SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Truyện Chữ

Truyện cổ tích Việt Nam ngắn giành cho bé

Tổng hợp truyện cổ tích rất đa dạng và phong phú, có nhiều mẫu câu chuyện hay, ý nghĩa, cha mẹ có thể kể cho bé nghe để dạy con qua ý nghĩa hay giúp con học tốt.

Tổng hợp Truyện cổ tích Việt Nam ngắn

1. Chàng nho sĩ và Cóc thần

Ngày xưa tại bản mường có một chàng nho sĩ nghèo nhưng rất chăm học. Ban ngày chàng vào rừng hái củi đem bán để lấy tiền mua gạo và mua dầu đèn. Ban đêm chàng cặm cụi đọc sách cho đến lúc gà hàng xóm gáy lần thứ hai mới đi ngủ.

Nhà cửa chàng chỉ là một túp lều, tài sản chỉ có một con dao quắm và một chồng sách. Làm bạn với chàng chỉ có một con cóc tía, những buổi chàng học khuya con cóc nhảy ra quanh quẩn ở dưới chân chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve. Thấy cóc quấn quít bên mình, chàng nho sĩ rất mến cóc, mỗi bữa ăn, chàng không bao giờ quên dành cho cóc một miếng cơm. Những lúc lên rừng hái củi chàng thường bắt cào cào châu chấu, hay con bọ ngựa đem về cho cóc ăn thêm. Cóc được chăm nom nên ngày càng lớn.

Chàng nho sĩ rất sáng dạ, trong sáu năm dùi mài đèn sách, chàng học thuộc gần hết mười lăm pho sách quí của các bậc thánh hiền. Thấy chàng học giỏi, người làng thầm mong cho chàng sau này sẽ đỗ trạng nguyên.

Năm ấy, nhà vua mở khoa thi chọn trạng, sĩ tử khắp các phương trời đều tấp nập về kinh dự thi. Thấy chàng nho sĩ vào kinh, cóc tía xin được đi theo.

Sáng hôm sau, chàng cùng cóc tía lên đường. Ông chủ đi đến đâu, cóc tía nhảy bước một đi theo kịp đến đó. Đi mãi, đi mãi, một ngày kia, hai thầy trò cóc đến một cái lều bỏ không ở ven rừng vắng vẻ. Chàng nho sĩ thấy trong lều có một người chết, bên cạnh có một gói sách và một bọc quần áo. Chàng đoán chắc người này cũng là một sĩ tử lên kinh dự thi, sờ vào người thấy mạch còn đập nhè nhẹ, chàng nho sĩ cố loay hoay tìm cách cứu chữa. Thấy chàng có nhiệt tâm, cóc liền ghé tai nói nhỏ :

– Ông ơi ! Con xem bộ nó là người không có thủy chung gì cả, hạng này nếu không phải là gian phi thì cũng là kẻ bội bạc, cứu nó làm gì !
Chàng nho sĩ nhìn cóc rồi nghiêm nghị nói :

– Gặp kẻ hoạn nạn mà không cứu chữa, không phải là người quân tử, dù có khó nhọc bằng mười, ta cũng không thể bỏ được. Nếu nó chưa đến ngày tận số mà được sống lại thì ta lại có thêm một người bạn đường càng hay chứ sao…

Thấy chàng nói vậy, cóc tía bèn bảo :

– Nếu ông đã quyết thì ông cứ cứu nó, còn thuốc thì ông không phải chạy tìm đâu cả. Cóc có hòn ngọc cải tử hoàn sinh đây.

Nói đến đây cóc liền nhả ra một viên ngọc trong sáng như kim cương, hình dáng tựa trứng chim. Cóc nói :

– Ông hãy để viên ngọc này vào mũi người chết thì người chết lập tức sẽ sống lại.

Chàng nho sĩ nhận lấy viên ngọc rồi làm y như lời. Quả nhiên được một lúc người ấy dần dần hồi tỉnh. Chàng nho sĩ mừng quá đến gần đỡ người lạ ngồi dậy hỏi họ tên, quê quán rồi kết làm bạn. Chàng mở cơm nắm mời bạn ăn rồi cùng nhau lên đường.

Hai người và cóc tía đi thêm ba ngày nữa thì tới kinh thành. Đến kinh thành, cóc bảo chàng cho mình đi dạo một lượt đến chiều sẽ về. Chàng nho sĩ và người bạn ngồi ở quán ăn uống nói chuyện trò vui vẻ. Người bạn bỗng hỏi :
– Hôm nọ, tôi đi đường xa bị cảm nặng, các bạn đồng hành của tôi bỏ tôi nằm lại ở lều. Nếu không có anh ra tay cứu chữa thì tôi đã hóa ra ma mất rồi. Công ơn của anh sau này tôi xin đền đáp. Không biết anh có thuốc linh đan hay phép thuật gì mà cứu sống được tôi vậy ?
Chàng nho sĩ mỉm cười móc túi lấy viên ngọc thật thà nói :

– Tôi có viên ngọc cải tử hoàn sinh này đây, tôi chỉ cần đặt viên ngọc này và mũi thì người chết dù tắt thở đã ba ngày cũng sống lại tức khắc.

Nghe ân nhân nói, hắn tỏ bộ lễ độ xin được cầm viên ngọc xem một lúc. Khi cầm ngọc trong tay hắn làm bộ mân mê, ngắm nghía rồi lừa khi ân nhân sơ ý bỏ vào túi, vơ vội lấy hành lý, chạy ù ra đường phố, trà trộn vào đám đông. Mất ngọc, chàng nho sĩ đuổi theo kêu la ầm ĩ, nhưng hắn đã nhanh chân lẩn vào các ngõ ngách của kinh thành còn tìm làm sao được, đành trở lại quán ăn thẫn thờ ngồi chờ cóc. Một lúc lâu, cóc trở về. Cóc giẫm chân nói :

– Con đã bảo ông đừng cứu chữa cho nó mà, nếu nó là người tốt thì các bạn cùng đường chắc không bỏ nó nằm chết ở giữa nơi rừng vắng ấy. Nhưng sớm muộn, viên ngọc đó sẽ trở về thôi, bây giờ ông hãy mau mau vào tâu vua để sau này nhà vua xét xử hoàn lại cho ta viên ngọc.

Nghe cóc nói, chàng nho sĩ vào triều tâu với nhà vua và nói rõ đặc tính của viên ngọc cho vua nghe. Vua hứa là sẽ xét tìm hộ chàng viên ngọc và bắt phạt kẻ gian phi. Đêm hôm ấy, công chúa con vua tự nhiên ngã lăn xuống giường chết ngất đi. Nhà vua và hoàng hậu vội gọi thầy thuốc tới cứu chữa, sau khi thăm bệnh, thầy thuốc bảo là công chúa bị bệnh nặng không thể cứu chữa được. Hoàng hậu lăn lóc kêu than, nước mắt trào tuôn như suối, nhà vua ngồi nhìn con gái sắp đến lúc qua đời, ruột gan rối tựa bòng bong. Chợt nhà vua nhớ tới viên ngọc cải tử hoàn sinh của chàng nho sĩ bị mất cắp lúc chiều, bèn ra bảng tìm danh y và thông báo khắp kinh thành : “Ai cứu sống công chúa sẽ được tuyển làm phò mã”. Tin đó tới tai cóc tía. Cóc tía nói với chủ :

– Hay lắm ! Đây là dịp tốt để ta lấy lại viên ngọc và tìm ra kẻ cắp, và đây cũng là cơ hội hiếm có để ông làm nên. Sáng mai tên ăn cắp ngọc đội lốt “thầy danh y” sẽ vào cung chữa bệnh cho công chúa. Ông hãy tìm cách xin vào đi lẫn theo đám quan triều đình vào cung thăm công chúa. Khi nào thấy ai đem viên ngọc ra thì ông lập tức đến tâu vua xin cho bắt giam kẻ đó lại.

Chàng nho sĩ nghe theo. Sáng hôm sau, chàng đi lẫn vào hàng các quan văn võ cùng vào cung thăm công chúa. Cóc tía cũng nhảy bước một đi xen vào trong hàng.

Giữa lúc ấy lính canh cổng dẫn vào cung một người tự xưng là danh y có thể cứu sống được công chúa trong khoảnh khắc. Chàng nho sĩ nhìn kỹ, nhận ra đúng là kẻ ăn cắp viên ngọc của mình hôm trước, chàng lặng thinh theo sát nó.

Không chậm trễ, “danh y” rút ở trong túi ra một viên ngọc làm phép hoa chân múa tay đọc thần chú rồi đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Nhưng vô hiệu, công chúa vẫn nằm yên, lạnh ngắt. Hắn lúng túng, xoay đi trở lại viên ngọc nhiều lần. Cuối cùng vẫn không sao làm cho công chúa sống lại. Vua và hoàng hậu vô cùng sốt ruột.
Giữa lúc đó, chàng nho sĩ rẽ đám đông tiến lại trước mặt nhà vua, chàng vừa nói vừa chỉ vào mặt “danh y” :
– Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại.

Nhà vua sực nhớ tới lời thưa kiện hôm qua, bèn ra lệnh bắt giữ “danh y” lại.

Chàng nho sĩ cầm lấy viên ngọc rồi chỉ vào cóc – bây giờ đã nằm gọn trên bàn tay của chàng – giảng giải cho mọi người nghe :

– Đây là viên ngọc cải tử hoàn sinh và đây là cóc thần. Chỉ có cóc thần và tôi mới dùng được viên ngọc này để cứu sống người chết. Hôm qua tên kia đã cướp giật lấy viên ngọc của tôi. Nhưng hắn không biết rằng hắn không đời nào sử dụng được viên ngọc nếu không có sự đồng ý của cóc thần. Nhờ ơn nhà vua, nay đã lấy lại được viên ngọc, tôi sẽ xin cứu sống công chúa.

Nhà vua hứa hẹn :

– Tốt lắm ! Nếu nhà ngươi cứu sống được con ta thì ta quyết giữ những lời đã hứa.

Chàng nho sĩ nhẹ tay đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Quả nhiên, công chúa bỗng cựa mình và dần dần hồi tỉnh. Nhà vua và các quan reo mừng. Hoàng hậu nước mắt chảy ròng ròng cúi xuống ôm chầm lấy công chúa. Công chúa tủm tỉm cười, nhìn khắp lượt mọi người xung quanh. Chàng nho sĩ lấy lại viên ngọc bỏ vào mồm cóc tía. Cóc tía nuốt ngay vào bụng.

Thấy công chúa đã được cứu sống, nhà vua bèn nhận chàng nho sĩ làm phò mã. Tiệc cưới được tổ chức ngay chiều hôm đó. Và cũng trong chiều hôm đó nhà vua sai đao phủ dẫn thằng ăn cắp ngọc ra pháp trường.

Hai hôm sau, cuộc thi văn bắt đầu, chàng nho sĩ không quên bước vào trường thi, công chúa chúc cho chồng đỗ cao. Chàng đã làm được bài văn hay nhất trong đám sĩ tử và được các quan chung khảo chọn làm trạng nguyên.

Trạng lại được toàn thể triều thần tôn lên giữ chức phó tể tướng.
Chàng nho sĩ bắt đầu đi vào cuộc đời vinh hiển. Phó tể tướng lại càng yêu mến cóc tía và giữ con cóc tía luôn bên cạnh mình.

Sau này cóc tía còn giúp chàng dẹp được giặc, đem lại cho muôn dân một cuộc sống thái bình.

2. Nàng Bia Nát

Ngày xưa, có gia đình ông bà Hơ Rô sinh được tám con gái. Tám cô đều xinh cả, nhưng đẹp nhất và tốt nhất là Bia Nát, cô gái út.

Một hôm ngồi khâu với tám cô gái bên bờ suối, bà Hơ Rô hỏi:

– Sau này, các con muốn làm dâu ai?

Các cô tranh nhau trả lời. Cô cả thích làm dâu nhà ông Hoan giàu có. Cô hai muốn làm dâu nhà ông Bua nhiều trâu, nhiều ngựa… Cho đến cô thứ bảy, cô nào cũng muốn làm dâu nhà chủ làng. Bà Hơ Rô thích lắm. Bà nghĩ như thế, không những các con bà sau này sẽ giàu có mà nhà bà cũng được nhiều trâu, nhiều voi, nhiều ngựa… Nhưng khi hỏi đến nàng út thì cô bảo là cô thích lấy một anh đốt than. Nghe vậy, bà Hơ Rô tức lắm. Bà liền mắng con:

– Mày khôn hơn con thỏ, con nai, sao mày lại muốn theo một thằng đốt than?

Bia Nát không nói gì, nàng cứ ngồi yên khâu vá. Thấy thế, bà Hơ Rô càng tức:

– Con thỏ sắp bị con cọp ăn thịt rồi đó. Con nai cũng sắp bỏ núi rừng rồi, còn mày thì đợi gì nữa mà không đi theo thằng đốt than!

Nói xong, và ném cho con gái một cục vàng, rồi đuổi nàng đi. Bia Nát thấy mẹ không thương mình, các chị cũng lánh mặt, nàng liền nhặt cục vàng xách thúng khâu ra đi. Nàng quyết tìm được một chàng đốt than để lấy làm chồng. Nàng đi mãi vào rừng sâu, đi đến đâu cũng chỉ thấy núi non, cây rừng, hoa lá, còn chàng đốt than thì chẳng thấy đâu. Nàng cất lời hỏi rừng xanh, hỏi suối sâu. Con nai, con chồn không biết trả lời, con bướm, con sâu cũng im lặng. Ngày nàng đi lang thang. Tối nàng trèo lên cây ngủ, đói thì ăn quả, khát thì uống nước suối. Một hôm đi xa, mệt quá, nàng ngủ thiếp đi bên một gốc cây to. Trong giấc ngủ nàng mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy đến bên nàng và bảo:

– Con hãy đi tìm khói. Cứ đi theo khói thì sẽ gặp được người mà con muốn.

Khi tỉnh dậy, nàng lại đi. Gặp con chim, nàng hỏi:

– Chim ơi! Chim bay khắp chim có thấy ở đâu có khói không?
– Cô đi nữa đi, đi nữa đi, sắp đến chỗ có khói rồi đấy!

Đi đuợc một đoạn, nàng lại gặp chú thỏ. Thỏ dẫn đường cho nàng đi. Một lát sau, nàng gặp được khói. Từ đàng xa, đã thấy một đám khói trắng xóa. Nàng đến gần, đám khói đó chính là đám khói đốt than. Người đốt than là một chàng trai khỏe mạnh. Nàng nhìn anh từ đầu đến chân. Người tầm thước, ngực nở, đùi to, mắt đen. Trông thấy Bia Nát, chàng trai cất tiếng hỏi trước:

– Ơ cô gái đẹp đi đâu đó?
– Tôi đi chơi.
– Đi chơi sao lại mặc áo đẹp thế?
– Áo đẹp rồi áo cũng xấu đi thôi!

Anh đốt than không biết Bia Nát đên đây có việc gì, anh cứ đứng nhìn mãi.Thấy vậy, Bia Nát liền nói:

– Anh nhìn gì tôi mà nhìn kĩ vậy, tôi có đẹp gì đâu. Anh nhìn kia kìa, hoa trên cành còn đẹp biết mấy, những con thỏ, con chim kia còn đẹp biết mấy.

Anh đốt than nhìn theo ngón tay chỉ của Bia Nát không hiểu nàng định nói gì. Bia Nát bảo anh hãy nghỉ tay, hút thuốc, uống nước. Anh kêu lên:

– Tôi không đùa đâu!

Bia Nát cũng nói:

– Tôi có đùa với anh đâu. Nhà anh ở đâu?
– Nhà tôi ở chân núi đằng kia.
– Bây giờ em mang gùi cho anh, anh mang thúng khâu cho em, ta đi về nhà anh.

Anh đốt than cũng chưa hiểu nàng định làm gì, nói gì, nên bảo:

– Ơ! Cô gái đẹp, lạ quá! Tôi không dám đùa đâu, đừng mang gùi than của tôi đi mà lấm váy, bẩn chân, bẩn da trắng đẹp của cô.

Bia Nát không nói gì cứ mang gùi than đi trước, chàng đốt than đành lủi thủi mang thúng khâu của nàng đi theo sau. Về đến làng, mọi người hỏi, anh không đáp. Lúc tới nhà, anh bảo cô gái:

– Nhà tôi che bằng vỏ cây, lợp bằng cỏ dại. Nhà tôi không có chỗ nằm, chỉ có một giường thôi. Giường của tôi làm bằng cây lau, cây sậy, con nai con thỏ cũng không nằm được.

Tối đến, Bia Nát cứ lên giường đó ngủ, anh đốt than đành ngủ dưới đất. Bia Nát gọi chàng lên giường ngủ chung, chàng không dám. Đến giữa đêm, gió núi nổi lên rét lắm, chịu không nổi, chàng đành phải lên giường nằm với nàng. Và từ đó hai người thành vợ chồng.

Hai người sống chung với nhau rất thuận hòa. Một hôm, Bia Nát mang than đi đổi muối. Ở nhà, thấy có gà rừng vào sân ăn lúa, chàng liền lấy cục vàng ném gà. Khi Bia Nát về, tìm không thấy cục vàng thì òa lên khóc. Thấy vậy, anh đốt thanh liền hỏi:

– Làm sao em khóc?
– Mất cục vàng trong thúng rồi!
– Tưởng thứ gì, chứ thứ ấy thì ở chỗ anh đốt than có nhiều lắm.

Đêm hôm ấy, hai vợi chồng ngủ ngon và sáng mai, khi gà rừng vừa dậy, hai vợ chồng dậy mang gùi ra đi.

Người chồng bảo:

– Em Bia Nát này, anh không biết loại đá ấy quý như thế nào, chỗ anh đốt than có nhiều loại đá ấy lắm.

Đến hang đá, chàng chỉ cho nàng chỗ đá màu vàng. Nàng nhặt vàng bỏ vào gùi mang về. Mang xong chuyến này, hai vợ chồng lại đi gùi chuyến khác cho hết ngày hôm đó. Từ hôm ấy, Bia Nát mang vàng xuống chợ đổi lấy các thứ cần thiết.

Một đêm, nằm ngủ, Bia Nát thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đến bảo:

– Con muốn cho chồng con trở thành người đẹp thì con hãy lấy lúa giã nhỏ, cả trấu cũng giã nhỏ, rồi đem đổ lên chính tàu lá chuối to. Con bảo chồng con nằm lên đống bột. Con phủ kín bột khắp người nó, trừ mắt, mũi, miệng. Đúng ba ngày, ba đêm, con bảo chồng con dậy đi tắm, thế là được.

Sáng hôm sau, Bia Nát làm y như điều trong mộng. Quả nhiên, chồng nàng trở thành một chàng trai đẹp lạ thường. Trong khi chồng đi tắm, Bia Nát đã nhờ chim, nhờ voi trong rừng đến giúp làm xong ngôi nhà. Chồng đi tắm về đã thấy có nhà mới, liền hỏi:

– Ơ em Bia Nát, nhà ai mà đẹp thế?
– Nhà của anh và của em đấy!

Người chồng sung sướng lắm vì suốt đời anh chỉ chui rúc trong túp lều rách. Bây giờ anh mới biết Bia Nát là người tài giỏi. Bia Nát bảo chồng đem vàng chia bớt cho bà con láng giềng để mọi người đổi lấy những đồ cần thiết cho mình.

Bây giờ hai người mới nghĩ đến làm lễ cưới. Bia Nát đi mời bố mẹ và các chị đến, nhưng chẳng ai thuận đi. Bia Nát phải bảo chồng đi mời. Người chồng mặc khố thêu chỉ đỏ, mình khoác chân vàng, cưỡi ngựa trắng đi mời bố mẹ và các chị vợ đến dự lễ cưới. Bố mẹ Bia Nát nhìn thấy chàng, liền bảo:

– A, chồng Bia Nát không phải là một thằng đốt than đâu!

Được con rể và em rể về mời dự đám cưới, cha mẹ và các chị của Bia Nát mừng lắm, nhận lời đi ngay.

Đến nơi thấy vợ chồng Bia Nát giàu có, ai cũng ngạc nhiên. Người mẹ đến bên cạnh con gái hỏi:

– Con còn giận mẹ nữa không?

Nàng không nói gì. Nàng mời mẹ và mọi người lên nhà. Bà mẹ đi sát bên con lại hỏi:

– Chồng con có phải là một thằng đốt than không?
– Đúng rồi! Chồng con là người đốt than đó.

Rồi nàng kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Nghe xong bà mẹ lấy làm xấu hổ và hối hận.

3. Sự tích Con tằm

Ngày xưa, có một người con gái tên là Tơ cha mẹ đều mất sớm, phải đem thân đi ở hầu hạ một bà góa giàu có. Tánh tình của bà chủ nhà ác nghiệt quá đỗi khiến một hôm thị Tơ phải bỏ trốn đi, chạy vào một khu rừng, nghĩ bụng thà chết vào miệng thú dữ còn hơn là ở mãi trong cảnh khốn khổ bị hành hạ hàng ngày. Thị Tơ đi được một quãng khá xa, phần bấy lâu nay ăn uống thiếu thốn đuối sức, phần vất vả băng rừng lội suối, nên ngã ngất nằm trên một tảng đá.

Thần núi ở đấy thấu rõ tình cảnh đáng thương của cô gái hiền lành thơ ngây mới theo dõi che chở.

Khi thị Tơ bừng mắt tỉnh dậy tưởng chừng mình như vừa qua một giấc chiêm bao. Cảnh vật chung quanh khác hẳn lúc nàng ngất đi. Nàng thấy mình nằm ở trong một cái động, rêu trải mềm dịu như nhung, dưới chân một giòng suối đang chảy qua kẽ đá êm đềm như tiếng nhạc. Trước mắt nàng, vừa tầm tay với, vô số những trái cây ngon chín thắm lủng lẳng ở dây leo buông xuống như rèm che cửa động. Đang đói khát sẵn, nàng đưa tay lên hái ăn ngấu nghiến ngon lành.

Sau bữa ăn thanh đạm ấy, trong người nàng cảm thấy khỏe nhẹ khác thường. Thần núi hiện hình một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc bước đến gần nàng. Trông thấy cụ già phúc hậu, thị Tơ vái chào kính cẩn. Ông lão làm ra vẻ ngạc nhiên, hỏi nàng ở đâu đến đây, làm sao lạc lõng một mình giữa rừng núi hoang vắng. Thị Tơ chân thành kể lại đầu đuôi mọi nỗi về kiếp sống đầy đọa của mình. Ông lão lắc đầu tội nghiệp cho nàng rồi khuyên nhủ:

– Cháu trốn như vậy là phải. Cháu cứ ở lại đây, có lẽ được yên thân hơn, có lão trông chừng cho.

– Thưa cụ, cụ là ân nhân của cháu, xin cụ cho cháu được biết cụ ở đâu.

– Cả khu rừng núi này là nhà của lão. Lão sống bằng nghề đốn củi, nên nay đây mai đó luôn. Cháu đừng lo ngại, thỉnh thoảng có lão lại thăm. Nếu có việc gì cần đến lão, cháu cứ tới mỏm đá này gọi “Ông tiều ơi” là có lão đến ngay.

Sáng hôm sau, ông lão trở lại cho thị Tơ một bọc quần áo mới để thay bộ đồ cũ rách nát. Từ đó, thị Tơ sống một cuộc đời thanh thản, tự do, không phải lo đến ngày mai, không buồn rầu nghĩ đến ngày qua. Dần dần chim chóc, các thú trong rừng đến làm quen với nàng, ngày ngày mang lại cho những trái cây ngon ngọt, quý lạ để dùng làm thức ăn. Sống như thế, nhan sắc thị Tơ ngày một rạng rỡ như đóa hoa rừng đang độ tốt tươi.

Vào thuở bấy giờ, ở Thượng giới có một vị thần đam mê khoái lạc, sau khi biến cõi thiên đình thành một chốn trác táng rồi chán những lạc thú trên trời, thần tìm xuống trần gian. Nhờ phép tắc siêu phàm, vị thần biến hóa ra đủ mọi hình dạng để cám dỗ đàn bà con gái nhan sắc. Từ giới thượng lưu cho đến bình dân, thần hiện ra khắp nơi, khi là vị quan trẻ đẹp, tài hoa lỗi lạc, khi là một thanh niên tuấn tú, phong nhã, đa tình, để lôi cuốn bao nhiêu người đẹp vào trong vòng sắc dục. Không một người đàn bà, con gái nào bị để ý đến mà tránh khỏi sức thu hút của thần để khỏi rơi vào vòng đam mê. Thần đã chán chê khoái lạc trong giới thượng lưu xa hoa, một hôm đi tìm lạc thú ở nơi thôn dã, qua khu rừng vắng, không một bóng người, tình cờ gặp cô gái rừng xanh đang nô đùa với bầy chim cùng muông thú. Sau phút sững sờ trước sắc đẹp của thị Tơ, lòng dục bùng cháy lên, thần mon men rẽ lá tiến lại định vồ lấy người đẹp. Một tiếng chim kêu thất thanh, cả cô gái cùng muông thú vội vàng bỏ chạy trước người lạ, thần ra sức đuổi theo. Thị Tơ quen sống giữa thiên nhiên đã trở nên nhanh nhẹn khác thường, chạy đi như gió, thần bèn giở phép phóng theo. Trong lúc thần sắp chụp được thì con nai lớn đến quỳ xuống cho thị Tơ leo lên lưng mà thoát khỏi tay dâm thần.

Nai đưa tới động, thị Tơ sợ hãi không dám bước ra ngoài nữa. Nàng trèo lên mỏm đá, gọi “Ông tiều ơi” ba lần thì thấy ông lão hiện ra. Ông lão căn dặn nàng cẩn thận và trao cho nàng một chiếc vòng ngọc, đeo vào tay có thể muốn tàng hình lúc nào cũng được. Nhờ thế mà nàng tránh khỏi sự săn đón của vị thần muốn chiếm đoạt nàng.

Thấy công đeo đuổi của mình không có kết quả, thua trí một sơn nữ, thần nổi giận thề quyết bắt nàng cho kỳ được. Nhờ phép siêu phàm, thần giăng một sợi lưới rộng lớn với những sợ chỉ thật nhỏ và thật chắc bao vây cả khu rừng. Cô gái không dè nên bị mắc vào lưới, may nhờ một con bạch tượng dùng ngà đâm thủng, cứu thoát nàng một lần nữa. Nàng gọi đến ông tiều. Ông lão lão hiện ra khuyên nàng lần sau có bị vướng lưới thì kêu đến tên Phật Bà Quan Âm.

Vì sợ mắc bẫy nên đã lâu thị Tơ không dám ra khỏi động. Nhưng rồi lòng ham muốn tự do chạy nhảy lại thúc giục nàng đi. Lần này nàng hướng về phía khác để tránh sự theo dõi của vị thần si tình. Song nhờ phép thần thông, vị thần biết được giờ nàng đi và nơi nàng đến, nên giăng lưới trước bắt được. Nhớ lời ông lão dặn, nàng kêu đến tên Phật Bà Quan Âm, thì nhiệm màu thay, tất cả các sợi chỉ lưới đều rút gọn lại thu tròn bằng một hạt đậu lạc. Trong lúc nàng mở miệng gọi đến lần thứ hai thì trái chỉ theo hơi nàng thở hút vào trong bụng.

Thấy phép tắc thần thông bị một cô gái thu mất, lòng tự ái của thiên thần bị kẻ phàm trần trêu ngươi quá đỗi, vị thần nổi trận lôi đình nghĩ cách trả thù. Lập tức thần nhắn gọi ngay Thiên Lôi ở dưới quyền mình trước kia đến. Thần Sét rủ các bạn, thần Gió, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, cùng đến ra mắt. Vị thần mê gái liền nhờ Thiên Lôi giúp mình đánh cho tan tành quần áo cô gái đang nô đùa với bầy thú giữa rừng kia, song đừng làm hại đến người nàng. Thần Sét vâng lời, rồi chỉ trong nháy mắt, giữa lúc cô gái đang vuốt ve mấy con nai con bên giòng suối, thì mây đen kéo đến kín trời, gió nổi lên dữ dội, sấm dậy ầm ầm, chớp nhoáng chằng chịt, mưa tuôn xối xả. Thị Tơ bỏ chạy về động, bỗng một tiếng sét nổ vang trời, rung chuyển cả núi rừng nhắm bổ xuống người nàng. Thị Tơ không hề hấn gì, song lớp quần áo che đậy người nàng đã tan biến đâu mất. Vị thần đứng trên một mỏm đá cao chứng kiến cảnh tượng ấy, phá lên cười đắc thắng, rồi sôi nổi chạy về phía người đẹp.

Nhưng thần lại phải thất vọng một lần nữa, vì chiếc vòng ngọc đeo ở tay đã giúp cho thị Tơ thành ra vô hình.
Đêm xuống, thị Tơ khó nhọc lần mò về đến trong động. Nàng thẹn thùng với tất cả chung quanh, tưởng chừng như vật gì cũng có mắt đang tò mò nhìn mình. Trần truồng, nàng không dám gọi đến ông lão hay lũ thú rừng quen biết đến cứu giúp. Nàng lui vào cuối động, rét run lẩy bẩy. Tấm lưới thần đã nuốt vào bụng làm cho nàng khó chịu, nôn ra, thành một đống chỉ mềm dịu, bền chắc. Lạnh quá, nàng lấy quấn vào người làm một thứ mền đắp ấm áp. Thế rồi nàng dần dần tắt thở trong cái ổ chỉ êm dịu ấy. Trước khi linh hồn rời khỏi thể xác, nàng thành khẩn nghĩ đến những kẻ nghèo nàn, khốn khổ, thiếu quần áo che thân, phải chết lạnh lẽo như nàng, tự nguyện sẽ giúp cho họ may mặc, đem những sợi chỉ này dệt thành quần áo. Vì thế mà nàng chết đi hóa thành con tằm.

Để thực hiện lời nguyện ước, hồn nàng mang theo đống chỉ tơ đến giăng ở ngọn cây dâu trong vườn Thượng uyển, nơi hoàng hậu cùng vua thường ngự tới mỗi chiều. Khi hoàng hậu ngang qua, hồn nàng mới nhả ra các sợi tơ vàng óng ánh tung bay cho gió mơn man. Hoàng hậu ngạc nhiên hứng lấy, thấy chỉ tơ đẹp, ánh vàng, mềm dịu, bứt thử mới hay là sợi tơ trông mong manh mà dẻo chắc lạ thường. Dâng lên vua xem, hoàng hậu ước mong được mặc một chiếc áo dệt bằng những sợi tơ vàng đẹp ấy.

Nỗi mong ước của hoàng hậu được nhà vua sai thực hiện. Tất cả những sợi tơ vàng trong vườn ngự uyển đều được thu góp lại, bao nhiêu thợ dệt tài giỏi trong nước được triệu vào cung, rồi chẳng mấy chốc, một tấm lụa vàng cực kỳ mềm dịu, bền chắc, rạng rỡ dâng lên trước mắt vua. Hoàng hậu vui mừng sai cắt ngay cho mình một chiếc áo dài, để hôm sau ra triều ngự cạnh vua. Cả triều sửng sốt trước vẻ đẹp của chiếc áo hàng mới làm tăng thêm bội phần nhan sắc của người mặc. Vua mới cho triều thần hay là chính hoàng hậu đã khám phá ra thứ chỉ tơ quý lạ đó, và cho phép các quan cùng nhà giàu có trong nước được bắt chước hoàng hậu may mặc thứ hàng mới kia.

Từ đó nghề trồng dâu, nuôi tằm bắt đầu nẩy nở, đáp lại nguyện vọng thiết tha của cô gái quê mùa thị Tơ.

4. Vụ kiện châu chấu

Ngày ấy có một con châu chấu mải mê kiếm ăn lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần. – “Ta cứ bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm”. Nghĩ vậy, chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng, không ngờ nó lại lọt được vào nhà chim ri. Ðến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:

– Ðêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi!

Thấy chim ri mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:

– Tôi là chấu đây!… Ðêm lạnh quá… Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy đi ngay.

– Nhà rách nát lại chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú đi tìm nơi khác đi!

Nhưng chấu vẫn kêu nài:

– Cho ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.

Nghe nói, chim ri mẹ thương hại, bèn đáp:

– Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.

Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim ri. Chỉ một chốc sau, chấu cũng như chim ri ai nấy đều ngon giấc.

Ðang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu “tác” bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim ri dặn, duỗi thẳng đôi cẳng dài thượt của nó. Nhà chim ri vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm kêu răng rắc:

– Ôi chao! Ðổ mất, đổ mất.

Chim ri mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn đi mất.

Tức giận vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:

– Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?

Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:

– Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.

Thấy châu chấu tình thực nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:

– Nhà đổ, con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?

Nai vội vàng trả lời:

– Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi xuống trúng vào mặt làm cho tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.

Nghe nai bày tỏ có lý, Bụt lại quay sang hỏi cây na:

– Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà người ta. Ngươi đã biết tội chưa?

Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:

– Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!

Ðến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:

– Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim ri. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.

Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:

– Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất là kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây. Chẳng có gì nhét vào bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na xanh cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay là con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.

Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng vịt để đền ơn. Vì thế mấy hôm nay gà được no bụng. Nhưng khi nghe Bụt buộc tội vì đã gây tai vạ cho chim ri, gà đớ người không biết tìm câu gì để chống chế vì khu vực này không phải là quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt sai giam lại.

Bầy con của gà có bốn con mái, một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng. Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở qua thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mẹ quá, tranh đi trước. Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm dế nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mẹ được tha nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm mẹ nó. Khi nghe mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao bị Bụt bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:

– Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con thật quả oan ức.

Bụt chau mày hỏi:

– Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ mày cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mặt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim ri và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ mày, mày còn kêu oan nỗi gì.

Gà trống con lễ phép thưa:

– Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con. Riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa. Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi kiếm thức ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!

Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.

Thấy gà trống bé người mà khôn ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế.

5. Gái ngoan dạy chồng

Ngày xưa có một người đàn ông giàu, vợ chết sớm, chỉ có một người con trai. Đứa con xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả.

Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền, biết rằng của cải của mình sẽ có một ngày đội nón ra đi mà thôi. Bởi vậy, ông bèn tính chuyện kiếm cho con một người vợ khôn ngoan đảm đang, để may ra nó sẽ ngăn chặn tay chồng, bảo vệ một phần nào cơ nghiệp.

Nghĩ vậy, ông cất công đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng đi đã nhiều nơi mà vẫn chưa thấy một người nào vừa ý.

Một hôm, đến một vùng kia, nhân mỏi chân, ông nghỉ lại một gốc đa bên đường. Ông bỗng thấy ở một cây táo gần đấy có một bọn trẻ đang tranh nhau trẩy ăn . Một chốc sau, một cô gái tuổi chừng đôi tám, cũng đến hái táo. Ông mới lân la lại gần hỏi xin ăn .

Lúc này, táo chín đã bị bọn người trước hái hết, chỉ còn những quả xanh, nhưng cô gái cũng cố chọn lấy những quả ương ương đưa cho khách.

Thấy cô gái tốt bụng, ông ta nghĩ : “Sởi lởi, trời gởi của cho, quăn co, trời gò của lại. Chỉ có người nào tốt bụng với mọi người mới xứng đáng được hưởng giàu có sung sướng”.

Bởi vậy, ông mới tìm đến nhà cô gái, giả làm một người lỡ độ đường, xin nghỉ trọ một tối. Và rồi ông được gia đình cô gái ân cần tiếp đãi.

Để thử xem cô gái có khôn ngoan không, ông lân la làm quen với nàng. Khi biết cô sắp đi chợ, ông đưa ra một quan tiền nhờ mua hộ cho mình “một nắm gió, một bó lửa”. Cô gái chẳng nói chẳng rằng, mua về cho ông một cái quạt và một con dao đánh lửa. Thấy thế, ông thầm khen ngợi, nhưng vẫn định thử thêm cho biết.

Qua ngày hôm sau, ông dậy sớm, giở tay nải đưa cho cô mấy bát gạo nếp, nhờ nàng thổi giúp cho mình một nồi vừa cơm vừa bánh để ăn và đem đi ăn đường. Cô gái không từ chối, vội lấy gạo ra vo . Trước khi cho vào nồi, nàng bớt lại một ít giã làm bột vắt bánh rồi hấp luôn vào cơm . Khi nàng bưng ra, ông già lấy làm vừa ý, cho là con người đó đủ cả đức hạnh, khôn ngoan, đảm đang ít có. Bèn quyết định trở về sửa soạn lễ hỏi cho con trai làm vợ.

Đứa con trai của ông từ ngày có vợ lại càng lêu lổng ; hắn thường bỏ nhà đi đánh đàn, đánh đúm với bọn vô lại, làm cho ông hết sức buồn. Và điều làm ông lo lắng nhất là hắn thỉnh thoảng lại trộm tiền của ông, khi dăm bảy quan, khi một vài vác, tung vào cuộc đỏ đen . Mặc dù ông đánh đập, mặc dù vợ hắn khuyên lơn, nhưng hắn chứng nào vẫn tật ấy. Dần dần ông buồn phiền thành bệnh. Một hôm, biết mình sắp chết, ông gọi con dâu đến bên giường dặn nhỏ :

– Này cha đã gần đất xa trờị Chồng con là một thằng “Phá gia chi tử”, cơ nghiệp này chỉ còn một sớm một chiều mà thôi . Cha rất thương con xấu số. Từ lâu cha làm ăn dành dụm, có để được một hũ vàng chôn ở sau vườn. Vậy cha cho riêng con hũ vàng đó, đừng cho chồng con biết. Sau này chồng con có thật sự ăn năn thì giúp cho nó làm lại cuộc đờị

Đứa con trai ông sau khi người cha qua đời, lại càng chơi bời mặc sức. Vợ hết khuyên lơn đến cầu khẩn, hắn chẳng những đã không nghe lại còn phũ phàng với vợ. Mỗi lần thua bạc, hai người lại càng xô xát. Nhiều lần vì vợ cản trở, hắn đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi ngườị Một hôm để khỏi vướng, hắn viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa.

Từ đó, hắn phỉ chí tung hoành không một ai dám cản. Quả như lời đoán của bố hắn, mấy chục mẫu ruộng đều lần lượt “nướng” vào sòng bạc. Hết ruộng vườn tới nhà ở, chẳng bao lâu tất cả cơ nghiệp mấy đời lưu truyền lại đều sạch sành sanh . Cuối cùng không một đồng dính túi, không một nghề cầm tay, hắn đành bỏ làng mạc quê quán, đi lang thang khắp đầu đường xó chợ, ngửa tay xin ăn qua ngày.

Còn về người đàn bà sau khi bị chồng đuổi, mới đổi tên, tìm đến trấn thành mở một ngôi hàng nước. Sau ít lâu, kiếm được một số nhỏ, nàng bắt đầu buôn hàng tấm. Số vốn của nàng ngày một lớn dần. Một hôm, gặp hai em bé gái mồ côi đi ăn xin, nàng thương tình đưa về nuôi làm con, coi như ruột thịt. Cuộc đời dần dần nở hoa trước mắt nàng. Trong một dịp đi tìm kiếm củi, hai con nàng nhặt được một khúc gỗ mục, về chẻ ra thấy có mấy thoi vàng. Có vốn lớn lại có tài kinh doanh, nên chẳng bao lâu, nàng trở nên giàu có, nổi tiếng trong trấn. Tiền bạc tuôn về như nước. Tuy sống sung sướng nhưng nàng vẫn ở một thân một mình. Thấy nàng giàu có, nhiều kẻ ngấp nghé muốn thành hôn, nhưng người đàn bà ấy nhất thiết từ chối mọi lời đường mật. Mặc dù người chồng bạc bẽo và mặc dầu mười lăm năm xa cách, nàng vẫn không quên được tình xưa nghĩa cũ. Đã nhiều lần nàng thuê người lần đi các chợ búa phố phường dò hỏi nhưng tin tức của chồng càng hỏi, càng bặt tăm .

Năm ấy, sau mấy tháng hạn, lúa khoai chết mòn trên những cánh đồng nứt nẻ. Giá gạo cứ lên vùn vụt. Ngoài đường, người đi xin ăn kéo từng đoàn. Người đàn bà lúc này đã là bà chủ tiệm. Bà xin phép quan trên cho mình đem tiền gạo ra phát chẩn cho kẻ khó. Làm như thế, nàng còn mong một khi thấy yết thị dán khắp thôn xóm thì chồng mình tất sẽ lần mò về, nếu hắn còn sống. Y như thế thật, ngày bắt đầu phát, nàng đã thấy bóng dáng của chồng ngồi ở hàng cuối đội quân lĩnh chẩn. Đúng là hắn. Từ ngày bắt đầu cầm bị gậy đến nay, hắn vẫn chưa có cách gì để sống khá hơn và đỡ hèn hạ hơn trước. Bây giờ nghe nói có phát chẩn, hắn vội mò đến đây và ngồi đầu hàng về phía trái. Thế nhưng khi phát, những người giúp việc cho bà chủ hiệu lại được lệnh phát từ phía phải trước. Khi sắp sửa đến lượt hắn thì bọn họ tự nhiên nói lớn :

– Hôm nay đã hết gạo, mời bà con về đợi đến ngày mai !

Hắn buồn bực trở ra . Qua ngày sau, hắn cố tìm đến thật sớm, ngồi vào đầu hàng bên phải. Nhưng hắn không ngờ, những người phát chẩn hôm nay lại bắt đầu phát từ phía bên kia . Lúc sắp phát đến hắn thì chúng lại giơ thúng không lên :

– Hôm nay thế là lại hết gạọ Bà con hãy đợi đến mai .

Hắn thở than cho số đen đủi, lần trở ra về. Qua hôm sau, lại mò đến thật sớm. Lần này hắn len vào ngồi đúng chính giữa đội quân lĩnh chẩn. Trong bụng hắn nghĩ lần nầy thì không để mất phần được. Nhưng đến giờ phát, hắn không ngờ người nhà của bà chủ hiệu hôm nay lại phát hai đầu phát lại và cuối cùng người không được gì cả, vẫn lại là hắn. Ba lần hỏng cả ba, hắn rất ngao ngán, bèn đánh liều tìm đến dinh cơ bà chủ để xin ăn . Gặp hai đứa con gái nuôi của vợ, hắn ngả nón kêu van hết lời. Ở trong nhà người đàn bà nhìn ra biết là chồng, đã do mưu của mình mà đến đây, bèn sai người hầu ra hỏi, xem hắn có biết làm việc gì không để thuê mượn. Nghe hỏi thế, hắn vội trả lời :

– Xin ông bẩm với bà lớn rủ lòng thương, cho tôi được ở hầu bà, rửa bát, quét nhà, mọi việc tôi đều xin hết sức. Chỉ cho tôi ăn ba miếng là đủ rồi !

Người nhà trở ra cho hắn biết bà chủ nhận lời. Từ đó, hắn chăm chỉ làm lụng, cố làm vừa lòng chủ. Nhưng chung quy hắn vẫn không biết chủ chính là vợ cũ của mình. Về phần người vợ cũng không hề để lộ một tí cho hắn biết, chỉ dặn hai con và người nhà đối đãi tử tế mà thôi . Sau một thời gian, thấy hắn chịu khó làm ăn, người đàn bà mừng lắm. Một hôm nàng cho gọi hắn lên nhà hỏi xem có biết chữ nghĩa gì không ! Hắn đáp :

– Tôi lúc nhỏ được đi học có biết ít nhiềụ

– Vậy từ mai trở đi, anh không hầu hạ nữa, cho anh ở gian nhà khách dạy đám trẻ học tôi sẽ trả mỗi năm ba mươi quan tiền.

Nghe nói, hắn tưởng không có gì sung sướng hơn thế nữa, cảm thấy lòng nhân đức của bà chủ đối với mình bằng trời bằng biển, vội nhận lời ngay . Từ đó, hắn đóng vai thầy đồ cố sức làm cho chủ tin cậy. Nhưng người vợ vẫn thử mãi không thôi .

Một lần, gặp ngày tết, bà chủ sai lấy tiền ra cho kẻ hầu người hạ. Nàng nói :

– Ta cho mỗi người năm quan, hãy mang đi đánh bạc cho vui, nếu hết sẽ cho thêm . Thầy đồ ta cũng được năm quan tiền. Nhưng trong khi mọi người đem tiền nướng vào xóc đĩa, bài mười, thì trái lại, hắn mang nguyên vẹn số tiền đó về gửi cho chủ. Bà chủ hỏi :

– Tại sao anh không thích đánh bạc ? Hắn trả lời :

– Bẩm bà, tôi ngày xưa, vì cờ bạc mà đến nông nỗi này. Cho nên bây giờ buộc chỉ cổ tay thề rằng không đụng đến nó.

Thế rồi luôn miệng, hắn kể hết cho chủ nghe, từ cuộc đời cũ có ruộng nhiều, có vợ ngoan như thế nào, rồi bán ruộng đuổi vợ ra sao, cho đến lang thang đói rách, và ngày nay đã ăn năn hối lỗi v.v… Bà chủ hỏi :

– Anh còn thương vợ nữa không ? Hắn rầu rĩ :

– Tôi đã nhiều lần dò tìm mà không thấỵ

– Nghe anh nói tôi rất thương tình. Vậy tôi cho anh năm quan để anh đi tìm vợ. Nếu hết tiền mà vẫn chưa thấy, anh cứ về đây, tôi sẽ cho thêm mà tìm cho ra.

Hắn mừng rỡ vâng vâng, dạ dạ, mang tiền đi tìm. Nhưng sau ba tháng trở về với bộ mặt thiểu não, hắn cho chủ biết không hề thấy tung tích đâu cả, chắc là vợ hắn đã chết.

Từ đấy, vợ thấy chồng chí tình, lại có lòng tu tỉnh, nên rất mừng. Nhưng nàng vẫn chưa ra mặt vội, chỉ an ủi hắn hãy ở lại đây, may ra sẽ có ngày hội ngộ.

Một hôm, nhân ngày giỗ cha chồng, bà chủ nhờ thầy đồ chép bài văn tế. Hắn ta ngạc nhiên và bội phần mừng rỡ khi thấy bài vị của tổ tiên nhà chủ chính là bài vị tổ tiên mình. Lập tức, hai vợ chồng ôm nhau khóc lóc. Rồi sau khi cúng xong, họ mời làng xóm và người nhà ngồi lại kể rõ sự tình. Ai nấy đều cho là một cuộc tái ngộ hiếm có.

Về sau, hai vợ chồng dựng vợ gả chồng cho hai con nuôi, giao cửa hiệu lại cho chúng cai quản. Sau đấy, họ dắt nhau trở về quê hương xưa, chuộc lại vườn tược nhà cửa cũ. Và sau khi đã sống yên ổn ở quê nhà, vợ mới sai đào hũ vàng bố chồng cho mình ngày xưa lên . Nàng nói :

– Có vàng chưa chắc đã có hạnh phúc. Cho nên trong những cơn túng thiếu nhất, tôi vẫn không cần đến nó.

Nói đoạn, đem số vàng ấy cúng cho đền chùa để bố thí cho người nghèo. Từ đấy, hai vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc. Câu tục ngữ : “Làm trai rửa bát quét nhà. Vợ gọi thì ‘Dạ bẩm bà tôi đây!'” là do chuyện này mà ra.

6. Sự tích cây ngô

Năm ấy, trời hạn hán. Cây cối chết khô vì thiếu nước, bản làng xơ xác vì đói khát. Nhiều người phải bỏ bản ra đi tìm nơi ở mới. Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ốm đau liên miên và cậu con trai lên 7 tuổi. Cậu bé tên là Aưm, có nước da đen nhẫy và mái tóc vàng hoe. Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Hằng này, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ. Nhưng trời ngày càng hạn hán hơn. Có những lần cậu đi cả ngày mà vẫn không tìm được thứ gì để ăn.Một hôm, vừa đói vừa mệt cậu thiếp đi bên bờ suối. Trong mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ vào tay Aưm rồi vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẩn ở trên tay. Ngạc nhiên, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì thấy phía trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm tỉa một hạt bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà.

Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đã đói lả, Aưm vội tỉa những hạt lạ đó mang giã và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ dần dần tỉnh lại, âu yến nhìn đứa con hiếu thảo. Còn lại ít hạt, Aưm đem gieo vào mảnh đất trước sân nhà. Hằng ngày, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ. Nhiều hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn dành một gáo nước để tưới cho cây. Được chăm sóc tốt nên cây lớn rất nhanh, vươn những lá dài xanh mướt. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, kết quả.

Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ. Aưm hái những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng thơm thảo của Aưm, dân bản lấy tên câu bé đặt tên cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó, những người dân Pako không còn lo thiếu đói nữa.

7. Sự tích con bọ hung

Ngày xưa trời ở thấp lắm, thấp đến mức người trần gian giơ chày lên giã gạo cũng chạm vào bụng.

Người trần gian lại ngày một ngày đông, sáng tinh mơ đã thi nhau giã gạo có khi đâm vào bụng trời ngay cả lúc trời còn đang say sưa trong giấc ngủ. Vào những ngày tết nhất, đến khuya người ta vẫn còn giã gạo, trời buồn ngủ lắm mà bụng vẫn cứ bị những nhát chày thúc vào đau điếng.

Nhà trời tức lắm không biết làm thế nào, bèn ra lệnh cho trần gian bớt ăn đi, may ra mới có thể yên thân được. Thế là nhà trời gọi bọ hung đến để truyền đi xuống trần gian.

– Ngươi hãy xuống truyền lệnh cho người trần gian rằng từ nay trở đi ba ngày mới được ăn một bữa, mỗi bữa chỉ được ăn ba chén (bát) cơm.

Bọ hung vốn đãng trí, cứ nói trước quên sau. Đi bao lần truyền sai lệnh bị nhà trời quở phạt. Nhưng được cái tính ngoan ngoãn, hễ nhà trời sai thì làm ngay. Lần này bọ hung nhất quyết không truyền sai lệnh nữa. Nên vừa ra khỏi cửa là luôn mồm lẩm bẩm : “Ba ngày ăn một bữa, mỗi bữa chỉ được ăn ba chén …”

Bọ Hung cứ thế mà đi từ trên trời xuống trần gian. Một chàng nông dân đi cấy, thấy bọ hung lẩm bẩm cái gì đấy liền lắng tai nghe. Rồi anh ta nấp vào sau bụi cây, khi bọ hung đi qua liền hét lên một tiếng. Bọ hung giật bắn người vì bất ngờ quên khuấy câu mình đang nói. Bọ Hung tức giận định cãi nhau với anh nông dân nhưng trước hết phải nhớ mình đang nói là gì đã, nghĩ mãi không ra, anh kia bèn nhắc :

– Có gì đâu, mày đang nói : “Một ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt thì không kể”

Bọ hung mừng rối rít quên cả việc định đôi co với anh chàng kia và cứ tiếp tục đi.

“Ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt thì không kể …”

Nghe nói có bọ hung mang lệnh nhà trời xuống, vua tôi trần gian ra để nhận chiếu chỉ. Khi nghe bọ hung nói :

– “Ngày ăn ba bữa …”

Vua tôi trần gian nghe hoảng quá, ăn nhiều như vậy thì làm bao nhiêu cho đủ. Trước ăn mỗi ngày có hai bữa đã phải giã gạo làm trời đất mất ăn mất ngủ, kỳ này chắc nhà trời càng quở trách ta đây chăng.

Bọ hung truyền lệnh xong liền trở lại về trời. Nhà trời thấy từ ngày ra lệnh cho người trần gian ăn ít đi, mà sao lại giã gạo nhiều hơn trước, lấy làm lạ bèn triệu vua trần gian lên hỏi nguyên do.

Vua trần gian kể lại khi nhận lệnh các quận thần đều đến đông đủ để nghe chiếu chỉ của nhà trời do bọ hung truyền xuống là phải ăn nhiều hơn trước. Bấy giờ nhà trời mới vỡ lẽ việc bọ hung truyền sai lệnh. Nhà trời tức quá liền cho gọi bọ hung đến đánh cho một trận. Sau đó, cắm cái xẻng vào đầu để đi làm nghề xúc phân. Từ đó bọ hung phải đi hốt phân không kể đêm ngày.Lệnh đã truyền đi, không thu lại được nữa, dân chúng hạ giới ngày đêm giã gạo không ngơi tay. Nhà trời mất ăn mất ngủ liên miên đành phải chuyển lên thật cao để con người không còn đụng chạm tới nữa.

8. Sinh con rồi mới sinh cha

Xưa có 2 người ở tỉnh xa cùng đi lính với nhau và sống với nhau rất thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà thì một người làm nên giầu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm thấy bạn nghèo khổ, liền đưa cho vay 10 lạng bạc để làm vốn.Cách đã mấy năm không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng, bạn ta có lẽ vẫn còn túng, nên chưa có tiền trả ta. Bây giờ ta sang thăm anh ta, và đem thêm 10 lạng bạc, nếu anh còn nghèo đói, thì ta giúp anh lần nữa, nghĩ vậy rồi ra đi.

Khi vừa đến cổng, thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự, thì người bạn đem bạc giấu ở trên đầu cổng, rồi mới vào nhà.

Vợ chồng bạn thấy mặt, nghĩ là sang đòi nợ, mời vào nhà thiết đãi ăn uống tử tế, rồi lập mưu đợi đến đêm khuya, giết đi, đem xác chôn dưới cây khế.

Ít lâu sau, cây khế chỉ sinh được một trái to lắm. Người vợ trông thích mắt hái xuống ăn. Ăn rồi thụ thai, đủ ngày đủ tháng, sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng phải cái tật không biết nói.

Hai vợ chồng lấy làm buồn bực. Một hôm phàn nàn với nhau rằng: “Nhà ta giàu có không thiếu thốn gì, Trời cho sinh được một mụn con thì Trời lại bắt nó phải cái tật câm. Rõ người có năm có mười thì tốt, mình chỉ có một thì lại vô duyên”.

Đứa con nghe thấy cha mẹ than thở, tự nhiên bật nói ra rằng:

– Bố mẹ cho mời quan huyện qua đây chơi với con, rồi con nói cho bố mẹ nghe.

Hai vợ chồng lấy làm quái lạ, hỏi gặng nó mãi, thì nó lại câm như trước, không nói gì nữa.

Vợ chồng bàn bạc với nhau thử chiều ý con xem sao, liền đem lễ vật lên huyện, kể chuyện đầu đuôi và mời quan tới nhà chơi. Quan bằng lòng đi một chuyến xem sao. Khi đến nhà, liền cho lính gọi thằng bé câm ra và hỏi:

– Tại sao mày không chịu nói, để bố mẹ phải lên trình với ta?

Thằng bé ra, lễ phép cúi lạy quan lớn, rồi thưa rõ ràng rằng:

– Quan đã đến đây, xin quan soi xét kẻo con bị oan lắm. nguyên con với anh này, nó chỉ vào ông bố, xưa đi lính làm bạn với nhau rất thân, lúc mãn lính, anh em trở về làm ăn, con thấy anh nghèo, giúp 10 lạng bạc để anh làm vốn. Sau con lại đem 10 lạng nữa đến thăm, thấy anh đã giàu, con giấu 10 lạng bạc ngoài cổng rồi vào nhà, đêm đến 2 vợ chồng anh giết con, chôn dưới gốc cây khế…Hồn con nhập vào quả khế, vợ anh ăn vào rồi sinh ra con. Xin quan cho đào gốc khế, coi trên mái cổng xem có thật không?

Quan sai lính làm như lời khai, thấy thật như vậy. Vợ chồng hết đường chối cãi, thú nhận hết tội mình đã làm bậy. Quan phê án trị tội cả hai vợ chồng. Thằng bé lạy quan xong trở về nhà cũ.

Về tới nhà tính ra, đã biệt tích 20 năm. Khi đi vợ mới có thai, bây giờ con đã có cháu.

Bởi chuyện này nên có câu rằng:

Tham vàng phụ nghĩa cố nhân,

Oan hồn, hồn hiện, trời gần chẳng xa,

Sinh con rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

9. Sự tích chú Cuội cung trăng

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.

Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.

Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.

Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.

Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.

Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.

Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….

10. Sự tích con Muỗi

Ngày xưa, có một người nông dân hiền lành tên là Ngọc Tâm, có một người vợ xinh đẹp tên là Nhan Diệp. Khác hẳn với tính tình đơn giản của chồng, quanh năm chăm chú làm ăn, người vợ lười biếng xa hoa, chỉ lo thỏa thê sung sướng.

Trong lúc hai vợ chồng tưởng chung sống với nhau đến răng long đầu bạc, thì Nhan Diệp bỗng lăn ra chết.

Người chồng đau đớn quá, không muốn rời xa xác vợ, bèn bán hết tài sản, mua một chiếc thuyền chở quan tài vợ thả bồng bềnh trên mặt nước.

Một buổi sớm mai thuyền đi đến dưới chân một ngọn núi cỏ cây ngào ngạt, Ngọc Tâm lên bờ thấy đủ các kỳ hoa dị thảo, cây cối nặng trĩu trái thì lấy làm lạ bèn phăng lần lên cao. Lưng chừng núi, Ngọc Tâm gặp một ông lão tướng mạo phương phi, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc đang lần bước. Thấy người có vẻ tiên phong đạo cốt, đoán chừng là thần tiên ở núi Thiên Thai xuất hiện, Ngọc Tâm bèn sụp lạy, rồi thiết tha xin cứu tử hoàn sinh cho người vợ thương yêu.

Vị thần thương hại nhìn Ngọc Tâm hồi lâu rồi nói:

– Ngươi còn nặng lòng vương vấn trần ai, chưa thoát được vòng tục lụy… Ta có thể giúp cho ngươi đạt ước vọng song về sau ngươi đừng có lấy làm ân hận!

Ngọc Tâm theo lời vị thần, dở nắp quan tài vợ ra, chích đầu ngón tay mình nhỏ ba giọt máu vào thi thể Nhan Diệp, thì người đàn bà từ từ mở mắt ra, rồi ngồi lên như sau một giấc ngủ dài.

Trước khi từ giã, vị thần bảo người đàn bà vừa sống lại:

– Đừng quên bổn phận của người vợ… Hãy luôn luôn nghĩ đến lòng thương yêu chung thủy của chồng… Chúc cho hai vợ chồng được sung sướng.

Trên đường về quê, người chồng hối hả giục thuyền đi mau. Một tối thuyền ghé bến, Ngọc Tâm lên bờ mua sắm thức ăn. Trong lúc đó, có một chiếc thuyền buôn lớn đậu sát bên cạnh, chủ nhân là tay lái buôn giàu có chú ý đến nhan sắc lộng lẫy của Nhan Diệp. Hắn gợi chuyện, mời Nhan Diệp qua thuyền mình dùng trà rồi ra lệnh cho bạn thuyền dong hết buồm chạy.

Ngọc Tâm quay về thấy mất vợ, bỏ cả ăn ngủ, ngày đêm đi tìm kiếm, một tháng sau mới gặp. Nhưng người đàn bà đã quen với lối sống xa hoa bên cạnh tay lái buôn giàu có, quên cả tình cũ nghĩa xưa. Thấy rõ bộ mặt thật của vợ, Ngọc Tâm như tỉnh cơn mê, bảo Nhan Diệp:

– Mình được tự do bỏ tôi song tôi không muốn mình còn lưu giữ kỷ niệm gì của tôi nữa, vậy hãy trả lại ba giọt máu của tôi đã nhỏ ra để cứu mình sống lại.

Nhan Diệp thấy được ra đi dứt khoát dễ dàng như thế, vội vàng lấy dao chích đầu ngón tay, nhưng máu vừa bắt đầu nhỏ giọt thì nàng ngã lăn ra chết.

Người đàn bà nông nổi, phụ bạc chết vẫn còn luyến tiếc cõi đời nên hóa kiếp thành một vật nhỏ, ngày đêm đuổi theo Ngọc Tâm, tìm cách ăn cắp ba giọt máu để trở lại làm người. Con vật này luôn luôn kêu than với chồng cũ, như van lơn, như oán hận, như tiếc thương, ngày đêm o o không ngừng. Về sau giống này sinh sôi nẩy nở rất nhiều, người ta đặt tên nó là con muỗi. Vì ghét kẻ phụ bạc, nên mỗi lần muỗi lại gần, người ta không tiếc tay đập cho nó chết.

11. Sự tích cây chuối

Ngày xưa, rất xưa, cứ ba năm một lần. Thần Cây lại mở cuộc thi cây. Các con của Thần, cứ ba năm một lần, lại mang về những giống cây mới để Thần chấm giải. Lần thi ấy, người con út của Thần Cây tên là Tiêu Lá vừa lấy vợ và Sinh được đứa con trai đầu lòng rất xinh đẹp. Tiêu Lá yêu quý con, suốt ngày cứ ngắm nó mãi không chán. Một hôm, đang ngắm con, Tiêu Lá bỗng nảy ra cái ý định sẽ tạo nên một giống cây vừa bụ bẫm và xinh đẹp như con vừa có thể cho con nhiều thứ vui chơi và có quả ngon thơm nuôi con chóng lớn. Tiêu Lá nghĩ ra một giống cây hoàn toàn mới lạ. Thân của nó sẽ tròn trĩnh như tay chân của con, mát mẻ như da thịt của con. Lá của nó sẽ không nhiều nhưng rất to và nhìn giống như những cái lông chim khổng lồ buộc túm lại xòe ra bốn phía. Lên năm, lên sáu, con có thể bẻ từng lá che đầu đi chơi không sợ mưa, không sợ nắng. Quả của cây sẽ giống như ngón tay con trẻ và sẽ xếp thành dài dọc theo sống lá. Đến lúc chín quả sẽ thơm ngọt như có mùi sữa và mật quyện vào nhau. Con lớn lên chỉ cần với tay là hái được quả, bóc lấy mà ăn.

Nhưng có một điều đáng lo ngại là năm đó tự nhiên có một con chim ác xuất hiện. Nó to lớn, lông rằn ri như vảy rắn. Từ một nơi nào đó rất xa bay đến, nó chuyên lấy cắp những hạt giống của các thứ cây quý rồi bay đi. Vậy thì làm thế nào để cho giống cây mới của mình không bị con chim ác kia đánh cắp được? Tiêu Lá bèn nghĩ ra cách không cho giống cây mới Sinh ra cây con bằng hạt mà Sinh ra từ gốc, từ củ. Để trêu con chim ác, Tiêu Lá vẫn cho quả giống cây có hạt, nhưng hạt ấy dù có gieo xuống đất, có chăm sóc mấy, nó cũng chẳng bao giờ nảy mầm và Sinh ra cây con.

Con chim ác hình như đoán biết điều ấy. Nó bèn tìm cách phá hoại cây. Những quả đầu tiên của giống cây quý Tiêu Lá đã tạo nên, vừa đón đủ nắng để chín thì con chim ác đã bay tới. Nó chỉ bay tới trong đêm. Cái mỏ to quặm và sắc nhọn của nó mổ phá ngay những quả quý của Tiêu Lá. Tiêu Lá giận lắm. Đêm đến, Tiêu Lá cứ thức và rình chộp bắt cho được con chim ác nọ. Nhưng nó cũng tinh khôn vô cùng. Nó đánh hơi rất tài. Biết có Tiêu Lá rình nấp và đang thức, nó chỉ bay vụt qua rồi biến mất. Nhưng khi chàng vừa chợp mắt ngủ quên là nó đã lao đến mổ phá những quả quý kia ngay… Tiêu Lá đành phải cố thức suốt cả đêm. Có một lần, vừa chợt tỉnh giấc. Tiêu Lá đã suýt chộp được con chim ác nọ. Không may cho Tiêu Lá là chàng chỉ chộp được một túm lông và con chim ác đã vẫy vùng bay thoát. Nhưng từ đó, nó rất sợ hình dáng cái bàn tay của Tiêu Lá chộp nó. Tiêu Lá đoán biết được điều này và lập tức chàng nảy ra một ý định mới. Chàng sẽ không cho những quả cây quý ấy xếp dọc từng quả một theo gân lá nữa. Chàng sẽ xếp chúng lại thành từng khóm, giống hệt hình các bàn tay xòe ra như để sẵn sàng vồ lấy con chim ác. Và những bàn tay bằng quả ấy, cứ xếp xoay tròn, bàn này ở trên, bàn kia ở dưới, nối tiếp nhau…

Con chim ác quả nhiên không dám bay đến phá phách nữa. Mà hình dáng những quả cây quý xếp theo cách ấy nhìn cũng rất đẹp rất vui, vì nó giống như bàn tay của con trẻ đang xòe múa. Tiêu Lá rất vui lòng. Con trai của chàng cũng rất thích. Tiếng trống báo mùa thi cây đã đến, vang lừng khắp cả gần xa. Những người anh của Tiêu Lá từ các nơi đã lục tục mang cây về dự giải. Thôi thì đủ các hình dáng, đủ các màu sắc, đủ các hương vị, cây to, cây nhỏ, quả ngọt, quả chua… Tiêu Lá là người mang cây đến sau cùng nên giống cây của chàng được xếp ở hàng cuối. Đến sáng ngày thi, Thần Cây râu tóc bạc trắng, tươi cười từ trên núi cao đi xuống. Thần rất vui mừng vì kỳ thi này tất cả ba mươi sáu người con của Thần đều đủ mặt và người nào cũng đều mang những giống cây mới về dự. Thần Cây dừng lại trước từng giống cây một, nghe từng người dự giải nói về cái hay, cái quý của giống cây mình mới tạo nên. Thần Cây càng xem càng vui, nét mặt cứ rạng rỡ lên vì công trình của các con mình.

Nhưng phải đến lúc đứng trước giống cây rất mới lạ, vừa xinh đẹp, vừa mang đầy tình yêu thương con trẻ của Tiêu Lá, Thần Cây mới ha hả cười to lên và tuyên bố Tiêu Lá được giải nhất. Cây ấy là cây Chuối ngày nay. Nhưng tại sao lại gọi là cây Chuối thì có lẽ vì lần ấy, hỏi xem cây nào được giải nhất, ai cũng đáp: Cây cuối! Cây cuối! (tức là xếp ở hàng cuối) nên sau này đọc chệch ra, tiếng cuối biến dần thành tiếng chuối. Còn vì sao mà những “bàn tay” chuối đến nay không phải chỉ có năm ngón, năm quả mà có khi đếm đến hàng chục, hàng hai chục thì điều ấy rất dễ hiểu: thấy các em ưa thích ăn chuối, nên các bàn tay chuối cứ tự động sinh thêm ngón, thêm quả cho các em vui lòng. Và đó cũng là một cách cây muốn tỏ ra mình rất hiểu bụng người đã tạo nên cây. Đó là lòng yêu con, yêu trẻ của Tiêu Lá, người con út của Thần Cây.

12. Tình bạn Lưu Bình Dương Lễ

Lưu Bình và Dương Lễ là bạn kết nghĩa với nhau. Cả hai cùng đi học và chơi chung với nhau thân thiết lắm.

Lưu Bình con nhà giàu sang nhưng lại lười biếng không chịu học hành mà chỉ thích ăn chơi. Thi kỳ nào hỏng kỳ đó. Trái lại Dương Lễ rất nghèo nhưng biết phận nên chịu khó học hành đêm ngày. Lưu Bình lại rất tử tế với bạn: Anh ta cho Dương Lễ tiền để mua giấy mực, áo quần, cơm gạo để ăn học.

Đến kỳ, Dương Lễ thi đậu, được làm quan, ở trong dinh có lính hầu canh gác. Trong khi đó Lưu Bình cờ bạc hết tiền, trở nên nghèo đói. Không tiền, không việc, Lưu Bình tìm đến Dương Lễ. Anh nghĩ là lúc xưa đã giúp bạn tiền để ăn học nên Dương Lễ chắc không bao giờ quên ơn đâu. Hơn nữa anh ta là một người bạn rất tốt.

Thế rồi Lưu Bình tìm đến nhà quan Dương Lễ. Anh ta không được phép vào gặp ngay mà phải chờ đợi ở ngoài rất lâu. Sau cùng một lính hầu đưa anh ta đến một căn phòng đặc biệt. Khi ra tiếp đón bạn, Dương Lễ trông rất thờ ơ lạnh nhạt như người xa lạ. Dương Lễ không cho tiền bạc gì cả. Đến khi Lưu Bình than đói bụng thì Dương Lễ mới sai lính hầu cho người bạn một bát cơm nguội đựng trong cái bát mẻ, mấy quả cà thiu, và bắt bạn ngồi ăn dưới đất.
Lưu Bình tức giận thâm gan tím ruột. Khi trở về căn nhà nghèo nàn của anh, anh ta buồn tủi cho số phận mình nên không sao ngủ được đêm hôm đó. Rồi anh ta quyết chí học hành để thi đỗ làm quan cho bằng Dương Lễ. Nhưng than ôi lấy tiền đâu mà mua giấy mực để học bây giờ. Còn áo quần và thức ăn nữa chứ. Anh ta buồn rầu lắm vì không biết giải quyết ra sao.
Một vài ngày sau có một thiếu phụ trẻ đẹp dọn đến ở căn nhà bên cạnh. Nàng buôn bán tơ lụa. Lưu Bình làm quen với nàng và hai người trở nên bạn thân thiết. Nàng bán lụa để giúp chàng ăn học. Lưu Bình học hành ngày đêm. Sau cùng thi đỗ làm quan và Lưu Bình xin cưới nàng.

Khi ở trường thi về nhà thì Lưu Bình không thấy ân nhân của mình đâu cả. Anh ta buồn lắm. Nhưng nghĩ tới Dương Lễ, anh ta muốn cho bạn mình thấy là bây giờ anh ta không kém ai.
Lần gặp gỡ này Dương Lễ lại đón tiếp bạn rất nồng hậu, mời bạn dự yến tiệc thịnh soạn, có đàn ca múa hát để mừng bạn. Khi Lưu Bình còn đang trở lại chuyện cũ để mỉa mai, bấy giờ Dương Lễ mới gọi vợ ra để tiếp rượu bạn. Lưu Bình sửng sốt khi trông thấy Châu Long, người xưa nuôi mình. Thì ra chính vợ của Dương Lễ đã giúp đỡ Lưu Bình ăn học thành tài như ngày hôm nay. Bây giờ Lưu Bình mới hiểu hành động của Dương Lễ ngày trước khi tiếp chàng một cách lạnh nhạt để cho Lưu Bình thấy là anh ta không thể ỷ vào tiền bạc mà sống mãi được. Cho nên Dương Lễ đã không cho bạn một xu, nhưng lại gởi vợ mình đến giúp bạn ăn học. Lưu Bình hiểu rằng mình có được người bạn chí thiết nên mãn nguyện lắm. Từ đó hai gia đình lại càng thân thiết hơn.

13. Cánh chim báo mùa xuân

Bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông sống trên bốn ngọn núi. Năm ấy không hiểu vì sao, mùa đông kéo dài lê thê. Muôn loài khổ sở vì rét, bèn cử chim công có sắc đẹp lộng lẫy nhất đi đón nàng tiên mùa xuân. Nhưng đường xa, gió lạnh, công bị ốm, phải quay về.

Sư tử liền đi thay công. Cậy khỏe, sư tử đi không nghỉ, nhưng rồi đuối sức dần, không đi tiếp được.

Chim én nói:

– Mẹ cháu ho ngày càng năng. Không có nắng ấm mùa xuân, mẹ cháu khó qua khỏi. Cháu xin đi!

Muông thú đồng ý. Chim én mẹ nhổ lông cánh tết thành chiếc áo choàng cho con. Én con bay mãi, bay mãi, cuối cùng cũng đến chỗ ở của nàng tiên mùa xuân. Én con thấy một chú chim co ro bên đường liền cởi áo choàng đắp cho bạn. Chú chim bỗng biến mất, nàng tiên mùa xuân hiện ra:

– Con thật hiếu thảo, nhân hậu và dũng cảm! Ta chọn con làm sứ giả của mùa xuân.

Én con trở về cùng nàng tiên mùa xuân. Từ đó, mỗi khi thấy chim én bay liệng, muôn loài biết rằng mùa xuân sắp về.

14. Chuyện vợ chồng bác gà trống

Ngày xưa, lâu lắm rồi, khi đó giữa trời và đất mới chỉ có mặt trời mà chưa có mặt trăng, trên mặt đất muôn loài sống chung và cùng nói chung một thứ tiếng. Chẳng hạn buổi sớm, khi bác gà trống thức dậy và gọi các con “Cúc cù, cúc cù cu” thì mọi đều hiểu là “Sáng rồi, dậy đi thôi” và cả làng tục tục trở dậy cơm nước, chuẩn bị cho một ngày làm việc cần cù. Khi người lớn đã đi làm hết cả, lũ trẻ con – chó con, gà con, dê con, bê và nghé,…. í ới rủ nhau ra bãi cỏ đầu làng. Ở đó, cô giáo họa mi dạy chúng học bài và múa hát. Đến trưa, lũ trẻ lại líu ríu cùng nhau đem cơm ra đồng cho bố mẹ. Chúng chơi với nhau đến tận chiều, khi bố mẹ về mới chia tay nhau đứa nào về nhà nấy. Cuộc sống cứ thế êm ả trôi qua.

Nhưng có một hôm, vợ chồng bác gà to tiếng với nhau chỉ vì mỗi chuyện tẻo teo. Bác gà trống ngửi thấy mùi cơm khê, bảo vợ:

– Cơm lại khê rồi, bà này làm ăn chẳng bao giờ chú ý gì cả…

Bác gà mái cãi lại:

– Tôi vừa cơm nước, vừa tắm táp cho con, sao ông không đỡ tôi một tay?

Chỉ thế thôi, chưa ra là cãi nhau. Nhưng vừa lúc đó cô vịt bầu đi qua nghe thấy liền kể cho chó vàng nghe. Chó vàng mách lại với dê, dê nói với bò. Cứ thế cả làng rỉ tai nhau: vợ chồng nhà gà sắp bỏ nhau. Chuyện vòng vèo đến tai bác gà. Bác gà trống bực lắm. Bác đi đi lại lại,  mào đỏ tía lên: “Hừm! Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay. Tất cả chỉ tại mọi loài có độc một thứ tiếng nói. Mình cứ nói điều gì lọt vách là chuyện đã như có cánh bay đi khắp làng!”. Bực tức, nóng nảy, bác gà trống quyết định lên kiện với Trời.

Hôm sau, từ sáng sớm, bác gà trống đeo một túi ngô nhằm hướng nhà Trời mà đi. Xế trưa thì tới nơi. Vừa gặp Trời bác liền tâu:

– Bầm Trời. Trời đã cho dưới mặt đất chúng con một cuộc sống yên bình, có làm có ăn, chúng con chẳng dám phàn nàn gì. Nhưng sao Trời lại hà tiện mà chỉ cho muôn loài dưới đất một thứ tiếng nói. Một người nói cả làng đều nghe được, thành ra lắm chuyện rắc rối, lôi thôi…

Bác gà trống kể lể chuyện đã làm phiền gia đình bác, rồi xin tâu:

– Để khỏi xảy ra những chuyện lớn hơn, xin Trời hãy cho mỗi loài một thứ tiếng. Gà nói gà hiểu, chó nói chó hiểu, vịt nói vịt hiểu. Như thế tiện lợi biết bao…

Trời nghe bác gà trống nói có lý, bên bảo:

– Nhà ngươi về đi. Ta sẽ cho các ngươi điều các ngươi xin.

15. Sự tích Tết Trung thu

Về tới đầu làng, bác gà trống sửng sốt vì bắt gặp một thứ tiếng động ồn ã rất lạ tai. Rồi cánh tượng bày ra trước mắt khiến bác phải giụi mắt mấy lần: trên bãi cỏ xanh rời rợi ánh sáng, lũ trẻ con, gà con, chó con, dê con, bê và nghé,… đang kề vai nhau mải mê nhảy múa. Chúng đập cánh, vỗ tay, giậm chân làm nhịp. Không cần nói chúng cũng hiểu nhau, và chúng giao hòa với nhau bằng ngôn ngữ của những tiếng vỗ tay, những bước nhân nhịp nhàng. Trái bưởi vàng trên trời vẫn lặng lẽ tỏa ánh sáng xanh dịu, thơm mát, và nghịch ngợm làm thành những cái bóng quấn quýt dưới chân lũ trẻ.

Từ đó, mặt trời chiếu sáng ban ngày cho người lớn làm việc, còn ban đêm, trái bưởi vàng lại hiện ra cho trẻ con chơi đùa. Để phân biệt mặt trời, người ta gọi đó là mặt trăng. Và ngày rằm tháng Tám, ngày bác gà trống lên trời, xin về được trái bưởi vàng trở thành ngày Tết Trung thu của các em. Vào ngày đó, mặt trăng bao giờ cũng thật tròn, thật đầy, thật sáng.