SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Truyện Chữ

Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc hay nhất cho bé

Tổng hợp các câu truyện cổ tích Việt Nam và đọc chuyện cổ tích cho bé qua hình ảnh, video. Kể câu chuyện cổ tích HAY NHẤT cho bé.

15 Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc

1. Truyện Nhà vua và bốn bà vợ

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua giàu có trị vì một vương quốc hùng mạnh. Ông có bốn bà vợ, bà nào cũng xinh đẹp.

Nhà vua yêu người vợ thứ tư nhất và luôn chiều theo mọi sở thích của bà, bà không bao giờ bị từ chối.

Kế đến là người vợ thứ ba, nhà vua lúc nào cũng sợ mất bà, đi đâu cũng luôn muốn đưa bà đi theo.

Bà vợ thứ hai là chỗ dựa tinh thần của nhà vua, bà rất tử tế, dịu dàng và kiên nhẫn. Mỗi khi nhà vua gặp chuyện khó khăn, ông thường tâm sự với bà và thường nhận được những lời khuyên quý giá.

Người vợ thứ nhất của vua là trung thành nhất, giúp vua trị vì và làm cho đất nước ngày càng giàu có nhưng nhà vua lại không dành nhiều tình cảm cho bà. Nhà vua luôn nghĩ rằng bà có thể tự chăm sóc lấy mình nên ít khi để ý đến bà.

Không may một ngày nọ, vua lâm bệnh và biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông nghĩ: “Ta có đến bốn người vợ, nhưng khi ra đi, e rằng lại hoàn toàn cô đơn!”.

Nghĩ vậy nhà vua cho gọi người vợ thứ tư đến bên cạnh và nói:

– Ta yêu thương nàng nhất, luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho nàng. Giờ đây ta sắp chết, nàng có theo ta để ta không cô đơn không?

Nhà vua nhận được câu trả lời:

– Bệ hạ rất tốt với thiếp, nhưng yêu cầu đó quá khó, thiếp không thể làm được.

Nhà vua lặng đi một lúc rồi cho gọi người vợ thứ ba, bà trả lời:

– Không, thưa đức vua, cuộc sống còn đẹp lắm, sẽ có một vị vua khác đến để tiếp tục che chở và chiều chuộng thiếp.

Trái tim vị vua cảm thấy lạnh buốt vì buồn bã và thất vọng. Ngài lại gọi người vợ thứ hai:

– Ta luôn được nàng giúp đỡ và khuyên giải, nàng sẽ theo ta chứ? – Nhà vua hỏi.

– Lần này thiếp chẳng giúp được gì hơn, thưa đức vua. – Người vợ thứ hai đáp. – Nhưng thiếp hứa sẽ chăm sóc bệ hạ đến những giây cuối cùng, rồi sẽ đưa bệ hạ về nơi an nghỉ cuối cùng và sẽ luôn nhớ đến bệ hạ.

Nhà vua hoàn toàn tuyệt vọng, ngài không hề nhớ ra người vợ thứ nhất, cho đến khi ngài nghe thấy một giọng nói cất lên bên cạnh:

– Thiếp sẽ theo ngài đến bất cứ nơi đâu ngài đi tới, dù đó là cõi chết.

Đó chính là người vợ thứ nhất của ông. Trông bà mệt mỏi và gầy yếu.

Buồn bã và nuối tiếc vô hạn vì cách đối xử của mình, nhà vua thốt lên:

– Lẽ ra ta đã phải chăm sóc và yêu thương nàng nhiều hơn mới phải!

2. Chú chồn lười học

Có một chú Chồn mướp sống trong khu rừng thông. Vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng Chồn mướp vẫn không chịu đến trường, cứ lo rong chơi suốt ngày. Bố mẹ Chồn khuyên bảo mấy cậu cũng không nghe, còn cãi lại nữa.

Một ngày nọ, cậu rủ Nhím đi chơi, nhưng Nhím từ chối vì phải lo đi học. Cả Thỏ và Sóc cũng phải đi học nữa.

Thế là Chồn phải chơi một mình, mải ham chơi và đuổi bắt bướm nên càng lúc chú càng đi lạc vào trong rừng sâu. Đến lúc nhận ra bị đi lạc, Chồn vội vàng tìm đường về, nhưng do không biết chữ nên không đọc được các bảng chỉ dẫn phải đi hướng nào. Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, cậu nghĩ nếu mình chịu khó đi học thì bây giờ đã biết chữ và đâu phải bị khổ thế này.

Đúng lúc đó, bác Sư Tử xuất hiện. Chồn sợ quá tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin bác Sư Tử tha mạng: “Bác Sư Tử ơi, xin tha cho cháu đi, cháu không làm gì sai cả đâu, cháu bị lạc đường ạ”.

Bác Sư Tử ôn tồn cười bảo: “Bác chỉ muốn giúp cháu thôi, không làm hại cháu đâu, có phải cháu không biết chữ đúng không?” Chồn xấu hổ gật đầu.

Được bác Sư Tử giúp chỉ đường về đến nhà, Chồn mừng lắm và tự nhủ nhất định từ nay phải đi học để không phải gặp trường hợp như hôm nay và không bị thua thiệt với các bạn nữa.

3. Vịt con và gà con

Vịt mẹ bận đi chợ xa nên gửi vịt con cho gà mẹ chăm sóc. Gà mẹ gọi gà con đến chơi với vịt con. Sau khi xin phép mẹ, gà con dẫn vịt con ra cuối vườn tìm giun để ăn. Gà con nhanh nhẹn chạy  trước, vịt con lạch bạch chạy  sau.  

 Thấy vịt con chậm chạp, gà con  không thích. Khi ra  vườn, gà con dùng chân bới đất tìm giun để ăn. Lúc này chân  vịt con có màng  không đào đất được, vùng vẫy một hồi thì đất bị nén lại gà con không tìm được giun. Sau đó, gà con tức giận và hét vào mặt vịt con: 

 - Anh không biết đào cái gì! Mày đi chỗ khác chơi đi, để tao đào một mình!

Người con trai nghe vậy cũng buồn nên bỏ  ao đi kiếm tôm ăn. Vịt con vừa đi khuất, một con cáo trốn trong bụi cây nhìn thấy gà con đang mò giun một mình liền chồm lên vồ lấy gà con.

Lũ gà con sợ quá lao xuống ao kêu to “Chip! Chip!". Vịt con  lặn lội tìm tôm, nghe tiếng gà con liền lượn nhanh ra  bờ, kịp bế đàn con bơi ra giữa ao. Cáo chạy ra ao, thấy gà  vịt đã ở dưới ao sâu,  không đợi được nữa nên cáo bỏ đi. 

Nhờ những bàn chân có màng của vịt con, đàn gà con đã trốn thoát. Lúc này, gà con mới hối hận và xin lỗi vịt con. Vịt con không giận gà con mà tìm tôm cho gà con ăn cùng.  

Ý nghĩa của câu chuyện khi  kể chuyện của bé: Đừng coi thường người khác ngay cả khi họ không có điểm mạnh giống mình, vì ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Khi chơi với bạn bè, cần phải giúp đỡ lẫn nhau, không nên vì sự khác biệt mà coi thường, ghét bỏ nhau. 

4. Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.

Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.

Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.

5. Cô đào hát với người học trò nghèo

Ngày xưa, có một đứa bé thông minh tên là Nguyễn Kỳ, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác. Kỳ bị dì ghẻ hành hạ ác nghiệt nên phải bỏ nhà mà đi.

Lang thang khắp nơi, Kỳ gặp một cụ cử cho ở lại nhà và cho học chữ. Sẵn khiếu thông minh, Kỳ không những theo kịp các bạn, mà còn nổi tiếng giỏi văn thơ.

Một hôm Kỳ theo bạn học đi xem ca múa, thấy mình nghèo nên đứng trong góc nhà, chợt cô đào hát trông thấy, và hôm sau, khi Kỳ đang ngồi đọc sách thì cô đào đem 10 nén bạc đến làm quen. Kỳ nhất định không lấy, nhưng cô ta nài ép, để bạc đấy rồi bỏ đi. Cách ít lâu, nàng trở lại, rồi trở lại nữa. Hai bên dần dần quen nhau. Một hôm, không còn tự chủ được trước người con gái đẹp, giọng thướt tha, Kỳ làm một cử chỉ suồng sã, rồi hối hận ngay. Nhưng cô đào nghiêm nghị trách:

“Anh chớ vội tưởng lầm, em tìm đến anh vì trọng người đứng đắn, vì nghĩ đến tương lai, muốn tìm nơi nương tựa lâu dài, anh đừng nghĩ em là phường bậy bạ.”

Từ đó Kỳ càng trọng kính cô đào hơn, và cô vẫn giúp Kỳ qua cơn túng thiếu.

Trước ngày lên đường đi thi, Kỳ muốn biết tông tích cô đào, muốn liên lạc với cô sau này, nhưng cô chỉ nói:

“Sau này nếu anh không quên em, thì em sẽ tìm đến với anh, nếu anh quên em, thì hỏi tông tích em cũng vô ích. Phần em, em không đòi anh hứa gì cả, chỉ có Trời biết lòng em.”

Khi Kỳ thi đỗ trở về quê, cha chàng bắt kết hôn với người “môn đăng hộ đối”. Kỳ hết sức từ chối, nhất quyết thà chết hơn phụ bạc người đã một lần yêu thương giúp đỡ, nhưng cha chàng cũng nhất quyết không chịu cho quan chức kết duyên với cô ả đào, không nhận ả đào làm con dâu. Nguyễn Kỳ đau khổ, nhưng lễ giáo bắt buộc, bổn phận làm con bắt buộc, nên chàng đành phải lấy vợ theo ý cha.

Năm sau, chàng ra kinh đô thi tiến sĩ, cô đào mang đủ thứ đến thăm. Thấy Kỳ có vẻ ngượng ngùng, cô hiểu ngay, và từ biệt hẳn.

Nguyễn Kỳ thi đỗ, làm quan trong triều, đi sứ bên Tàu, dẹp loạn ở Hải dương, được vua ban thưởng tước “quận công”.

Danh vọng cao, tiền bạc sẵn, con cái đông, nhưng Kỳ luôn nhớ tới tình cô đào hát xưa, cho người dọ hỏi khắp nơi, nhưng không gặp.

Một hôm, trong bữa tiệc tại nhà người quan bạn, Kỳ đã tình cờ gặp lại cô đào, bấy giờ nàng đã có chồng làm lính, nhưng nay chồng đã chết, chỉ còn có mẹ già yếu bệnh, nàng phải trở lại nghiệp hát để nuôi mình và nuôi mẹ.

Nguyễn Kỳ cố mời hai mẹ con về ở trong dinh, nàng đành chấp nhận. Kỳ dành cho mẹ con ngôi nhà riêng, và không để cho thiếu thốn vật gì. Một năm sau bà cụ mất, Nguyễn Kỳ cho chôn cất trọng thể. Xong rồi nàng cảm ơn và xin phép từ biệt. Nguyễn kỳ không giữ lại được, nài nỉ nàng nhận lấy vài nén bạc, nàng cũng từ chối mà ra đi.

6. Nguyễn Khoa Đăng

Ngày xưa, có nội tán Nguyễn Khoa Đăng là người có tài xử đoán. Khi còn làm một chức quan nhỏ, ông đến trị nhậm hạt nào thường được mọi người mến phục, không chỉ vì tài xét xử mà còn vì lòng tốt của ông lúc nào cũng lo trừ hại cho dân.
Có lần, ông đến nhậm chức ở một huyện, một hôm có người dân làng kia bị kẻ thù oán, đêm đến lẻn ra đồng phá hết cả một ruộng dưa. Đau xót cho công lao vun trồng, dưa sắp được ăn chỉ trong một đêm bị héo rụng hết cả, người ấy bèn đến kêu khóc với ông, xin ông minh xét. Ông Đăng theo ngay người ấy về tận ruộng dưa khám nghiệm. Tất cả dấu vết đều chứng tỏ kẻ gian đã dùng một cái thuổng xắn đứt ngọn dưa và dùng cán giẫm nát hầu hết các gốc dưa. Nhưng hắn rất khôn ngoan, bao nhiêu dấu chân, hắn đều cố ý xóa sạch. Ông hỏi người trồng dưa:

– Anh có ngờ ai thù oán mình không?

Người ấy kể cho quan nghe tên mấy người ở xóm, lập tức ông sai chức dịch đi thu hồi tất cả các thuổng trong xóm lại, thuổng của nhà nào đều có ghi tên nhà ấy vào cán. Đoạn, ông khám từng cán thuổng một, nhặt riêng mấy cái khả nghi ra một nơi. Rồi ông sai người thè lưỡi liếm trên mấy cái cán thuổng đó. Quả nhiên có một cái, người ta nhận thấy có vị đắng. Ông sai lấy một gốc dưa đập giập vắt nước ra nếm thử thì chất đắng của dưa cùng với chất đắng trên cán thuổng là một. Ông nhìn lại tên ghi ở thuổng thì đúng là thuổng của một trong số mấy người mà nguyên cáo ngờ là có thù oán với mình.

Lập tức ông sai lính bắt người kia giải đến. trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, hắn không còn chối vào đâu được, đành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia và phạt thêm gấp hai lần để hắn chừa cái thói hại ngầm kẻ khác.

Một hôm khác, có một anh hàng dầu, gánh một gánh ra chợ bán. Trong khi đang bận đong dầu, có kẻ đã thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm tiền. Đến khi anh hàng dầu biết thì tên ăn cắp đã chạy đi nơi khác. Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình, đuổi mấy cũng không đi, đoán chắc là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm người mù lúc nãy. Nhưng khi gặp, người mù hết sức chối cãi, rằng mình mù thì còn biết tiền của để ở đâu mà lấy. Hai bên xô xát, tuần bắt giải quan.

Khi họ dắt nhau đến công đường, ông Đăng bắt hai bên khai rõ sự tình. Người mù khăng khăng từ chối không nhận. Ông Đăng hỏi:

– Anh có tiền giắt đi theo đấy không?

Trả lời:

– Có, nhưng đây là tiền tôi mang đi chợ, không phải của nó.

– Được cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết.

Khi người mù móc tiền ra, ông Đăng sai người múc đến một chậu nước, rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu. Một chốc tự nhiên thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Nghe quan sai bưng chậu nước cho mọi người chứng kiến, người mù hết đường chối, đành chịu tội ngay.

Nhưng quan còn nói thêm:

– Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu mày mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được! Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, kỳ bao giờ nó mở hai mắt ra hãy thôi.

Người mù trước còn chối lấy chối để, nhưng chỉ qua ba roi là hắn mở ngay hai mắt nhận tội, đúng như lời quan truyền bảo[1].

Một hôm khác, có một người lái buôn giấy đến trình quan rằng mình nghỉ trọ ở làng Hồ-xá bị trộm lấy mất cả một gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn, sai người do thám mấy ngày liền không có kết quả, bèn thân hành đến làng Hồ-xá nghĩ cách cứu xét. Đến nơi, ông cho triệu dân chúng sở tại và mấy làng xung quanh lại và bảo:

– Trên tỉnh vừa sức về bắt các xã thôn mỗi một người không kể nam phụ lão ấu phải làm ngay một tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch.

Lệnh ban ra, mọi người đua nhau đi mua giấy. Vì thế giấy ở chợ lên giá vùn vụt.

Lại nói chuyện tên trộm trộm được gánh giấy nhưng chưa có nơi tiêu thụ còn giấu ở nhà. Nay nghe nói giá giấy lên cao bèn mang lẻn một số ra chợ bán. Hắn không ngờ người nhà của ông Đăng cũng đi rải ở các chợ để chờ hắn. Thế là bị bại lộ, tên trộm không những bị tội phải đền gánh giấy cho người lái buôn mà còn phải đền cho dân các làng mặt tiền mua giấy kê khai tên tuổi.

Một lần khác, ông được đổi đi một hạt miền núi. Khi ông mới đến, người ta cho ông biết là hạt ấy nổi tiếng có nhiều trộm cướp nhà nghề. Các quan trước bó tay không thể nào trị nổi. Ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ngầm sai người thân tín đi dò la hành tung và quê quán từng tên một. Thế rồi, ông vẫn cứ tảng lờ như là không hay biết gì hết.

Một hôm nhân đi hành hạt qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở bên vệ đường. Hỏi dân sở tại, họ đáp:

– Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng.

Ông nghe nói liền họa theo:

– Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp ta trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được!

Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi lại trở ra bảo mọi người rằng:

– Ngài bảo vài hôm nữa rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọ gian phi trong toàn huyện.

Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường rồi cho người thân tín xuống nấp dưới đó. Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính đi khiêng hòn đá về đặt lên trên hầm. Trước mặt mọi người đông đủ, ông dõng dạc hỏi đá:

– Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng hiện nay trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng.

Đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn:

– Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực!

Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay lại để khai. Thế rồi, đá lần lượt khai và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai một tên nào, ông sai lại mục viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi nã bắt lập tức. Cho đến suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên cừ khôi. Khi giải cả một xốc về tra tấn, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo đả, thú nhận tất cả.

Trong thời kỳ làm nội tán, ông đã làm cho suốt một dọc truông nhà Hồ ở Quảng Trị không còn lấy một bóng gian phi. Trước đó, truông này là nơi rừng rậm, con đường Nam Bắc phải đi qua đây. Bọn gian phi đã dùng làm sào huyệt đón đường cướp của.

Nguyễn Khoa Đăng trước hết tìm cách lùng bắt trộm cướp. Ông sai chế ra một loại hòm gỗ kín có những lỗ thông khí, vừa một người ngồi lọt, có khóa trong, để người ngồi trong có thể mở tung ra được dễ dàng. Thế rồi, ông kén một số người giỏi võ, cho ngồi vào hòm có để sẵn vũ khí. Đoạn, ông sai quan sĩ của mình giả trang làm dân phu khiêng những hòm ấy qua truông nhà Hồ ra vẻ khiêng những hòm “của cải” nặng nề. Lại cho người đánh tiếng có một ông quan trấn ở ngoài Bắc sắp sửa trẩy về quê với những hòm tư trang quý giá sẽ đi qua truông. Bọn cướp đánh hơi thấy đây là một cơ hội kiếm ăn hiếm có, bèn rình lúc đoàn “dân phu” đi qua của truông, xông ra đánh đuổi, rồi hý hửng khiêng những cái hòm nặng ấy về tận sào huyệt.

Nhưng khi về đến nơi thì vừa đặt xuống thì những cái hòm tự nhiên mở toang, các võ sĩ ngồi trong đó cầm vũ khí xông ra đánh giết bọn cướp một cách bất ngờ. Đang lúc hoảng hốt chưa kịp đối phó thì bọn chúng nghe tin phục binh của triều đình ở phía ngoài ùn ùn kéo vào đông như kiến cỏ. Chúng đành chắp tay xin tha tội. Nhờ mẹo đó, Nguyễn Khoa Đăng đã tóm được cả lũ.

Ông cho phiên chế thành đội ngũ đi khai khẩn đất hoang ở nơi biên giới, lập thành những đồn điền lớn rộng. Sau đó, ông còn cho chiêu dân lập ấp ở dọc hai bên truông, làm cho một vùng trước kia là nơi vắng vẻ, trở nên những làng xóm dân cư đông đúc: tiếng xay lúa giã gạo, tiếng gà gáy chó sủa lấn dần tiếng vượn hú chim kêu. Từ đó, một vùng núi rừng thành ra yên ổn. Bọn trộm cướp còn lại đành phải giải nghệ.

Bởi vậy, người ta có câu: “Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm” là thế.

7. Cố Ghép

Ngày xưa, ở dưới chân núi Hồng-lĩnh về phía Đông nam, có một xóm nhỏ gồm mấy gia đình đánh cá. Họ luôn sống giữa những tiếng gầm thét của sóng biển. Nhưng không may, một ngày kia, một trận bão lớn đã cuốn đi khá nhiều nhân mạng cùng thuyền mảng và lưới chài xuống thuỷ phủ. Những người sống sót hết đường sinh nhai, đành rủ nhau ngày ngày lên núi kiếm củi đem về bán ở chợ. Đó là nghề ít vốn nhất nhưng lại là nghề mệt nhọc nhất đối với họ, vì sườn núi phía họ ở mọc dựng đứng như bức tường, muốn leo núi với gánh củi trên vai không thể không đi đường vòng ngoắt ngoéo qua bao nhiêu thôn xóm khác. Thành ra, rừng thì gần nhưng đường thì lại quá xa. Cho nên mọi người ước làm sao có một con đường từ xóm thẳng lên núi để đi được nhanh chóng.

Bấy giờ trong xóm có một ông lão nhà nghèo sống với vợ con trong một túp lều. Người ta gọi ông là cố Đương, là vì hễ gặp việc gì khó khăn, bất kì việc của ai, ông đều ra đương lấy và quyết làm kì được. Thấy việc trèo núi phải đi đường vòng rất xa, cố Đương cho là việc vô lý hết sức. Thường những lúc rảnh rỗi, ông vẫn một mình lần mò bám đá leo cây để tìm con đường đi kiếm củi gần nhất.

Nhưng mỗi khi đứng trước sườn núi cheo leo ông vẫn bực mình, nghĩ bụng: -“Nếu không ghép đá thành bậc thang thì đừng có hòng vượt lên khỏi mấy cái dốc này!”. Ông đem ý ấy hỏi vợ. Vợ ông cho là việc rồ dại. Ông hỏi thử một vài người làng, họ đều lắc đầu bảo:

– Không được đâu cố Đương ạ! Chúng ta còn phải lo miếng ăn hàng ngày đã chứ!

Cố Đương trầm ngâm bảo họ:

– Cứ mỗi lần phải đi “năm xóm cây đa, ba xóm cây thị” để vào nơi lấy củi, tôi lại muốn lộn tiết lên được!

Năm tuần trăng trôi qua. Nghề kiếm củi đã trở nên nghề chính của mấy gia đình đánh cá thất bại kia. Họ đã yên tâm với nghề nghiệp mới. Chỉ trừ có cố Đương là chưa thật yên tâm. Một hôm cố bảo vợ:

– Từ ngày mai trở đi, bà gắng đi kiếm củi một mình. Còn tôi, tôi sẽ tìm cách trổ một con đường mới lên núi. Ngày nào tôi làm xong, hai vợ chồng mình tha hồ đi củi.

Người vợ vốn biết tính chồng hễ nói là làm, nhưng lần này thì bà hết sức can ngăn:

– Ông đừng có địch với vua, đừng có đua với trời. Già kề miệng lỗ rồi chứ còn trẻ trai gì nữa đâu!

Nhưng cố Đương an ủi:

– Bà đừng lo! Biển kia rất rộng người ta cũng vượt được. Dãy Giăng-màn rất cao người ta cũng trèo qua. Bạt núi này thành đường thực ra không khó. Một mình tôi cũng làm được. Bà hãy chịu khó ít lâu. Mai kia ta sẽ đi đốn củi gấp đôi gấp ba hôm nay, lúc ấy cả xóm chúng ta sẽ sung sướng.

– Ông định ghép bao lâu thì xong?

– Không nói trước được. Một năm chưa xong thì hai, hai năm chưa xong thì bốn. Nếu tôi chết đi mà vẫn chưa làm xong thì sẽ có người khác tiếp tục…

Thế là từ hôm đó, cố Đương ngày ngày mang một mo cơm lên núi. Ông bạt đất. Ông nhổ cây. Ông khiêng đá. Và ông ghép đá thành con đường tam cấp hướng thẳng lên núi. Công việc biết bao nặng nề! Nhưng quả không có gì cản được cái chí con chim hồng chim hộc. Ông càng làm càng khoẻ, càng nhọc càng hăng. Cứ thế trong năm sáu tuần trăng, ông vẫn sớm đi tối về như không biết mỏi là gì. Người vợ không nhịn được nữa, một hôm kêu lên:

– Tội gì để cho mình ông đầu tắt mặt tối, cả nhà ông nheo nhóc rách rưới như thế. Ốc mang mình ốc chưa nổi lại còn mang cả cọc! Đường làm thành thì ai cũng đi, đâu có riêng mình ông. Thôi! Từ nay ông đi đâu thì đi, đừng có về nhà này làm gì nữa.

Nghe nói thế, cố Đương lựa lời dỗ dành vợ. Nhưng người đàn bà cố tình làm cho chồng nản chí. Bà ta nhất định không nuôi báo cô ông nữa.

Từ đấy ông thôi không về nhà, dựng một túp lều ngay bên chỗ mình làm việc. Hễ ghép được đến đâu ông lại dời lều đến đó. Thấy ông đói, những con vượn mang hoa quả đến cho ông. Thấy ông đuối sức, những con bò rừng, những con nai ghé sừng nạy những tảng đá giúp ông. Rồi những con chim thay nhau ca hát suốt ngày để cho ông quên mệt. Về sau có mấy người trong xóm cũng tình nguyện đến làm với ông. Thấy thế, cố Đương như tăng thêm sức mạnh, càng miệt mài với công việc.

Cứ như thế, sau năm lần sim có quả, cố Đương đã mở được một con đường truông ngắn nhất từ xóm mình thông lên những đỉnh cao trên dãy Hồng-lĩnh. Ông đã ghép đá thành tam cấp của ba dốc núi khó đi nhất. Dân xóm lên núi xuống núi rất tiện và từ đó họ có thể trong một ngày kiếm được mấy lần củi.

Ngày nay, ở phía Nam Hồng-lĩnh, chỗ giáp giới hai huyện Nghi-xuân và Can-lộc có một cái truông gọi là truông Vắn[1] hoặc gọi là truông Ghép. Cái tên cố Đương người ta quen gọi là cố Ghép.

8. Thày lang bất đắc dĩ

Ở làng kia có một người nung đất làm chén đĩa tên là Tâm, sống với mẹ già. Trong làng cũng có cô Thắm khá xinh đẹp, nên một thanh niên trong làng ve vãn cô, chọc ghẹo cô, đòi lấy cô làm vợ. Một hôm chàng ghẹo cô ngay ngoài đường, Tâm thấy thế, cầm đá ném vào bụi rậm gây tiếng động để giải thoát cô Thắm. Người thanh niên quyền thế kia để bụng trả thù.

Một hôm có tiếng loa gọi “ai có tài chữa bệnh, mời đến dinh quan tuần phủ chữa bệnh cho vợ ông”. Người thanh niên kia gài bẫy cho lính đến bắt người nung đất về chữa bệnh. Dù hết sức từ chối, lính cứ lôi anh ta đi. Vào dinh anh ta chối không biết chữa nên bị quan tuần đánh đòn, đau quá anh ta phải liều. Anh ta vào phòng bệnh nhân, biết là bị hóc xương cá. Anh ta vén quần lộ chỗ vừa bị đánh bầm tím , kêu xuýt xoa, người nhà và bệnh nhân cười rũ. Anh ta xin muối xát vào mông cho tan chỗ bầm, xót quá, anh ta la lối, bệnh nhân cười tới ho sặc sụa, cục xương hóc bật rớt ra. Anh ta bất đắc dĩ nhận tiếng khen và phần thưởng.

Quan tuần phủ lại giới thiệu thầy thuốc bất đắc dĩ này cung vua, chữa bệnh cho công Chúa. Công Chúa không rõ mắc bệnh gì mà không nói. Vua phán: “Nếu làm cho công Chúa nói được 3 câu sẽ được trọng thưởng và được lấy nàng”.

Vào cung vua, anh ta lấy gạo vo sạch, rồi bắc lên bếp trên kiềng 2 chân nên nồi cứ đổ hoài, công Chúa đi qua, thấy gai mắt, công Chúa nói: “Anh kia sao ngu quá vậy, thêm một chân nữa đi”. Anh chàng nghe theo, nồi không đổ nữa. Anh chàng lấy viên đá cuội đánh vào nhau để lấy lửa nhưng không để mồi, công Chúa thấy ngứa mắt lại nói câu thứ hai:”Đặt bùi nhùi vào đi”. Lần thứ 3 công Chúa lại nói:”đặt một cây đũa vào đi, người gì ngu chịu không nổi”. Vua rất vui mừng thấy công Chúa đã nói.

Nhưng Vua thấy thầy lang nghèo quá nên tính rút lời không gả công Chúa cho anh ta. Sau cùng anh ta vâng lời đi chữa bệnh cho dân làng nếu không sẽ bị vua chém đầu.

Tới đình làng, anh ta bảo những ai không phải bệnh nan y thì ra về. Người ta ra về rất đông. Anh ta nói:”Cần một người bị bệnh nặng nhất để thiêu sống”. Không ai chịu ra, mọi người từ chối ra về, không ai muốn chết.

Vua khen, nên đã gả công Chúa cho anh ta, nhưng anh ta xin phép từ chối để về làng lấy cô Thắm.

Lúc ấy, anh thanh niên quyền thế lại tới ve vãn cô, đang lúc đó Tâm về, hô lính đến giải cứu. Chàng này xấu hổ chạy mất dạng. Thế là Tâm và cô Thắm đẹp đôi.

9. Cây tre trăm đốt

Ngày xưa, có một ông già nhà quê có một cô gái đẹp. Trong nhà phải thuê một đầy tớ trai, ông ta muốn lợi dụng nó làm việc khỏi trả tiền, mới bảo nó rằng: “Mày chịu khó làm ăn với tao rồi tao gả con gái cho”. Người ở mừng lắm, ra sức làm lụng tới khuya không nề hà mệt nhọc. Nó giúp việc được ba năm, nhà ông ta mỗi ngày một giàu có.

Ông nhà giàu không còn nghĩ đến lời hứa cũ nữa, đem con gái gả cho con một nhà phú hộ khác ở trong làng.

Sáng hôm sắp đưa dâu, ông chủ gọi đứa ở lên lừa nó một lần nữa, bảo rằng: “Bây giờ mày lên rừng tìm cho ra một cây tre có trăm đốt đem về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mày lấy con gái tao ngay”.

Đứa ở tưởng thật, vác dao đi rừng. Nó kiếm khắp nơi, hết rừng này qua rừng nọ, không tìm đâu thấy có cây tre đủ trăm đốt. Buồn khổ quá, nó ngồi một chỗ ôm mặt khóc. Bỗng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc hiện ra bảo nó: “Tại sao con khóc, hãy nói ta nghe, ta sẽ giúp cho”. Nó bèn đem đầu đuôi câu chuyện ông phú hộ hứa gả con gái cho mà kể lại. Ông lão nghe xong, mới bảo rằng: “Con đi chặt đếm đủ trăm cái đốt tre rồi đem lại đây ta bảo”.

Nó làm theo y lời dặn, ông dạy nó đọc: “Khắc nhập, khắc nhập” (vào ngay, vào ngay) đủ ba lần, thì một trăm khúc tre tự nhiên dính lại với nhau thành một cây trẻ đủ một trăm đốt. Nó mừng quá, định vác về, nhưng cây tre dài quá, vướng không đi được. Ông lão bảo nó đọc: “Khắc xuất, khắc xuất” (ra ngay, ra ngay) đúng ba lần thì cây tre trăm đốt lại rời ra ngay từng khúc.

Nó bèn bó cả lại mà gánh về nhà. Đến nơi thấy hai họ đang ăn uống vui vẻ, sắp đến lúc rước dâu, nó mới hay là ông chủ đã lừa nó đem gả con gái cho người ta rồi. Nó không nói gì, đợi lúc nhà trai đốt pháo cưới, bèn đem một trăm khúc tre xếp dài dưới đất, rồi lẩm bẩm đọc: “Khắc nhập, khắc nhập” cho liền lại thành một cây tre trăm đốt, đoạn gọi ông chủ đến bảo là đã tìm ra được, và đòi gả con gái cho nó. Ông chủ lấy làm lạ cầm cây tre lên xem, nó đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”, thì ông ta bị dính liền ngay vào cây tre, không làm sao gỡ ra được. Ông thông gia thấy vậy chạy đến, định gỡ cho, nó lại đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”, thì cả ông cũng bị dính theo luôn, không lôi ra được nữa.

Hai họ thấy thế không còn ai dám lại gần nó nữa. Còn hai ông kia không còn biết làm thế nào đành van lạy xin nó thả ra cho. Ông chủ hứa gả con gái cho nó, ông thông gia xin về nhà ngay, nó để cho cả hai thề một hồi rồi nó mới đọc: “Khắc xuất, khắc xuất” thì hai ông rời ngay cây tre, và cây tre cũng rời ra trăm khúc.

Mọi người đều lấy làm khiếp phục đứa ở, ông chủ vội gả con gái cho nó, và từ đó không còn dám khinh thường nó nữa.

10. Sự tích hoa đại

Từ thuở xa xưa, có hai mẹ con sống rất nghèo, hằng ngày phải đi làm mướn để kiếm bữa ăn tạm qua ngày. Cậu bé chỉ mới lên mười, dù rất thương mẹ nhưng em đành phải xa mẹ đi ở cho một lão nhà giàu chuyên nghề mổ lợn.

Ngày ngày, lão đồ tể bắt em lên rừng hái củi để đun nước giết lợn, cạo lông. Những ngày đầu lên rừng, em còn phải đi theo các bác đốt than để khỏi phải lạc đường, rồi sau đó em tự đi một mình. Cứ vài ngày một lần, em đi đường vòng xa hơn để ghé qua nhà thăm mẹ cho đỡ nhớ. Nhân tiện, em để cho mẹ một mớ củi và một ít sim rừng, ổi rừng.

Một hôm, em đang chặt củi ở bên sườn núi thì bỗng thấy một con hươu con bị sa xuống hố. Chú hươu con lo lắng và kêu lên một cách tuyệt vọng. Chú cứ mở to đôi mắt, ngẩng đầu lên nhìn quanh như đợi mẹ mình đến cứu. Chú bé cũng nhìn quanh tìm kiếm xem có hươu mẹ ở đâu đây không, nhưng chỉ thấy cây rừng và tiếng gió thổi xào xạt. Em liền lần xuống hố ẵm chú hươu con lên. Thấy có người, lúc đầu chú hươu con sợ sệt né tránh, nhưng chỉ một lúc, chú để yên cho cậu bé vuốt ve. Cậu bứt một ít cỏ non cho hươu con ăn, rồi lại bẻ một miếng cơm từ nắm cơm – bữa trưa ít ỏi của mình chấm muối bón thử cho hươu ăn. Hươu con chưa quen ăn cơm, nhưng hình như rất thích vị mằn mặn của muối. Cậu bé rất muốn đem hươu con về nhà mẹ nuôi nhưng sợ lão chủ biết. Còn nếu đem về nhà lão đồ tể, chắc chắn lão sẽ thịt hươu con mất, bởi lão vẫn thường nói với mọi người rằng lão rất thèm thịt hươu. Cậu có ý trông đợi hươu mẹ trở lại để giao hươu con vì không ai là không muốn sống với mẹ. Cậu nhủ thầm với con hươu mà như là nói với chính mình vậy.

Trời đã xế chiều nhưng vẫn không thấy hươu mẹ đâu cả, cậu bé đành tìm một cái hang nhỏ, cho hươu con vào đó và lấy đá chặn kín lại.

– Ngày mai ta sẽ lên với hươu con! Hươu con đừng lo, cứ ngủ cho ngon nhé! – Cậu bé nói.

Hôm sau, cậu bé lại lên rừng. Em thở phào mừng rỡ khi thấy hươu con vẫn còn đó. Gặp lại em, hươu con tỏ vẻ mừng rỡ, cứ lấy mũi ngửi ngửi vào tay em.

– À! Mày muốn ăn cơm với muối chứ gì? – Cậu bé bẻ một miếng cơm chấm vào muối rồi bón cho hươu con, sau đó đi hái cỏ non cho nó. Trong lúc chặt củi, em cho hươu con đứng bên cạnh. Có hươu con, em chặt củi không biết mệt một chút nào cả. Từ đó, cậu bé và hươu con trở thành đôi bạn thân, ngày nào cũng gặp nhau, chỉ có đêm là cả hai đành phải tạm xa nhau. Thương hươu con không có mẹ nên quấn quít với mình, nhiều đêm em nằm mơ gặp hươu con và đùa giỡn với nó. Một đêm nọ, lão đồ tể thức dậy ra sân xem trời gần sáng chưa để giết lợn. Bỗng hắn nghe ở dưới bếp tiếng cậu bé đang nằm nói mê rất rõ như đang thức:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Lần ấy lão không để ý mấy, nhưng sau đó lão nghe bọn người làm mách là cậu bé cứ thường nói mê như thế. Lão đồ tể cau mày nghĩ bụng:

– Biết đâu thằng bé gặp hươu thật!

Thế là lão sai người nhà lén theo cậu lên rừng. Hắn chứng kiến cảnh em cùng chú hươu con gặp nhau và quấn quýt bên nhau suốt ngày nên liền về mách với lão chủ. Lão chủ liền nói:

– Đúng vậy thì ngày mai tao sẽ đi xem, chúng mày theo tao bắt cho kỳ được con hươu đem về.

Hôm sau, cậu bé lại lên rừng và mong gặp hươu con biết bao. Chỉ trong một thời gian ngắn, hươu con đã to lớn trông thấy và ngày càng tỏ ra khôn ngoan hơn. Hình như cậu bé nói gì, nghĩ gì, hươu con đều hiểu được cả và ngoan ngoãn làm theo. Nhưng hôm đó, khi em vừa đón hươu con từ trong hang ra, chưa kịp cho ăn, thì lão đồ tể cùng hai tên người làm ập tới chỗ hươu đứng. Cậu bé đành quát to:

– Chạy đi hươu ơi! Chạy đi!

Thấy hươu còn chần chừ, cậu bé bèn phát vào cổ nó một cái thật mạnh và quát:

– Chạy nhanh đi!

Hươu con hiểu ý phóng như bay vào rừng. Lão đồ tể và hai tên người làm đuổi theo nhưng không kịp. Hươu con đã phóng mất dạng khiến bọn họ không biết đâu mà tìm. Lão đồ tể giận lắm, quay lại đánh cậu bé một trận. Trong cơn điên tiết, lão lấy một hòn đá nện vào lưng cậu. Không may hòn đá đánh trúng vào đầu khiến cậu bé ngã lăn ra nằm không động đậy. Lão đồ tể bỏ mặc em giữa rừng, cùng hai tên người làm trở về nhà. Hươu con chạy rất xa, lên đỉnh đồi nhìn xuống. Thấy lão đồ tể độc ác cùng hai tên người làm đã về thật rồi, hươu con chạy xuống với người bạn thân thiết của mình. Hươu con hà hơi ấm vào lưng và ngực của cậu bé. Một lúc sau, cậu bé tỉnh dậy. Thấy hươu con, cậu mừng quá, ôm lấy cổ hươu mà khóc.

– Không có hươu thì ta chết mất rồi!

Thế là người và hươu kéo nhau đi sang khu rừng khác, tránh ngày mai lão đồ tể có thể đưa người và chó lên lùng sục. Phải đi nhanh thật xa nơi này. Nghĩ vậy, dù trời đã tối và đau đớn khắp người, nhưng cậu bé và hươu con vẫn nương vào nhau mà đi nhanh. Vết thương trên đầu đau nhức nhưng muốn cứu hươu và cứu mình, cậu bé cố bước đi. Đến những lúc mệt quá, cậu lại ngồi bệt xuống cỏ nghỉ ngơi. Lúc đó, hươu con lại quấn quýt bên cạnh như vỗ về, an ủi và lại hà hơi ấm vào lưng và ngực cho cậu. Hôm sau, lão đồ tể đưa người và chó lên thật. Nhưng lùng sục mãi, lão vẫn không tìm thấy hươu và cậu bé đâu cả nên đành hậm hực trở về. Cậu bé ở với hươu mấy ngày liền trong khu rừng sâu và tự tìm lá để chữa vết thương. Cả người và hươu cố kiếm quả rừng, cỏ rừng để ăn tạm. Nhưng được mấy ngày nhớ mẹ quá, cậu bé nói với hươu con rằng:

– Hươu ơi, ta nhớ mẹ quá. Ta muốn về thăm nhà một bữa rồi sẽ trở lên ngay với hươu.

Hươu con như hiểu ý của cậu bé. Nó mở to đôi mắt nhìn người chủ nhỏ và rơm rớm nước như đang khóc, rồi gật đầu liền mấy cái. Hươu con đưa người chủ nhỏ ra tận bìa rừng, sau đó đứng trên một hòn đá to nhìn theo cho đến khi dáng nhỏ nhắn của cậu bé khuất hẳn.

Cậu bé về gặp mẹ và biết được cách đây vài hôm, lão đồ tể có sai người đến dò hỏi cậu có trốn về không. Mẹ cậu không hề hay biết cậu đã bị lão đánh suýt chết. Cậu bé về lần này đúng vào dịp người chú chèo thuyền thuê cũng ghé về thăm nhà. Nghe cậu kể chuyện, người chú liền nói:

– Đã vậy thì cháu nên đi theo chú. Chú sẽ giúp cháu ăn học nên người.

Nhưng cậu bé lo lắng nói:

– Nhưng còn hươu con thì sao?

– Hươu con ở trong rừng thì cháu cần lo gì?

– Cháu đã hẹn với hươu con là sẽ trở lại với nó mà!

– Hươu làm sao hiểu được lời người nói?

– Chú ơi, nó hiểu được đấy! Nó tiễn cháu đi và còn khóc nữa kia mà!

– Thì cháu cứ theo chú ăn học. Ngày sau khôn lớn trở về, lúc đó cháu gặp lại hươu con vẫn không muộn mà.

– Liệu hươu con có chờ cháu không?

– Có chứ! Nó khôn vậy thì nó sẽ biết chờ.

– Cháu chỉ thương nó sống một mình như thế thì sẽ buồn lắm!

– Cháu đừng lo! Rồi nó sẽ tìm bầy đàn của nó để sống mà.

– Nhưng như thế nó có quên cháu không?

– Nó thương cháu nhiều như thế thì chắc sẽ không quên cháu đâu.

Không biết làm gì hơn, cậu bé đành nghe theo lời dỗ dành của chú và mẹ. Ngay tối hôm đó, người chú ra đi cho kịp ngày hẹn với chủ thuyền. Và cũng đêm đó, cậu bé ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn về hướng núi cao và nói vọng lên “Hươu con ơi! Hươu chờ ta nhé! Ta sẽ về, và sẽ đưa hươu xuống dưới này sống với mẹ con ta”.

Lòng cậu bé muốn vậy, nhưng cuộc đời đâu phải muốn gì được nấy. Cậu bé đi với chú mình, và được ông gửi cho đi học ở một ông đồ nghèo nhưng rất thương người. Và trong một chuyến đi xa, thuyền của chú cậu bé bị đắm và ông mãi mãi không trở về nữa. Cậu bé được ông đồ nuôi dạy, nhưng từ đó phải ở luôn với ông. Đường về quê mẹ xa quá, cậu càng nhớ thương mẹ gấp bội. Sau đó vài năm, cậu nghe tin mẹ mình đã mất. Hết thương mẹ, cậu lại nhớ đến hươu. Chú hươu con ngày nào không biết bây giờ đã lớn và đã nhập đàn sống với đồng loại chưa? Chú hươu con còn nhớ mình hay đã quên rồi?

Nhưng con hươu không quên. Nó vẫn nhớ người bạn, người chủ nhỏ của mình. Hằng ngày nó vẫn đến nơi chia tay với cậu bé để ngóng trông người bạn đã từng hứa sẽ trở lại với mình, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Nhiều năm trôi qua, hươu lớn lên, sừng bắt đầu mọc. Đôi sừng ngày càng to lớn, nhưng chú hươu vẫn hiền lành như xưa. Hươu vẫn luôn mong chờ người bạn cũ của mình. Nhưng đời hươu không dài bằng đời người được.

Bây giờ hươu đã trở thành con hươu đầu đàn. Một hôm, hươu bỗng gặp một đoàn người đốt than. Hươu muốn đến gần nhưng rất ngại họ. Chờ cho đến khi mọi người về hết, hươu mới rời đàn, một mình đến gần chỗ họ đã ngồi trước đó. Trông thấy một ít muối rơi vãi dưới đất, hươu nếm vị mằn mặn của muối mà bỗng nhớ người bạn của mình khôn tả xiết. Thế là, nó để bầy đàn lại cho một con hươu khác dẫn đầu, rồi một mình tìm đến chốn cũ, nơi có cái hang năm xưa hươu đã sống ở đó hằng ngày và chờ cậu bé. Cái hang vẫn như xưa và nó sống quanh quẩn ở đó. Bấy giờ cỏ mọc quanh miệng hang um tùm và hươu mỗi ngày một già đi. Đến một ngày nọ, mặt trời sắp lặn, hươu già nằm xuống, giấu mình trong bụi rậm ở ngay bên cạnh hang và chết. Lúc này, người bạn của hươu đang ở một nơi rất xa và đã có vợ con. Một hôm, thấy người đi bán sừng hươu, anh bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể cho vợ con nghe. Anh nhắc lại câu nói năm xưa mỗi khi cho hươu ăn:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Đứa con lập tức đòi bố đưa về thăm quê, viếng mộ bà và lên rừng tìm xem chú hươu còn không? Thương con, nhớ mẹ và nhớ hươu, anh liền thu xếp đưa vợ con về quê. Về đến làng xưa, hỏi ra mới biết lão đồ tể độc ác một hôm dẫn chó lên rừng đi săn đã bị rắn độc cắn chết. Sau khi thăm mộ mẹ xong, anh liền đưa con lên rừng. Thỉnh thoảng cơn gió rừng thổi thoang thoảng đem lại mùi hương vừa gần gũi, vừa xa xôi như chào đón như dẫn đường anh. Theo mùi hương, hai bố con đến ngay cái hang ngày xưa mà anh đã giấu chú hươu con. Cả hai bố con chợt sửng sốt và đứng im lặng mãi với cảnh tượng trước mắt. Bên cạnh miệng hang mọc lên một loài cây lạ và đang nở đầy hoa. Mùi hương của nó thật đậm đà. Nhìn kỹ thì cành cây rất giống sừng hươu. Lúc đó, có mấy người đốt than đi ngang. Họ kể rằng, trước đây ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến ở đó rồi nằm chết luôn. Sau đó, ở gần miệng hang bỗng mọc lên loài cây này, lá to giống tai hươu và cành giống sừng hươu. Người bố nghe nói, liền đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Thì ra chú vẫn nhớ tới người bạn nhỏ của mình và vẫn chờ đợi mình. Lòng đầy ân hận, anh liền nói:

– Hươu ơi, ta muốn về với hươu nhưng nào có được. Dù sao bây giờ ta cũng đã gặp lại nhau.

Hai bố con cùng khấn xin hươu cho mình mang giống cây lạ về quê trồng, và để luôn nhớ tới hươu. Ngày nay, loài cây trổ hoa có cành giống như sừng hươu ấy được gọi là cây hoa Đại. Có người bảo, chữ Đại là từ chữ Đợi, chờ đợi mà có.

11. Sự tích ông bình vôi

Ngày xưa, có một người con gái con một nhà giàu có. Cô rất đẹp nhưng cũng rất kiêu. Cô đã từng làm cho các bạn gái xa lánh mình. Cô làm cho các chàng trai ghét cô vô hạn. Cũng vì thế đến tuổi lấy chồng, cô gái vẫn chưa có đám nào vừa ý. Chàng trai nào cũng bị cô sổ toẹt, vì cao chê ngỏng, thấp chê lùn, lớn chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn bày ra.

Nhưng rồi cô cũng lấy được chồng. Chồng cô yêu vợ nhưng lại bực mình vì thói ghen của vợ. Cô ghen chồng làm cho xóm giềng luôn cau mặt vì những lời qua tiếng lại của họ. Cuối cùng hai người không vừa ý nhau và ly dị. Buồn bực vì duyên phận, cô bỏ đi tu.

Cô xuất gia ở một ngôi chùa cổ trên núi suốt hai mươi năm. Những con chim, con thú rừng hầu như quen thuộc bóng dáng của người sư nữ. Hai mươi năm qua, cô vẫn chưa đắc đạo. Cô thắc mắc, vì tự cho mình thông kinh kệ hơn người và chịu đủ mọi sự khổ hạnh của nhà chiền. Một ngày kia cô quyết định sang Tây trúc một phen để tìm cho ra lẽ. Đường sang Tây-trúc thiên nguy vạn hiểm nhưng cô quyết định đi cho bằng được.

Một hôm, sau khi vượt qua một trái núi, sư nữ tìm vào một ngôi nhà hẻo lánh dọc đường để nghỉ chân. Hai mẹ con chủ nhân tuy người rừng núi quê mùa nhưng vốn là kẻ ăn chay niệm Phật, nên thấy khách là nhà tu hành thì tiếp đãi rất hậu. Khi được nghe kể công trình tu luyện của sư nữ họ càng cung kính, coi như bậc thầy. Và khi biết rõ ý định của sư nữ thì họ cũng xin phép bỏ nhà bỏ cửa đi theo thầy để mong được đắc dạo. Nghe họ câu khẩn, sư nữ cười: – Hai mẹ con nhà này cũng muốn thành Phật ư? Được, cứ đi theo ta!. Nhưng bụng nàng bảo dạ: – “Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”.

Từ hôm đó nhà sư có thêm hai người bạn đồng hành. Chân bớt mỏi, đường bớt dài, họ đi chả mấy chốc đã tới đất Thánh. Từ trước đến sau, hai mẹ con nhà nọ vẫn cung kính, coi sư nữ như thầy. Còn sư nữ đối với họ không được như trước: – Không biết chừng họ được thành Phật trước ta. Họ sẽ hơn ta… Bọn này mà đắc đạo, thật là một điều nhục cho Thiền môn.

Nói chuyện đức Phật khi vừa nghe tin có người tìm đường đến Tây-trúc cầu đạo, vội hóa thân đi theo dõi. Từ đầu đến cuối, đức Phật vẫn không bỏ sót một lời nói, một cử chỉ nào của sư nữ. Khi họ sắp qua một con sông rộng, đức Phật hóa phép hiện ra ở bên kia bờ một tòa cổ tự, trước cửa có một cây bồ đề rất lớn, để chờ họ.

Muốn cho hai mẹ con khỏi lẽo đẽo theo mình đến đất Thánh, nên khi qua sông sư nữ giả cách ngạc nhiên, chỉ ngôi chùa và ngôi đền mà bảo rằng:

– Kìa, chúng ta đã tới Tây trúc. Chóng thật! Chính là cây bồ đề của đức Thế Tôn tu luyện ngày xưa. Thôi! Hai mẹ con cứ việc trèo lên một cành cao niệm kinh rồi buông tay rơi xuống là tức khắc thành Phật!.

Tin tưởng ở lời nói của bậc thầy, hai mẹ con mừng rỡ làm theo không chút ngần ngại. Nhưng khi họ buông tay cho người rơi xuống thì đức Phật đã đón họ đưa lên trời. Có bốn vị La hán mang tòa sen đến rước đi. Tay hai mẹ con vẫy vẫy như có ý gọi người bạn đồng hành.

– “Đúng là họ thành Phật rồi!. Sư nữ vừa kinh ngạc vừa mừng, vội trèo lên cây để làm như họ và để mong được như họ. Nhưng đức Phật đã có ý trừng phạt người đàn bà kiêu ngạo và độc ác ấy một cách đích đáng, nên đã để cho cái xác rơi phịch xuống đất, tan xương vỡ sọ. Và sau đó đức Phật lại bắt con người khốn nạn ấy hóa thành bình vôi. Tại sao lại cho hóa thành bình vôi? Có người bảo chính là đức Phật muốn bắt những kẻ trong lòng bất nhân, nhưng lại đeo bộ dạng từ bi, phải để cho người đời luôn luôn móc ruột.

Một truyện khác nhiều tính chất phật thoại cũng nói về sự tích ông bình vôi:

Có một anh ăn trộm từng sống bao nhiêu năm với nghề. Hắn ta không vợ con gia sản, chỉ độc có một túp lều bên cạnh đường cái. Một hôm, có cặp vợ chồng người ăn mày qua đó xin trú chân. Hắn cho họ ở lại và sau đó hắn thấy chồng bảo vợ: – “Hôm nay không xin được tí gì cả. Gần đây có một nương khoai, chờ đến tối tôi sẽ đào trộm về ăn”. Vợ can chồng: – “Thôi đi ông! Chỉ vì kiếp trước chúng ta ăn ở thất đức nên mới như thế này. Có lẽ nào phạm thêm vào cho nặng tội kiếp sau. Tôi thà chết không ăn trộm!”.

Người ăn trộm nghe chuyện bỗng dưng hối hận. Cuối cùng hắn giao tất cả nhà cửa cho hai vợ chồng người ăn mày rồi bỏ di. Hắn tìm đến một ngôi chùa trên núi cao xin hòa thượng cho cạo đầu tu hành. Người ta giao cho hắn công việc nấu ăn: một bữa phải nấu từ tinh sương và một bữa từ chiều. Phận sự của hắn là giữ lửa không được để tắt, vì một lần tắt lửa thì lại phải xuống núi xin về, cách xa hàng bao nhiêu dặm.

Từ lúc nhận việc nhà chùa, hắn tỏ ra chu đáo lạ thường, chưa có bữa nào để lửa tắt. Một sư bác trên chùa ghét chú tiểu mới, bèn chờ một hôm tiểu ta ngủ say, tưới tắt lửa nhấm ở bếp.

Gần sáng, chú tiểu dậy thấy không còn lửa, nghĩ đến phận sự, vội vã ba chân bốn cẳng vượt mấy khu rừng tìm xuống làng xin lửa. Giữa đường hắn gặp một con cọp già đòi ăn thịt. – “Tôi vui lòng để ngài xơi thịt – hắn nói – nhưng hãy cho tôi chạy xuống làng xin lửa cho nhà chùa, rồi tôi sẽ tới nộp mạng”.

Cọp bằng lòng để cho đi. Khi đưa được lửa về, hắn kể sự tình và xin phép hòa thượng cho đi nộp mình cho cọp. Đến nơi, cọp bảo: – “Tao già rồi, răng đã rụng hết mà xương của mày cứng khó nhai. Vậy mày hãy trèo lên cây kia buông mình rơi xuống cho gẫy xương, tao mới ăn được”. Hắn vâng lời cọp, nhưng khi buông tay thì đức Phật đã đón sẵn rước lên trời, độ cho thành Phật, tức là Phật Nhiên Đăng.

Vị sư bác kia thấy chú tiểu chỉ bằng vài hành động đơn giản mà được  thành chính quả thì cũng muốn được như thế. Hắn bèn xin phép hòa thượng cho mình ra đương việc nấu ăn và giữ lửa. Thế rồi một hôm hắn cũng giả tảng để cho lửa tắt, rồi cũng chạy xuống núi xin lửa. Và hắn cũng gặp cọp, cũng khất cọp xin đưa lửa về cho nhà chùa dùng rồi sau đó sẽ xin nộp mình. Nhưng đức Phật vốn hiểu rõ những việc làm của hắn xuất phát từ tấm lòng không thực, nên khi hắn trèo lên cây và buông tay, thì Phật lập tức bắt hắn hoá thành bình vôi.

Một dị bản của truyện trên cũng là một phật thoại, là Sự tích cái ống nhổ.

Ở đây cũng có hai nhân vật chính là chú tiểu và sư bác. Chú tiểu mới đi tu nhưng rất chăm chỉ, biết lo lắng làm tròn chức trách. Thấy lửa ở đống nhấm tắt (kỳ thực là do sư bác ghen tỵ phun nước cho tắt), tiểu không nề hiểm nguy chạy xuống núi vào lúc mờ sáng để có lửa về kịp nấu ăn cho nhà chùa. Phật hiện ra với trạng mạo một ông già khuyên can chú tiểu đừng đi, nhưng thấy chú cương quyết đi, bèn bảo chú trèo lên cây buông tay xuống, sẽ có kẻ đưa đi an toàn. Quả nhiên chú tiểu buông tay rơi đúng trên lưng một con muông; nó đưa chú xuống làng, rồi sau khi xin được lửa lại đưa về vô sự.

Sư bác vốn không phải là chân tu, nhưng thấy chú tiểu gặp Phật, cũng muốn được như vậy, bèn cũng xin ra làm công việc nấu ăn và giữ lửa, sau đó hắn đã để tắt lửa và cũng được gặp Phật. Nhưng khi buông tay thì Phật đã bắt hắn hoá thành cái ống nhổ, miệng luôn luôn há ra cho người ta khạc nhổ vào, để tỏ lòng khinh bỉ.

12. Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.

Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:

– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.

Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!

Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:

– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!

– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!

Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:

– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!

– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:

– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?

Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.

Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.

Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.

13. Anh học trò và ba con quỷ

Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng nọ có đôi vợ chồng nhà một phú hộ tuổi cũng đã khá cao mãi mới sinh được một mụn con gái. Vì khó sinh và gia đình cũng chỉ có mỗi một đứa con nên hai vợ chồng phú hộ hết mực cưng chiều.

Cô gái đến tuổi con gái thì dung nhan đẹp đẽ, ít ai sánh bằng, vợ chồng phú hộ lại càng nâng niu cô như vàng như ngọc. Họ bỏ rất nhiều tiền ra xây riêng cho cô con gái một ngôi lầu để ở, khi lầu được xây xong, hai vợ chông phú hộ lại thuê người đi khắp nơi tìm những loại hoa thơm nhất để trung xung quanh khu vườn để con gái thưởng ngoạn.

Vào thời gian ấy, trong khi rừng sâu gần đó có xuất hiện ba con cáo sống đã mấy trăm năm nên hóa thành quỷ, chúng có rất nhiều phép biến hóa và thường xuyên có thói hại con người. Khi chúng nghe được tin phú ông đang cho người đi tìm các loại hoa thơm để trồng cho khu vườn trong chiếc lầu mới xây của cô con gái xinh đẹp, chúng đã bèn tính kế hại cô con gái của phú ông.

Chúng cùng nhau sử dụng phép thuật hóa thành một loại hoa rất lạ và đặc biệt. Bông hoa có 3 cánh, một cách mầu đỏ, một cánh mầu xanh và cánh còn lại mầu trắng. Một người tiều phu lên rừng kiếm củi thấy loại hoa đẹp chưa từng thấy bao giờ bèn đánh về bán cho vợ chồng Phú hộ lấy chút tiền. Khi tiều phu đưa cho vợ chồng phú hộ xem, họ ưng ngay và quyết định mua chúng để đem về chồng ở vườn.

Tuy nhìn những bông hoa ba màu này rất đẹp nhưng cô con gái phú hộ lại không thích, thế là mưu kế của ba con quỷ bất thành. Lâu ngày, hoa dần dần tàn và héo, lũ quỷ cũng sắp sửa bỏ đi nơi khác. Giữa lúc ấy, người làm của phú hộ đang tìm kiếm một khúc gỗ để đẽo thành then cửa chốt ở cửa buồng của cô gái. Ba con quỷ liền biến thành một khúc gỗ đẹp, thấy thớ gỗ đẹp người làm không ngần ngại chọn để đẽo.

Vậy là mưu kế hãm hại của lũ quỹ cũng đã thành công một phần. Sau đó mấy hôm, một đêm khi cô con gái phú hộ đang ngủ say thì một con quỷ từ chiếc then cửa chui ra, trèo lên giường để sinh sự với cô. Cô gái chống cự rất quyết liệt và kêu la inh ỏi. Biết là không xong, con quỷ hớp lấy hồn của cô gái rồi lại biến vào chiếc then cửa.

Khi vợ chồng và người làm của gia đình phú hộ chạy vào phòng cô con gái xem thì thấy cô đang nằm thiêm thiếp trên giường và giống như người đã chết, ngực cô vẫn thoi thóp đập nhưng lay mãi mà cô vẫn không tỉnh lại.

Tưởng con gái mình bị bênh nặng, vợ chồng phú hộ cho người đi mời thầy lang đến chữa trị cho cô con gái nhưng thầy chưa kịp tới thì đến buổi tối ngày hôm sau, khi phú hộ đang ngồi bên cạnh giường con một mình để chăm sóc thì con quỷ thứ hai trong chiếc then cửa chui ra và hớp luôn hồn của ông. Tối hôm sau nữa thì con quỷ thứ ba đã hớp hồn một người làm trong nhà.

Bà vợ của phú hộ kinh hãi vội cho người đi mời một thầy phủ thủy giỏi nhất làng đến để trừ tà ma quỷ dữ. Thầy phù thủy lập đàn làm phép liên tục trong 3 ngày 3 đêm liền thì phú hộ và người hầu tỉnh lại. Chỉ còn cô con gái bị con quỷ đầu đàn nhập vào nó quyết không chịu buông tha. Thầy phù thủy đã giở hết phép thuật nhưng con quỷ hình như chả hề hấn gì, cuối cùng thầy cũng đành phải bất lực cáo từ vì phép thuật đã hết mà cô gái vẫn lịm đi trên giường, mơ mơ tỉnh tỉnh. Từ đó người ta kháo nhau rằng ngôi nhà đó có quỷ nên bặt không một ai dám tới gần.

Một ngày nọ, có một chàng trai tuấn tú lên Long đang trên đường đi thi hội, tới đây thì lỡ độ đường, trời cũng đã bắt đầu sẩm tối. Thấy có ngôi nhà đẹp, anh ghé vào xin nghỉ nhờ một đêm. Thấy có người xin ngủ nhờ, hai vợ chồng phú ông kể lại cho Long câu chuyện mà gia đình ông đang gặp phải, kể xong phú ông nói:

– Chuyện là như vậy đó, tôi sợ anh ở lại đây bị lũ quỷ quấy nhiễu, chi bằng anh tìm nhà khác mà ở tạm không kẻo lại rước họa vào thân.

Long nói với vợ chồng phú ông rằng:

– Tôi là người đọc sách thánh hiền, không có yêu tinh ma quỷ nào dám trêu ghẹo. Ông bà cứ yên tâm cho tôi nghỉ nhờ đêm nay, biết đâu tôi lại đánh đuổi được lũ ma quỷ trừ nạn cho gia đình.

Vợ chồng phú ông thấy anh chàng nói vậy nên đành đồng ý. Sau khi dùng xong bữa cơm chiều, Long khoan thai bước lên phòng. Anh chỉ xin phú ông cho mượn một ngọn đèn để đọc sách đêm và một con dao sắc đề phòng lũ quỷ tới hăm dọa. Màn đêm buông xuống, Long thắp đèn ngồi trước án thư đọc, con dao anh luôn để bên cạnh mình. Trời dần về khuya, canh 3 đã đến một con quỷ từ then cửa buồng cô gái chui ra biến thành một cô gái vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Long vẫn điềm nhiên ngồi đọc sách, không thèm để ý. Biết không dùng được cách này, nó biến lại vào trong then cửa. Lần tiếp theo, con quỷ thứ hai chui ra tiến tới Long với vẻ ngoài kinh dị và hung tợn, áo trắng xóa, tóc xõa ra, đôi mắt đỏ lòm, lưỡi thè ra dài ngoẵng. Nó chạm vào người Long nhưng anh vẫn mặc kệ thi gan với nó, biết không dọa được Long nó lại trở lại chui vào then cửa. Đến lần thứ ba, lần này là con quỷ đầu đàn đang nhập vào cô gái bước vào hù dọa. Thấy bóng chàng học trò, nó chỉ kịp thét lên vài tiếng rồi bỏ chạy:

– Có bậc quý nhân, chúng mày chạy mau!

Lần này, Long cầm con dao chạy tới nhanh như cắt chém nó một nhát, con quỷ đứt lìa một chân. Long chạy theo con quỷ đầu đàn tới cửa buồng cô gái thì thấy cả 3 con chui vào chiếc then cửa để lẩn trốn. Anh cầm chân con quỷ lên xem thì hóa ra nó là chân cáo. Vì bị một nhát chém đau đớn, con quỷ đầu đàn phải thả hồn cô gái ra, cô gái dần dần tỉnh lại. Long tới gần hỏi chuyện, biết anh chàng học trò là người cứu mình cô cúi đầu chào và cảm ơn anh. Long dìu cô gái tới gặp vợ chồng phú hộ, mang chiếc chân quỷ cho mọi người xem, ai nấy cũng đều thán phục anh học trò tài giỏi.
Sáng hôm sau, Long lại lên đường lên kinh ứng thí. Vợ chồng phú hộ có tặng cho anh rất nhiều vàng bạc nhưng anh không nhận một món nào, anh chỉ xin họ cái then cửa buồng cô con gái rồi dắt vào lưng mang theo. Đi được nửa ngày đường, anh thấy 3 con quỷ từ chiếc then hiện ra quỳ lạy trước mặt xin anh tha tội bỏ lại chiếc then cửa. Long cười và nói:

Không thể được! Giờ chúng mày có phép thuật tài cáng gì thì cứ giở hết ra cho tao xem, sau đó tao sẽ cho chúng mày vào lửa.

Ba con quỷ quỳ lạy khẩn khoản:

– Xin ngài hãy tha cho chúng tôi, chúng tôi có rất nhiều vật quý dâng lên ngài, chỉ xin ngài tha mạng.

Long đáp:

– Vậy chúng mày hãy đưa hết cả ra đây, nếu không thì đừng có trách tao vô tình.

Con quỷ thứ nhất lấy ra một cái mặt trời đựng trong túi đưa cho Long và nói:

– Nếu đêm xuống, hễ cứ rút mặt trời ra khỏi túi thì trời sẽ sáng như ban ngày, đút nói lại vào túi thì trời sẽ tối như cũ.

Con thứ hai lấy ra một cái mặt trăng đưa cho Long và nói:

– Có mặt trăng này, hễ cứ đêm đến mà lôi nó ra thì không cần phải dùng tới đèn đuốc.

Còn con quỷ thứ ba tặng cho Long một con ngựa mỗi ngày nó có thể chạy tới cả ngàn dặm mà không mệt. Long vui mừng nhận 3 món quà của 3 con quỷ và vứt chiếc then cửa vào một bụi rậm bên vệ đường.

Sau đó Long nhảy lên lưng ngựa và hô:

– Ngựa hãy cho ta tới kinh đô

Lập tức, con ngựa hí lên một tiếng phi nhanh như tên bay chân không chạm mặt đất. Chỉ một lát sau, nó đã đưa anh tới cổng của hoàng thành. Long tìm một ngôi nhà trọ chuẩn bị mọi thứ để chuẩn bị cho kì thi còn vài ngày nữa là diễn ra.

Ba ngày sau, cuộc thi bắt đầu, Long làm bài thi rất tốt cho nên vừa thi xong buổi sáng, anh nhớ tới vợ mình. Sẵn có con ngựa quý chạy nhanh như gió, anh nhảy lên lưng bảo nó chở anh về quê nhà. Ngựa phóng nước đại, chỉ chập tối anh đã tới nơi. Anh khẽ gọi cửa vợ, người vợ vừa chợp mắt tỉnh dậy rất kinh ngạc khi thấy chồng minh vừa đi thi được mấy ngày nay đã quay trở về. Long không muốn đánh thức cha mẹ dậy nên dặn vợ giấu kín chuyện này, hai vợ chồng cả đêm trò chuyện to nhỏ rồi trời hửng sáng Long lại lên ngựa trở về kinh thi.

Mặc dù đêm ấy, hai vợ chồng đã trò chuyện rất nhỏ nhưng tiếng rì rầm vẫn làm thức tỉnh cha mẹ Long ở buồng kế bên. Hai ông bà không hề biết là con trai mình về mà chỉ nghĩ chắc con dâu mình có nhân tình phản bội con trai. Cho nên sáng hôm sau khi tỉnh dậy, lúc ấy Long đã phi ngựa trở về kinh, hai ông bà vào buồng gặn hỏi con dâu.

Vợ Long nghe lời chồng bảo giữ kín chuyện nhưng sau biết không giữ được nữa nên đành phải nói hết toàn bộ chuyện đêm qua cho bố mẹ chồng nghe, cùng với việc chồng mình diệt trừ quỷ và được chúng tặng 3 vật quý để xin tha mạng. Nhưng hai ông bà sao lại có thể tin một câu chuyện lạ lùng và khó tin đến thế nên họ mắng trách cô con dâu một cách thậm tệ, đổ cho cô là phản bội chồng mình. Vợ của Long vì không thể minh oan cho mình được nên cô chỉ biết ngồi ôm mặt khóc nức nở. May hôm đó chiều Long lại phi ngựa về, được tận mắt thấy con trai mình trở về với con ngựa thần, hai ông bà mới tin cô con dâu nói thật. Long kể lại chuyện cho bố mẹ cùng nghe:

– Sáng hôm nay, khi cha mẹ chưa thức dậy thì con vội lên ngựa vào kinh, vừa vào đến kinh thì cũng là lúc loa trường thi bắt đầu xứng tên những người thi đậu. Khi con nghe thấy tên mình, con mừng quá vội tới nhà trọ thu xếp hành lý, trả tiền trọ và phi ngựa thẳng về nhà. Ba ngày nữa con lại phải lên kinh để còn dự buổi yến tiệc cho nhà vua chiêu đãi các ông nghè ở điện thiên quang.

Nghe thấy con kể con ngựa thần có thể ngày chạy cả ngàn dặm, người cha ngỏ ý muốn được cưỡi thử một lần. Long hỏi cha:

– Cha muốn đi chơi đâu xa?

Người cha đáp:

– Cha muốn được vào tận Đồng Nai, Gia Định chơi một chuyến

Long nói:

– Được cha

Sáng hôm sau, cơm nước xong xuôi, ông già nai nịt chỉnh tề bước ra sân. Long cầm chiếc dây cương trao cho cha mình. Ông vừa hô một tiếng “Gia Định”, lập tức con ngựa phi như gió phóng đi vùn vụt. Cho tới tận lúc mặt trời bắt đầu khuất núi, nó lại phóng như tên bay đưa ông trở về tới tận giữa sân nhà. Ông mở tay nải lấy quà ông mua ở Gia Định cho mọi người ăn thử, rồi kể những chuyện tai nghe mắt thấy ở vùng đất ông vừa du ngoạn.

Mẹ Long thấy chồng ca ngợi ngựa thần đi nhanh, bà cũng ngỏ ý muốn được đi chơi Gia Định một chuyến cho biết. Sáng hôm sau, Long dắt ngựa ra sân rồi đỡ mẹ ngồi lên yên. Nhưng ngựa chưa kịp bước đi thì nó đã ngã khụy xuống đất hất mẹ Long ngã lăn xuống sân, từ trong con ngựa, một làn khói trắng bay ra cuộn lên trời cao. Mọi người chạy lại thì con ngựa đã chết. Thì ra mẹ Long đã cưỡi ngựa không đúng thời điểm, bà cưỡi đúng lúc bà bị kinh nên ngựa thần hoảng sợ bỏ lốt ngựa bay về trời.

Mất đi ngựa quý, Long còn đang có nguy cơ đứng trước một tội “khi quân” vì chỉ còn một ngày nữa là đại tiệc nhà vua mở sẽ diễn ra, đường từ nhà lên kinh cũng phải mất hai ngày trời nếu cưỡi ngựa. Không còn cách nào khác, Long lập tức lên kinh với một con ngựa thường mà không kịp từ biệt vợ con.

Con ngựa phi tới tối mịt mà vẫn chưa đi được nửa đường. Nằm nghỉ tại một quán trọ ven đường, Long rất lo lắng. Chợt anh nhớ tới túi mặt trời mà con quỷ thứ nhất tặng, anh liền nghĩ ra một diệu kế. Ngày hôm sau, Long lại cho ngựa phi nước đại tới kinh thành, nhưng cứ hễ khi mặt trời sắp khuất núi là anh liền lôi mặt trời trong túi ra treo trước đầu ngựa. Một điều kì lạ đã sảy ra từ trước chưa từng có, đâu đâu cũng không thấy tắt ánh mặt trời. Cho tới khi con ngựa đưa Long tới trước điện thiên quang, Long mới cất mặt trời của mình vào túi, khi ấy trời lại tối sẩm chuyển sang đêm.

Long buộc ngựa vào cột rồi nhanh chân bước vào điện, nhưng cũng đã quá trễ. Mọi người ngồi đợi mãi không thấy đêm buông xuống, thức ăn thì đã nguội cả, sau cùng nhà vua lệnh cho mọi người cứ 4 người một mâm bắt đầu tiệc. Khi Long bước vào thì bữa tiệc cũng đã gần tàn, biết việc đến trễ có thể khiến mình tội rơi đầu nên anh cỡi mũ “phủ phục” trước sân điện, anh lấy lý do mãi không thấy trời tối để mong vua giảm nhẹ tội. Nhà vua tha tội cho anh nhưng để anh biết lỗi của mình, vua đã của nhiệm anh về làm tri huyện cho một huyện mà đã có rất nhiều vụ án ma không thể lý giải. Mặc dù anh nghe được rất nhiều lời đồn ra đồn vào rằng hễ cứ ai được bổ nhiệm tới vùng này làm tri huyện là y như rằng sẽ bị ma quỷ hành hạ đến chết nhưng anh vẫn ung dung nhận chỉ của vua.

Theo phong tục tập quán ở vùng này thì hễ mỗi khi có quan mới để bổ nhiệm là nhân dần trong huyện đều phải mang lễ vật tới để chào vị quan mới. Cho nên những ngày đầu mới về nhận chức tri phủ, dân làng rồng rắn nhau mang lễ vật tới đầy cả công đường. Long vui vẻ tiếp chuyện dân làng nhưng anh nhất quyết từ chối không nhận mọi lễ vật. Anh dặn dò kín đáo quân lính rằng cứ mỗi khi toán dân nào ra về thì bám theo họ để biết rõ tung tích. Đến ngày thứ 3, một trong những người lính mà Long phái âm thầm đi theo gót chân hai người dân đội một mâm lễ trở về. Người lính này theo mãi, theo mãi, bóng chiều đã ngả mà vẫn không thấy họ tới nơi. Cho tới khi ánh mặt trời tắt hẳn mới thấy họ tiến sát tới một chiếc giếng hoang bên cạnh đường. Đột nhiên họ đội cả mâm lễ xuống dưới giếng rồi biến mất trước sự kinh hãi của người lính. Anh ta vội chạy trở về để báo lại tình hình cho quan tri huyện biết.

14. Chàng cóc

Ngày xưa, trong một bản vắng, có hai vợ chồng nọ đã sống qua nhiều mùa nương mà chưa có con nối dòng. Họ buồn rầu như cỏ tranh già ngày nắng. Ngày ngày, người vợ thắp hương cầu khấn mong trời thương cảnh nghèo đơn chiếc ban cho một đứa con. Quả nhiên, ít lâu sau, người vợ có thai. Hai vợ chồng mừng lắm. Họ mong ngày mong đêm đứa con sớm ra đời. Nhưng chẳng may người chồng lại bị ốm rồi chết, mắt chưa được nhìn con. Người vợ rất buồn nhưng cứ nghĩ đến đứa con sắp ra đời, lòng lại nguôi nguôi.

Mười ba lần trăng lặn rồi mười ba lần trăng mọc, đứa bé trong bụng mới tròn tháng. Không ngờ, sau một cơn đau bụng dữ dội người vợ hóa lại đẻ ra một con Cóc xấu xí. Người vợ sợ lắm nhưng không nỡ bỏ đứa con của mình. Ngày ngày bà lên rừng đào củ mài để nuôi Cóc, mong cho Cóc chóng lớn. Ngày qua tháng lại, cóc lớn dần và trở thành một chàng Cóc cường tráng. Rồi mẹ Cóc cũng lại qua đời. Từ đó Cóc phải tự mình làm lụng nuôi thân.

Hồi ấy ở gần nhà Cóc có tên Khoàng Tý. Nhà Khoàng Tý có ba cô con gái đã đến tuổi lấy chồng. Đã bao nhiêu lần, Khoàng Tý mở hội để kén chọn con rể. Nhiều chàng trai đẹp đến để thi tài. Nhiều con nhà giàu mang trâu, ngựa đến để hỏi nhưng chưa ai làm Khoàng Tý ưng bụng. Lần ấy chàng Cóc tìm đến xin để làm con rể Khoàng Tý. Vừa thấy Cóc, Khoàng Tý đã giận dữ hét lên:

– Con Cóc xấu xí kia, ai cho mày đến hỏi con gái ta! Có cút ngay đi không?

Cóc vẫn bình tĩnh nói rõ ý định của mình. Khoàng Tý giận lắm, nhưng vẫn ra điều kiện:

– Nếu mày bắn một mũi tên xuyên chín con chim mang về đây thì tao sẽ gả con gái cho.

Chàng Cóc nhận lời, rồi mang cung tên đi, vào rừng săn chim. Hôm ấy trời nổi gió dữ dội. Lá to lá nhỏ rơi ào ào, cây đổ ngổn ngang, nhiều thú vật bị chết. Đến một gốc cây to cạnh con suối lớn, chàng Cóc thấy chín con chim bị gió bão quật chết từ lúc nào. Chàng liền nhặt lấy xâu vào một mũi tên rồi đem về dâng lên Khoàng Tý. Khoàng Tý phục chàng Cóc lắm. Nó lại ra thêm một điều kiện:

– Lần này mày phải kiếm liền một lúc chín gánh củi về đây. Được vậy ta sẽ gả con gái cho. Nếu không tao sẽ đánh cho mày một trận.

Khoàng Tý yên trí rằng Cóc nhỏ bé, yếu ớt thế chắc chẳng mang được chín gánh củi về cùng một lúc. Lúc ấy nó sẽ đánh cho Cóc đến chết.

Hiểu được lòng dạ Khoàng Tý, nhưng chàng Cóc chẳng chút ngần ngại. Sáng sớm hôm sau, khi ông mặt trời chưa ngủ dậy, chàng đã sắp sẵn quang gánh, giả vờ đi vào rừng lượm củi. Một láy sau, chàng Cóc trở về nói với ba cô gái:

– Tôi vào rừng kiếm củi chẳng may đâm phải cái gai ở đầu ngón chân cái. Đau quá tôi phải về đây nhờ ba cô nhổ giúp. Tôi nhớ ơn nhiều lắm.

Nghe vậy, hai cô chị bĩu môi, nhổ nước bọt vào lưng Cóc rồi bỏ đi. Chỉ có cô em út là chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ đến khêu gai cho chàng Cóc. Cô đã khêu lâu lắm mà gai chẳng ra. Lúc bấy giờ Cóc mới bảo rằng:

– Cô tốt bụng lắm nhưng khêu thế không được đâu! Phải cầm búa bửa mạnh thì gái mới chịu ra.

Cô út nghe nói vậy lấy làm ngạc nhiên lắm. Nàng sợ Cóc đau nên không giám. Nàng đành phải nói cho cha biết. Mới nghe nói Khoàng Tý cũng ngạc nhiên chẳng kém gì cô con gái út. Nhưng chỉ một lúc sau Khoàng Tý lại thấy vui trong bụng. Hắn nghĩ rằng: thế thì Cóc sẽ phải chết. Hắn liền gọi người làm mang cho hắn một cái búa thật to, to nhất trong nhà. Nhìn thấy vua mang búa hằm hằm đi đến, Cóc đã biết ý ác của nhà vu. Khoàng Tý đến nơi, chẳng nói chẳng rằng cứ thế giơ búa nhằm vào đầu Cóc mà bổ thật mạnh. Chàng Cóc nhanh nhẹn lánh sang một bên và thưa:

– Không! Tôi nhờ Khoàng Tý bổ vào ngón chân cái chứ có phải bổ bào đầu tôi đâu?

Lần thứ hai rồi lần thứ ba, Khoàng Tý đều nhằm vào đầu Cóc mà bổ. Nhưng cả ba lần Cóc đều tránh được. Thất lạ, Khoàng Tý thầm nghĩ: “Hay ta bổ vào ngón chân cái của nó xem sao”. Khoàng Tý lền bổ mạnh vào ngón chân cái của chàng Cóc. Bổ xong, mệt quá, mồ hôi Khoàng Tý đầm đìa, mắt hoa lên. Hắn phải ngồi phịch xuống đất, nhắm mắt lại để thở. Khi mở được mắt ra thì Khoàng Tý thấy trước mặt mình chín gánh củi to và khô. Chàng Cóc bảo Khoàng Tý:

– Đấy tôi đã mang về chín gánh củi rồi, Khoàng Tý gả con gái cho tôi đi.

Lần này thì Khoàng Tý không thề chối cãi được nữa. Hắn đành phải gọi ba đứa con gái của mình đến và hỏi:

– Đứa nào muốn làm vợ Cóc?

Hai cô chị thi nhau cười giễu Cóc. Hết chê chàng da xù xì, lung gù lại chê là mùi hôi thối. Chúng không thèm trả lời, nhổ nước bọt vào lưng cóc rồi bỏ đi. Cô em út thì chẳng nói chẳng rằng cứ ngồi im lặng. Thấy vậy, Khoàng Tý bực lắm, hỏi:

– Thế nào? Mày muốn lấy Cóc à?

Cô gái lặng lẽ gật đầu. Cuối cùng Khoàng Tý đành phải ưng thuận cho con gái út lấy chàng Cóc xấu xí. Lúc tiễn hai vợ chồng Cóc, Khoàng Tý gọi con gái lại gần và bảo:

– Ta sẽ đưa cho con một cái chày đá và một con ngựa, đến giữa đường, con phải ném chết cóc rồi đánh ngựa quay trờ về. Phải nhớ lời ta dặn đấy.

Trên đường về nhà, Cóc dắt ngựa nhảy đi trước còn vợ Cóc cưỡi ngựa theo sau. Đi được một quãng xa, vợ Cóc xuống ngựa và nói với chồng:

– Cha em không ưng bụng cho em sống cùng chàng đâu. Bụng cha em ác lắm, khác với bụng em nhiều, nhưng chàng đừng buồn, em không làm khác ý muốn của mình đâu. Nói hết câu, cô gái ném cái chày đá xuống vực rồi xuống ngựa cùng đi bộ với Cóc về nhà. Hai vợ chồng sống trong một túp lều tranh lụp xụp, rách nát. Hàng ngày, Cóc vẫn một mình phát nương làm rẫy. Vợ Cóc thương chồng lắm. Một lần nàng theo chồng đi ra nương. Đến nơi, nàng nhìn mãi mà không thấy chồng đâu, chỉ thấy một chàng trai khỏe, đẹp đang mải mê làm nương. Người vợ mải nhìn chàng trai, bàn chân vô tình đâm phải cành lá khô dưới đất. Thấy động, chàng trai lập tức chạy trốn vào một bụi cây gần đấy. Vợ Cóc lạ quá liền rượt theo, thì chẳng thấy chàng trai đâu mà chỉ thấy một con Cóc ngồi chồm chỗm dưới gốc cây mục. Vợ ra làm nương tiếp. Vừa làm, nàng vừa nghĩ; không biết chàng trai kia là ai mà lại đến nương làm hộ nhà mình.

Ngày qua tháng lại đã đến ngày hội lớn ở trong vùng. Trai gái trong bẳn mặc những bộ váy áo thật đẹp, thật sặc sỡ để đi dự hội. Thấy mình xấu xí, Cóc không muốn đi chơi với vợ. Chàng dục vợ đi trước còn mình đi sau. Vợ Cóc đi rồi, ở nhà , Cóc liền lột vỏ biến thành một chàng trai trẻ đẹp, rồi theo đường tắt đi đến hội. Lũ làng ai cũng trầm trồ, đổ mắt nhìn về phía chàng. Khi thấy chàng đánh quay tài giỏi quá mọi người dồn đến xem chật vòng trong vòng ngoài. Con gái thì muốn được tung còn với chàng, con trai thì muốn được đọ quay với chàng. Ở trong cuộc vui mà vợ Cóc buồn lắm. Nàng chờ mãi chẳng thấy chồng đến. Nàng định bỏ về nhà, nhưng lúc đi qua đám đông nàng ghé nhìn vào chỗ người đang chơi quay thì bỗng nhận ra chàng trai phát nương ngày nào. Nàng đến gần chàng trai định hỏi chuyện thì chàng bỏ chạy về hướng nhà Cóc. Lũ làng đổ xô chạy theo sau. Mọi người vào nhà chẳng thấy chàng trai nữa, chỉ thấy một con Cóc nằm thở phì dưới gầm giường.

Một lần khác trong vùng lại có hội. Cóc lại giục vợ đi trước. Còn mình đi sau. Lần này vợ Cóc đi đến nửa đường thì quay về nhà. Quả nhiên nàng nhìn thấy một tấm da Cóc ở dưới gầm giường. Chẳng chút chần chừ, nàng liền chạy lại cầm lấy tấm da ném vào lửa. Lúc ấy ở đám hội đang vui, tự nhiên chàng Cóc thấy người bỗng nóng rực lên, biết có chuyện xảy ra chàng bèn chạy ngay về nhà. Vừa vào đến cửa chàng đã ngửi thấy mùi khét, bèn lấy que khều đống lửa thì thây tấm da đã cháy hết. Từ đó Cóc mãi mãi hóa thành người và vợ chồng Cóc sống bên nhau đầm ấm.

Từ ngày mất vỏ, chàng Cóc làm lụng thật vất vả. Mọi việc chàng đều phải nhờ vào hai bàn tay. Lúa trên nương của hai vợ chồng Cóc không tốt như trước nữa. Gạo trong nhà của hai vợ chồng Cóc mau hết hơn. Họ phải đi đào củ mài ở trên rừng để ăn. Một hôm chàng Cóc nói với vợ:

– Vợ chồng mình khổ nhiều quá rồi. Bây giờ tôi không muốn nàng phải ăn củ mài ở trên rừng mãi, phải mặc áo rách mãi. Nàng ở nhà, tôi sẽ đi buôn một chuyến xa. Chỉ một lần trăng lên tôi sẽ trở về thôi!

Thế rồi sáng hôm sau chàng Cóc từ biệt người vợ xinh đẹp ra đi, trong tay chỉ có vài đồng bạc nén. Chàng phải đi xa, xa lắm. Trên đường chàng gặp một Xê sư. Xê sư biết Cóc là người tài giỏi tốt bụng nên muốn giúp chàng đạt được ý muốn. Xê sư hỏi:

– Chàng trai đi đây vậy?

Chàng Cóc lễ phép cúi đầu chào rồi đáp:

– Nhà con nghèo, con phải đi buôn một chuyến xa!

Xê sư lại nói:

– Thế thì con hãy đi theo ta!

Trên đường đi, hai người gặp một dòng sông đoạn giữa trong còn ở đầu dòng và cuối dòng lại đục ngầu. Chàng Cóc lạ lắm, bèn hỏi Xê sư:

– Tại sao lại có con sông lạ như vậy?

Xê sư chậm rãi trả lời:

– À phải! Làm gì có con sông lạ ấy được. Nước phải trong từ trên nguồn xuống chứ có bao giờ chỉ trong ở giữa quãng đâu.

Hai người lại tiếp tục đi. Một lúc sau họ gặp một con chim chỉ có một chân. Thấy lạ chàng Cóc hỏi, thì Xê sư trả lời:

– Con chim có một chân thì không thể đi được. Cũng như người ta không thể một chân mà đi lại dễ dàng.

Chàng Cóc thấy Xê sư nói có lý thì phục lắm. Từ đó hễ trên đường gặp cái gì lạn chàng đều nhờ Xê sư bảo cho.

Hai người đã qua bao nhiêu con sông, bao nhiêu ngọn núi. Một hôm nọ đến một bản nọ. Ở đầu bản họ thấy một cây gạo ra hoa đỏ chói trông rất đẹp mắt. Nhưng chẳng hiểu sao thân nó lại xù xì những gai. Chẳng kìm được tính tò mò, chăng Cóc lại nhờ Xê sư giải đáp giúp. Xê sư nói:

– À có gì đâu! Cái cây đó giống như một con người tốt bụng. Bề ngoài trông xấu xí nhưng trong bụng lại không giấu con dao độc.

Đi với chàng Cóc thêm nhiều con sông, thêm nhiều con suối nữa thì Xê sư nói với chàng:

– Hỡi chàng trai tốt bụng! Bây giờ ta không thể cùng đi với con được nữa. Con hãy ghi vào trong đầu những điều ta đã nói với con ở dọc đường. Nó sẽ giúp con nhiều đấy.

Nói xong Xê sư đi về một ngả, còn chàng Cóc cứ theo ngọn núi trước mắt mà đi. Chàng đi qua bản đầu tiên thì thấy một đám người đang định làm thịt con chó. Mắt nó ươn ướt như muốn nói với chàng một điều gì. Chàng Cóc thương hại con chó sắp bị làm thịt bèn bỏ một đồng bạc nén ra để mua. Con chó thoát chết mừng lắm. Nó ngoe ngẩy cái đuôi tỏ ý cám ơn chàng. Người và chó cùng đi. Đến một bản khác chàng Cóc lại thấy một con mèo xám bị nhốt vào giỏ sắp đêm thả xuống sông. Nghe tiếng kêu thảm thiết của con vật, chàng Cóc không nỡ để người ta giết nó. Chàng lại bỏ một đồng bạc nén để mua con mèo. Chó, mèo cùng chàng Cóc đi đến một cánh rừng nọ thì thấy rất nhiều người xúm quanh một con trăn lớn. Họ sắp giết chăn. Con trăn sợ lắm. Nó đang ra sức giãy giụa để mong thoát chết. Không ngần ngại chàng Cóc lại dốc cả số tiền còn lại ở trong túi để mua con trăn. Thế là số tiền mang theo không còn một xu. Chàng Cóc vui vẻ cung những con vật vừa mua được quay về nhà.

Lại nói đến Khoàng Tý. Từ khi chia tay với con gái út, hắn tưởng con nghe theo mình giết Cóc rồi quay về. Hắn chờ đến năm lần chăng chết, rồi năm lần trăng sống vẫn chưa thấy con về. Khoàng Tý buồn rầu bèn sang nhà Cóc xưm sao. Đến nơi hắn chỉ thấy vợ Cóc ở nhà một mình, liền bắt con gái về để để gả cho con trai xú cà. Vợ Cóc khẩn khoản van nài nhưng nhà vua vẫn trợn mắt quả:

– Bụng tao không ưng cho mày lấy thằng Cóc xấu xí ấy đâu. Mày phải lấy con xú cà thôi. Con xú cà nó có nhiều trâu, nhiều ngựa, nhiều bạc nén. Sao mày không thích giàu mà lại thích nghèo.

Cô gái lại phân trần với vua cha:

– Cha ơi! Cha nhầm rồi! Chồng con không phải là Cóc đâu. Chồng con là người mà.

Nghe vậy nhà vua lại nổi cơn thịnh nộ:

– Mày không nói lọt tai tao đâu! Bụng tao đã ưng cho mày lấy con xú cà thì mày phải nghe! Đừng nói trái lòng tao!

Vợ Cóc khóc nhiều lắm. Nước mắt nàng chảy đã ướt hết một cái áo rồi hai cái áo, mà Khoàng Tý vẫn không chịu nghe. Tên xú cà bụng rất muốn có con gái làm vợ cho con nên nó cho mổ nhiều lợn, nhiều gà, lấy nhiều rượu, nhiều thuốc mời những kẻ giàu ở quanh vùng về ăn lễ. Nó muốn lễ cưới con nó với cô gái xinh đẹp con Khoàng Tý phải to nhất trong vùng. Chúng đang ăn uống linh đình thì đột nhiên có tiếng đập cửa thình thình. Cửa bật mở, chàng Cóc lừng lững bước vào trong nhà. Chúng vừa ngạc nhiên vừa tức nhưng vẫn phải mời chàng Cóc ăn cơm. Khi mời rượu khách, chủ nhà rót quanh một lượt riêng chàng Cóc thì nó bỏ qua. Chàng Cóc giận lắm, nhớ đến lời Xê sư dặn trên đường, chàng nói:

– Nước đục phải đục từ trên nguồn xuống, có bao giờ chỉ đục quãng giữa đâu?

Chẳng biết nói thế nào, bọn chúng phải rót rượu mời chàng. Lúc cầm đũa để gắp thức ăn, chàng Cóc chỉ thấy một chiếc. Chàng cố ghìm lòng nói to:

– Chim chỉ có một chân thì làm sao đi được, người cũng thế? Sao chỉ cho ta một chiếc đũa để ăn.

Lại một lần nữa chúng chịu thua chàng. Vừa lúc ấy vợ chàng Cóc từ trong nhà bước ra. Đầu nàng đội chiếc khăn thêu nhiều màu sặc sỡ, người nàng mặc bộ quần áo mới rất đẹp. Trông nàng như một bông hoa mới nở. Thấy vậy chàng Cóc cất tiếng hỏi:

– Nàng ở nhà có chuyện gì không hay vậy?

Vợ Cóc vừa khóc vừa kể hết đầu đuôi sự việc cho chồng mình nghe. Bấy giờ chàng Cóc mới hiểu tất cả bụng dạ cú cáo của Khoàng Tý. Chàng tìm lời an ủi vợ:

– Thôi! Nàng đừng khóc nữa. Tôi đã mua chó và mèo về rồi. Nàng mang chúng vào nhà đi. Tôi phải ra đầu làng dắt con trăn về đã.

Khi chàng Cóc đi tới nơi buộc trăn lúc sáng thì lạ quá, nhìn quanh chẳng thấy trăn đâu cả, chỉ có một cô gái đẹp đang nở miệng cười. Chàng Cóc hỏi:

– Hỡi cô gái đẹp ơi! Cô có thấy con trăn của tôi buộc ở đây không?

Cô gái mỉn cười đáp:

– Con trăn của chàng chính là em đây!

Chàng Cóc rất ngạc nhiên. Chàng mở mắt to nhìn cô gái đẹp. Thấy vậy, cô gái nói thêm:

– Em là con gái thứ sáu, con gái út của Be dòng đấy. Hôm nọ trời đẹp em lên trần chơi chẳng may gặp đoàn đi săn, họ bắt em định thịt. Hôm ấy nếu không được chàng cứu thì em không nói được nữa rồi! Em biết ơn chàng lắm. Bây giờ chàng xuống chơi nhà em đi, đường dễ đi thôi!

Chàng Cóc rất thương vợ. Chàng muốn ở nhà với vợ nhưng lại muốn biết nhà của Be dòng đẹp như thế nào nên chàng ưng thuận đi theo. Đến một hồ nước rộng, trong xanh, cô gái xinh đẹp chỉ tay xuống mặt nước và bảo:

– Nhà cha em ở dưới này! Giờ chàng nhắm mắt lại và cầm chặt lấy thắt lưng em. Khi nào em bảo mở mắt thì chàng mới được mở.

Cô gái còn dặn thêm:

– Xuống đó, khi về thế nào cha mẹ em cụng tạ ơn chàng đã cứu sống em. Chàng chớ có lấy vàng bạc mà hãy xin chiếc đuôi cá bằng vàng treo ở giữa nhà ấy. Nó sẽ giúp chàng ước gì được nấy.

Chàng Cóc làm theo lời dặn của cô gái. Chàng nhắm mắt lại và nắm chặt lấy thắt lưng cô gái. Khi mở mắt ra chàng thấy mình đang ở trong một ngôi nhà lớn có nhiều lợn gà, vàng bạc. Cô gái kể đầu đuôi câu chuyện cho cha mình nghe. Be dòng niềm nở đón tiếp chàng. Be dòng dọn cho chàng ăn những thức ăn ngon nhất nơi thủy cung. Rồi cô gái lại dẫn chàng đi xem những cảnh đẹp. Sống được ít ngày, chang Cóc thấy nhớ vợ và xin Be dòng trở lại cõi trần. Be dòng biết không thể giữa chàng ở lại thủy cung, liền bảo chàng:

– Hỡi chàng trai tốt bụng, chúng tôi không biết lấy gì đền ơn lòng tốt đã cứu con ta, chàng muốn gì ta sẽ tạ ơn!

Chàng Cóc nhìn quanh nhà Be dòng, rồi thưa:

– Tôi chỉ muốn xin chiếc đuôi cá vàng kia.

Be dòng bằng lòng, lấy đuôi cá vàng trao cho chàng Cóc, rồi cả nhà cùng ra tiễn chàng lên bờ, chúc chàng hạnh phúc, muốn gì được nấy.

Chàng Cóc nhắm mắt lại và nhờ cô gái xinh đẹp đưa lên bờ. Về đến nhà, theo lời dặn của cô gái, chàng Cóc tự tay đóng một cái bàn xinh xắn. Đóng xong, chàng gọi vợ đến và quét xuôi đuôi cá ba lần lên mặt bàn. Một mâm cơm ngon, đầy rượu thịt hiện ra. Hai vợ chồng cùng ăn uống vui vẻ. Sau đó chàng lại qué ba lần lên mặt bàn. Lập tức một tòa nhà bằng vàng óng ánh, cùng không biết bao nhiêu trâu, bò, lơn, gà hiện ra. Từ đấy cuộc sống của hai vợ chồng Cóc trở nên sung sướng, hạnh phúc.

Còn Khoàng Tý, khi tan bữa tiệc cưới ít hôm, có người vào báo có chuyện lạ là vợ chàng Cóc vẫn không chịu về làm vợ con nhà xú cà. Không những thế chàng Cóc lại vừa mới xây xong một tòa nhà bằng vàng rất đẹp. Khoàng Tý lúc đầy không tin, đến tận nơi xem thì quả đúng như vậy. Hắn trở về và đem những điều mắt thấy tai nghe thuật lại cho vợ và hai cô con gái cả. Chúng không tin. Vợ Khoàng Tý bèn tới nơi để xem thử. Đến nhà con gái, mụ thấy hai vợ chồng chàng Cóc béo khỏe, xinh đẹp, sống rất sung sướng trong một tòa nhà lộng lẫy bằng vàng. Vợ chồng Cóc ra tận cổng đón mụ. Ở nhà vợ chồng Cóc, mụ vợ Khoàng Tý được ăn những thúc ngon lạ bấy nay chưa hề thấy. Rồi mụ lại còn được thấy những của cải quí của con gái. Máu tham nổi lên che hết đầu hết mặt. Mụ gạn hỏi vợ chồng Cóc.

– Sao các con lại kiếm được những của hiếm này?

Chàng Cóc thật bụng kể lại mọi chuyện chuyện cho mụ nghe. Khi đã biết được nhiều bí ẩn, vợ Khoàng Tý vội vã ra về. Mụ đi nhanh như gió thổi, như có con ma đuổi sau lưng. Vừa về đến nhà, mụ liền gọi chồng đến nhỏ to thuật lại mọi chuyện. Khoàng Tý nghĩ vợ mình nói dối nên lại sai hai con gái đến nhà vợ chồng Cóc. Hai cô chị trở về đều nói đúng như lời mụ. Khoàng Tý vẫn chưa tin. Hắn muốn tự mình đến nơi xem hư thực lần nữa. Ngay sáng hôm sau, hắn vội vã đến nhà vợ chồng con gái út. Hắn trở về nhà vừa lúc hai cô con gái cả của hắn vừa chết. Chẳng là, hai cô chị thấy chồng em mình giàu quá, đẹp quá liền tìm cách giết em gái để cướp chồng. Nhưng cô cả lại sợ cô thứ hai tranh mất nên tìm cách hại em. Hôm đó chúng dủ nhau đi tắm, thấy em sơ ý, cô cả liền đẩy em xuống sông, rồi chạy vào rừng định tìm hái lá ngón về giết em út. Nhưng vừa vào đến rừng chưa kịp hái thì đã bị một con rắn độc bò đến cắn chết tươi.

Lòng vợ chồng Khoàng Tý rất buồn vì một lúc mất hai đứa con. Nhưng bụng nó vẫn không muốn bỏ chiếc đuôi cá bằng vàng của vợ chồng Cóc. Khoàng Tý mở kho lấy vàng rồi truyền lệnh cho thợ đánh ngày đêm bằng một chiếc đuôi cá y như chiếc đuôi cá thần của chàng Cóc. Đuôi cá được làm xong, Khoàng Tý hí hửng mang sang nhà chàng Cóc. Cũng như lần trước hai vợ chồng Cóc đón tiếp cha thật chu tất. Họ không thể ngờ được mưu gian của Khoàng Tý. Lừa lúc vợ chồng Cóc đi ngủ Khoàng Tý bèn đánh tráo đuôi cá thần. Sáng hôm sau hắn giả vờ buồn bã chào vợ chồng Cóc rồi ra về. Từ ngày cướp được đuôi cá vàng, Khoàng Tý đã giàu càng giàu thêm. Suốt ngày Khoàng Tý ăn uống no say, hết ở nhà vàng này lại sang ở nhà vàng khác. Hắn bắt đuôi cá làm việc liên tục, làm ra bao nhiêu của cải cho hắn.

Còn vợ chồng chàng Cóc từ khi mất đuôi cá thần thì trở lại nghèo đói như xưa. Họ làm việc suốt ngày mà bụng vẫn không đủ no, áo mặc vẫn bị rách. Một hom chàng Cóc bàn với vợ:

– Mình nhịn đói lâu rồi, trong nhà lại chẳng còn cái gì bán được. Hay ta mang chó, mèo đi đổi lấy gạo ăn vậy.

Nghe thấy chủ bàn thế, chó và mèo buồn lắm. Chúng không muốn xa hai vợ chồng người chủ tốt bụng nên năn nỉ xin chàng Cóc cho được sống và hứa đi lấy đuôi cá vàng thần về cho chàng.

Hai con rủ nhau đi. Chúng chạy suốt ngày suốt đêm không nghỉ. Tới nhà Khoàng Tý, mèo bảo chó:

– Anh chó ơi! Anh ở đây rình bắt lấy con chuột chúa nhé! Tôi sẽ vào xua nó ra. Khoảng Tý để đuôi cá thần trong hòm, ta phải bắt chuột cắn thủng hòm mới lấy được.

Chó gật đầu đồng ý. Nó nấp một chỗ kín để rình. Chỉ sau một lần nguẩy đuôi, chó đã thấy đàn chuột nhốn nháo chạy quàng chạy xiên ra ngoài. Chó nhảy xổ tới ngoạm lấy con chuột chúa. Mèo nhanh chân lẹ làng nhảy đến túm lấy chú chuột đang run lẩy bẩy mà bảo:

– Mày muốn sống thì hãy đi gọi cả họ nhà mày đến đây để vào khoét bằng được cái hòm quí trong buồng Khoàng Tý.

Chuột run sợ nhận lời. Chỉ một lát sau bao nhiêu chuột to, chuột nhỏ, chuột đực, chuột cái kéo về lúc nhúc trước mặt chó và mèo. Mèo bảo con chuột chúa:

– Chúng mày hãy vào cắn thủng hòm của Khoàng Tý rồi lấy chiếc đuôi cá bằng vàng ra đây cho tao thì sẽ được tha chết!

Chuột chúa vội vã vâng lời và nhảy đi trước. Theo sau nó là những chú chuột cường cháng nhanh chân nhất. Lúc ấy, Khoàng Tý đang cùng vợ ăn cơm trong nhà nghe thấy tiếng chuột cắn liền bảo vợ:

– Bà vào đuổi chuột đi kẻo nó cắn thủng chiếc hòm đựng đuôi cá vàng mất.

Ngay lúc đó mèo đứng ở góc nhà kêu lớn “meo meo!” làm cho vợ Khoàng Tý yên lòng bảo chồng:

– Sợ gì, đã có mèo rồi!

Chuột thay nhau hì hục khoét hòm. Chẳng mấy chốc hòm thủng, họ hàng nhà chuột khéo léo lôi đuôi cá vàng ra ngoài. Mèo ngoạm ngay lấy đuôi cá thần, tha chết cho họ hàng nhà chuột rồi nhẹ nhàng chạy ra cửa sau ra đường.

Giữa lúc hai vợ chồng chàng Cóc đang than thở về người cha độc ác và thân phận nghèo đói của mình thì nghe thấy tiếng chó sủa ngoài bìa rừng. Biết là mèo và chó đã trở về, chàng Cóc vội ra đón. Mèo mừng rỡ trao đuôi cá thần cho chủ. Chàng Cóc cám ơn hai con vật tốt bụng rồi lấy đuôi cá vàng ra quét đi quét lại vài lần trên mặt bàn. Lập tức bao nhiêu thức ăn ngon hiện ra, rồi cả nhà cao cửa rộng, trâu ngựa béo khỏe cũng hiện ra. Từ đó hai vợ chồng chàng Cóc lại sống một cuộc sống no đủ sung sướng bên cạnh chó và mèo.

Còn vợ chồng Khoàng Tý sáng ra thấy đói định mở hòm lấy đuôi cá vàng thì chẳng thấy đâu. Chúng tiếc ngẩn tiếc ngơ đến đứt ruột mà chết.

15. Bà chúa Bèo

Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một cô bé hiền lành, chịu thương chịu khó. Một ngày cô ngồi ở bờ ruộng lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng ở ruộng nhà.

Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm bữa cháo!

Cô nhìn cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay. Ðất bạc màu, lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt. Cô thương cho lúa và lo cho làng xóm. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói!

Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt hiện ra sáng lòa, hỏi:

– Tại sao con khóc?

Cô bé vừa mếu máo vừa thưa:

– Con khóc vì con thương cây lúa nghẹn đòng.

– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt được đâu?

Nghe Bụt nói thế, cô bé càng khóc to hơn. Bụt lại hỏi:

– Con có muốn cứu lúa không?

– Dạ, có.

– Muốn cứu lúa, thì con phải đưa cho ta một vật gì con quý nhất.

Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ chỉ có mấy con cua vừa mới bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên Bụt:

– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu, mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: “Bông hoa tai ngọc này là của quý của dòng họ ta đấy”.

Nói đến đây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai lóng lánh:

– Mẹ con còn bảo: “Dòng họ có lời nguyền hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi”.

– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao?

Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa:

– Ðể cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.

Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy, chỉ vào một đám ruộng nước, bảo:

– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý này xuống ruộng kia!

Cô bé làm ngay theo lời Bụt. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực lên một mầu xanh rồi chìm xuống nước. Sau đó nổi lên một cây bèo hình hoa dâu, giống hệt hoa tai của cô bé.

Bụt bảo:

– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt, nặng bông. Con xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi! Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền cho con.

Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây hóa thành hai, đụng vào hai cây, hóa thành bốn, đụng vào bốn cây, hóa thành tám. Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay rồi cả bàn tay mà nhân bèo. Cô mải mê làm đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh, và cứ thế nhân lên.

Ruộng nào có bèo hoa dâu, thì lúa xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thế, ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé ra sức nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng mênh mông được phủ một lớp bèo hoa dâu xanh mượt.

Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón bèo hoa dâu lúa tốt, đến mua giống. Bèo hoa dâu dần dần lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện.

Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé, hỏi:

– Ðôi hoa tai ngọc của con đâu rồi?

Cô bé cúi đầu, ngập ngừng, rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện cô ngồi Khóc thương lúa và gặp Bụt.

Bố cảm động, ôm con vào lòng, nói:

– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con mà được ấm no, dòng họ sẽ bỏ lời nguyền, và thương con, yêu con mãi mãi. Ngày nay, không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người mà có hàng triệu triệu hoa tai làm cho mọi người ấm no.

Người ta kể lại rằng: sau khi cô chết, để tỏ lòng nhớ ơn cô, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình lập đền thờ và gọi cô là: “Bà Chúa Bèo“.