Tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - một sáng tác của nhà thơ Thanh Hải đã mang đến những chiêm nghiệm sâu sắc về triết lí sống. Nghị luận “triết lí sống” có thể là nội dung chính yêu cầu các bạn làm rõ hoặc có thể là ý phụ sau khi cảm nhận đoạn thơ.
Mùa xuân - mùa của trăm hoa đua nở, mùa của vạn vật sinh sôi. Sức sống ấy từ lâu vốn đã làm nao lòng biết bao tâm hồn người nghệ sĩ. Có thể kể đến như cái “non xanh tận chân trời” mà Nguyễn Du đã tốn bao bút lục, hay là cái “xuân hồng” mà Xuân Diệu từng muốn say, muốn thâu, muốn cắn. Cũng viết về mùa xuân, Thanh Hải không chỉ mang đến sức sống của thiên nhiên, trời đất xứ Huế mà còn gửi gắm vào những vần thơ của mình triết lí sống đáng quý, đáng trân trọng.
Tố Hữu đã từng nói: “Thơ là chuyện đồng điệu”. Đó là sự đồng điệu giữa người nghệ sĩ và người tiếp nhận. Khi đến với thế giới của thơ ca, ta đến với thế giới của những tiếng nói trái tim, của muôn vàn luống trạng cảm xúc. Rẽ thơ mà đi vào chiều sâu tâm hồn, bạn đọc như vỡ lẽ biết bao chiêm nghiệm mà người cầm bút đã gạn lọc từ cuộc đời. Ví như bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” - một thi phẩm được thai nghén bởi trái tim yêu tha thiết mùa xuân xứ Huế của nhà thơ Thanh Hải. Đến với thơ ông, ta như đồng điệu với hồn thơ, đồng điệu cái với triết lí sống cống hiến của một con người giản dị, khiêm nhường.
Vốn là một con người giản dị, nhẹ nhàng, ngay nhan đề bài thơ cũng đã chuyên chở biết bao những tình cảm của người nghệ sĩ. Theo lẽ thường, mùa xuân được biết đến với nguồn sức sống mạnh mẽ, căng tràn của những chồi non cùng những đóa hoa khoe sắc thắm. Mùa xuân đi vào trong thơ ca của Thanh Hải lại liền với ngôn từ “nho nhỏ”. Ấy là cái “nho nhỏ” của lối sống giản dị, khiêm nhường, của một mùa xuân từ chính cuộc đời của tác giả. Đối với ông, sống là cống hiến, là góp sức mình cho đời dù là một cái gì đó “nho nhỏ”.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập cùng hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Điệp từ “ta làm” kết hợp với ngôn từ “nhập” như một sự hoá thân của tác giả. Không ồn ào, không xa rời thực tiễn, những điều mà tâm hồn khát sống ấy hướng đến chính là sự giản dị, gần gũi, thân thuộc nhất. Nếu như ở khổ thơ đầu, Thanh Hải gói vào thơ những cảm nhận tinh tế về tiếng hót “long lanh” của chim chiền chiện, về cái mộng mơ của bông hoa tím biếc thì đến với khổ thơ thứ tư, tác giả ước nguyện hóa thân thành con chim hót, nhành hoa. Đây cũng chính là sự gặp gỡ với khát vọng cống hiến của nhà thơ Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
Phàm trên đời, đã là chim phải biết hót, đã là lá phải xanh, đã là bông hoa thì phải tỏa hương thơm mát cho cuộc sống. Không bất kể bạn là ai, nhưng hãy sống đúng là bạn với một cuộc đời ý nghĩa. Với Thanh Hải, sống cũng chính là vậy. Nhà thơ đã ước nguyện thành chim hót, nhành hoa hay là nốt trầm xao xuyến trong bản hoà ca đều hướng đến những điều ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là âm thanh, là hương sắc là cái lắng đọng, đơn sơ. Sống đơn giản là được cống hiến từ giá trị của chính bản thân mình.
Thanh Hải không chỉ vẽ nên bức tranh xuân căng tràn nhựa sống mà chính nhà thơ lại mong muốn trở thành một phần sức sống của bức tranh xuân. Quả thật, phải rẽ vào từng lời thơ, sống cùng những cảm xúc của tác giả ta mới thấu, mới chiêm nghiệm biết bao những sâu sắc được gửi gắm sau lớp ngôn từ. Ấy là quan niệm sống hòa vào thiên nhiên, sống cống hiến cuộc đời cho mùa xuân đất nước:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Bàn về cái lặng lẽ, bạn đọc cũng đã khâm phục vô cùng cái lặng lẽ của nhân vật anh thanh niên nơi đỉnh núi Yên Sơn hoang vu, hẻo lánh. Với Thanh Hải, nhà thơ đã lặng lẽ dâng cho đời “mùa xuân nho nhỏ”. Ngôn từ “dâng” ở đây đã chuyên chở biết bao tinh thần tự nguyện của một tâm hồn vẫn mãi hướng trọn về đất nước. Trong sức sống sục sôi của “lộc” người cầm súng, “lộc” người ra đồng, con người ấy khiêm nhường với hai từ “nho nhỏ”. Đặc biệt với điệp từ “dù là” kết với hai hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”, thi sĩ đã nhấn mạnh hơn nữa đến khát vọng cống hiến dù là tuổi trẻ hay về già.
Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ. Những vẫn điệu lời ca của nhà thơ Thanh Hải đều phát khởi từ một tâm hồn luôn ước mơ và mong muốn được cống hiến cuộc đời mình cho mùa xuân đất nước. Hình ảnh “chim hót” hay là “nhành hoa”,... đều khoác lên mình cái giản dị như chính phong cách của ông. Cùng với đó là biện pháp hoán dụ, ẩn dụ và điệp từ đã góp phần nhấn mạnh triết lí sống cống hiến vông cùng ý nghĩa và đúng đắn.
Dẫu có trải qua biết bao thăng trầm nhưng triết lí sống của nhà thơ Thanh Hải vẫn mãi đối thoại, thúc giục và thức tỉnh con người ta nhìn nhận lại về cuộc đời của chính mình. Liệu rằng ta đã sống đúng với từ sống? Liệu rằng ta đã là sự có nghĩa cho cuộc đời hay chưa? Soi chiếu vào triết lí sống trong “Mùa xuân nho nhỏ”, ta mới vỡ lẽ ra rằng: hoá ra sống là được cống hiến, là được lặng lẽ dâng cho đời tuổi xuân, sống là làm cho đời những điều có ý nghĩa.
Thông điệp của bài thơ mùa xuân nho nhỏ
Vẻ đẹp của bài thơ mùa xuân nho nhỏ
Cảm nhận mùa xuân nho nhỏ ngắn
Cảm nghĩ về điều tâm nguyện của Thanh Hải thể hiện qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ
Cảm nhận về bài thơ mùa xuân nho nhỏ khổ 1 2 3
Cảm xúc bài Mùa xuân nho nhỏ
Từ ngữ trong bài mùa xuân nho nhỏ
Nội dung bài mùa xuân nho nhỏ