơ lại là hắn vội bán ruộng cố đi lo lót cho được. Sau mấy phen chạy vạy không xong, hắn sực nhớ đến một người bạn học cũ có người thân quen biết với cụ Thượng, bèn tìm đến nhờ vả.

Người bạn của Hồ Sinh khi nghe hắn bày tỏ ý mình vội bảo:

– Người ra có câu “Con trong lừ rưng rưng nước mắt, con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô”. Sao bác không giữ ruộng lại để cày cấy làm ăn, có hơn là phải quỵ lụy để mua mấy cái lo vào người cho khổ?

Nhưng sau mấy lần khuyên dỗ, vẫn thấy nét mặt bạn quả quyết quá, mới giới thiệu hắn với một người bạn khác của mình, và nói:

– Người quen của tôi chả có thế lực gì đâu. Sẵn có quen một nhà đạo sĩ trên núi Ba Vì, ông ấy quen biết rất nhiều vị quyền cao chức trọng có thể hơn cả cụ Thượng nữa. Ông ấy có cách làm cho bác nên công danh. Để tôi viết mấy chữ, ông ấy sẽ vì tôi mà giúp bác hết sức.

Hồ Sinh cầm thư của bạn tìm đường lên núi Ba Vì. Hắn hỏi thăm mãi, quả đến một cái hang có một phiến đá lớn lấp kín. Theo lời dặn, hắn kêu to: – “Có phải đây là hang đạo sĩ không? Nếu phải xin mở cửa cho vào”. Tự nhiên hòn đã xoay ra mở một lối cho hắn vào. Phía trong rất im lặng nhưng sáng sủa. Hắn bước quá chừng chục bước đã thấy vị đạo sĩ đang nằm trên một cái chõng, miệng nhai rầu, mắt lim dim nghỉ ngơi. Bên cạnh đó có một cái chõng khác, trên có một cơi trầu chỉ còn hai miếng Tuy có khách mà đạo sĩ cũng không ngồi dậy, chỉ với tay cầm lấy thư đọc, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Một lát, nhìn trừng trừng vào mặt khách, nói:

– Ta sẽ cho anh được làm quan. Nào anh muốn làm quan to hay nhỏ, như thế nào?

Đáp:

– Tôi học hành cũng ít ỏi, chỉ muốn làm một chân thơ lại cũng đã mãn nguyện.

– Được! Anh hãy ngồi nghỉ, ăn một miếng trầu, ta sẽ liệu.

Hồ Sinh rón rén lại ngồi ở giường lấy một miếng trầu trong cơi ra ăn. Miếng trầu rất ngon. Nhưng vừa nhai giập thì hắn đã thiu thiu ngủ.

Sau khi trở về nhà mấy ngày, bỗng một hôm có một người lính lệ mang trát đến đòi. Hắn sợ quá tưởng có việc gì xảy ra. Nhưng khi vào dinh cụ Thượng, hắn được đón tiếp rất niềm nở. Người ta để dành cho hắn không phải là chân thơ lại ở huyện mà là một chân thông biện ở dinh quan Bố tại tỉnh nhà. Công việc chẳng có gì là khó khăn và tốn kém vì có “tay trong” của nhà đạo sĩ, làm cho hắn hết sức sung sướng. Thế là từ đó, Hồ Sinh hàng ngày ra vào công đường, dạ dạ, bẩm bẩm khúm núm trước mặt các quan. Ban đầu hắn thấy nhục, nhưng mỗi lần đứng trước mặt bọn tổng lý và những người dân có việc đến cửa quan thì hắn lại cho là một sự vinh hiển. Ban đầu hắn ngần ngại chối từ cả lễ bạt của những người có việc đưa lên lo lót, nhưng dần dần hắn bạo dạn và khôn ngoan hơn. Chẳng những hắn thành thạo trong nghề bóp nặn mà còn học được nhiều mánh khóe làm tiền kỳ lạ là tạo ra những vụ án bất ngờ mà kết quả cả nguyên cáo lẫn bị cáo tiền bạc xủng xoẻng dắt nhau đến công đường đút cho hắn và quan trên của hắn.

Vì thế, trong vài ba năm, tiền của của hắn bộn bề, hắn làm nhà tậu ruộng và sống cuộc đời xa xỉ hơn trước. Hắn lại được một phú trưởng giả trong hạt gả con gái cho. Mười năm sau, vợ hắn đã sinh được hai trai hai gái và được cất nhắc làm một chức quan nhỏ. Một nhà phấn vua trang điểm, cuộc đời cứ thế lên như diều, không có ai theo kịp.

Nhưng một ngày kia, giữa lúc Hồ Sinh đang ngồi cho vợ chải đầu thì bỗng có lính lệ cầm trát đến đòi. Hắn không nghi ngờ gì cả. Nhưng khi đến dinh cụ Thượng hắn liền bị bỏ ngục. Một viên khâm sai đặc phái cải trang đi thanh tra đã tìm ra được rất nhiều chứng cớ về những vụ tham tang hối lộ của bọn quan tỉnh, mà tất cả đều có liên quan đến hắn. Thế rồi, trong khi chờ đợi xử án thì những người dân bị vu oan giá họa ngày trước đều đổ xô tới quan khâm sai kiện hắn. Đơn kiện cao kể hàng chồng. Ngày xử án hắn là một ngày đông hơn hội. Hắn bị tử hình không đợi tâu về triều vì quan khâm sai có quyền “tiền trảm hậu tấu”. Trước khi ra pháp trường chịu tôi, hắn hồi tưởng lại chuyện cũ và ăn năn rằng phải chi mình đừng có lên hang đạo sĩ để nhờ lão ấy chạy chọt cho thì đâu đến nỗi này.

Hồ Sinh bỗng choàng dậy vì có một tiếng động rất dữ dội. Hắn mở mắt thì té ra mình vẫn còn nằm trên chiếc giường thứ hai của nhà đạo sĩ, chân đạp phải cơi trầu lăn xuống đá đánh choảng một tiếng, miếng trầu còn lại lăn lóc giữa đường. Còn đạo sĩ miệng vẫn còn nhai trầu, mắt lim dim, chợt ngồi dậy hỏi hắn:

– Bây giờ chúng ta sẽ bàn một chút. Anh sẽ cầm thư của tôi đến cụ Thượng…”

Nhưng lúc này Hồ Sinh không còn đủ can đảm để tính chuyện danh phận nữa. Hắn vội nhả miếng trầu đang ngậm ở miệng và cáo từ ra về. Từ đó, hắn trở nên một tay làm ăn chí thú trên ruộng đất của mình.

11. Sự tích hoa đào

Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng.

Có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái.

Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa.

Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.

12. Sự tích đầm Dạ Trạch

Ở huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay, có khu đầm lầy rất rộng, với nhiều tên gọi khác nhau như: đầm Dạ Trạch, Nhất Dạ Trạch (cái đầm hình thành sau một đêm), Mạn Trù Châu (bãi Giăng Màn), Tự Nhiên Châu (bãi Tự Nhiên),v.v. Tuy nhiên, tên gọi phổ biến và quen thuộc nhất vẫn là đầm Dạ Trạch. Sự tích đầm Dạ Trạch khá li kì. Nay, xin được trích từ sách Lĩnh Nam chích quái để giới thiệu về đầm Dạ Trạch, còn lời bàn về câu chuyện li kì này, xin kính nhường bạn đọc.

“Vua Hùng Vương thứ ba sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung lên mười tám tuổi, dáng người xinh đẹp, chỉ thích ngao du thiên hạ, không muốn lấy chồng. Nhà vua yêu chiều nên cũng để nàng thỏa thích. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng hai hoặc tháng ba, Tiên Dung sắm sửa thuyền bè, chu du ra tận ngoài biển, có khi mải vui quên cả ngày về.

Bấy giờ ở làng Chử Xá, có hai cha con rất hiền từ và hiếu thảo là Chử Vi Vân và Chử Đồng Tử. Chẳng may nhà họ gặp hỏa hoạn, của cải cháy hết, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố bằng vải, ra vào phải thay nhau mà mặc. Đến lúc cha già lâm bệnh, gọi con là Chử Đồng Tử tới, nói rằng:

– Cha chết cứ để trần truồng mà chôn, con hãy giữ khố lại, có thế mới mong khỏi xấu hổ.

Nhưng khi cha mất, Chử Đồng Tử cứ chôn khố theo cho cha, còn mình thì chịu cảnh đói rét trần truồng, rất khổ sở. Chử Đồng Tử thường ra sông câu cá, hễ thấy có thuyền buôn đi qua thì đứng ngâm mình dưới nước mà xin ăn.

Thế rồi hôm đó, không ngờ thuyền của Tiên Dung tới. Nghe có tiếng chiêng trống, sáo kèn náo nhiệt và thấy nghi trượng cờ quạt, Chử Đồng Tử hoảng sợ lắm. Nhân thấy trên bãi cát ven sông có mấy khóm lau lơ thơ vài ba gốc, Chử Đồng Tử bèn vào moi cát vùi thân, nấp ở đó. Phút chốc, thuyền của Tiên Dung tới. Nàng dừng lại và lên bờ dạo chơi rồi hạ lệnh cho quây màn chung quanh khóm lau làm nơi tắm gội. Tiên Dung vào màn cởi áo tắm rửa, dội nước khiến cho cát trôi, lộ ra thân hình của Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, nhìn một lúc lâu, biết đó là người con trai, liền nói:

– Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người con trai này trần truồng trong chỗ tắm gội này, ắt là do trời xui như thế. Thôi, chàng hãy mau dậy cùng tắm rửa đi.

Tiên Dung ban cho Chử Đồng Tử áo quần rồi bảo xuống thuyền, cùng dự tiệc vui vẻ. Người trong thuyền, ai ai cũng cho là cuộc kì ngộ xưa nay chưa từng có. Chử Đồng Tử nói rõ vì sao mình lại làm như thế. Tiên Dung bùi ngùi than thở, bảo chàng cùng kết duyên vợ chồng.

Chử Đồng Tử cố từ chối nhưng Tiên Dung nói:

– Sự thể gặp nhau là do trời xui ra thế, xin đừng chối từ làm gì nữa.

Những kẻ theo hầu về tâu với Hùng Vương. Hùng Vương giận dữ, nói rằng:

– Tiên Dung không hề biết tiếc danh tiết là gì. Nó đã không hề biết tiếc của cải của ta, rong chơi khắp chốn, lại còn hạ mình lấy kẻ nghèo hèn, thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn ta nữa. Từ nay cứ mặc nó, muốn làm gì thì làm, không được trở về nữa.

Tiên Dung nghe được tin ấy, sợ không dám về, bèn cùng Chử Đồng Tử mở phố xá, lập quán chợ để mua bán với dân, tạo ra chợ lớn, tức chợ Thám bây giờ. Con buôn nước ngoài tới lui buôn bán, ai ai cũng kính thờ Tiên Dung, tôn Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa.

Một hôm, có con buôn đến nói với Tiên Dung rằng:

– Nếu quý nhân bỏ ra một dật vàng (mỗi dật tương đương với 24 lạng) cùng con buôn ra ngoài buôn bán, thì sang năm sẽ sinh lợi đến mười dật.

Tiên Dung nghe vậy, lấy làm mừng, bèn nói với Chử Đồng Tử:

– Duyên vợ chồng là do trời định, còn như cái ăn cái mặc của ta là do ta tự làm. Nay thử mang một dật vàng theo bọn con buôn ra ngoài mua vật quý về sống xem sao.

Chử Đồng Tử bèn theo người khách buôn ấy đi buôn bán, xuôi ngược khắp cả xứ người. Một hôm qua núi Quỳnh Vi (tên một quả núi chỉ có trong thần thoại), nhân khi khách buôn ghé vào lấy nước, Chử Đồng Tử bèn lên núi dạo chơi, thấy trên đó có một cái am nhỏ, trong am có một vị sư tên là Phật Quang. Phật Quang truyền phép cho Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử bèn đưa tiền cho người khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau, khách buôn trở lại am đón Chử Đồng Tử cùng về. Sư Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử một cái gậy, một chiếc nón lá và dặn:

– Tất cả các phép thần thông linh ứng đều đã ở cả đây.

Chử Đồng Tử về, đem chuyện học đạo kể hết cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bỏ cả quán chợ và nghề buôn, cùng Chử Đồng Tử đi chu du tìm thầy học đạo. Có hôm đi xa, tối đến vẫn chưa kịp về nhà, đành nghỉ tạm dọc đường, dựng gậy rồi úp nón lên để làm chỗ che thân, chẳng dè vào đến canh ba thì các thứ lầu vàng gác tía, thành quách, lâu đài, kho tàng, miếu mạo cùng vô số vàng bạc châu báu, giường chiếu trướng màn, tôi tớ nam nữ và thị vệ… hiện ra la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, ai ai trông thấy cũng đều kinh ngạc, bèn đem hoa quả cùng các thức ăn ngon tới dâng, xin làm bề tôi. Từ đó, Chử Đồng Tử và Tiên Dung có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng.

Hùng Vương nghe tin ấy, cho là con gái có ý làm loạn, bèn đem quân đi đánh. Quân của Hùng Vương sắp tới nơi, quần thần xin đem binh lính ra chống cự. Tiên Dung cười nói:

– Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho quân của vua cha chém giết.

Lúc ấy, những dân mới theo đều sợ mà chạy tứ tán, chỉ có dân cũ ở lại cùng Tiên Dung. Quân của Hùng Vương đến, vì trời đã tối nên dựng dinh trại ở bãi Tự Nhiên, phía bên kia bờ sông. Đêm ấy, trời nổi gió to, cây bật gốc, cát bay mù mịt, quân của Hùng Vương rối loạn. Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử và bộ hạ phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụt xuống thành một cái đầm rất lớn. Sáng sớm hôm sau, người ta chẳng thấy lâu đài thành quách đâu nữa, cho đó là điều linh dị, bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế. Người ta nhân đó gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, bãi cát ấy là bãi Tự Nhiên hoặc bãi Màn Trù và chợ ấy là Hà Thị”.

13. Người ăn xin làm vua

Ngày ấy, có một người sống bằng nghề ăn xin từ thuở nhỏ, ở bậc thềm nhà thờ. Thấy y trai tráng mà không chịu làm ăn, ít người bố thí cho.

Một hôm, trời nóng nực, y bỏ ra đi.

Băng qua rừng, y muốn tìm một chỗ nghỉ ngơi, nhưng rừng u tịch quá, chẳng có lấy một nếp nhà. Ai sống trong chốn hoang vu này làm gì. Có chăng thì chỉ bọn lục lâm, thảo khấu mà thôi. Người ăn xin mệt lả, nghĩ bụng: “Bây giờ đến quỷ cho nghỉ nhờ cũng tốt”.

Trời sập tối. Rồi trăng bắt đầu mọc. Ánh trăng le lói, ẩn hiện sau những đám mây. Trong rừng, ánh sáng lờ mờ. Người ăn xin tiếp tục bước. Chợt y thấy có bóng gì đó đen đen sau hàng cây. Tiến lại gần hơn, y nhận thấy đó là một căn nhà. Trong nhà vắng vẻ và tối om. Thò tay vào trong cái giỏ đựng trăm thứ của dân ăn xin, y lấy ra một cây đèn cầy với một hộp quẹt. Đốt đèn lên, y nhận ra mình đang ở trong một căn nhà gỗ khá lớn. Trong góc nhà, nơi vẫn dành để thờ cúng thấy có treo một bức tranh thánh, dưới bức tranh là một cái ghế dài. Bức tranh lớn dễ sợ, buông từ trần nhà xuống gần chấm đất, khung mạ vàng, nhưng vẽ gì thì không nhận ra được, vì trời tối quá. Người ăn xin ngồi bệt xuống nền nhà, đặt cây đèn lên ghế dài, chuẩn bị nghỉ ngơi. Cây đèn cháy mỗi lúc một sáng. Tình cờ, liếc nhìn bức tranh, người ăn xin thảng thốt: “Trời, nào có phải tranh thánh tranh chúa gì đâu. Một con quỷ dữ lù lù đây mà!”.

Tuy nhiên, vốn không phải là đứa trẻ lên ba lên bốn nhút nhát nên người ăn xin cũng chăm chú xem xét bức tranh, xem thế nào. Cây đèn cầy vẫn cháy trên ghế dài, nó lách tách.

Bỗng cánh cửa ra vào kêu ken két và có tiếng chân người bước vào. Quay lại, y thấy một ông lớn ăn mặc bảnh bao đã đứng đó.

Ông lớn hỏi:

– Ngươi làm gì ở đây vậy?

– Tôi đi lang thang không cửa không nhà, mệt quá, muốn vào đây nghỉ nhờ một chút, xin ngài đừng giận.

– Được, cứ nghỉ đi cho khỏe. Ta thấy ngươi có vẻ thành thật nên muốn ban cho ngươi một cái gì đó mà ngươi muốn. Hãy nói xem, ngươi muốn gì?

Người ăn xin ngạc nhiên:

– Tôi đã làm gì đáng để ngài ban ơn?

– Ta quý nhà ngươi vì nhà ngươi đã thắp đèn cầy trước bức tranh ta. Đây là nhà của ta, còn đó là bức chân dung ta. Nhưng mà ngươi đừng có sợ.

Người ăn xin thất đảm! Nhìn đi nhìn lại thì đúng là tranh và người giống nhau như hai giọt nước: cũng cặp sừng trên đầu, móng dưới chân, còn đuôi thì dấu vào vạt áo dài. Người ăn xin tháo mồ hôi hột. Nhưng quỷ nói:

– Con người thường có thói quen cúi lạy thần và khinh bỉ ta. Thế nhưng nhà ngươi lại dành cho ta một vinh dự ngang thần thánh. Ta sẽ không quên tấm lòng đó của ngươi. Hãy nói ta nghe, ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho ngay.

Người ăn xin muốn được ăn, được uống. Trong nháy mắt, đồ ăn thức uống đã hiện ra trên bàn. Khi người ăn xin ăn uống no say, quỷ bảo:

– Nói xem, người còn cần gì nữa?

Người ăn xin ấp úng:

– À… Ờ… Thưa ngài quỷ sứ, tôi là một kẻ nghèo hèn nên chỉ dám xin ngài một điều là ngài cho tôi xin ít tiền ăn đường. Sau đó, tôi xin đi ngay.

Quỷ cho tiền nhưng lại bảo:

– Tiền bạc là cái quái gì chớ. Nay còn, mai hết. Thôi ta sẽ cho ngươi làm vua.

Nói xong, quỷ thấy khoái cái trò của mình quá, nhảy tâng tâng trong nhà.

– Ôi chao, tôi mà làm vua cái nỗi gì? Xin ngài đừng giỡn.

– Ta đâu có giỡn! Gần đây, có một ông vua có một nàng công chúa xinh đẹp. Ta sẽ cưới nàng cho ngươi. Thế nào, được chứ?

– Một người lang thang như tôi, đời nào công chúa thèm để mắt tới.

– Đó là việc của ta. Ta sẽ có cách làm công chúa say nhà ngươi như điếu đổ. Thôi, đồng ý chứ hả?

– Tùy ngài.

Trong bụng tuy hồ nghi nhưng người ăn xin cũng thấy thích. Quỷ lấy nước tắm cho người ăn xin, cắt tóc, chải đầu cho y. Phút chốc y cũng trở nên dễ coi. Quỷ bảo y khoác lên người cái mớ giẻ rách của y, nhưng tay thì cầm một hộp thuốc bằng vàng. Bản thân quỷ thì đóng vai người hầu ăn mặc sang trọng. Đâu vào đấy rồi, quỷ bảo:

– Bấy giờ, ta sẽ đi đến nhà thờ dự lễ Misa. Ngươi cứ thế này len đến hàng đầu, sát bàn thờ, đứng cạnh công chúa. Người ta có lườm nguýt, ngươi cũng cứ mặc kệ. Còn ta, ta sẽ đóng vai người hầu của ngươi, cầm quyển kinh đi đằng sau. Nếu ngươi nhận thấy công chúa không khinh thì hãy lấy thuốc mời công chúa hút. Như thế, công chúa sẽ có thiện cảm ngay.

Thế rồi, hai người lên đường đi đến nhà thờ. Người ăn xin đi trước, quỷ sứ theo sau, điệu bộ đúng như người hầu. Vào đến nhà thờ, người ăn xin len đến hàng đầu, đứng cạnh công chúa. Công chúa nhăn mặt khó chịu, khốn nỗi, đang lúc trang nghiêm, không tiện làm ồn, nàng chỉ dám gắt nhỏ:

– Tên khố rách áo ôm này, sao liều lĩnh thế? Dám đứng trước bàn thờ cùng với ta hả?

Người ăn xin đánh bạo trả lời:

– Nàng có nhìn thấy người hầu đi theo ta chăng? Ta đâu có phải hạng nghèo hèn. Vì chịu tội hôm nay, ta mới ăn mặc như thế này. Đừng rầy la làm chi. Nàng muốn ta thay đổi dung mạo khác chăng?

Người hầu đưa cho y quyển kinh. Ngay lúc đó, buổi lễ bắt đầu.

Công chúa tò mò muốn hỏi chuyện người ăn xin, nhưng y không vội trả lời, chỉ mời nàng hút thuốc thơm trong cái hộp vàng. Công chúa hút thuốc, và thế là nàng cảm anh chàng ngay.

Khi buổi lễ chấm dứt, ra đến cửa nhà thờ, công chúa mời người bạn mới quen, sáng mai đến chơi trong lâu đài.

Anh ăn xin đáp:

– Vâng, ngày mai thế nào tôi cũng đến, thưa công chúa xinh đẹp. Còn nàng, tôi cũng xin nàng thưa trước với phụ thân rằng tôi muốn hỏi nàng làm vợ.

– Người bạn thân yêu, thế nào cũng đến đấy nhé. Thôi, bây giờ thì tạm biệt chàng. – Công chúa thì thào, đỏ mặt trước đoàn tùy tùng rồi chạy ùa vào cung.

Các bạn gái của công chúa và những người dân lương thiện có mặt lúc ấy không ai biết công chúa nói thầm cái gì với người ăn xin kia.

Hôm sau, quỷ sứ phục sức cho người ăn xin thật lộng lẫy, trông cứ như một hoàng đế Đức: huân chương mới tinh lóng lánh trên ngực, các ngón tay thì đeo đủ các loại nhẫn. Một chiếc xe ngựa ở đâu hiện ra. Người ăn xin ngồi vào xe. Quỷ sứ trong vai người hầu đứng ở sau. Đánh xe thì có một bầy quỷ khác. Sáu con ngựa ô phi như tên bắn, vó tóe lửa. Chẳng mấy chốc, cả bọn đã đến cung vua.

Vua ngự trên ngai, có tả hữu hai bên đứng chầu. Các quan ngơ ngác không hiểu cái người quý tộc sang trọng mới đến kia là ai. Vừa lúc đó, công chúa ra. Nàng phủ phục dưới chân vua cha xin phép được lấy người khách kia làm chồng. Người khách cũng xin vua được lấy công chúa. Y nói rằng y vốn là một người giàu sang danh giá, nhưng đến nay vẫn sống khiêm nhường chẳng qua là do muốn học hỏi những lẽ huyền bí của cuộc đời mà thôi.

Vua thấy con gái yêu người khách nọ nên cũng đồng ý.

Đám cưới được tổ chức linh đình, tiệc tùng kéo dài đến tận đêm khuya. Nhưng rồi cuối cùng, phò mã cũng được nghỉ ngơi và động phòng.

Vừa vào đến cửa phòng ngủ, y đã thấy quỷ sứ đứng lù lù ở đó rồi. Quỷ hỏi:

– Thế nào, người anh em, có hài lòng không?

– Còn ước gì nữa! Làm vua tất nhiên tốt hơn là làm ăn mày rồi. Ăn uống thì thả sức mà giường đệm lại êm ái…

– Nghe đây! Hãy nhớ lời ta đây: Mi sẽ được làm vua với điều kiện hàng ngày ngươi phải thắp đèn cầy trước ảnh ta như lần trước ngươi đã làm. Mà không phải là thắp một cây đèn mỡ rẻ tiền đâu, nghe! Phải thắp nguyên cặp đèn sáp, loại thượng hạng như của công chúa vẫn dùng đó. Nếu quên những điều ta nói thì không những ngai vàng mà cả đầu ngươi cũng sẽ mất.

Người ăn mày hứa với quỷ là tối tối y sẽ đặt trước tranh thờ một cặp đèn sáp. Sau đó, quả là y không quên lời hứa. Công Chúa mộ đạo, tối nào cũng thắp đèn cầy trước tượng thánh. Nàng có ngờ đâu rằng trong khi ấy, chồng nàng thắp đèn cầy trước quỷ sứ. Mỗi người thờ một thứ: Nàng thờ chúa, chồng nàng thờ quỷ. Mà thiên hạ đâu phải chỉ có vợ chồng nàng như thế. Có nhiều cặp khác cũng vậy.

14. Hoàng hậu từ quả trứng

Một nhà vua nọ có mỗi một hoàng tử duy nhất. Vua lệnh cho hoàng tử chỉ được lấy vợ khi ngài chết và nhất thiết phải lấy một người từ trong trứng nở ra.

Một thời gian sau, nhà vua chết. Chôn cất cha xong, hoàng tử lấy một trăm đồng vàng, lên ngựa đi tìm mua trứng. Chàng gặp một mụ phù thủy. Mụ bán cho chàng một chục rưỡi trứng lấy số tiền ấy, rồi dặn chàng phải đem trứng mau mau về nhà, dọc đường phải nâng niu cẩn thận và hễ cái trứng nào kêu: “Uống!” thì phải lấy nước cho nó uống ngay.

Hoàng tử mua được trứng rồi, mừng quá, lên ngựa phi nước đại trở về. Ngang đường, một quả trứng kêu “Uống!”, rồi quả thứ hai, quả thứ ba, cứ thế lần lượt đến quả thứ mười bốn. Nhưng ngang đường kiếm đâu ra nước, nên hoàng tử đành chịu.

Khi hoàng tử vừa về đến lâu đài thì quả trứng thứ mười lăm kêu “Uống!”. Chàng vội xuống ngựa, lấy nước dưới hào cho trứng uống. Ngay lúc ấy, trước mặt chàng hiện lên một cô gái trẻ, nghiêng nước, nghiêng thành.

Hoàng tử chạy vội vào cung lấy áo dài cho cô gái mặc. Lợi dụng lúc chàng chạy đi, mụ phù thủy biến luôn người con gái thành con vịt trời, còn mụ thì đứng vào đấy thay nàng. Hoàng tử quay lại, chẳng thấy người con gái kia đâu, chỉ thấy một mụ đàn bà gớm ghiếc. Nhưng nghĩ rằng số phận an bài như vậy nên chàng đành cam chịu, lấy mụ phù thủy kia làm vợ.

Người vợ chưa cưới của hoàng tử lúc ấy đã bị biến thành vịt. Vịt bơi lội trong cái áo trong vườn thượng uyển. Người coi vườn thấy con vịt lạ liền chạy vào tâu vua (hoàng tử lúc ấy đã lên làm vua). Nhà vua trẻ tuổi ra lệnh bắt lấy con vịt rồi đem vào trong cung nuôi, cấm không ai vào chỗ đó.

Một hôm, vua xa giá đi kinh lý xa. Ở nhà, mụ phù thủy sai giết con vịt đem quay. Đầu bếp cắt tiết vịt. Máu chảy xuống đất. Một giọt cuối cùng lên tiếng nói: “Đầu bếp, đầu bếp hãy quay ta dưới cửa sổ phòng vua!”. Đầu bếp nghe theo. Thế rồi ở chỗ cửa sổ phòng vua mọc lên cây táo rất đẹp. Trên cây có bảy trái táo đỏ như máu, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp vườn.

Khi nhà vua trẻ tuổi trở về, biết hoàng hậu đã sai giết con vịt và quay thịt rồi, vua giận lắm.

Vua vào trong vườn đi dạo. Ngài hỏi người coi vườn:

– Hương thơm kỳ lạ nhường kia ở đâu ra vậy?

Người coi vườn chỉ cho vua cây táo.

Vua quý cây táo lắm. Ngài ra lệnh làm hàng rao cao xung quanh cây táo và cấm không cho ai hái táo.

Chẳng bao lâu sau, vua lại phải đi kinh lý xa. Nhà vua vừa đi khỏi, hoàng hậu liền sai người hái hết táo cho mụ ăn. Còn cây thì đốn xuống, bửa làm củi, chất vào lò đốt. Cả cây táo chỉ còn lại ít dăm gỗ, nơi gốc táo mà thôi.

Một bà cụ ăn xin đi ngang qua gốc cây, thấy các dăm gỗ nằm đó, bèn hốt lấy mang về. Khi cụ mang các dăm gỗ ra nhóm lò thì một cái dăm gỗ nhỏ nhảy ra khỏi lửa. Bà cụ nhặt lên, ném lại vào lửa, cái dăm gỗ lại nhảy ra. Bà cụ thấy vậy, lẩm bẩm: “Quái lạ, cái dăm gỗ này không muốn vào trong lò, không biết điều hên xui chi đây?”. Nói rồi, bà cất nó vào trong rương.

Sáng hôm sau, bà cụ đóng cửa đi ăn xin. Ở nhà, vợ chưa chưa cưới của nhà vua từ trong rương bước ra, dọn dẹp nhà cửa, xách nước, nấu cơm cho cụ. Xong xuôi nàng lại biến thành cái dăm gỗ, trở lại rương trốn. Chiều tối, bà lão trở về, ngạc nhiên thấy nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng và cơm canh đâu vào đấy cả rồi. Bà cũng ăn uống rất ngon lành rồi lên giường đi ngủ.

Sáng hôm sau, bà cụ lại đi ăn xin như thường lệ. Ở nhà, vợ chưa cưới của nhà vua lại bước ra làm các công việc nội trợ như lần trước. Chiều tối, bà cụ trở về, thấy nhà cửa như vậy, cụ nghĩ: “Không biết ai dọn dẹp, nấu nướng cho ta thế này?”

Sáng ngày tiếp theo, cụ làm ra vẻ như lại ra đường như mọi bận. Kỳ thực, cụ ra nấp sau một cánh cửa nhìn vào. Cụ thấy cái rương mở ra rồi một người con gái xinh đẹp xuất hiện. Nàng bước ra, quét dọn nhà cửa cho cụ. Cụ đẩy cửa bước vào, nói:

– Đây, chính người đã giúp ta đây rồi!

Từ đó, người con gái không đi đâu nữa. Nàng ở hẳn với bà cụ.

Lại nói chuyện nhà vua trẻ tuổi. Từ khi mất cây táo nhà vua rất đỗi âu sầu. Ngài lệnh cho tất cả phụ nữ trong vương quốc phải thay nhau kể chuyện cổ tích cho ngài nghe.

Lần ấy, đến lượt bà cụ ăn xin nọ. Người con gái xinh đẹp hôm ấy nói với cụ:

– Xin cụ nhường việc này cho con và xin cụ cho con mượn áo xống của cụ. Con sẽ đi gặp nhà vua và kể chuyện cho vua nghe.

Người con gái khoác lên người bộ đồ tơi tả của bà cụ già, rồi lên đường đi vào cung. Nàng kể cho vua nghe câu chuyện một hoàng tử nọ phải lấy vợ từ trong trứng nở ra và mười bốn quả trứng thiếu nước uống đã ung như thế nào.

Mụ phù thủy ngồi cạnh vua nghe kể chuyện. Nghe đến đấy, mụ đã biết người ngồi trước mặt mình là ai. Mụ đứng dậy thét quân lính:

– Quân bây, đuổi cổ con này ra khỏi lâu đài cho ta mau!

Nhà vua ngăn quân lính lại rồi ra lệnh lấy xích sắt cột mụ xuống sàn. Vua bảo người con gái kể tiếp câu chuyện.

Nghe xong câu chuyện của nàng, vua đã rõ ai là người con gái thực sự của mình. Ngắm khuôn mặt người con gái ấy, vua càng tin nàng hơn.

Mụ hoàng hậu phù thủy sau đó bị đưa vào ngục tối. Và, lễ cưới hoàng hậu mới được tổ chức hết sức linh đình. Hôm đó, tôi cũng tới dự. Tôi cũng được uống rượu với mật. Nhưng, của đáng tội, dốc vào mồm mà cái của ấy cứ chảy hết ra râu ria, thành thử chẳng xuống bụng được một giọt nào.

15. Sự tích Mặt Trăng và bánh Trung Thu

Ngày xửa ngày xưa, suốt hàng thế kỷ mọi vật bị bao trùm bởi ánh sáng rực rỡ ban ngày. Con người không biết bóng đêm là gì?! Thần Mặt Trời ngạo nghễ cho rằng không có mình soi sáng thì mọi vật không thể sống. Nhưng ở trên cao ông có biết đâu, mọi sinh linh cũng đang kiệt quệ vì mất nước và thiếu sức sống khi không có giấc ngủ ngon.

Vào những ngày hè oi bức, cái nắng nóng lừng lững phủ trùm trong không khí. Nước bốc hơi, lá xanh khắp nơi đổi màu vàng úa, con người đói khát vì hạn hán kéo dài. Trong ngôi nhà nọ, có một bà mẹ cùng 3 đứa con nhỏ của mình cũng đang héo hon, gầy mòn. Bà mẹ nhìn các con mà xót xa trong lòng. Một ngày kia, bà quyết định đi tìm Thần Mặt Trời. Trước khi đi, bà dặn dò con trai cả rằng:

– Mẹ phải đi tìm thần Mặt Trời để xin ông ấy tắt bớt nắng đi, và xin thần ban ít bóng đêm. Vì thế, mọi việc trong nhà mẹ trông chờ vào con. Con hãy chăm sóc các em thật chu đáo nhé!

Người anh cả cúi đầu vâng dạ. Bà thu xếp một khạp cám gạo và một lu nước đầy cho các con có thể dùng đến ngày 15 trong tháng. Xong mọi việc bà hôn lên má từng đứa con và vác túi lên đường. Các con đứng tại ngưỡng cửa vẫy tay chào tạm biệt mẹ mà nước mắt lưng tròng. Bà mẹ cũng ngậm ngùi chia tay các con và hứa sẽ trở về nhanh chóng.

Bà đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa đến được trời. Đến một ngọn núi, bà kiệt sức ngã quỵ bên đường. Tình cờ có một chú thỏ trắng chạy ngang qua, thấy bà gặp nạn, chú thỏ trắng tìm nước đưa cho bà uống. Bà tỉnh lại tâm sự cho thỏ trắng biết mọi việc. Thỏ trắng nghe bà kể cũng mủi lòng, thỏ liền dẫn lối cho bà. Bà đi theo Thỏ khoảng 2 dặm đường là tới trời. Vừa gặp bà, thần đã quắc mắt lên và quát rằng:

– Ai đây? Ngươi không biết nơi đây là cấm địa của nhà trời à?

– Dạ, cầu xin thần, vì tôi không thể nhìn các con tôi chết mòn trong đói khát, nên tôi mạo muội lên đây xin thần ban mưa xuống, tắt bớt cái nắng mỗi ngày vài giờ để cho mọi người có giấc ngủ ngon.

– Cả gan thay người trần mắt thịt. Chẳng phải suốt hàng ngàn năm nay các người dùng nắng, dùng ánh sáng để mưu sinh hay sao? Giờ lại nói thế?

– Dạ, bẩm thần. Đúng là chúng tôi rất cần ánh sáng cho công việc, nhưng có những giờ phút nghỉ ngơi, ánh sáng làm chúng tôi không tài nào ngủ được. Dần dà chúng tôi bị mất sức, chẳng con người, con vật nào còn khả năng làm lụng nữa ạ! Mong thần suy xét lại!

Thần vén mây nhìn xuống trần gian, kinh ngạc khi nhìn thấy toàn một màu úa tàn. Cây cối chết khô, gia súc nằm lóp ngóp, con người vật vã, trẻ con than khóc, cảnh vật tiêu điều, không còn sức sống,… Ông buồn rầu bảo với bà rằng:

– Ta không thể tắt nắng để bóng đêm tràn ngập trên thế gian, vì cái nắng của ta góp phần xua đuổi tà ma dưới trần. Bóng đêm ngự trị thì bọn yêu ma sẽ lộng hành, con người lại gánh thêm bể khổ. Còn một cách là trong bóng đêm phải có ánh sáng để dẫn lối soi đường cho con người tránh được quỷ dữ. Nhưng ai sẽ hi sinh thân mình cho người khác để hóa thân thành thứ ánh sáng nhỏ nhoi đó?!

Không ngần ngại bà nhận lời hi sinh ngay, nhưng bà xin thần cho bà thời hạn một ngày để về gặp các con lần cuối.

Chia tay thần, bà về nhà trong lòng nặng trĩu vì sắp xa các con mãi mãi. Bà cố nhoẻn miệng cười khi các con chạy lại ôm chầm lấy bà mừng rỡ. Cuộc hội ngộ đoàn viên bên bữa cơm đầm ấm, đầy ấp tiếng cười.

Bà dẫn người con cả ra đồng, chỉ dẫn các con cách gieo mạ, bón phân và cấy lúa,… Rồi bà chỉ dẫn người con gái cách may vá, thêu thùa từng đường kim mũi chỉ. Còn người con út bé nhỏ thơ ngây, bà ôm con vào lòng khuyên con phải biết vâng lời anh chị và học hành thật chăm ngoan. Trong một ngày bà đã hoàn thành xong mọi việc chu toàn cho các con cách tự tìm cái ăn, cái mặc. Bà dặn dò các con:

– Dù mẹ có đi đến phương trời nào, mẹ vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của các con. Hãy ghi nhớ lời mẹ con nhé!

Hôm ấy là Rằm tháng Tám, theo lời chỉ dẫn của thần, bà đứng trước nhà, hướng mặt nhìn trời và thả lỏng tinh thần. Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung. Đến nơi bà nhìn xuống, thấy màn đêm phủ trùm và một ánh sáng dịu nhạt soi bóng xuống trần gian. Bà nhìn về phía ngôi nhà cũ và thấy các con đang buồn rầu than khóc, bà cũng không cầm được nước mắt.

Cho đến ngày nay, thứ ánh sáng lung linh đó người ta gọi là ánh trăng, và vầng sáng tròn vằng vặc trên cao ấy người ta gọi là Mặt Trăng. Mặt Trăng được kết tinh từ tấm lòng của một người mẹ, luôn sáng soi dẫn lối cho các con thân yêu của mình. Ánh trăng sáng tỏ nhất vào những đêm 15, 16 Âm lịch, vì đó là ngày hẹn hội ngộ của bốn mẹ con họ.

Tương truyền rằng sau đêm hôm ấy, cứ đến ngày ấy trong năm, 3 người con đều làm một mẻ bánh nướng để dâng hương cúng mẹ, đến nay người ta gọi là bánh Trung Thu.