SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Truyện Chữ

Truyện ngắn Báo Phụ nữ

Truyện ngắn hay và mới nhất hiện nay với nhiều truyện ngắn do thành viên sáng tác và sưu tầm hi vọng để lại trong bạn những ấn tượng sâu sắc.

15 Truyện cổ tích ngắn hay

1. Sự tích con Dã Tràng

Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang .

Một hôm, con rắn chồng bò ra khỏi hang một mình. Ông nhìn vào, thấy rắn vợ nằm cuộn ở trong. Vì mới lột nên mình mẩy của nó yếu ớt không cựa quậy được. Một lúc lâu rắn chồng bò trở về, miệng tha một con nhái đút cho vợ ăn .

Ít lâu sau, Dã Tràng lại thấy rắn vợ bò ra khỏi hang một mình. Lần này rắn chồng đến kỳ lột, nằm im thiêm thiếp, lốt da cũ còn bỏ lại bên hang. Hồi lâu, rắn vợ trở về, theo sau một con rắn đực khác khá lớn. Dã Tràng thấy hai con bò đến cửa hang thì dừng lại rồi quấn lấy nhau như bện dây thừng. Một lát sau, con rắn đực một mình bò vào hang. Dã Tràng biết con rắn đực này toan làm gì rồi. Ông cảm thấy tức giận, muốn trừ bỏ con rắn đó đi để cứu con rắn chồng đang lúc suy nhược. Lúc đó bên mình không có cái gì cả, ông bèn rút một mũi tên nhằm con rắn đực mới đến, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất. Dã Tràng nghĩ cũng thương con rắn cái, nhưng trong cái thương có lẫn cả giận, nên ông chán nản bỏ đi về nhà. Từ đó ông không thèm để ý đến hang rắn nữa. Chừng dăm bảy ngày sau, một hôm Dã Tràng nằm võng thuật chuyện vợ chồng con rắn cho vợ nghe và vui miệng, ông kể luôn những việc mình đã thấy và đã làm. Ông kể vừa dứt lời thì bỗng nghe trên máng nhà có tiếng phì phì. Cả hai người hốt hoảng nhìn lên thì thấy có một con rắn hổ mang rất lớn, đuôi quấn lấy xà nhà, đầu vươn gần chỗ ông nằm, miệng nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói :

– Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi . Nhưng hồi nãy nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Đeo nó vào mình thì có thể nghe được mọi tiếng muông chim ở thế gian.

Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời.

Một hôm, Dã Tràng đang hái rau, tự dưng có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau nói chuyện lao xao. Chúng nó bảo Dã Tràng như thế này : “Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với”. Dã Tràng làm theo lời quạ, quả thấy xác một con dê trên núi Nam. Ông xẻo lấy một ít thịt xâu lại xách về. Đến nhà, ông vội mách cho xóm giềng biết mà đi lấy, không quên dặn họ để bộ ruột dê lại cho bầy quạ. Nhưng ông không ngờ người trong xóm nghe tin ấy, đua nhau đi đông quá, thành ra họ lấy tất cả, chẳng chừa một tí gì.

Lũ quạ không thấy ruột dê, cho là Dã Tràng đánh lừa, bèn đổ xô đến vườn ông réo om sòm. Thấy vậy ông biết là người trong xóm đã làm hại mình, không giữ chữ tín với bầy quạ. Ông phân trần mấy lần nhưng bầy quạ không nghe, cứ đứng đó chửi mãi.

Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn vào chúng. Chủ ý là để đuổi chúng đi chứ không định giết. Chẳng ngờ bầy quạ thấy vậy cho là ông lấy oán trả ân, liền cắp mũi tên có tên Dã Tràng ở đuôi, tìm dịp báo thù. Lúc bay qua sông, thấy một cái xác chết trôi, đàn quạ bèn đem mũi tên ấy cắm vào yết hầu xác chết. Khi quan sở tại đến làm biên bản, thấy mũi tên, liền đoán Dã Tràng là thủ phạm, sai lính bắt ông, hạ ngục.

Dã Tràng bị bắt bất ngờ, hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cớ sờ sờ làm cho ông đuối lý, đành chịu chui đầu vào gông . Tuy nhiên, ông vẫn một mực xin quan xét giải ông về kinh để vua phân xử.

Từ đề lao tỉnh, ông bị điệu đi. Dọc đường trời tối, bọn lính dừng lại quán ăn uống và nghỉ ngơi. Dã Tràng cổ bị gông, chân bị xiềng nằm trên đống rơm buồn rầu không ngủ được. Lúc trời gần rạng, ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện với nhau :

– Nhanh lên ! Chuyến này sẽ không lo đói nữa mà cũng chả sợ ai đánh đuổi cả.

Một con khác hỏi :

– Của ai mang đến bỏ vương vãi như thế ?

Con nọ trả lời :

– Của Vua nước bên kia. Họ toan kéo sang đánh úp bên này. Ngày hôm qua, quân đội giáo mác kéo đi liên miên không ngớt. Nhưng xe thóc vừa sắp đến biên giới thì bị sụp hầm đổ hết. Họ đang trở về lấy thứ khác cho nên chúng ta tha hồ chén.

Nghe đoạn, chờ lúc bọn lính thúc dục lên đường, Dã Tràng bảo họ :

– Xin các ông bẩm lại với quan rằng việc oan uổng và nhỏ mọn, không nên bận tâm, mà giờ đây chỉ nên lo việc quốc gia trọng đại thôi, và còn cấp bách nữa là khác.

Bọn lính tra gạn ông mãi nhưng ông không nói gì thêm, chỉ nài rằng hễ có mặt quan, mình mới tỏ bày rõ ràng.

Khi gặp mấy vị quan đầu tỉnh, Dã Tràng liền cho họ biết rằng Hiến Đế ở phương bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì bị sụp hầm, xe lương đổ hết, chưa tấn công được. Bây giờ họ đang vận thêm lương, chờ đầy đủ sẽ vượt cửa ải sang Nam. Bọn quan tỉnh lấy làm lo lắng nhưng cũng cố hỏi ông có dám chắc như vậy không. Dã Tràng chỉ vào đầu mình mà đoan rằng nếu có sai, ông sẽ xin chịu chết. Nhưng nếu lời của ông đúng thì xin bề trên thả ra cho. Ngay lúc đó, những tên quân do thám được tung đi tới tấp mọi ngõ để lấy tin. Và nội ngày hôm sau, Dã Tràng được thả vì lời mách của ông quả không sai và vừa vặn đúng lúc để chuẩn bị đối phó với địch.

Được tha, Dã Tràng đi bộ lần về quê nhà. Bóng chiều vừa ngả, ông mới đến vùng Hồng Hoa. Ông tìm vào nhà người bạn rất thân là Trần Anh nghỉ chân.

Gặp lại bạn cũ, vợ chồng Trần Anh vui mừng khôn xiết. Nghe tin ông bị tra tấn giam cùm và suýt mất đầu, hai vợ chồng rất cảm thương bạn. Thấy bữa ăn tối thết bạn không có gì, Trần Anh xuống bếp bảo vợ :

– Bạn ta đến, lại gặp lúc trong nhà chả có gì ăn. Sẵn có cặp ngỗng, con nó đã khôn, ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường.

Người vợ bằng lòng nhưng dặn chồng sáng sớm bắt ngỗng và cắt tiết vặt lông giúp mình một tay.

Trong khi hai vợ chồng bàn tính thì cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện. Ngỗng trống bảo ngỗng mái :

– Mình ơi ! Mình hãy ở lại nuôi con, tôi sẽ đứng sẵn cho chủ nó bắt. Ngỗng mái không nghe, xin chết thay cho chồng. Nhưng ngỗng trống nhất quyết hy sinh, nên chạy ra sân từ giã đàn con :

– Con ơi ! Các con ở lại với mẹ nghe. Cha sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa.

Song ngỗng mái vẫn lạch bạch chạy theo, đòi chết thay chồng cho bằng được.

Lúc bấy giờ Dã Tràng nằm trên bộ ván đặt kề cửa sổ nên nghe được tiếng ngỗng than thở. Ông bỗng thấy thương con vật vô tội chỉ vì mình mà phải lìa đàn con bé bỏng. Ông toan nói trước với bạn, nhưng thấy bất tiện. Ông đành nghe ngóng ở chỗ chuồng ngỗng chờ lúc bạn ra bắt thì sẽ cản lại.

Suốt đêm hôm đó tuy mệt mà ông không dám ngủ. Quả nhiên, vào khoảng canh tư, Trần Anh thức dậy bước ra chuồng. Ngỗng trống xua ngỗng mái chạy rồi vươn cổ để cho bắt. Trần Anh sắp cắt cổ ngỗng thì Dã Tràng đã lật đật chạy xuống bếp nắm lấy đao. Ông nói :

– Xin bạn thả nó ra. Tính tôi không hay sát sinh. Tình thân của đôi ta lọ phải cỗ bàn mới thân. Nếu bạn giết nó thì tôi lập tức đi khỏi chỗ này.

Thấy bạn có vẻ quả quyết, Trần Anh đành thả ngỗng ra, rồi giục vợ chạy đi mua tép về đãi bạn.

Cơm nước xong, Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà. Đến ao, ông đã thấy vợ chồng ngỗng cùng với bầy con đứng chực ở đấy. Ngỗng đực tặng Dã Tràng một viên ngọc và nói :

– Đa tạ ân nhân cứu mạng. Không biết lấy gì báo đền, chúng tôi xin tặng người viên ngọc này, mang nó vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ. Nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển.

Ngỗng lại nói tiếp :

– Còn như con tép là vật đã thế mạng chúng tôi thì từ nay, dòng dõi chúng tôi sẽ xin chừa tép ra không ăn, để tỏ lòng nhớ ơn !

Dã Tràng không ngờ có sự báo đáp quá hậu như thế, sung sướng nhận lấy ngọc rồi về.

Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần đi xuống nước. Thì lạ thay, nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông . Ông dạo cảnh hồi lâu rồi cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần để thử xem thế nào.

Hôm đó, Long Vương và các triều thần đang hội họp ở thủy phủ bỗng thấy nhà cửa lâu đài và mọi kiến trúc khác bỗng nhiên rung động, cơ hồ muốn đổ. Ai nấy đều nháo nhác không hiểu duyên cớ. Vua lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình.

Bộ hạ Long Vương theo con đường sóng ngầm lọt vào cửa sông thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Mỗi lần khoắng như thế, họ cảm thấu xiêu người nhức óc. Tuy biết đích là thủ phạm, họ cũng không dám làm gì, chỉ tiến đến dùng lời nói khéo mời ông xuống chơi thủy phủ.

Gặp Long Vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long Vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mặt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa ! Vì thế, Long Vương đãi Dã Tràng rất hậu. Ông muốn gì có nấy. Cho đến lúc ông ra về, Long Vương còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều để mong nể mặt.

Dã Tràng lên khỏi nước có bộ hạ của Long Vương tiễn chân về tới tận nhà mới trở lại. Bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông . Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ.

Một hôm Dã Tràng đi bộ nửa ngày đường đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội vàng quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông thấy không thể nào an tâm ngồi ăn được. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên thấy ông vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã vội cáo từ về ngay.

Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả. Ông rụng rời cả người. Đi tìm vợ, vợ cũng không thấy nốt. Nóng ruột, ông lục lọi khắp nơi. Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ ông viết để lại gài ở chỗ treo áo. Trong đó, vợ ông nói rằng có người của Long Vương lên bảo cho biết hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long Vương thì sẽ được phong làm hoàng hậu. Bởi vậy bà ta đã trộm phép ông, đưa túi ngọc xuống thủy phủ rồi, không nên tìm làm gì cho mệt. Đọc xong thư vợ. Dã Tràng ngất đi. Ông không ngờ vợ ông lại có thể như thế được. Ông cũng không ngờ âm mưu của Long Vương thâm độc đến nước ấy. Nghĩ đến hai thứ bảo vật, ông tức điên ruột. Sau cùng, ông dự tính chở cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ cả đường lối đến cung điện của Long Vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được. Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con Dã Tràng ngày ngày xe cát để lấp biển. Tục ngữ có câu :

Dã Tràng xe cát biển Đông .

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Hay là :

Công Dã Tràng hàng ngày xe cát,

Sóng biển dồn tan tác còn chi .

Hay là :

Con còng còng dại lắm không khôn .

Luống công xe cát sóng dồn lại tan .

Người ta nói ngày nay loài ngỗng sở dĩ không bao giờ ăn tép là vì chúng nó nhớ ơn loài tép đã thế mạng cho tổ tiên mình ngày xưa. Họ còn nói loài ngỗng có một cái mào trắng trên đầu là dấu hiệu để tang cho Dã Tràng để nhớ ơn cứu mạng.

2. Cây bút thần của Mã Lương

Ngày xưa, có một đứa trẻ thông minh, tên là Mã Lương. Em rất thích vẽ, nhưng nghèo quá, chẳng mua nổi cây bút vẽ. Em côi cút, một mình kiếm củi, sống qua ngày.

Một hôm, Mã Lương đi qua cửa nhà quan, nhìn thấy một họa sĩ vẽ tranh; thích quá sán lại bên cửa sổ nhìn xem. Em nói với họa sĩ:

– Ông ơi, cháu thích vẽ lắm! cho cháu một chiếc bút vẽ ông nhé!

Tên quan và họa sĩ đều cười ồ lên, bảo:

– Ðồ nghèo hèn mà cũng đòi học vẽ à? Cút đi mau!

Mã Lương tức quá, nói:

– Nghèo thì không được học vẽ sao?

Nói rồi, em mới chịu bỏ đi.

Thế là, Mã Công khổ công học vẽ lấy. Khi lên núi kiếm củi, em bẻ cành cây vẽ chim chóc ở trên mặt đất. Khi đến bên sông cắt cỏ, em dùng cọng cỏ chấm nước, vẽ cá lên tảng đá. Tối về, em dùng hòn than vẽ lên tường vách.

Vẽ, vẽ, vẽ nữa! Với các quan sát tinh tế, chim em vẽ như biết hát ca, cá em vẽ như lội tung tăng trong làn nước. Có hôm em vẽ Sói trên vách núi mà Dê, Bò… nhìn thấy, chùn bước không dám lên núi.

Có người hỏi Mã Lương:

– Mã Lương ơi, cháu học vẽ cũng là để đi làm cho nhà quan phải không?

Em lắc đầu trả lời:

– Không, nhất quyết không! Cháu chỉ vì người nghèo mà vẽ thôi!

Ngày qua ngày, Mã Lương có tiến bộ rất nhanh. Em xiết bao mong mỏi có được một cây bút vẽ!

Một buổi tối, Mã Lương vừa mơ màng ngủ thì thấy trong nhà rực ánh hào quang, rồi một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện, cho em một cây bút vẽ, và dặn dò:

– Mã Lương, đây là cây bút thần, Ta cho cháu. Nhưng cháu phải ghi nhớ lời cháu đã hứa: Chỉ vẽ cho người nghèo!

Nói dứt lời, cụ già biến mất, khiến em còn chưa nói xong lời cám ơn cụ.

Mã Lương tỉnh dậy, vẫn tưởng như trong mộng, nhưng cây bút chả ở trong tay em đó sao? Em cười sung sướng:

– Ha ha… Tôi có bút vẽ rồi!

Mã Lương dùng cây bút đó vẽ chim thì chim bay được, cất tiếng hót, vẽ cá thì cá biết bơi. Ðúng là cây bút thần!

Mã Lương dùng cây bút thần, ngày ngày vì người nghèo trong thôn làng mà vẽ. Ai thiếu thốn, cần gì thì em vẽ ra thứ đó.

Một hôm, em đi qua một mảnh ruộng, nhìn thấy bác nông dân và một đứa trẻ đang gò lưng kéo cày. Ðất rắn quá chẳng kéo nổi. Mã Lương lấy bút ra vẽ tặng một con Trâu cày. Kìa, con Trâu đã hiện ra, đi xuống ruộng mà cày ruộng cho bố con bác nông dân.

Tên quan biết Mã Lương có cây bút thần, bèn sai tay chân tới bắt Mã Lương về, sai em vẽ cho nó bạc, vàng, châu báu. Nhưng em khảng khái đáp:

– Tôi nhất định không vẽ!

Em bị nó sai giam vào ngục tối, không cho ăn uống và thứ gì đắp cả.

Ðêm đó tuyết rơi, trời rất lạnh. Tên quan nghĩ rằng Mã Lương chẳng chết đói thì cũng chết rét, lò dò khoát áo ấm nhòm vào ngục xem sao. Nào ngờ, qua khe cửa ngục, hắn thấy Mã Lương đang ngồi sưởi và ăn bánh nướng, hương thơm phức. Ðương nhiên là em đã vẽ ra các thứ đó.

Tên quan lại tay chân vào giật lấy chiếc bút thần giết Mã Lương đi. Nhưng khi chúng xông vào buồng giam thì chẳng thấy em đâu nữa, ngoài chiếc thang do em vẽ, còn dựa ở trong đó. Tên quan lại sai tay chân đuổi theo em. Nhưng em đã sớm vẽ một con tuấn mã, phóng chạy đi từ bao giờ.

Mã Lương chạy tới một thị trấn rất xa thì ở lại, vẽ tranh để kiếm sống. Tranh em vẽ đều cố ý còn thiếu một cái gì đó, như thiếu chân, thiếu mắt…, để tránh chúng trở thành sống động như thật, nhằm giữ bí mật về chiếc bút thần.

Một hôm, em vẽ một con Cò trắng không có mắt, nhưng vô ý đánh rơi một giọt mực vào đầu Cò. Cò trắng mở mắt, vỗ cánh bay đi.

Tin đó vang động cả thị trấn. Quan ở đó báo lên với Hoàng đế. Mã Lương bất ngờ bị bắt, điệu về Hoàng cung.

Hoàng đế bắt Mã Lương phải vẽ cho hắn. Nhưng biết đó là kẻ tàn bạo, ức hiếp dân lành nên hắn bảo vẽ Rồng thì Mã Lương lại vẽ con Tắc kè; bảo vẽ chim Phượng Hoàng thì em lại vẽ Quạ. Tắc kè và Quạ vẽ xong, xông lại cắn xé nhau, làm loạn cả lên, khiến Hoàng đế cướp bút thần và giam em vào ngục. Hoàng đế cầm bút vẽ núi vàng, nhưng lại thành đống đá đổ xuống, khiến hắn suýt toi mạng!

Hoàng đế chỉ còn cách thả Mã Lương ra, dùng lời đường mật phủ dụ Mã Lương vẽ. Mã Lương muốn lấy lại cây bút thần nên giả bộ đồng ý.

Hoàng đế bảo Mã Lương vẽ cây hái ra tiền vàng thì Mã Lương vẽ biển cả, sau đó mới vẽ một hòn đảo, trên đó có cây hái ra tiền vàng.

Hoàng đế ra lệnh:

– Vẽ ngay một con thuyền lớn!

Mã Lương vẽ ngay con thuyền. Hoàng đế và các bậc triều thần lên thuyền ra đảo hái tiền. Mã Lương huơ mấy nét là gió nổi lên đưa thuyền ra khơi. Em huơ bút mạnh lên cho gió to lên. Con thuyền chạy như bay! Mã Lương lại vẽ lên sóng nước với cuồng phong khiến con thuyền lật nhào trong sóng nước cuộn cao, dìm chết cả lũ Vua quan trong biển động.

Mã Lương cầm chiếc bút thần ung dung trở về với người nghèo, và vì họ mà vẽ.

3. Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng. Họ sống chui rúc trong một túp lều gần chợ, xin ăn qua ngày. Cuộc sống thật là vất vả. Nhưng Thạch Sùng là người có chí kinh doanh lớn, lại có nhiều thủ đoạn. Từ lâu hai vợ chồng ăn nhịn để dành, lần hồi góp nhặt một số vốn chôn ở góc nhà. Số tiền ấy ngày một lớn mãi lên. Nhưng họ vẫn giả bộ nghèo khó, làm nghề hành khất như cũ. Một hôm Thạch Sùng đi ăn xin về khuya. Dọc theo bờ sông ông trông thấy hai con trâu từ dưới nước lội lên và húc nhau chí tử. Đoán biết ấy là điềm trời sẽ mưa lụt to, nên từ đó có bao nhiêu tiền chôn, ông đào lên đong gạo tất cả. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt kinh khủng, nước lênh láng khắp mọi miền: mùa màng, nhà cửa và súc vật v.v… đều trôi nổi. Nạn đói đe dọa khắp mọi nơi. Giá gạo từ một tăng lên gấp mười rồi dần dà tăng lên gấp trăm. Thế mà vẫn không ai có gạo để bán.

Thạch Sùng chờ đến lúc dân tình cùng kiệt mới ném số gạo tích trữ của mình ra. Có những nhà giàu phải đổi cho ông ta một thoi vàng mới được một đấu gạo. Từ khi có vốn, hai vợ chồng Thạch Sùng thôi nghề bị gậy. Họ đem tiền cho vay một vốn năm bảy lớp lãi. Thế rồi chẳng bao lâu Thạch Sùng nghiễm nhiên trở thành một phú ông. ạng ta tậu biết bao nhiêu là trâu bò ruộng vườn, những thứ đó mỗi năm mỗi nhiều lên mãi. Nhưng Thạch Sùng còn có nhiều mánh khóe làm tiền khác. Ngoài việc thu lúa rẽ, cho vay lãi, ông ta còn buôn bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng dong buồm đi khắp mọi cửa biển. Rồi hắn thông lưng với bọn cướp trong vùng. Mỗi một chuyến làm ăn, chẳng những được chia phần mà hắn còn oa tàng và tiêu thụ hộ những của bất nghĩa. Cứ như thế sau mười năm, Thạch Sùng trở nên một tay cự phú, tiền của châu báu như nước như non, không ai địch nổi. Những tay thiên hộ bá hộ so với hắn chỉ bằng cái móng tay.

Có tiền trong tay, Thạch Sùng rất dễ kiếm được địa vị. Hắn dâng vua bao nhiêu là vàng bạc ngọc ngà, nên được vua phong tước quận công. Hắn ra ở kinh thành, xây dựng phủ đệ, không khác gì phủ đệ của ông hoàng bà chúa. Trong phủ đệ của hắn có một trăm nàng hầu vợ lẽ, người nào người ấy ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Còn hắn và vợ con thì giờ đây sống một cách xa xỉ, đến nỗi trong nước trừ hoàng đế ra khó có một người nào dám sánh. Hồi đó ở kinh đô có một người em hoàng hậu họ Vương. Y cũng là tay cự phú nổi tiếng tiền rừng biển bạc và xài phí vào bậc nhất. Một hôm, y gặp Thạch Sùng trong một bữa tiệc đủ các bậc vương công đại thần. Câu chuyện dần dần chuyển thành một cuộc khoe của giữa hai bên. Họ Vương nói: “Bọn nô tỳ nhà tôi đều mặc đồ tơ lụa. Chúng nó đông đến nỗi năm hết tết đến phải có hàng kho vải lụa để may mặc cho chúng mới tạm đủ”. Thạch đáp: “Bọn nô tỳ nhà tôi thì phải có lúa gạo của cả một huyện mới đủ cho chúng ăn”. Vương lại khoe: “Bếp nhà tôi phải dùng đường thay cho củi”. Nhưng Thạch cướp lời: “Để sưởi ấm các phòng trong mùa đông, chúng tôi phải đốt mỗi ngày hàng hòm nến”. Nghe bọn họ không bên nào chịu bên nào, có một vị quan khách dàn xếp: “Hai ngài cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin.

Một hôm nào đó, hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho”. Cả hai người đều khảng khái nhận lời. Đến ngày đấu của, có mấy vị đại thần ra làm chứng cho bọn họ. Hai bên ký vào giấy giao ước. Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức. Đầu tiên, Vương sai lấy lụa căng làm màn trần trong tất cả các dinh thự của mình. Đến lượt Thạch Sùng hắn sai lấy gấm căng che và trần trướng tất cả mọi nhà cửa của hắn. Thấy vậy, Vương sai lấy thủy tinh thay ngói lợp tất cả các nhà cửa phủ đệ của y, khiến chúng trở thành những tòa lầu sáng choang như ngọc. Nhưng đối lại, Thạch Sùng sai lấy ngọc thạch cho thợ đá cắt ra từng phiến lát cái sân ở trước nhà. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi Thạch Sùng. Cuộc đấu của lại tiếp tục. Thạch hỏi Vương: “Nhà ngươi có san hô chăng?” Vương đưa ra một cây san hô cao mấy thước, và hỏi lại: “Nhà ngươi có tê giác không?” Thạch bĩu môi ra hiệu cho một người hầu bưng ra một bộ đồ trà bằng sừng tê nạm ngọc. Cả hai người còn khoe nhiều nữa, chưa ai chịu thua ai. Đến lượt họ bắt đầu khoe các vật kỳ lạ. Thạch Sùng nói: “Ta có con thiên lý mã mua từ bên Thiên Trúc về mỗi ngày chạy được một ngàn dặm”. Người ta xúm nhau xem và tán tụng con ngựa quý. Nhưng Vương lại mời họ về vườn của mình thưởng thức một con hươu có hai cái đầu. Lần này Thạch Sùng yên lặng khá lâu. Tiếng xôn xao nổi lên khắp nơi. Ai cũng tưởng Thạch Sùng đã hết cả vật quý. Nhưng bất ngờ hắn rút trong bọc ra một viên ngọc và nói: “Ta có một viên ngọc, mùa nóng đeo vào thì mát, mùa rét đeo vào thì ấm. Tôi chắc trong thiên hạ có một không hai”. Thấy thế họ Vương bắt đầu bối rối. Y toan sai người vào mượn hoàng hậu viên ngọc như ý để địch lại, nhưng ngay lúc đó một viên hoạn quan ngồi bên cạnh, nói nhỏ vào tai hắn mấy câu. Thế rồi người ta thấy Vương quay sang hỏi Thạch Sùng: “Nhà người tuy rất giàu nhưng có đầy mà không đủ. Ta thì cho rằng thế nào trong nhà nhà ngươi cũng còn thiếu nhiều đồ vật”. Thạch Sùng đang cơn đắc ý: “Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu nhà ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu, ta sẽ mất với nhà ngươi không phải mười thúng vàng mà còn tất cả gia sản nữa. Trái lại, nếu ta mà có đủ thì nhà ngươi cũng phải mất cho ta y như vậy!”. Thế rồi trong một cơn kiêu căng đến cực điểm, Thạch bắt Vương cùng mình ký tên vào bản giao ước mới. Khi ký xong, Vương bảo hắn: “Nhà ngươi hãy đưa mau ra đây cho các vị xem mẻ kho của nhà ngươi đi”. Nghe đến đó, Thạch Sùng giật mình. Mẻ kho là thứ gì hắn cũng đã biết. Đó là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn. Ngày xưa hồi còn hàn vi, hắn đã từng đi nhặt vật đó trong đống rác đưa về đánh chùi để kho cá. Nhưng đã từ lâu, lâu quá rồi, hắn không còn nhớ đến thứ đồ dùng hèn hạ ấy nữa. Vì nhà hắn bây giờ toàn dùng đồ đạc bằng vàng bạc, tệ nhất cũng bằng đồng thau, có bận tâm chứa những thứ của ấy để làm gì. Nhưng hắn cũng cố giục bọn đầy tớ lục tìm trong xó vườn góc bếp xem sao. Tìm đi kiếm lại khắp mọi nơi mà vẫn không nhặt được dù chỉ là một mảnh nồi vỡ. Quả là nhà Thạch Sùng không thể làm gì kiếm được những món ấy. Thế rồi sau đó một lúc lâu, những người làm chứng công nhận sự thắng cuộc về phía em hoàng hậu. Thạch Sùng không ngờ mình bị thua một vố đau như thế. Hắn cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ v.v. .. đều chạy sang tay họ Vương. Còn lại một mình ngồi trong túp lều, hắn tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay tay trắng lại hoàn tay trắng. Rồi hắn chết, hóa thành con mối tức là con thằn lằn, cũng gọi là con thạch sùng. Loài mối thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng “Thạch Thạch” là vì thế.

4. Sự tích động Từ thức

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc. Khác với bọn quan lại khác, Từ Thức vốn là người phóng khoáng, không chịu ràng buộc vào khuôn phép. Chàng lại không thích những chuyện nịnh trên, nạt dưới, mà chỉ thích uống rượu ngâm thơ, và đi chơi ngắm cảnh. Ở gần vùng Từ Thức trị nhậm có một ngôi chùa lớn. Trước sân và xung quanh vườn trồng toàn một loại cây mẫu đơn. Mỗi năm vào khoảng tháng giêng là mùa hoa nở rộ, cũng là kỳ cúng Phật. Nhân dịp đó, các thiện nam tín nữ các nơi đua nhau về chùa lễ Phật và ngắm hoa. Vì thế người ta cũng gọi là hội xem hoa hay là hội mẫu đơn.

Một năm vào kỳ hội xem hoa, Từ Thức cũng có cái hứng đi hành hương ngắm cảnh. Để khỏi làm kinh động dân chúng, Từ Thức cải trang thành một người học trò. Chàng cũng không cho mang lính hầu và cáng xá đi theo. Hồi này các chùa chiền được triều đình vì nể, nên có những bọn sư sãi ỷ thế hoành hành. Để bảo vệ hoa, chùa này đặt ra một cái lệ ai bẻ hoa hoặc là gãy cây sẽ bị phạt vạ một số tiền. Nếu không có tiền thì nhà chùa sẽ bắt làm nô để đền nợ. Ngày hôm ấy có một cô gái đi xem hội vô tình không biết lệ nhà chùa, thấy có hoa đẹp ở cạnh lối đi bèn rón tay ngắt một bông. Thấy vậy, bọn thủ hộ trong chùa xông ra bắt giữ lại đòi tiền vạ. Cô gái thú thực là mình đi xem hội không mang tiền theo nên không biết lấy gì đền. Nghe nói thế, bọn thủ hội liền sai trói cô gái vào cột chùa cốt để làm nhục, vặn cho ra tiền chuộc.

Vừa lúc ấy Từ Thức tiến vào cổng chùa. Thấy một người con gái yếu ớt bị bọn vũ phu lăng nhục, Từ Thức không ngăn được cơn giận dữ. Chàng sán đến đòi cởi trói cho cô gái. Bọn thủ hộ nhất định không cho và chỉ vào mặt chàng:

– Này, nếu không có đủ một quan tiền chuộc thì anh chớ có động đến dây trói mà sinh chuyện rầy rà đấy.

Nghe chúng thách thức, cơn giận của Từ Thức bừng bừng bốc lên. Đã toan dùng đến chức vị của mình để trị bọn bất lương, nhưng rồi chàng lại kịp gạt đi vì chẳng muốn làm to chuyện. Không nghĩ ngợi, chàng cởi phăng chiếc áo ngoài vứt cho bọn thủ hộ để chúng trả tự do cho cô gái. Dây trói vừa cởi, cô gái ngỏ lời cảm tạ Từ Thức. Thấy nàng xinh đẹp lại bạo dạn, Từ Thức cũng muốn làm quen. Chàng hỏi:

– Nhà nàng ở đâu? Tôi nghe giọng nói hình như không phải là người vùng này.

Cô gái đáp:

– Quê thiếp ở tận trong châu Ái huyện Tống sơn…

Không ngờ người đẹp lại là người cùng quê, Từ Thức càng thêm niềm nở. Hai người men theo lối cổng chùa, vừa đi vừa ngỏ ít lời lâm sự. Trước khi từ giã, nàng còn không quên mời chàng đến chơi nhà nếu có dịp về thăm quê.

Vẫn không ưa cái nghề roi vọt trị dân, Từ Thức thường bị bọn quan trên hạch tội. Một lần vì để vụ thuế chậm trễ, chàng bị viên an phủ gọi đến quở mắng nặng lời. Chàng than:

– Ta há vì mấy bó thóc mà chịu nhục như thế này ư!

Lúc trở về huyện lỵ, lập tức chàng cởi bỏ ấn tín treo ở trước mái công đường, rồi bỏ đi biệt. Chàng đi thẳng về quê nhà thăm bố mẹ và bà con làng nước. Ở nhà được ít lâu, nhớ đến lời mời của cô gái trong hội xem hoa, Từ Thức liền cất công ra đi. Theo lời chỉ dẫn, chàng lặn lội tìm kiếm, nhưng bóng chim tăm cá mịt mù. Vùng Tống sơn có bao nhiêu cảnh đẹp, chàng đều có để lại dấu chân và những bài ca vịnh, vậy mà chàng vẫn ân hận không gặp lại người đẹp năm xưa. Mặc dầu vậy, Từ Thức vẫn không nản lòng.

Một hôm trên đường đi tìm, từ sáng sớm, Từ Thức đã trèo lên núi cao nhất ra giữa cửa Thần phù. Tự nhiên trước mắt chàng hiện lên một hòn đảo trông y như một đóa hoa sen giữa vùng biển cả. Say sưa nhìn ngắm, chàng bèn dong buồm ra khơi. Chẳng bao lâu thuyền đã ghé đảo. Đang mê mải nhìn, chàng bỗng thấy ở sườn núi đá gần đó có một cửa hang khá rộng. Bèn vin cây rẽ cỏ tìm đến tận nơi. Vừa bước vào hang được một quãng, thì bỗng dưng cửa hang tối sầm lại. Từ Thức vẫn cứ sờ soạng bước liều. Đi một đoạn nữa thình lình lại thấy có ánh sáng. Trông ngược lên thấy núi cao chót vót, đá mọc lởm chởm. Khi leo lên đến đỉnh thì Từ Thức bỗng thấy cả một tòa nhà lộng lẫy hiện ra trước mặt. Chưa hết ngạc nhiên trước cảnh lạ, chàng bỗng thấy bóng hai người con gái nhỏ mặc áo xanh. Một người nói:

– Chú rể mới nhà ta đã đến kia kìa!

Chàng hết sức bỡ ngỡ nhưng vẫn bạo dạn đi theo hai cô gái. Trên đường đầy hoa thơm cỏ lạ. Đi một chốc thì đến lâu đài. Vừa bước lên thềm Từ Thức đã thấy một người đàn bà dáng quý phái ra đón. Bà tươi cười bảo chàng:

– Đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu hang động ở cõi tiên. Từ lâu ta cai quản thế giới này. May mắn hôm nay lại được đón người trẻ tuổi phong nhã và chí tình. Thế nào, cảnh trí ở đây có làm cho du khách ưa thích không?

Thấy Từ Thức gật đầu, người đàn bà lại nói:

– Khoan đã. Để còn cho gặp một người quen cũ.

Đoạn, ra hiệu cho người hầu gái đi gọi. Chốc sau, một cô tiên từ trong hành lang bước ra, dáng thướt tha kiều diễm, mỉm cười chào chàng. Từ Thức nhìn kỹ thì ra đấy là cô gái bẻ hoa mẫu đơn năm nào. Chàng mừng rỡ nói to:

– Ô hay tôi đi tìm nàng khắp nơi mà không thấy, không ngờ lại gặp ở đây!

Câu chuyện từ đấy trở nên thân mật đậm đà hơn. Bà chúa động nói:

– Em nó tên là Giáng Hương. Ngày trước đi xem hội mẫu đơn không may gặp rủi ro, nhờ có chàng tận tình cứu giúp. Âu đó cũng là duyên trời. Chàng đã có lòng cất công đi tìm, nay đến gặp nhau, hãy mở tiệc hoa để phỉ lòng khao khát.

Từ Thức thấy không gì đẹp lòng hơn thế nữa. Lập tức đêm hôm ấy trong bữa tiệc tưng bừng có quần tiên tụ hội, hai người chính thức làm lễ giao bôi. Khách tiên từ các động vui vẻ cạn chén chào mừng chàng rể mới đến nhập tịch làng tiên, và chúc tụng cuộc tình duyên tốt đẹp của hai người.

Ngày lại ngày nối nhau trôi qua, Từ Thức làm rể cõi tiên bấm đốt ngón tay đã được ba năm. Cuộc đời mới hoàn toàn khác với cảnh sống trần gian ngày trước. Cơm ăn áo mặc và mọi vật dụng cần thiết, chàng đều có sẵn, không thiếu một thứ gì. Sắc đẹp tuyệt vời, tính nết hiền dịu của Giáng Hương luôn luôn làm cho chàng thỏa dạ. Chàng lại được đi ngao du các động tiên, thơ ngâm vịnh làm ra thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên, lâu dần, Từ Thức lại thấy như thiếu một cái gì, một hôm chàng tâm sự với Giáng Hương:

– Xa cha ngái mẹ đã lâu, muốn về thăm một chuyến có được chăng?

Thấy vợ ngần ngừ chàng nói thêm:

– Chỉ cho về gặp bà con xóm làng một lần chót, rồi tôi sẽ đến đây ở với mình mãi mãi.

Giáng Hương thủ thỉ khuyên dỗ chồng hãy bỏ cái ý nghĩ trở về vì cõi tục và cõi tiên là hai con đường cách biệt. Nhưng Giáng Hương càng khuyên bao nhiêu thì nỗi nhớ nhà của Từ Thức càng nặng bấy nhiêu. Thấy chồng tuy không đòi về nữa nhưng nét mặt ngày một héo hon. Giáng Hương đành phải thưa với mẹ. Mẹ nàng thương hại:

– Không ngờ gã ấy còn lưu luyến bụi hồng đến thế!

Nói rồi cho người đẩy xe mây đến cho Từ Thức trở về. Chàng vội vã từ giã vợ và mẹ vợ, từ giã các bạn tiên, rồi bước lên xe. Chỉ trong chớp mắt, chàng đã thấy lại quê hương cũ. Các rặng núi, con sông, những lũy tre dưới mắt chàng vẫn không có gì khác xưa. Xe đặt chàng xuống giữa một bến sông, nơi mà ngày còn nhỏ chàng vẫn ra đấy tắm mát và bơi lội. Nhưng khi nhìn kỹ cảnh vật thì Từ Thức lấy làm ngờ ngợ. Mới ba năm mà nhà cửa vườn tược làm sao đã khác. Dân làng cũng chẳng có một người nào quen mặt. Hỏi một người đi đường, người ấy cho biết đúng là tên của làng chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng khi hỏi đến bố mẹ và em gái thì ai cũng lắc đầu trả lời không biết.

Sau cùng, Từ Thức đem họ tên của mình hỏi thăm các cụ già trong làng, thì một người ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp:

– Từ lúc còn nhỏ, tôi có nghe truyền lại rằng các cụ tổ năm đời nhà tôi có một cụ cũng tên họ như thế, trước làm quan huyện rồi treo ấn từ về, một hôm đi chơi sa vào hang núi mặt tích. Từ bấy đến nay dễ đã gần ba trăm năm.

Nghe kể chuyện, Từ Thức mới thấm thía lời nói của vợ. Chàng bùi ngùi đứng nhìn cây đa mình trồng đầu ngõ bây giờ đã thành cổ thụ, cây to hàng vầng, cành lá rườm rà, rễ buông từng chùm chi chít. Chàng thẫn thờ trước đám đông đang vây quanh mình. Sau cùng Từ Thức trở lại chỗ xe mây, thì không ngờ xe đã biến mất từ lúc nào. Buồn rầu vô hạn, chàng lại khăn gói lần mò đến cửa Thần-phù, định bụng tìm lại hang cũ dẫn đến động tiên nhưng mịt mù cây đá kín lối không thể tìm ra được nữa. Chàng đi, đi mãi, về sau không biết là đi đâu. Từ đấy người ta gọi hang núi ở chỗ này là động Từ Thức.

5. Con gà và con hổ

Thỏ, hổ và gà có lần ở chung với nhau để hợp sức phát nương rẫy. Ngày đầu tiên, thỏ và hổ đi cắt tranh, giao cho gà nhiệm vụ trông nhà và nấu ăn.
Sau khi quét dọn trong nhà ngoài ngõ, gà nấu cơm. Cơm chín, gà bắc một nồi nước lên bếp. Nước sôi gà nhảy lên miệng nồi, đẻ vào nồi một quả trứng, rồi cất lên mấy tiếng “cục ta cục tác”.

Trứng vừa chín thì thỏ và hổ cũng vừa về. Gà bắc trứng ra. Thỏ, hổ vừa mệt vừa đói nên ăn rất ngon miệng. Thỏ hỏi: “Chị gà ơi! Chị làm thế nào mà có món ăn thích khẩu thế?”. Gà nói thực cho biết cung cách mình đã chế ra món ăn đó. Sáng hôm sau, họ lại dậy sớm tiếp tục đi cắt tranh. Lần này hổ đi cùng gà, còn thỏ đến lượt ở nhà nấu ăn. Hổ còn dặn thỏ cố lo làm sao có bữa ăn ngon như gà đã làm hôm qua. Thỏ đáp: “Việc đó không khó, bác cứ tin ở tôi!”.

Sau khi nấu cơm, thỏ cũng bắc một nồi nước sôi rồi cũng đứng lên thành bếp chìa đít vào nồi và rặn như kiểu gà đã dạy. Xong việc, thỏ hý hửng ra cửa đón hổ và gà về.

Bữa ăn hôm ấy, hổ đói bụng háu ăn, gắp ngay trước mấy miếng bỏ vào miệng. Nhưng chưa kịp nuốt thì hổ đã vội khạc nhổ rối rít và gầm lên đuổi đánh thỏ. Thỏ vùng chạy nhưng không kịp nữa, bị hổ tóm được đánh cho một trận mê tơi. Hổ dằn đầu thỏ xuống đất mấy lần làm thỏ toạc cả da miệng. Sau lần bị đòn ấy thỏ giận hổ vô cùng, quyết nghĩ cách báo được thù mới hả. Mấy ngày sau, thỏ và hổ lại tiếp tục công việc Lúc này tranh cắt đem phơi đã khô, phải đánh đống lại đưa về lợp nhà. Trong khi chưa biết làm thế nào để chuyển tranh về thì thỏ đã hiến kế bảo hổ: – “Trong ba ta, tôi thấy bác có sức khỏe hơn cả. Vậy bác hãy nằm xuống để tôi chất tranh lên lưng, dùng dây buộc chặt vào lưng rồi cứ thế bác chở về nhà, chừng một chuyến là xong tất cả”. Hổ nghe có lý, nằm ngay xuống cho thỏ chất cỏ tranh lên. Khi đã đầy lưng, thỏ lấy dây cột quàng mấy chục vòng xuống bụng, xuống cổ, quàng cả vào các chân của hổ, v.v… Thế rồi thỏ nhảy lên, lấy đá đánh lửa đốt cho bén vào tranh rồi nhảy xuống chạy mất. Tranh khô được lửa, cháy rất thỏa thích. Hổ vẫn vô tình lo làm xong công việc, đến khi lửa liếm xuống gần lưng, nóng quá, mới hoảng hồn, gầm lên, lăn lộn. Nhưng đống lửa vẫn dính chắc lấy lưng hổ vì dây cột nhiều và chặt quá. Hổ càng chạy, lửa càng như được quạt mạnh, bùng to lên.

Khi hổ giãy được khối lửa khỏi lưng thì da đã bị bỏng, lông đã bị cháy sém loang lổ. Hổ giận tràn hông bỏ đi tìm thỏ thì thỏ đã biến đi đâu mất.

Cũng vì thế mà ngày nay người ta nói nòi giống của thỏ và hổ còn mang những vết tích của cha ông chúng để lại: một loài bị xẻ môi trên; một loài lông vẫn còn những vết cháy sém.

6. Nữ thần mặt trời và mặt trăng

Vua trên trời là Ngọc Hoàng có hai con gái đẹp. Ngọc Hoàng yêu quý hai nàng lắm nên cho các nàng hàng ngày luân phiên nhau đi xem xét mọi việc của hạ giới để báo lại cho nhà Trời. Cô gái đầu tên là Mặt Trời được ngồi kiệu hoa có bốn người khiêng. Bốn người này chia làm hai tốp: một tốp già và một tốp trẻ. Tốp các cụ già khiêng kiệu luôn luôn lo làm tròn phận sự, chăm chỉ vào công việc nên cô Mặt Trời thường đi một vòng rất nhanh. Còn tốp trẻ bản tính la cà nên những lần được phân công khiêng kiệu thường về muộn. Vì thế, mỗi lần Mặt Trời đi với tốp trẻ thì ngày dài, và đi với tốp già thì ngày lại ngắn.

Mặt Trăng là cô em tính tình nóng nảy còn hơn cả cô chị. Sức nóng của cô đã làm hại cho người và muôn vật khá nhiều. Ấy thế mà cô vẫn cứ chỏng lỏn, đi đâu cũng sà vào khiến cho nhân dân vô cùng kinh hãi. Trần gian khổ sở vì cô Mặt Trăng, họ đã kêu ca rất nhiều, tiếng thấu lên Thượng giới khiến cho bà mẹ đã định lấy tro mà bôi lên mặt cô để giảm bớt sức nóng đi. Nhưng Ngọc Hoàng chiều con, nên không để cho vợ làm việc ấy.

Bấy giờ ở dưới trần có một chàng trai tên là Quải. Quải là con mồ côi nhưng lại có một thân thể cực kỳ to lớn và sức khỏe tuyệt vời. Trước những hành động tai ác của cô Mặt Trăng, Quải quyết tâm trị cho một mẻ. Anh ta đón đường cô Trăng trên một đỉnh núi cao và trữ sẵn một đống cát thật lớn. Hôm ấy, cô Mặt Trăng vẫn quen thói cũ vừa đi vừa sà xuống để nhìn muôn vật, Quải chờ cho cô ta đến gần rồi bất thình lình bốc cát ném túi bụi vào mắt, vào mặt mũi cô. Cô Trăng đang rong chơi, bị tấn công đột ngột, nhắm mắt lại nhưng đất đã dính đầy mặt và chui cả vào trong mắt. Cô ta hốt hoảng vội vụt bay lên cao, lảng ra xa chỗ Quải đứng.

Từ đó trở đi cô không dám sà xuống gần mặt đất nữa. Mặt mũi cô bị cát dính chặt nên không còn sáng được như xưa. Sau này tính tình của cô trở nên dịu dàng, hiền lành hơn, ở dưới trần ai cũng thích. Người ta nói mỗi lần cô ngoảnh mặt xuống nhân gian thì lúc đó là trăng rằm, cô quay lưng tức là ba mươi, mùng một, còn cô trở sang trái, sang phải tức là thời kỳ trăng hạ huyền hoặc thượng huyền. Còn những khi trăng quầng, ấy là lúc cát bụi trát mặt bị gió thổi bay tung ra.

7. Sự tích chim tu hú

Ngày xưa có hai nhà sư Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian dài tu luyện thì bỗng một hôm, Năng Nhẫn được đức Phật độ cho thành chính quả. Bất Nhẫn thấy mình tu hành không kém gì bạn mà không được hưởng may mắn như bạn thì rất buồn bực. Chàng đến trước tòa sen hết sức kêu nài với đức Phật, bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật bảo chàng: “Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng nhẫn nhục trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ rồi sẽ theo bạn cũng chưa muộn”. Bất Nhẫn nghe lời bèn lên núi chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Chàng cương quyết ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.

Và từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri vô giác. Những con sâu con kiến bò khắp mình chàng. Những con thú cà vào thân chàng. Những con chim ỉa phẹt lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ một mực tâm tâm niệm niệm nghĩa lý cao thâm của đạo Phật. Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết liễu cuộc tu luyện. Một hôm tự dưng có hai vợ chồng con chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc trứng nở, những con chim non kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.

Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Bất Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây. Hôm đó, đến lượt con chim vợ đi tìm thức ăn cho con. Suốt một buổi chiều nó vẫn không kiếm được một chút gì. Mãi đến gần tối, lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ mới thấy một con nhện đang giăng tơ trong một đóa hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn mình vào giữa những cánh hoa làm cho chim mất công tìm mãi. Không ngờ hoa sen vừa tắt ánh mặt trời đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó. ở nhà, chim chồng hết bay đi kiếm vợ lại trở về. Đàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm. Mãi đến sáng mai, chờ lúc hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen vợ, chim chồng mắng nhiếc vợ hết lời. Nhưng chim vợ vẫn hết sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả buổi sáng và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn con khóc đói chíu chít điếc cả tai.

Nhè lúc vợ chồng chim cãi vã đến chỗ găng nhất, Bất Nhẫn bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vứt mạnh xuống đất và nói: “Đồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ”. Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ trong chốc lát. Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ kiếm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông chảy xiết, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới chịu nghỉ tay. Lần này Bất Nhẫn tỏ ra một người rất nhẫn nại. Tuy bến sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra việc gì. Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tự nhiên tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Hắn có vẻ là vợ một viên quan sở tại; chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn:

-Chú nhớ chèo cho vững nghe không. Che mui cho kín. Nếu để chúng ta mà ướt thì liệu chừng kẻo roi quắn đít đó. Nghe nói thế Bất Nhẫn đã hơi bực, nhưng chàng nín được và vẫn giữ vẻ mặt tươi cười đáp:

-Bà và cậu đừng sợ gì cả. Tôi xin cố sức. Rồi chàng vận dụng hết tài nghệ để đưa hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:

-Ta quên khuấy đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ. Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối, chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:

-Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ ở gậm giường. Thế nào nhà ngươi cũng phải gắng sang lấy cho ta một lần nữa. Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẫn đã chỉ tay vào mặt:

-Cút đi! Ta có phải sinh ra để hầu hạ mẹ con nhà mày mãi đâu. Nhưng người đàn bà ấy vốn là đức Phật Quan âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó, bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:

-Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục, như thế thì tu gì mà tu. Có tu hú! Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi. Phật bà Quan âm sau đó bắt Bất Nhẫn hóa thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn với Phật bà.

8. Vì sao người sống không còn thăm người chết được nữa?

Ngày xưa có hai anh em mồ côi đều chết vợ. Người em phát rẫy cạnh bên mộ vợ và thường bị lợn rừng đến phá.

Một hôm, anh ta đặt bẫy, đánh trúng lợn. Chú lợn bị thương vùng khỏi bẫy chạy hút về phía mộ vợ anh. Người em cầm giáo đuổi theo. Con lợn bị đuổi chui tọt vào một cái hang bên cạnh mộ vợ anh. Theo dấu chân mồi, anh đuổi theo lợn.Chạy theo một đoạn vào trong hang sâu, dấu chân lợn mất đi và hang bỗng rộng ra. Đi thêm một đoạn nữa, anh lại bị ngáng trước một cửa hang chẹt. Từ cửa hang nhìn vào, anh nhận ra nhiều người quen cũ (nay họ đã chết rồi). Anh thầm đoán vợ mình cũng ở trong đám người đó.

Anh định vượt qua cửa hang thì có người chặn lại hỏi:

– Anh đi đâu?

Anh trả lời liền:

– Tôi muốn đến thăm vợ.

Người kia tỏ ý bằng lòng và dặn thêm:

– Đây là xứ Mường Lộc ( âm phủ ), anh vào đây nên tìm cách xin vợ về, không nên ăn cơm, uống nước. Đã ăn cơm, uống nước xứ Mường Lộc thì không còn lên mặt đất được nữa.

Nói xong, người kia mở cửa cho anh vào.

Suốt hai ngày, hai đêm, anh đi hết đường cao, lối thấp, qua những suối vàng, sông xanh để tìm vợ. Lúc cổ khát cháy, khi bụng đói cồn cào, lại qua nhiều nơi làm chay, làm hội, cỗ bày rượu thịt linh đình, có người rước đón, tiếp mời, anh vẫn một mực từ chối.

Đến sáng ngày thứ ba, anh nhận ra vợ đang giã gạo dưới một sàn nhà cao. Vợ anh cũng đã nhận ra anh, vội buông chày chạy ra niềm nở hỏi han:

– Sao anh đi thăm em lại không đưa con cùng đi? Con ta có khỏe không? Nó lớn bằng nào rồi?

Anh rưng rưng nước mắt bảo vợ:

– Con ta đã khóc khản cả cổ, ngày đêm trông ngóng mẹ về.

Chị đưa mắt lên sàn nhà bảo anh:

– Anh xin cho em về thì em về.

Cha của chị bây giờ là vua xứ Mường Lộc có quyền to lắm, ít người dám bén chân đến thang sàn nhà ông. Anh vì thương vợ, thương con nên đánh liều leo lên sàn cao gặp vua.

Ông vua đang ngồi bếp, thấy người lạ có nét mặt thật thà, dễ thương nên quay sang hỏi chuyện. Anh được dịp liền kể hết nỗi niềm tình cảm vợ chồng của mình cho vua nghe. Ông vua ra chiều xúc động, gật gật đầu, bảo:

– Vợ chồng mày chung thủy như vậy là rất tốt, ta không nỡ gây cảnh phân li. Thôi được, ta cho vợ mày về Mường Lùm( trần gian ).

Anh mừng quá xuống đón ngay vợ về. Đi được một buổi đường thì vợ chồng gặp một cây to chắn ngang đường. Người vợ vừa leo lên toan vượt qua thì trượt chân ngã, chết. Cùng lúc, tất cả đồ đạc, vật dụng chị ta mang theo đều biến thành vỏ cây.

Anh chồng khóc lóc, bỏ xác vợ vào gùi, quyết vượt qua thân cây to để trở về mặt đất. Leo đến một ngày, hai ngày vẫn chưa vượt qua được thân cây, xác vợ anh ngày một thối rữa ra. Không quản gì thối tha, nặng nhọc, anh gùi xác vợ bên mình gắng qua nơi hiểm trở.

Đến ngày thứ tư, khi vượt qua được thân cây to thì chợt vợ anh sống lại. Vợ chồng lại mừng rỡ, dắt tay nhau cùng đi về hướng quê nhà.

Đi thêm một ngày nữa, vợ chồng lại gặp một con sông rộng. Đang bơi giữa dòng, người vợ bỗng chới với rồi chìm nghỉm. Anh chồng lại ngụp lặn tìm xác vợ.

Mãi đến chiều ngày hôm sau, anh mới vớt được xác vợ lên. Anh lại đặt xác vợ vào gùi, mang đi. Xác chết phình nước nên chỉ đến chiều hôm sau là bắt đầu thối rữa. Mặc, anh vẫn gùi vợ đi. Được thêm một ngày nữa, người vợ sống trở lại, đúng lúc vợ chồng ra đến cửa hang. Họ nắm tay nhau chạy về nhà. Vợ chồng con cái lại sum họp như xưa.

Người chồng đi làm rẫy, người vợ lo nuôi con, sửa sang lại nhà, nương. Ngày ngày, tiếng chày giã gạo của chị lại âm vang rừng núi.

Người anh cả côi cút trong cảnh gà trống nuôi con, bỗng nghe tiếng chày giã gạo suốt sáng đến tối từ phía nhà em dội sang thì lạ lắm. Anh cho con sang xem ai đang giã gạo.

Biết vợ em trở về, người anh dắt con sang chơi nhà em, hỏi chuyện làm sao em dâu chết lâu rồi nay sống lại được.

Người em kể lại sự tình cho anh nghe và bảo:

– Anh ơi, nếu anh muốn tìm chị về thì em sẽ đi giúp…

Người anh xua tay:

– Để anh đi tìm lấy. Ai lại để em chồng đi tìm chị dâu.

Anh cả ra đi đúng như lời em dặn, như đường em đã đi. Anh cũng gặp được vợ, cũng xin vua Mường Lộc cho vợ được về với mình.

Trên đường về, vợ anh cũng vượt qua cây gỗ và ngã chết, anh làm theo lời em, bỏ xác vợ vào gùi mang đi. Mùi thối của xác chết làm anh nhức óc. Có lần anh toan ném cái xác ấy đi, nhưng nhớ lời em dặn, anh bịt mũi, chịu khó mang đi tiếp. Vượt qua được thân cây to, vợ anh sống lại.

Vì sợ phải mang xác chết lần nữa, anh cả tách rừng rẽ sang một lối khác. Cuối cùng anh vẫn phải vượt qua bến sông như lời em đã báo trước.

Người anh cố dìu chắc để vợ khỏi chết đuối, nhưng khi ra giữa dòng, bỗng dưng giông tố nổi lên, người vợ bị tuột khỏi tay anh chìm nghỉm. Anh cố công lặn tìm suốt một ngày, một đêm thâu. Khi vớt được thì xác của vợ đã rữa ra, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Anh cả không chịu được nữa, đành buông xác vợ xuống sông.

Anh cả tiu nghỉu lên bờ tìm đường về, liền nghe tiếng gọi rất quen từ bên kia dội sang. Anh nhận ra bóng dáng vợ mình đã sống lại, đang đứng ở bờ bên kia gọi nhắn sang:

– Anh ơi, vợ chồng lấy điều chung thủy làm đầu. Anh đã không giữ được điều đó, từ nay trở đi anh đừng quay lại nữa.

Nói rồi chị ta biến mất.

Lúc quay về xứ Mường Lộc, chị ta thuật lại mọi chuyện cho vua nghe. Ông vua nổi giận, gọi hết những người coi cửa xứ ông đến, nghiêm khắc bảo:

– Từ nay ta cấm tiệt việc người sống trên Mường Lùm về thăm người sống dưới xứ Mường Lộc ta.

Từ đó đến nay, người sống bị cấm cửa, không còn được đi thăm người chết như trước nữa.

9. Rể trăn

Xưa, có một bà sinh được ba người con gái. Một hôm bà đi bắt cá ngoài đồng, giữa lúc đang mò cá, bỗng có một con trăn bò đến quấn vào chân bà. Bà sợ hãi kêu lên, trăn nói:

– Nếu bà muốn tôi thả ra thì phải gả cho tôi một trong ba đứa con gái của bà. Nếu không tôi sẽ cắn chết.

Khi ấy có một người đi ngang qua, bà nhắn về gọi giúp ba đứa con gái ra cứu mình.

Một lúc sau thì ba người con gái đến. Bà gọi đứa con gái đầu lại gần, và nói rằng:

– Cả ơi, trăn quấn chân mẹ, con hãy thuận lòng lấy trăn để nó thả mẹ ra, nếu không trăn sẽ cắn chết mẹ.

Con gái cả nhìn thấy con trăn to tướng thì sợ chết khiếp, nghe mẹ nói vậy bèn vội vàng trả lời:

– Làm gì lại có chuyện người lại lấy trăn, con sợ lắm, con không ưng đâu.

Bà mẹ lại gọi đứa con thứ hai mà than rằng:

– Thứ ơi, mẹ bị trăn quấn chặt vào chân đau lắm, con bằng lòng lấy trăn để mẹ được thả ra đi con, nếu không mẹ chết mất.

Đứa con thứ hai cũng trả lời nhừ đứa con gái đầu.

Cô út thấy hai chị đều một mực từ chối, mà lòng thì rất mực thương mẹ, nàng bèn nói với trăn rằng:

– Trăn ơi, hãy buông thả mẹ tôi ra, tôi sẽ bằng lòng lấy anh.

Nghe nói vậy, trăn liền buông chân bà mẹ ra.

Đêm đó, người chị cả rình xem việc gì sẽ xảy ra giữa trăn và em mình. Nàng rất đỗi ngạc nhiên thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú ở trong phòng và đang nói chuyện với em gái út chứ không thấy trăn đâu cả.

Sáng hôm sau nàng cả đem chuyện đó kể cho mẹ nghe, và xin mẹ đi hỏi một con trăn về cho nàng. Vài hôm sau, có một con trăn to bò vào phòng của cô gái lớn. Nửa đêm hôm đó bỗng cô gái kêu lên:

– Mẹ ơi, con sắp chết, trăn đã nuốt đến lưng con rồi, cứu con với mẹ ơi!

Không biết rằng trăn có thể nuốt được người, bà mẹ lại khuyên con rằng:

– Cố chịu đi con, rồi con sẽ được chồng đẹp trai, giàu sang hơn người.

Sáng hôm sau, bà mẹ không thấy cô gái lớn thức dậy bèn sinh nghi. Bà mở cửa nhìn vào thì thấy một con trăn nằm dài, bụng trương phình. Bà khóc than, kể lể. Lúc bấy giờ chàng rể cô út biết là đã có chuyện chẳng lành, bèn lấy dao mổ bụng con trăn, lôi chị cả ra, rồi chạy tìm thuốc cứu sống chị.

10. Lọ nước thần

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng.

Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình đang làm việc. Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu. Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quạ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng:

– “Đồ chim dữ! Hãy cút ngay!”. Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù. Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ấp ủ cho nó sống lại. Quả nhiên, chỉ chừng giập bã trầu, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ để nó đưa biếu một vật.

Một lát sau, con chim đã bay trở lại miệng ngậm một cái lọ bé đặt xuống bên cạnh và nói – “Đây là lọ nước thần có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có”. Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi tần ngần mở nút ra xem thì thấy đầy một lọ nước mùi thơm ngào ngạt. Anh nghĩ bụng: – Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng”. Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ trên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.

Ít năm sau đó, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng hai vợ chồng thì rất thương yêu nhau.

Một hôm chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta đồ là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội rồi tiện tay đổ lọ nước ra bôi khắp tóc tai mình mẩy. Không ngờ sau khi bôi xong chị ta tự nhiên trở nên xinh đẹp trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng tự nhiên lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.

Khi người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.

Từ đấy anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ vợ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa.

Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy, bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa. Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức truyền thần vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ: “Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!”.

Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.

Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần và cũng bày trò mở hội ba đêm ngày. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo ngay anh về nhà và chúng tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá chúng vội đưa kiệu rước về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.

Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười. Vua bèn hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy v.v… đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép làm cho người đàn bà phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.

Lại nói chuyện anh chồng từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì vua sẽ ban thưởng, anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ. Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh, quảy theo. Đến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to lên những câu:

Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
Thì thương tôi với!

Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc một lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:

– Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!

Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng; lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì lấylàm kinh ngạc. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nẩy ra ý nghĩ muốn tự mình cải trang gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:

– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!

Vua cởi áo long bào vứt cho anh và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rổi quảy gánh qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được. Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười nghặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm già. Nhưng đột nhiên người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ liền nhảy xổ tới cắn chết. Người đàn bà vội bảo chồng:

– Mình hãy mau mau trèo lên ngai vàng đi!

Anh chồng lật đật trèo lên ngai vàng giữa lúc trăm quan và cung nữ rập đầu bái mạng. Từ đó anh làm vua và ở với vợ trọn đời.

11. Sự Tích Núi Ngũ Hành

Ngày xưa, có một ông cụ già sống một thân một mình trong một túp lều con trên bãi biển vắng. Những người dân gần đó không biết ông cụ đến đấy làm gì và đến từ lúc nào.

Một hôm, tự nhiên ngoài biển khơi có một vùng sóng gió nổi lên dữ dội làm bầu trời tối mịt. Hồi lâu có một con giao long rất lớn ngoi vào bờ, trườn lên đất liền. Giao long quằn quại trên bãi cát làm vẹt đất thành từng đường ngoằn ngoèo. Gió thổi ào ào, bụi cát mù mịt. Gian lều của ông già gần đó xem chừng muốn đổ. Cuối cùng một tiếng gào rống lên, rồi một cái trứng lớn trong bụng giao long xuất hiện bên cạnh nhà của ông già. Đẻ xong, giao long lại trườn xuống biển đi mất.

Một lát sau lại đến lượt một con rùa vàng to lớn cũng từ ngoài khơi tiến vào. Rùa vàng đào đất chôn trứng vào bãi cát. Đoạn, rùa bò đến trước mặt ông lão bảo rằng:

– Ta là thần Kim Quy. Ta muốn ngươi phải hết sức bảo hộ giọt máu này của Long Quân!

Ông già trả lời:

– Sức cùng tài tận như tôi thì làm sao mà bảo hộ được.

Rùa liền trao cho ông già một cái móng và nói:

– Ngươi hãy cầm lấy cái này, bao giờ có việc gì khó khăn nguy cấp thì đặt nó vào tai, ta sẽ giúp ngay, không lo gì cả.

– Được, tôi sẽ xin hết sức.

Một hôm từ đằng xa tiến đến một chiếc xe trâu, trên có mấy tên lính hung dữ. Ông già hoảng hốt lo sợ vì chiếc xe cứ nhằm đúng hướng trứng mà lao tới. Ông đứng dậy khoát tay làm dấu cho xe chạy đi ngả khác mà không được. Ông vội đặt móng rùa vào tai. Tự nhiên có một tiếng nói nhỏ đủ lọt vào tai ông: “Nằm xuống! Nằm xuống!”. Ông vừa phủ phục thì hóa ngay một con hổ lớn. Bọn lính trên xe hoảng hốt đánh xe quay trở lại.

Sau đó, ông cụ tháo gian nhà của mình đưa tới dựng lên che cho trứng thần. Nhưng ông không ngờ rằng trứng thần cứ mỗi ngày một lớn mãi. Thoạt tiên nó làm nổi cát lên. Rồi ngày một, ngày hai nó rẽ dần cát ra và nhô lên khỏi mặt đất. Mỗi lần như thế thì cụ già lại hì hục xúc cát lấp lại. Nhưng vô ích vì chỉ ngày mai ngày kia nó đã nhô cao hơn, đến nỗi đội cả gian nhà của ông cụ lên trời.

Trứng càng ngày càng lớn làm cho ông cụ thấy sức của mình bé lại. Tuy nhiên, ông vẫn hết lòng vì trứng thần. Ông đi chặt cây, chặt lá về che cho kín trứng.

Nhưng cây lá cũng không che nổi nữa vì trứng ngày một phình to ra. Không những nó nhô cao lên trời mà còn nở cả bề rộng. Mầu vỏ trứng xanh đỏ tím vàng lóng lánh như một hòn ngọc khổng lồ.

Một hôm, gian lều của ông cụ bị những tên vô lại đốt cháy. Ông cụ cầu cứu với móng rùa. Tự nhiên trong lòng trứng hiện ra một cái hang đá có đủ giường chiếu sẵn sàng. Ông già vừa đặt mình xuống là ngủ thiếp ngay.

Giữa lúc đó thì một cô gái bé từ trong lòng trứng ra đời bên cạnh giường của ông già. Sữa ở mạch đá trong hang chảy ra nuôi cô gái bé lớn lên như thổi. Nhưng tuy ông già ngủ mà cô gái cũng không cô quạnh. Hàng ngày có những con khỉ hái hoa quả đến cho cô ăn, có những con chim cu tha bông đến dệt cho cô mặc.

Ông già ngủ một giấc tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên cạnh mình. Cô gái reo lên: – “Mười lăm năm nay con ngày ngày lắng nghe hơi thở đều đặn của cha. Nay cha đã dậy, con vui mừng biết mấy”.

Ông già ngơ ngác nhìn trứng thần bấy giờ đã thành một hòn núi đá to lớn, cỏ cây đã rậm rạp, chim chóc thú vật đã đến sinh hoạt nhộn nhịp. Móng rùa vẫn còn ở đầu giường. Ông vội cầm lấy để vào tai. Móng rùa mách đường cho ông già và cô gái ra khỏi hang và cho biết phải làm những việc gì.

Từ đây ông già lại có thêm chức trách dạy dỗ săn sóc cô gái của Long Quân. Trong khi đó, chim chóc và thú rừng đến quấn quýt bên cạnh hai người. Bọn mục đồng cũng không quên lui tới làm quen với bọn họ.

Một hôm có một đội quân không hiểu từ đâu lại, mặt mũi hung ác, gươm tuốt sáng lòe, đến bổ vây chiếm lấy hòn núi mới. Bọn chúng xô tới định bắt cả trẻ lẫn già đi, nhưng móng rùa đã làm cho chúng chết không kịp ngáp. Cả một vòng lửa rất dày ùn ùn bốc lên vây lấy chúng và chẳng cho một tên nào chạy thoát.

Thấy núi và người bỗng dưng xuất hiện ở địa phương mình, nhân dân quanh vùng cho là một sự lạ chưa từng có. Tin là tiên xuống trần cứu dân, họ đến gặp cô gái và ông già để xin thuốc và cầu khẩn mọi việc. Thấy họ cần dùng thuốc, cô gái lấy những mảnh đá có mầu xanh, đỏ sáng, buộc lại với nhau rồi ném ra chung quanh chỗ ngồi. Trên mặt đất bỗng mọc lên một loài cây có hoa năm cánh dùng để chữa bệnh sốt rét rất hiệu nghiệm. Người ta đua nhau đi hái hoa đó về chữa bệnh. Họ gọi là hoa Tứ quý. Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng. Ai ai cũng nhắc đến nàng tiên bé nhỏ với một tấm lòng trìu mến.

Sau đó chẳng bao lâu, nhà vua nghe tin có nàng tiên xinh đẹp, bèn sai quan quân mang lễ vật đến cầu hôn cho hoàng tử. Khi sứ giả đến thì trông thấy một già một trẻ đang đánh cờ “gánh” trên tảng đá lớn. Sứ giả bước vào đệ trình lễ vật và quốc thư. Giữa khi ông cụ già lúng túng chưa biết nên xử trí thế nào thì rùa vàng đã từ dưới biển hiện lên báo tin cho ông biết là Long Quân đã bằng lòng gả. Từ đây núi vắng người tiên. Cô gái từ biệt cha nuôi lên kiệu đi theo sứ giả, có mấy trăm quân sĩ theo hầu. Còn ông già trả móng lại cho rùa thần rồi cưỡi lên lưng rùa đi biệt.

Ngày nay hòn núi đá ấy vẫn hãy còn. Nó là hòn núi đẹp nhất nổi lên ở bờ biển Quảng Nam. Người ta gọi nó là núi Ngũ Hành. ở phía tây núi có sông Vĩnh Điện chảy ra cửa Hàn. Người ta bảo sông đó cũng như sông Cẩm Lệ, sông Hàn đều do bà vợ Long Quân vô tình làm ra trong khi quằn quại ở cữ.

12. Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó. Khi cha mẹ còn sống người anh chỉ biết sống dựa dẫm vào cha mẹ, khi cha mẹ qua đời anh ta lại sống dựa dẫm vào người em.

Suốt ngày người anh chỉ biết rong chơi, rượu chè cờ bạc, còn nếp nhà tranh cha mẹ để lại anh ta cũng bán nốt đi để lấy tiền tiêu xài. Cuối cùng không có nơi nào để ở hai anh em phải chia tay nhau mỗi người một ngả.

Người anh chẳng biết làm lụng gì nên phải đi ăn xin khắp nơi xin mọi người bố thí để sống qua ngày. Còn về phần người em, anh có chiếc cần câu cha để lại nên ngày nào anh cũng ra sông để câu cá. Chẳng quản ngại nắng mưa người em rất chăm chỉ cần mẫn làm việc, và không bao lâu sau anh dành dụm tiền mua được một chiếc vó từ đó công việc của anh đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Nhờ hay lam hay làm lại biết tiết kiệm, chắt bóp chẳng bao lâu sau anh đã chuộc lại được căn nhà tranh của cha mẹ. Vì thương anh nên người em lại tìm người anh về sống chung, nhưng người anh vẫn chứng nào tật ấy, không chịu làm ăn.

Một hôm, người em đi từ sáng đến chiều mà không câu được con cá nào. Anh đành phải vạch lau, lách theo bờ để tìm đến một đoạn sông vắng, rồi kiên trì thả vó nhưng lần nào kéo vó lên cũng không có một con cá nào. Người em buồn quá định cất vó đi về thì lần cuối cùng anh cất vó thì thấy võ nặng trĩu, anh phải gắng hết sức thì mới nhấc được vó lên được. Người em vô cùng kinh ngạc khi thấy trong vó không phải là cá mà là một cô gái vô cùng xinh đẹp.

Sau khi được người em vớt lên, cô gái kể lại sự việc cho người em nghe. Cô gái vốn là tiên nữ trên trời, một hôm cô xuống sông tắm chẳng may đã bị con trai vua thủy tề bắt làm vợ, nay nhờ người em kéo vó mà nàng mới thoát được lên bờ. Và để đền ơn chàng, nàng tiên đã ban tặng cho người em bảy điều ước và dặn:

– Nếu chàng muốn cho ai điều ước, thì chàng chỉ cần đặt tay lên đầu người đó, mỗi lần đặt tay lên đầu là một điều ước.

Nói xong nàng tiên đặt tay lên đầu người em bảy lần rồi biến mất. Khi về đến nhà, người em đem hết sự tình kể cho người anh. Người anh tham lam bảo người em hãy cho mình bốn điều ước, người em bằng lòng ngay và đặt tay lên đầu người anh bốn lần.

Người anh ước ngay điều ước thứ nhất:

– Ta ước có một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy chứa đầy vàng bạc châu báu.

Người anh vừa dứt lời thì lập tức tòa lâu đài nguy nga tráng lệ hiện ra trước mắt. Anh ta vô cùng vui sướng và đi khắp ngôi nhà để khám phá.

Còn người em, anh chỉ ước có một ngôi nhà vững chãi để thay cho ngôi nhà đã rột nát. Ước mong thứ hai là có một mảnh ruộng tốt để cày cấy. Còn điều ước cuối cùng anh vẫn để giành.

Ngày ngày, ngoài việc đồng áng, anh lại mang vó ra sông để kiếm cá. Từ ngày giàu có người anh trở nên hợm hĩnh, không coi ai ra gì. Những người nghèo khó đến xin giúp đỡ anh ta đều từ chối và đuổi đi. Anh ta còn dùng điều ước thứ hai để ước hàng xóm láng giếng biến mất hết để không ai có thể làm phiền anh ta. Dần dần anh ta càng bị mọi người ghét bỏ và xa lánh, vì thế nên quanh năm anh ta không thể nói chuyện được với ai. Sống một mình mãi anh ta sinh buồn chán.

Một hôm anh ta ước đến điều ước thứ ba: “Ta cảm thấy sống mãi ở trần gian này thật chán quá, ta ước được lên cung trăng để được chơi với chị Hằng, chú Cuội”. Lập tức một trận cuồng phong kéo tới đưa anh ta lên tít trời cao. Anh ta sợ hãi ngắm nghiền hai mắt lại đến khi không nghe thấy tiếng gió rít nữa mới dám mở mắt ra nhìn. Thì ra anh ta đã lên đến cung trăng, anh ta sửng sốt khi nhận ra chú Cuội bằng xương bằng thịt đang đứng ngay trước mặt.

Chú Cuội đưa cho anh ta một cái rìu và bảo:

– Ở nơi này mọi thứ đều khó kiếm, anh muốn no bụng thì phải bổ củi mới có cơm để ăn.

Người anh bắt đầu bổ củi, anh ta bổ đến khi chân tay mỏi rã rời không thể nhấc được cái rìu nữa nhưng vẫn chẳng thấy cơm cháo đâu cả. Lúc ấy Cuội mới cười bảo anh ta:

– Ha! Ha! Tôi bảo anh bổ cây lấy củi chứ có bảo anh bổ củi lấy cơm đâu.

Rồi Cuội lại bảo người anh mài đá lấy bột ăn cho đỡ đói. Người anh tưởng thật lại cố sức mài đá cho thành bột, nhưng bột đá chát quá anh ta không tài nào nuốt nổi. Thấy vậy Cuội lại cười và bảo:

– Ha! Ha! Tôi nhờ anh mài hộ tảng đá để làm bàn cờ, chứ bột đá thì sao có thể ăn được.

Người anh vừa đói vừa khát lại bị Cuội lừa nên anh ta lại thấy chán cung Trăng. Anh ta lại ước tiếp điều ước thứ tư: “Hãy đưa ta đến xứ sở Mặt trời.” Điều ước thành sự thật, nhưng chưa đến được Mặt trời anh ta thấy nóng quá anh ta vội liều nhảy xuống mặt đất . Người anh rơi xuống ngay con sông nơi người em thường hay câu cá. Anh ta được những người thuyền chài vớt lên nhưng anh ta đã bị tắt thở rồi.

Nhận được tin báo người em vội vã ra nhận xác người anh. Còn một điều ước cuối cùng anh ước cho anh trai mình được sống lại. Người anh vô cùng hối hận vì những việc mình đã làm, thay tâm đổi tính ngày ngày chịu khó làm việc. Nhờ biết bảo ban nhau làm ăn cuộc sống của hai an hem ngày càng khấm khá hơn.Người em còn chịu khó khăn gói quả mướp đi học hỏi, anh còn tìm được bao nhiêu giống cây tốt mang về. Chẳng bao lâu sau ruộng của hai anh em được cấy giống lúa tốt cho gạo thơm ngon, còn vườn cây thì xanh tốt toàn hoa thơm quả ngọt. Rồi hai anh em đều cưới được hai cô vợ xinh đẹp nết na. Và họ sống bên nhau thật vui vẻ hạnh phúc.

13. sự tích con Mèo

Ngày xưa, có hai chị em hổ đói bụng dẫn nhau đi kiếm ăn. Lúc này đang là mùa đông gió rét, sương gió lạnh cắt da, cắt thịt. Rét đến mức chẳng có con thú nào chịu ra khỏi tổ nên hai chị em hổ không thể kiếm được thức ăn. Phải chịu đói nhiều ngày hai chị em hổ mệt lử, chân tay run lẩy bẩy.

Một đêm mưa gió, rét mướt, hai chị em hổ cùng vượt rừng đi kiếm cái ăn. Từ xa hai chị em trông thấy một ngôi nhà sàn gần đấy đang bập bùng ánh lửa. Một bà cụ già đang đun nấu gì đó, lửa than cháy hồng rực. Hai chị em cảm thấy ấm áp hẳn lên. Nằm sát bên nhau Hổ em thủ thỉ:

 – Chị ơi, ước gì hai chị em mình có được ít lửa đỏ để sưởi ấm như cậu bé kia thì thích nhỉ.

Hổ chị chăm chú nhìn bà cụ bóc bánh nóng cho cháu ăn. Nghe hổ em nói hợp với ý mình liền bàn với em:

 – Em nói phải đấy, người ra đang đun nấu gì đó, có nhiều lửa lắm, em vào xin đi.

Nhìn thấy cái thang bắc lên nhà quá cao, hổ em e ngại nói:

 – Chị ơi, chị khỏe mạnh cứng cáp, hay chị đi xin lửa đi. Em yếu thế này chắc không trèo lên được cái thang kia đâu. Chị vào xin lửa, nếu xin được chút bánh ăn thì tuyệt quá.

Hai chị em cứ bàn đi, bàn lại, đùn đẩy nhau. Mãi tới canh khuya, khi lũ chó canh nhà đã ngủ, cả nhà im lặng chỉ còn ánh lửa bập bùng, Hổ em quyết định xuống xin lửa. Trời khuya, sương lạnh, Hổ em dò dẫm từ trên núi đá xuống, mò được lên đến nhà thì đã ướt sũng, lông bết vào nhau, thân hình nhỏ xín, tiều tuỵ.

Bà cụ chợt tỉnh giấc, nhìn thấy con thú con tội nghiệp lạc vào nhà lấy làm lạ. Bà bế nó đến bên bếp lửa sưởi ấm, lấy ít bánh cho nó ăn. Nghỉ ngơi hong khô mình, Hổ con ra dáng là một chú Hổ xinh đẹp. Chú xin bà cụ một ít lửa mang về cho chị.

Lúc đó, chợt thấy tiếng chó sủa vang, các con chó thi nhau sủa, Hổ chị sợ quá vội vàng ba chân bốn cẳng phóng một mạch vào rừng. Một lúc sau, tiếng chó sủa đã im, Hổ em xin được lửa quay trở lại thì không thấy chị mình đâu nữa. Chờ mãi chẳng thấy chị mình trở lại, nó đành đem lửa trả bà cụ. Hổ em xin ở lại nhà bà cụ sưởi ấm chờ hôm sau đem lửa về cho chị.

Từ ngày sống ở nhà bà cụ, Hổ em luôn tỏ ra ngoan ngoãn hiền lành, suốt ngày nó nằm bên bếp lửa để tránh bị những con chó bắt nạt.

Trông thấy con vật nhỏ bé lông vàng, xinh đẹp, ngoan ngoãn, những đứa cháu bà cụ yêu thích lắm. Chúng luôn cho chú Hổ con ăn lúc thì mẩu thịt, lúc thì khúc cá, Hổ con lúc nào cũng được no nê, khò khè nằm cạnh bếp.

Có đôi lúc nó nhớ chị, nhớ rừng nó cất tiếng kêu “meo meo” nho nhỏ khiến cho lũ cháu bà cụ càng yêu nó hơn. Vì thế chẳng bao giờ Hổ em được tự do để trở về rừng tìm chị. Nhiều đêm Hổ chị qua làng tìm em nhưng những con chó quanh nhà cắn dữ quá, nó sợ không dám vào.

Một hôm, thấy nhà bà cụ yên ắng quá, Hổ chị mạnh dạn mò vào thì thấy Hổ em đang ngủ ngon lành bên bếp lửa hồng. Hổ chị khe khàng cất tiếng gọi em:” Miao, miao”. Hổ em tỉnh giấc, chưa kịp đáp lại thì lũ chó đã ngửi thấy mùi của Hổ chị sủa ầm lên và định vồ hổ chị. Sợ quá Hổ chị co chân chạy thẳng một mạch về rừng.

Từ đó hai chị em Hổ không còn có dịp nào gặp nhau nữa. Hổ chị sống hẳn ở trong rừng không còn về làng nữa vì nó yên tâm em mình đã có được một nơi ấm áp tử tế.

Còn nó sống trong rừng ngày đêm đi săn mồi, ngủ hang, sống thui thủi một mình. Hổ em dù được no bụng nhưng suốt ngày ăn cơm gạo, không có thịt sống nên không thể lớn được. Nó trở thành mèo nhà chỉ còn bắt chuột và suốt ngày nằm khò khè bên bếp lửa. Người ta bảo, ngày nay, Hổ không bao giờ vồ Mèo vì Mèo là em út của Hổ…

14. Bên gốc liễu

Đất đai quanh thị trấn Kgiôêgiê trên đảo Xilen rất là trơ trụi. Thị trấn này ở bên bờ biển. Biển cả bao giờ cũng đẹp. Nhưng có thể nói là bãi biển Kgiôêgiê còn đẹp hơn tất cả các nơi khác. Khắp xung quanh thị trấn chỉ là một cánh đồng phẳng lì, toàn là ruộng, không có cây cối, đường cái quan chạy tít đến tận cánh rừng gần nhất.

Tuy nhiên, khi người ta sinh trưởng trong một xứ và gắn bó nhiều với xứ ấy, người ta thường thấy ở nơi đó một cái gì làm cho người ta say mê, rồi sau này dù sống ở những vùng đẹp đẽ và thích thú nhất, người ta vẫn muốn trở về ngắm lại chốn cũ.

Thật vậy, ở đầu thị trấn Kgiôêgiê, dọc theo dòng suối đổ ra biển có vài mảnh vườn nhỏ, nơi về mùa hạ, người ta có thể tưởng tượng như đang ở chốn thiên đàng.

Có hai đứa trẻ láng giềng với nhau cũng tưởng tượng như thế khi chúng chui qua hàng cây phúc bồn tử ngăn cách hai mảnh vườn của cha mẹ chúng để sang chơi với nhau. Vườn bên này có một cây hương mộc, vườn bên kia có một gốc liễu già. Hai đứa trẻ thích chơi ở dưới gốc liễu này nhất. Cha mẹ chúng đã cho phép chúng chơi dưới gốc liễu, mặc dù nó mọc ngay sát bên dòng suối và chúng có thể ngã xuống nước. Nhưng trời vẫn trông nom, che chở chúng, không thế thì cũng lắm phen đáng oán thán lắm rồi đấy.

Vả chăng hai đứa bé cũng rất biết giữ gìn để khỏi rơi xuống suối. Ngay đứa con trai cũng sợ nước đến nỗi, về mùa hè trên bãi biển, không ai có cách gì làm cho em nhúng mình xuống biển được trong khi những đứa trẻ khác rất thích lội nước. Người ta trêu ghẹo, chế giễu, em cũng chịu nhịn, không phàn nàn. Gian, cô bạn nhỏ của em, có lần mơ thấy mình lướt sóng trên một con thuyền và em (tức là Knút) tiến về phía Gian, nước ngập đến cổ, lút đầu, rồi cuối cùng em biến mất.

Từ khi bé Knút biết câu chuyện nằm mơ ấy em không chịu được lời giễu cợt của những đứa con trai khác. Em đã xuống nước. Gian đã nằm mộng thấy em như thế. Thật ra, em chưa bao giờ dám mạo hiểm làm việc ấy, nhưng em rất tự hào về hành động của mình trong giấc mơ của người bạn nhỏ.

Cha mẹ các em nghèo. Hai em gặp nhau luôn. Knút và Gian thường chơi với nhau trong vườn và trên con đường cái hai bên bờ rào có trồng những hàng liễu. Những cây ấy bị cắt ngọn, nên ngó bộ cũng chẳng thể to lớn. Người ta trồng chúng chẳng phải để làm cảnh mà để lấy lợi.

Nom gốc liễu già trong mảnh vườn con đẹp hơn, cành dài trông tựa như một cái nôi. Hai đứa trẻ thích núp mình trong đó. Trong thị trấn có một khoảng rộng dùng làm nơi họp chợ. Tới ngày phiên, người ta dựng lên những dãy phố dài toàn lều và rạp, trong có bày những dải lụa màu, đồ chơi, giày ủng… muốn mua gì cũng có. Người đông chen chúc nhau. Trong số cửa hiệu ấy có một cửa hàng lớn bán bánh ngọt. Dịp may hiếm có: người chủ hàng bánh cứ đến phiên chợ lại đến trọ tại nhà cha mẹ bé Knút. Thỉnh thoảng em lại vớ được vài mẩu bánh, và tất nhiên là Gian cũng có phần.

Nhưng còn cái thú vị hơn nữa là ông hàng bánh biết đủ mọi chuyện ở trên đời, ngay cả chuyện về bánh ngọt nữa. Một tối nọ, ông kể một câu chuyện về bánh ngọt làm cho hai đứa trẻ xúc động đến nỗi suốt đời không quên. Ông kể rằng:

– Trong số bánh bày trong tủ hàng nhà bác có hai hình người làm bằng bánh ngọt, một anh con trai đầu đội mũ và một chị con gái để tóc trần. Họ chỉ có mặt người phía trước, chớ có ngắm phía sau họ. Vả chăng con người ta cũng thế thôi, nhìn vào mặt trái thì cũng chẳng có gì là tốt. Phía bên trái anh con trai có điểm một hạt hạnh nhân đắng, đó là trái tim anh ta. Chị con gái được nhào nặn toàn bằng mật ong. Họ được bày làm mẫu trong tủ hàng của bác. Họ ở đấy lâu đến nỗi cuối cùng đâm ra yêu nhau. Nhưng họ chẳng hề tỏ tình với nhau. Nhẽ ra họ phải ngỏ lời với nhau thì tình yêu mới có kết quả.

“Cô gái nghĩ thầm: “Anh ấy là con trai thì phải ngỏ lời trước chứ”. Cô chỉ mong muốn được biết là anh có đáp lại tấm tình của mình không. Còn chàng trai thì lại nghĩ rộng hơn, nam giới thường vẫn thế. Anh ta mơ thấy mình là một đứa trẻ con ngoài phố, như biết bao đứa vẫn đi qua trước mặt anh. Anh mơ thấy mình có bốn silinh (bốn xu) và sẽ dùng để mua cô nàng mà chén.

“Họ vẫn cứ nằm trong tủ hàng của bác ngày này sang tuần khác. Dần dà họ khô đét đi. Tâm tình của cô gái ngày càng trở nên đa cảm, đúng như tâm tình của một người đàn bà thật.

Nàng thở dài nói rằng: “Ta được ở bên chàng lâu đến thế này cũng sung sướng lắm rồi”.

“Rồi nàng vỡ làm đôi đánh tách một cái và qua đời.

“Anh chàng kia tự nhủ: “Nếu nàng biết mối tình của ta thì nàng phải cố mà sống chứ!”

Ông hàng bánh nói tiếp:

– Câu chuyện chỉ có thế và đây là hai nhân vật. Đây không phải là những chiếc bánh ngọt thường đâu mà là những nhân vật đặc biệt đã chứng minh rằng mối tình câm không bao giờ đưa đến một kết quả nào cả. Đây cầm lấy, bác cho các cháu đấy.

Ông đưa Gian chiếc bánh hình người con trai hãy còn nguyên vẹn. Knút được hai mảnh trước kia là chiếc bánh hình cô con gái.

Nhưng hai đứa trẻ xúc động vì câu chuyện thương tâm đến nỗi không nỡ ăn cặp tình nhân ấy.

Hôm sau, chúng đem họ ra nghĩa địa. Chúng ngồi xuống cỏ. Bên tường nhà thờ quanh năm phủ đầy những tràng hoa trường xuân. Chúng đặt hai chiếc bánh ngọt vào một cái khám xây trong tường giữa đám hoa lá tràn đầy ánh nắng và kể lại câu chuyện mối tình câm chẳng đi đến đâu cả cho một lũ trẻ con khác nghe.

Đứa nào cũng thấy câu chuyện thật là lý thú. Nhưng khi chúng muốn xem lại cặp uyên ương xấu số thì cô con gái đã biến mất. Một đứa con trai nhớn đã ăn sống nuốt tươi mất rồi. Knút và Gian khóc sướt mướt.

Rồi cuối cùng, chắc là không muốn để anh con trai phải sống một mình trên đời, chúng đem anh ra ăn nốt, nhưng câu chuyện thì chẳng bao giờ quên.

Chúng tiếp tục chơi với nhau bên gốc hương mộc và dưới bóng liễu. Cô gái nhỏ hát những bài ca hay nhất trên đời, bằng một giọng trong vắt như tiếng chuông bạc. Knút không có giọng mà hát nhưng em thuộc lòng lời của những bài ca ấy, thế cũng đã khá lắm rồi. Dân ở Kgiôêgiê, ngay cả vợ ông chủ hiệu đồ chơi đã từng sống ở kinh đô, ai cũng dừng lại nghe Gian hát.

Bà ta nói:

Giọng hát của con bé này thật là tuyệt!

Đó là những ngày sung sướng, nhưng chẳng được bao lâu. Hai gia đình phải xa nhau. Mẹ Gian chết và bố em định lấy vợ khác ở tận kinh đô vì có một cửa hiệu buôn to hứa mướn ông làm người chạy giấy, đó là một công việc có lợi, kiếm được nhiều tiền hơn. Lúc chia tay, đôi bên láng giềng cùng rơi lệ, còn hai đứa trẻ cũng khóc oà lên. Họ hứa viết thư cho nhau mỗi năm ít nhất một lần.

Phần II – Knút gặp lại GianKnút được gửi học nghề tại nhà một bác thợ giày. Chú lớn quá rồi, không thể để cho chú ăn rồi chạy chơi ngoài đồng. Lúc ấy là lúc chú chịu lễ ban thánh thể. Trong ngày hội ấy chú mong muốn được ra Côpenhagơ gặp cô bé Gian. Than ôi! Chú không ra khỏi thị trấn Kgiôêgiê. Chú chưa bao giờ được trông thấy kinh đô dù chỉ cách thị trấn có năm dặm đường. Những buổi trong giời, Knút nhìn qua bên kia vịnh thấy những ngọn tháp cao của thành phố Côpenhagơ. Hôm chịu lễ ban thánh thể, chú còn trông thấy rõ ràng cây thánh giá của nhà thờ Đức mẹ vàng rực, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tâm hồn chú bay bổng về phía Gian.

Cô có còn nghĩ đến chú không ? Có, vào dịp lễ Nôen cha cô có gửi cho nhà chú một bức thư nói rằng họ sống ở Côpenhagơ rất khá giả và đặc biệt là Gian nhờ giọng hát hay có thể có tương lai rực rỡ. Cô đã kiếm được một chân trong những tiết mục ca hát tại viện hí kịch. Cô kiếm được chút tiền và chính cô đã gửi cho người láng giềng thân mến Kgiôêgiê một đồng tiền vàng để làm quà tối hôm Nôen. Cô mời họ uống rượu chúc sức khoẻ cho cô. Đó là điều cô đã tự tay viết vào phần tái bút trong bức thư và còn thêm: “Rất thân ái gửi lời thăm Knút”.

Cả gia đình đọc xong bức thư đều khóc. Dẫu sao đó cũng là những tin mừng, cho nên họ khóc vì sung sướng. Ngày nào hình ảnh Gian cũng xâm chiếm tâm hồn Knút. Và giờ đây chú thấy rằng cô cũng nghĩ đến chú. Càng gần đến ngày hết hạn học việc chú càng nghĩ là tất nhiên cô sẽ thành vợ chú. Đến đây môi chú mỉm một nụ cười sung sướng và chú lại khâu nhanh gấp đôi. Chú tì mạnh vào đai da đến nỗi đâm vào ngón tay một lỗ rõ sâu, nhưng cái đó cũng chẳng đau đớn gì đối với chú. Chú tự nhủ: “Chắc chắn mình sẽ chẳng đóng vai một anh câm như đôi thanh niên bằng bánh ngọt”. Họ đã giúp chú một bài học hay.

Thế là chú đã thành nghề. Khăn gói lên vai, lần đầu tiên chú ra Côpenhagơ nhận việc ở một nhà ông chủ. Gian sẽ ngạc nhiên và vui mừng biết mấy! Năm nay nàng đã mười bảy và chàng mười chín. Chàng muốn mua cho nàng một chiếc nhẫn ở Kgiôêgiê, nhưng chàng tính rằng ở Côpenhagơ có thể có nhiều cái đẹp hơn. Rồi một ngày thu mưa gió chàng từ biệt cha mẹ rồi bước khỏi chốn quê hương. Lá rụng. Chàng tới kinh đô, ướt lướt thướt, tìm tới nhà ông chủ mới.

Ngay hôm chủ nhật đầu tiên, chàng vội vã đến thăm bố Gian. Chàng thắng bộ quần áo mới và một chiếc mũ mới mua ở Kgiôêgiê rất hợp với khuôn mặt chàng. Từ trước đến giờ Knút vẫn đội mũ cát két. Chàng tìm thấy nhà và leo mãi lên gác đến nỗi choáng váng cả người. Chàng không khỏi kinh sợ khi thấy rằng trong cái thủ đô khủng khiếp này người ta lại ở trên cao chồng chất lên nhau đến thế. Trông gian phòng có vẻ khá giả. Bố Gian tiếp chàng một cách thân mật. Người vợ kế của ông không biết Knút, tuy nhiên bà cũng bắt tay chàng và đem mời chàng một tách cà phê ngon. Ông bố nói:

– Gian mà được gặp cháu thì hẳn là phải vui thích lắm. Nom bây giờ thật là khoẻ mạnh đẹp giai. Cháu sắp gặp nó bây giờ đây. Ô! Em nó làm cho tôi sung sướng lắm và nhờ trời nó còn làm cho chúng tôi sung sướng hơn nữa. Nó có một căn buồng riêng, tự nó trả tiền thuê đấy.

Con người trung hậu ấy gõ cửa một cách kín đáo như là một người khách, rồi họ cùng vào. Trong căn phòng nhỏ, sao mà cái gì cũng đáng yêu thế! Knút thầm nghĩ: “Khéo đến trong cung hoàng hậu cũng chẳng có gì đẹp hơn: nào là thảm, nào là rèm cửa rủ xuống tận đất, một chiếc ghế tựa bọc nhung.

Đâu cũng có hoa, tranh ảnh, lại có cả một tấm gương to bằng một cái cửa ra vào đến nỗi người ta suýt bước vào vì tưởng đấy cũng là một căn phòng. Knút chỉ nhìn thoáng qua những vật tuyệt đẹp ấy thôi, mắt anh còn mải ngắm Gian đang đứng trước mặt anh. Đó là một tiểu thư rất đẹp khác hẳn với người mà Knút hằng tưởng tượng. Khắp Kgiôêgiê không có một thiếu nữ nào đẹp bằng nàng. Nàng có một nhan sắc tuyệt vời gần như mê hồn. Nàng nhìn Knút một lát vẻ ngạc nhiên, rồi đâm bổ về phía chàng dường như sắp ôm lấy chàng, suýt nữa thì nàng ôm chầm lấy chàng, nhưng lại thôi.

Phải, nàng hết sức vui mừng được gặp lại người bạn thời thơ ấu. Nàng đã chẳng mừng chảy cả nước mắt đấy ư? Nàng hỏi Knút không biết bao nhiêu câu. Nàng hỏi thăm mọi người, hỏi thăm cha mẹ Knút, hỏi thăm bố Liễu và mẹ Hương Mộc – tên mà đôi bạn thuở nhỏ đã đặt cho những gốc cây thân yêu, dường như chúng là người thật. Gian nói:

– Rồi sau sao chúng lại không thành người nhỉ? Vì tôi còn nhớ lại hồi ấy ngay những chiếc bánh ngọt cũng còn sống được trong một câu chuyện cơ mà.

Gian hồi tưởng đến những con người hiền lành của ông hàng bánh trong phiên chợ, đến chuỗi ngày dài họ sống bên nhau trên quầy hàng cho đến lúc một người vỡ ra làm hai mảnh. Nhớ lại câu chuyện ấy, nàng cười, còn Knút thì đỏ bừng mặt lên, tim đập nhanh gấp đôi lúc thường. Chàng tự nhủ: “Không, nhờ trời nàng cũng chẳng kiêu ngạo chút nào”.

Chàng nhận thấy rõ ràng chính nàng đã nói với cha mẹ giữ chàng ở lại chơi suốt buổi tối hôm ấy. Lát sau nàng lấy một quyển sách và cất cao giọng đọc một đoạn. Knút tưởng như đoạn văn nàng đọc có dính líu gì đến mối tình của chàng . Sao mà tâm hồn tác giả lại hoà nhịp với tâm hồn chàng đến thế? Rồi nàng hát một bài ca bình thường thôi, nhưng Knút lại tưởng tượng rằng mấy lời ca ấy là một bài thơ trong đó trào lên tâm tình người thiếu nữ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là nàng yêu mình rồi. Nghĩ vậy, chàng không ngăn nổi hai hàng lệ lăn trên gò má, không thốt được lời nào nữa. Chàng cảm thấy mình trở nên lố lăng, thế mà nàng vẫn siết chặt tay chàng mà bảo rằng:

– Knút ạ, anh tốt lắm, trước thế nào sau vẫn cứ thế nhé.

Thật là một buổi tối chưa từng có, không nên tính chuyện ngủ nữa, và quả nhiên suốt đêm ấy Knút không chợp mắt.

Khi chàng ra về, bố Gian bảo:

– Thế nào? Bây giờ thì cháu không thể quên chúng tôi được nữa chứ? Liệu cháu có thể để cả mùa đông trôi qua mà không lại thăm chúng tôi nữa không đấy?

Nghe thấy thế chàng cho rằng đến chủ nhật mình rất có thể quay lại đây. Chàng định tâm – ai mà ngăn được? – là tối tối sau giờ làm đêm, sẽ đi chơi suốt thành phố. Bao giờ chàng cũng đi qua chỗ Gian ở. Chàng nhìn lên cửa sổ phòng nàng, thấy gần như lúc nào cũng có thắp đèn. Một lần chàng trông thấy rõ bóng nàng trên rèm cửa. Đối với chàng, cái buổi tối hôm ấy sao mà đẹp vậy! Tối nào cũng đi như thế, bà chủ chẳng ưa tí nào, bà lắc đầu tỏ vẻ lo ngại. Ông chủ mỉm cười bảo:

– Con giai thì phải cho nó vùng vẫy tuổi xuân chứ!

Knút nghĩ thầm: “Đến chủ nhật này gặp nhau mình sẽ nói với nàng rằng nàng đã chiếm hết cả tâm hồn ta rồi và nàng sẽ phải trở thành vợ ta. Ta chỉ là một anh phụ thợ giày nghèo nàn, nhưng chẳng bao lâu ta sẽ thành ông chủ. Ta sẽ làm việc, chịu thương chịu khó đến mấy cũng được. Phải, mình cứ nói thẳng. Mối tình câm không đem lại kết quả gì cả. Câu chuyện những chiếc bánh ngọt đã chứng minh cho ta điều đó từ lâu”.

Chủ nhật Knút lại đến, nhưng buồn thay! Họ đã được mời đi dự cuộc vui ngoài thành phố. Knút không dứt ra về được. Gian nắm tay chàng hỏi để nhắc khéo:

– Anh đã xem hát chưa? Dẫu sao anh cũng phải đến xem một bữa. Thứ tư này tôi sẽ hát ở đấy, hôm ấy, nếu anh rỗi tôi sẽ biếu anh cái vé. Cha tôi biết nhà ông chủ anh rồi.

Sao mà nàng đối với chàng thân ái đến thế! Đến trưa thứ tư, quả nhiên chàng nhận được một phong bì dán kín, trong chẳng có chữ nào nhưng có một cái vé. Buổi tối, lần đầu tiên Knút vào rạp hát. Chàng trông thấy Gian. Sao mà nàng đẹp và đáng yêu đến thế! Đúng là người ta đã gả nàng cho người khác, nhưng đấy chỉ là một màn kịch giả tạo mà thôi. Knút hiểu như vậy, không thế thì chắc chắn là nàng chẳng nỡ lòng nào lại gửi cho chàng một cái vé để chàng được tận mắt trông thấy cảnh tượng ấy. Mọi người vỗ tay và lớn tiếng khen ngợi, còn Knút thì hoan hô rõ to.

Chính đức vua cũng mỉm cười với Gian, tỏ ra ngài thích nghe nàng hát lắm. Knút cảm thấy mình chẳng có ý nghĩa lý gì cả. Chàng tự nhủ: “Ta yêu nàng biết bao! Nàng cũng yêu ta, như thế là đã đủ để san bằng tất cả. Nhưng đàn ông phải ngỏ lời trước, cô gái bằng bánh ngọt đã nghĩ thế. Câu chuyện của nàng đã dạy ta rất nhiều…”

Chủ nhật sau chàng lại đến. Anh cảm động không kém cái ngày chịu lễ ban thánh thể. Cả nhà đi vắng, có mỗi mình Gian tiếp chàng, thật là dịp may hiếm có. Nàng nói:

– Anh đến thật là vừa khéo, tôi đang định nói với cha tôi đi tìm anh, nhưng tôi có linh tính báo rắng thế nào tối nay anh cũng đến, vì tôi muốn báo để anh biết rằng đến thứ sáu này tôi sẽ sang Pháp. Phải đi một chuyến như thế thì mới làm nên chuyện được.

Knút cảm thấy hình như căn phòng đảo lộn cả lên. Tim chàng dường như sắp tan ra thành muôn mảnh. Mắt chàng không ứa lệ, nhưng nom cũng biết là chàng rất buồn. Nàng bảo:

– Anh thật là một chàng trai can đảm và trung thành.

Câu ấy đã khơi mào cho Knút nói lên nỗi lòng mình. Chàng nói chàng đã yâu nàng nồng nàn đến thế nào và nhất định nàng sẽ trở thành vợ chàng. Nhưng vừa dứt lời, chàng thấy Gian biến sắc và tái mặt đi. Nàng buông thõng tay xuống và trả lời chàng bằng một giọng nghiêm trang và buồn rầu:

– Knút ạ, anh đừng tự làm khổ thânmình mà cũng đừng làm khổ tôi. Tôi sẽ mãi mãi là một người em gái tốt đáng tin cậy của anh, nhưng bao giờ cũng chỉ thế thôi.

Rồi nàng đặt bàn tay dịu dàng lên trán nóng bỏng của Knút và nói thêm:

– Trời cho chúng ta sức mạnh để làm được những việc khó ở trên đời, miễn là chúng ta có nghị lực và lòng can đảm.

Lúc ấy bà mẹ kế của nàng đi vào. Gian nói:

– Knút phát khùng lên vì con phải đi xa. Lớn rồi ai lại thế!

Nói vậy nàng đặt tay lên vai Knút giả vờ như giữa hai người chỉ có chuyện đi xa chứ không có chuyện gì khác. Nàng tiếp:

– Anh còn trẻ con lắm, bây giờ anh phải tốt và biết điều như xưa kia bên gốc liễu, lúc chúng ta còn bé ấy mới được.

Knút tưởng như trời sa đất sụp. Tâm hồn chàng như một sợi tơ bay đó đây theo chiều gió. Chàng sững sờ, chẳng biết là người ta có mời chàng ngồi lại hay không. Nhưng Gian và bà mẹ kế tỏ ra thân mật và ái ngại. Gian mời chàng uống nước chè và hát cho chàng nghe. Giọng nàng vang lên như mọi khi, trông nàng đẹp tuyệt trần. Nghe nàng hát chàng thấy hởi lòng hởi dạ. Rồi họ chia tay nhau. Knút cũng chẳng buồn chìa tay cho Gian. Nàng hiểu ý và nói:

– Dẫu sao cũng phải bắt tay cô em gái trước khi xa nhau chứ, hở ông anh thời thơ ấu?

Rồi nàng cười qua hàng nước mắt và nhắc lại tiếng ông anh. Phải, đấy là một lối an ủi khéo léo. Họ chia tay nhau như thế đấy.

Nàng xuống tàu sang Pháp. Ngày nào Knút cũng lang thang rất lâu trong các phố của kinh thành Côpenhagơ. Những thợ bạn trong xưởng hỏi tại sao lúc nào chàng cũng đi chơi và trầm ngâm suy nghĩ như thế. Họ mời chàng cùng đi chơi với họ và bảo:

– Còn trẻ thì ta phải vui chơi chứ!

Chàng đi với họ đến tiệm nhảy, ở đấy có rất nhiều cô gái xinh đẹp, nhưng chẳng có ai đẹp bằng Gian. Ở nơi chàng tưởng có thể quên được nàng thì, trái lại, luôn luôn hình ảnh nàng hiện lên trước mắt. Nàng đã chẳng nói: “Trời cho chúng ta sức mạnh miễn là ta có nghị lực và lòng can đảm…”. Chàng nhớ lại câu ấy, trong lòng rạo rực niềm tin.

Lúc ấy tiếng vĩ cầm vang lên và các cô gái nhảy vòng một bài. Chàng giật mình kinh hãi. Chàng thấy hình như mình đang ở một nơi không thể nào đưa Gian đến được, thế mà nàng vẫn đến đấy, vì lúc nào nàng cũng ở trong tim chàng. Chàng chạy ra ngoài, chạy khắp phố, qua cửa ngôi nhà nàng đã ở bây giờ tối om, trống rỗng, quạnh hiu. Trên thế gian này mỗi người có một con đường. Knút cũng thế.

Đông tới, nước đóng băng. Cảnh vật đổi thay, có thể nói đâu cũng như màu tang. Nhưng khi mùa xuân trở lại và chiếc tàu thủy đầu tiên lại ra khơi, Knút bỗng cảm thấy muốn du lịch thật xa, xa mãi, xa hơn cả nước Pháp kia. Chàng khoác khăn gói lên đường, đi rõ xa, xa mãi, qua khắp nước Đức, từ tỉnh này qua tỉnh khác, chẳng hề đỗ lại hoặc dừng chân. Chỉ tới lúc đến thành phố Nuyrembe cổ kính và kỳ lạ chàng mới tự chủ lại được và dừng chân, rồi quyết định ở lại đấy.

Nuyrembe là một thành phố khác thường, giống như một bức tranh cất trong một tập ký sự có minh hoạ vào đấy. Phố xá ngoằn nghèo, ngang dọc bất thường, nhà cửa không thích đóng hàng thành đường thẳng. Đầu hồi nhà nào cũng có xây thêm tháp nhỏ. Nhiều pho tượng nhô ra từ những bức tường dày đặc những nét điêu khắc kỳ khôi. Trên những mái nhà xây kiểu đặc biệt, những miệng ống máng hình rồng, hình thỏ rừng, hình chó ngao vươn ra đến tận giữa phố.

Hành lý trên lưng, Knút dừng chân trên bãi chờ. Chàng đứng trên một cái máy nước cổ xung quanh có những pho tượng tạc các nhân vật thần tiên và lịch sử bằng đồng đen tuyệt đẹp, giữa các khe có nước phun ra. Vừa lúc ấy một chị sen xinh đẹp đến lấy nước. Đi đã mệt, Knút rất khát, chị ta mời Knút uống và còn tặng chàng một bông hồng rút trong bó hoa trên tay. Chàng cho đó là một điềm lành!

Những tiếng đại phong cầm vang ầm từ một nhà thờ gần đấy làm chàng chạnh lòng nhớ đến quê hương. Chàng nghe giống tiếng đại phong cầm ở nhà thờ Kgiôêgiê, chàng bước vào thánh đường rộng lớn. Ánh nắng xuyên qua những tấm kính màu chiếu sáng những hàng cột cao mảnh dẻ. Lòng tin đạo tràn ngập tâm trí Knút và chàng cảm thấy tâm hồn thư thái, bình an.

Chàng tìm được ở Nuyrembe một ông chủ tốt. Chàng ở ngay nhà ông ta và học tiếng Đức. Người ta đã ngăn và biến những đường hào cũ bao quanh bức thành cổ thành những vườn rau, nhưng tường thành cao vẫn sừng sững với những ngọn tháp to lớn nặng nề. Con đường kín vẫn còn. Bây giờ người ta se thừng ở đấy. Trong kẽ những bức tường cổ, hương mộc mọc thành từng đám rậm rạp, vươn cành trên nóc những mái nhà thấp bé tựa lưng vào tường thành. Một trong những ngôi nhà bé ấy là nhà ông chủ Knút.

Một cây hương mộc lặng lẽ vươn cành trên gác mái nhà xép, nơi chàng làm việc. Knút lưu lại đấy suốt mùa hè và mùa đông, rồi tiếp đến mùa xuân. Thế là chàng không chịu được nữa. Hương mộc ra hoa thơm ngát làm cho Knút nhớ tới một cây hương mộc khác và chàng cảm thấy hình như được đưa về mảnh vườn nhỏ ở Kgiôêgiê. Thế là chàng từ giã ông chủ ấy đi tìm ông chủ khác trong nội thành để khỏi phải trông thấy cây hương mộc.

Nơi làm việc mới của chàng ở kề ngay bên một nhịp cầu cũ kỹ, phía dưới có một dòng suối chảy xiết đẩy một chiếc bánh cối xay quay ầm ầm. Hai bên dòng nước, đầu hồi nhà nào cũng đã hư nát, tưởng chừng sắp đổ cả nhà xuống suối. Đây không có hương mộc, nhưng ngay trước cửa xưởng có một gốc liễu già bám rễ vào căn nhà để khỏi bị dòng nước cuốn đi. Một số cành liễu rũ xuống suối, trông giống như cây liễu trong vườn ở Kgiôêgiê.

Đúng là Knút định tránh bà mẹ Hương Mộc thì lại gặp phải ông bố Liễu già.

Những tối sáng trăng, cây liễu hình như có cái gì đó làm cho chàng chạnh lòng cảm động và chán nản. Chàng không chịu được nữa. Muốn rõ nguyên cớ vì đâu, xin hãy hỏi cây liễu và cây hương mộc đang ra hoa.

Chàng từ giã ông chủ và rời thành phố Nuyrembe. Chàng không hề nói chuyện Gian cho ai biết. Chàng chôn chặt mối sầu tận đáy lòng. Thỉnh thoảng chàng nhớ tới và thấm thía hơn lúc nào hết ý nghĩa của câu chuyện hai chiếc bánh ngọt. Chàng hiểu tại sao anh con trai lại có một hạt hạnh nhân đắng bên trái. Lòng Knút cũng tràn đầy nỗi đắng cay. Trái lại, Gian lúc nào cũng dịu dàng và thân mật như là nàng cũng bằng đường và mật hệt như cô gái trong câu chuyện ngây thơ kia. Ý nghĩ chàng dừng lại ở những kỉ niệm ấy. Chàng thấy hồi hộp, gần như nghẹt thở. Tưởng là vì chiếc quai ba lô chàng nới nó ra.

Chẳng ăn thua gì. Chàng như sống trong hai thế giới: thế giới bên ngoài, ở xung quanh chàng, và thế giới chìm sâu trong tâm hồn, đầy kỷ niệm và tình cảm, chàng sống nhiều trong thế giới này, còn đối với thế giới kia, chàng gần như xa lạ. Chỉ khi nào nhìn thấy những ngọn núi cao, tâm hồn chàng mới dứt ra khỏi những ý nghĩ buồn thảm được và chú ý đến cảnh vật bên ngoài. Nhìn khung cảnh hùng vĩ ấy mắt chàng đẫm lệ. Chàng thấy dãy núi Anpơ giống như đôi cánh của trái đất đang gấp lại.

Chàng tự nhủ: “Nếu trái đất đột nhiên xoè và giương đôi cánh bao la với những khu rừng âm u, những dòng nước chảy xiết, những đám tuyết lớn ấy thì sẽ ra sao nhỉ? Chắc hẳn đến ngày tận thế trái đất sẽ bay lên như thế đến cõi vô tận và khác nào như chiếc bong bóng xà phòng ra nắng vỡ tan thành ngàn triệu nguyên tử dưới ánh sáng rực rỡ của thần linh. Chao ôi! Liệu hôm nay có là ngày tận thế được không nhỉ?”. Knút thở dài mà nói thế.

Chàng đi qua một xứ, nom như một vườn cây ăn quả tuyệt đẹp. Từ trên bao lơn những căn nhà gỗ, các thiếu nữ đang đập gai gật đầu chào chàng, chàng chào lại đứng đắn và chẳng bao giờ thêm một câu nói đùa như các chàng trai trẻ trạc tuổi chàng vẫn thường làm. Lúc nhìn qua đám lá cây rậm rạp, thấy những hồ lớn xanh ngắt, chàng nhớ tới bờ biển nơi chôn rau cắt rốn và vịnh nước sâu ở Kgiôêgiê. Không còn đau khổ nữa, chỉ còn nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn chàng.

Chàng trông thấy cả con sông Ranh, đổ từ một ngọn núi đá xuống, tản ra thành nghìn triệu giọt nước nom như một đám mây mù trắng xoá trong đó chiếc cầu vồng lóng lánh như một dải băng màu tung bay trước gió. Cảnh tượng oai nghiêm ấy làm chàng liên tưởng đến quãng suối chảy thành thác ào ào, ngầu bọt làm thành bánh xe cối xay ở Kgiôêgiê. Đi đến đâu, kỷ niệm chốn quê hương vẫn theo đuổi chàng.

Nhẽ ra chàng sẵn sàng lưu lại ở một trong những chốn tĩnh mịch bên bờ sông Ranh, nhưng vùng này có nhiều cây hương mộc và cây liễu quá, chàng lại tiếp tục đi, chàng vượt qua nhiều núi cao, đi trên những con đường nhỏ men theo vách núi đá dựng đứng tựa như một chiếc máng nước chảy dọc theo mái nhà. Mây trườn dưới chân chàng, chàng nghe thấy từ thung lũng sâu thăm thẳm vọng lên tiếng suối chảy ầm ầm.

Chẳng có gì làm chàng sợ hãi hoặc ngạc nhiên cả. Bước trên những ngọn núi phủ tuyết đầy hoa hồng núi Anpơ, chàng đi về phía những vùng chan hòa ánh nắng. Từ giã những xứ phương Bắc, theo những con đường rợp bóng nho quấn quít lấy những cây hạt dẻ, chàng đi tới những cánh đồng ngô. Núi non hiểm trở như một bức tường thành vĩ đại đã ngăn cách chàng với những nơi đã gây cho chàng những kỷ niệm xiết bao sầu thảm. Chàng tự nhủ: “Thế mà lại hoá hay!”.

Phần IV – Cuộc gặp gỡ bất ngờTrước mặt chàng là một thành phố to lớn và lộng lẫy, dân vùng này gọi là Milanô. Chàng tìm được một ông chủ người Đức thuê chàng làm. Ông chủ là một cụ già trung hậu, người vợ hiền lành và rất ngoan đạo. Hai vợ chồng đều thấy mến anh thợ người nước ngoài, ít nói nhưng hay làm, thật thà và ngoan đạo.

Knút tưởng chừng như Thượng Đế đã giải thoát cho chàng khỏi nỗi sầu nặng trĩu trong lòng. Chàng thích leo lên tận cùng của giáo đường Đômơ (giáo đường lớn ở Ý) làm bằng cẩm thạch trắng như tuyết, nơi quê hương chàng. Chàng thường đi dưới những ngọn tháp nhọn, những lầu chuông nhọn hoắt và những cửa tò vò.

Từng góc, từng vòm có những pho tượng mỉm cười với chàng. Phía trên là trời xanh biếc, phía dưới là thành phố, rồi đến đồng bằng bát ngát xứ Lômbacđi xanh tươi và tít đằng xa là những ngọn núi cao. Chàng nhớ tới nhà thờ Kgiôêgiê, nhớ tới những bức tường đỏ phủ đầy dây trường xuân. Thật khác xa với nhà thờ lớn ở thành Milăng! Chàng không mong nhìn lại chốn ấy, chàng không muốn trở lại nơi xưa.

Chàng mong được gửi lại nắm xương bên những núi non này. Chàng sống ở thành phố này đã được một năm, và thế là xa Tổ quốc đã được ba năm. Một hôm, ông cụ chủ nhà muốn cho chàng được khuây khoả, dẫn chàng không phải đến trường đua xem tài các kỵ mã mà là đến kịch viện của thành phố.

Chỉ riêng toà nhà cũng thật đáng xem rồi. Bảy tầng chỗ ngồi sang trọng chia thành từng ngăn, rèm cuốn bằng thứ lụa mịn. Những bà sang trọng ăn mặc như đi dự hội khiêu vũ, tay cầm hoa, ngồi từ hàng ghế thứ nhất cho đến tít trên thượng tầng. Các quý ông cũng mặc lễ phục, áo quần nhiều vị đầy những vàng bạc, sáng như ban ngày. Âm nhạc vang lên tuyệt diệu. Đây đẹp hơn nhà hát Côpenhagơ nhiều lắm, nhưng ở thủ đô lại có Gian!

Nàng cũng có mặt tại đây. Phải, dường như có phép lạ. Mà sân khấu cuốn lên rồi kìa! Gian đã hiện ra, mình đầy lụa là châu báu, đầu đội chiếc mũ miện bằng vàng. Nàng cất giọng hát, chỉ có tiên trên trời mới hát được như nàng. Nàng tiến hẳn ra phía trước sân khấu, mỉm cười, và chỉ có nàng mới có nụ cười đẹp như vậy.

Nàng nhìn đúng vào Knút. Chàng thanh niên nắm lấy tay ông cụ chủ nhà hét to: “Gian!”. Nhưng âm nhạc át mất tiếng chàng và chỉ có mình ông cụ nghe thấy thôi. Ông cụ gật đầu bảo: “Phải đấy, đúng cô ta tên là Gian đấy!”. Đồng thời cụ rút ra một tờ giấy in và chỉ vào tên… Tên Gian in rõ ràng và chạy suốt cả trang giấy. Đâu có phải là trong mộng? Tất cả cử toạ hoan nghênh nhiệt liệt, tung hoa từng bó, từng vòng lên sân khấu. Mỗi lần Gian rời sân khấu người ta lại gọi nàng lại, nàng quay ra, lùi vào, rồi lại phải quay ra.

Sau buổi biểu diễn, người ta chen chúc nhau quanh xe nàng. Người ta tháo ngựa ra để tự tay kéo xe nàng, trong đó Knút đi hàng đầu. Chàng còn sung sướng và vui như điên, hơn cả những người khác. Khi chiếc xe dừng trước toà nhà rực rỡ ánh đèn, nơi Gian ở, chàng chen vào đứng gần cửa xe. Gian bước xuống, ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt xinh tươi của nàng. Nàng hết sức cảm động, mỉm cười cảm tạ mọi người, với một cách dịu dàng đáng yêu. Knút nhìn thẳng vào mắt nàng, nàng cũng nhìn chàng, nhưng không nhận ra chàng là ai cả. Một người đàn ông trẻ, ngực lấp lánh một ngôi sao bằng kim cương giơ tay ra cho nàng khoác. Người ta xì xào:

– Họ đã đính hôn với nhau rồi đấy!

Knút về nhà thu xếp hành lý. Chàng muốn và thấy cần phải quyết định trở về quê hương, về bên gốc hương mộc, về dưới bóng liễu. Phải, dưới bóng liễu, chỉ trong một tiếng đồng hồ, con người ta có thể ôn lại cả cuộc đời mình trong tâm trí.

Vợ chồng ông cụ chủ nhà cố hết sức giữ chàng lại với họ. Nhưng nói thế nào chàng cũng không nghe. Họ nhắc chàng sắp đến mùa đông rồi và tuyết đã bắt đầu rơi trên núi. Chàng đáp: “Thế nào xe cộ chẳng phải mở đường mà đi, cháu sẽ đi theo vết bánh xe mà tìm đường về”.

Chàng đeo hành lý chống gậy ra đi, leo lên rồi lại xuống núi. Đã mệt rồi mà chàng chưa trông thấy làng mạc nhà cửa gì cả. Chàng hướng về phương Bắc. Sao lấp lánh quanh mình chàng. Bước chân lảo đảo, đầu choáng, mắt hoa, chàng nhìn thấy sao lấp lánh cả dưới đáy thung lũng tưởng chừng như dưới chân cũng có một trời như trên đầu chàng vậy.

Chàng cảm thấy ốm yếu. Các vì sao dưới chân cứ nhiều mãi lên, mỗi lúc mỗi sáng hơn và chuyển động từ chỗ này qua chỗ khác. Đó là ánh sáng đèn của một thành phố nhỏ. Khi nhận ra điều ấy, chàng thu hết tàn lực lần đến một quán trọ nghèo nàn.

Chàng lưu lại đó đêm ấy và suốt cả ngày hôm sau. Chàng cần được nghỉ ngơi và săm sóc. Băng tuyết tan. Thung lũng bắt đầu có mưa. Sáng sớm hôm sau có một cặp nghệ nhân già đi tới dạo một bản nhạc giống hệt như một khúc điệu êm đềm nước Đan Mạch…

Knút không thể nào lưu lại lâu hơn nữa, chàng lại lên đường đi về phương Bắc, ròng rã bao ngày, chàng vội vã như sợ rằng tất cả mọi người nơi quê nhà sẽ chết trước khi chàng kịp về tới nơi. Chàng chẳng hề nói rõ duyên cớ với một ai cả. Không ai có thể biết căn nguyên nỗi buồn của chàng, nỗi buồn sâu sắc nhất của một con người. Thiên hạ và ngay cả những bản thân của chúng ta nào ai quan tâm đến một nỗi đau khổ như vậy, nhất là Knút lại không có bạn. Như một người khách lạ, chàng đi qua những xứ xa lạ, đi mãi về phương Bắc.

Trời sập tối. Chàng đi theo đường cái quan. Trời lại bắt đầu giá rét. Cảnh vật nơi đây lại bằng phẳng, người ta lại nhìn thấy đồng cỏ, ruộng nương. Bên đường có một cây liễu to. Tất cả đều gợi lại cho Knút cảnh vật chốn quê hương. Chàng mệt quá, ngồi xuống bên gốc cây liễu và gục đầu nhắm mắt, ngủ thiếp đi.

Tuy thế chàng vẫn nhận thấy cây liễu vươn cành xà thấp xuống mình chàng, dường như một ông lão cường tráng. Phải, đấy chính là bố Liễu già giơ tay đón chàng, đưa đứa con trai mệt mỏi và kiệt sức về quê hương xứ sở, bên bờ biển phẳng lặng vùng Kgiôêgiê. Phải, đấy là bố Liễu hiện thành người đi khắp nơi tìm đứa con trai, đã tìm thấy Knút và đưa chàng về khu vườn cũ bên bờ suối. Gian đã đứng đó, lộng lẫy hơn bao giờ hết với chiếc mũ miện vàng trên đầu như chàng đã trông thấy nàng lần cuối cùng. Từ xa, nàng đã reo lên: “Hoan hô anh Knút!”.

Hai khuôn mặt đắc biệt cũng hiện ra trước mắt chàng. Chàng biết họ từ lúc còn bé, nhưng giờ đây họ giống người thật hơn hồi xưa. Họ đã đổi khác, khá hơn trước nhiều lắm. Đây là anh con trai và chị con gái bằng bánh ngọt năm xưa. Họ quay mặt về phía chàng và nom diện mạo họ quả là khỏe mạnh và tươi tắn. Họ bảo chàng:

– Chúng tôi cảm ơn anh đã giúp chúng tôi một việc lớn. Anh đã mở miệng cho chúng tôi, đã dạy chúng tôi chớ nên lặng yên, không thổ lộ lòng mình, không thế thì chẳng đi đến kết quả gì cả. Do đó chúng tôi đã đạt mục đích và đã đính hôn với nhau.

Nói rồi họ cầm tay nhau đi trong phố xá Kgiôêgiê. Nom họ có vẻ dễ coi, và ngay cả khi nhìn vào mặt trái, họ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn cả. Họ đi về nhà thờ, Knút và Gian cũng nắm tay nhau đi theo họ. Ngôi nhà thờ vẫn còn đó, như xưa, với những bức tường lúc nào cũng phủ đầy dây trường xuân xanh tươi. Cửa lớn mở rộng cánh. Tiếng đại phong cầm vang lên. Họ bước vào gian giữa giáo đường lớn.

Cặp vợ chồng bánh ngọt bảo: “Mời thầy giáo và cô giáo lên trước”, rồi họ nhường cho Knút và Gian quỳ trước bàn thờ Chúa. Gian gục đầu vào mặt Knút. Từ mắt nàng lăn ra những giọt lệ lạnh buốt. Tình yêu nồng nàn của Knút đã làm tan khối băng giá bao quanh trái tim nàng. Lúc ấy chàng chợt tỉnh dậy và thấy mình đang ngồi dưới một gốc liễu già, tại một xứ xa lạ, trong một đêm đông giá rét. Mưa đá đang quất vào mặt chàng. Chàng tự nhủ: “Giờ phút này là giờ phút đẹp nhất đời ta, thế mà lại là một giấc mơ! Xin Thượng đế hãy cho tôi lại được mơ nữa như thế!”. Chàng lại nhắm mắt ngủ thiếp đi và lại mơ.

Về sáng tuyết bắt đầu rơi và theo gió phủ lên mình chàng. Chàng vẫn ngủ. Dân các xóm lân cận đi lễ qua đấy. Họ trông thấy một người nằm bên đường. Đó là một anh thợ. Anh đã chết rét bên gốc cây liễu.

15. Anh em sinh năm

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ chỉ sinh được có mỗi một người con gái. Vì thế họ nuôi nấng dạy dỗ rất chăm chút. Khi cô gái lớn lên, cha mẹ dạy cho đạo thánh hiền. Năm nàng mười lăm tuổi vẫn bị cấm cung không được tiếp xúc với người ngoài.

Một hôm người mẹ lên chùa lễ Phật. Lần đầu tiên bà đưa con gái ra khỏi nhà. Bấy giờ có một vị thiên thần muốn mượn cô gái đồng trinh làm chỗ đầu thai, mới nhân lúc cô gái ra vườn vãn cảnh, hiện làm một bông hoa có năm cánh rất đẹp. Cô gái thích quá ngắt lấy ngắm nghía hồi lâu, rồi bỗng dưng bỏ vào miệng nuốt đi.

Từ đó cô gái tự nhiên không chồng mà chửa. Cha mẹ nàng ngạc nhiên và xấu hổ vô cùng. Hết tra hỏi đến dụ dỗ nhưng cô gái ngây thơ ấy cũng chả làm sao mà hiểu được. Tất cả mối ngờ của cha mẹ đều đổ dồn vào nhà chùa. Đoán là có một sư ông đã quyến rũ con gái mình trong ngày lễ Phật dạo nọ, họ bèn đuổi con lên chùa và nói:

– Mày lên đó mà ở với sư, đừng vác mặt trở về bội nhọ nhà tao nữa!

Hòa thượng trụ trì chùa đó không biết làm thế nào, đuổi đi cũng không nỡ, đành phải nhận nuôi nàng và dựng một túp lều sau chùa cho nàng ra đó ở.

Khi gần đến ngày sinh, cô gái bỗng nằm chiêm bao thấy có một thiên thần đến trước mặt dặn rằng:

– Đừng đặt tên con vội, cứ để đến lúc chúng nó biết nói, tự chúng sẽ cho biết tên.

Thế rồi, cô gái sinh một lúc năm người con trai, đặc biệt khuôn mặt giống nhau như tạc. Cả năm anh em đều lớn nhanh như thổi, đứa nào đứa ấy sởn sơ mạnh khỏe. Khi chúng biết nói, người mẹ hỏi đến tên, thì đứa thứ nhất trả lời:

– Sức con có thể vác một quả núi, con là Mạnh Mẽ.

Đứa thứ hai nói:

– Người con dù có dao băm búa bổ cũng không chết, con là Mình đồng da sắt.

Đứa thứ ba tiếp:

– Con có thể ngồi một nơi biết được mọi việc trong thiên hạ, tên con là Vén Mây Xem Trần.

Đứa thứ tư:

– Con có thể sống dưới nước cũng như trên cạn, tên con là Khô.

Đứa cuối cùng nói:

– Con thì dù ngủ trong lửa cũng cứ dễ chịu như thường, tên con là Ướt.

Năm anh em lớn lên lo làm việc nuôi mẹ. Hàng ngày Mạnh Mẽ lên rừng kiếm củi về đổi lấy gạo. Mỗi một gánh củi của chàng chứa đầy một sân. Tiếng tăm của anh chàng truyền khắp mọi nơi trong nước. Hồi ấy nhà vua cần nhiều củi để dùng vào một buổi lễ rất long trọng của triều đình. Vua cho triệu Mạnh Mẽ đến, bảo kiếm củi cho mình và hứa cứ mỗi gánh củi đưa đến sẽ đổi một gánh gạo.

Mạnh Mẽ kiếm củi mau như chớp. Rừng tuy xa nhưng mỗi một ngày chàng đi đi về về không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đưa củi đến lại gánh gạo đi. Đến nỗi lúc viên quan trông nom kho gạo cho nhà vua thấy gạo kho đã vơi quá nửa, hắn lật đật đến báo cho vua biết. Vua nói:

– Thế thì phải bắt nó chết mới được!

Vua bèn cho đòi Mạnh Mẽ đến và bảo:

– Nhà ngươi làm việc như thế chắc là mệt. Thôi cho về nghỉ sức, mười ngày nữa sẽ đến đây phục mệnh.

Mạnh Mẽ về kể chuyện cho anh em nghe. Vén Mây Xem Trần vốn đã đọc được những ý nghĩ không tốt trong đầu nhà vua bèn bảo Khô đi thay cho Mạnh Mẽ. Mười ngày sau, Khô đến gặp vua. Vua cứ tưởng hắn là anh chàng gánh vơi kho gạo của mình hôm nọ, bèn thét ngay lính bắt dìm xuống bể cho chết.

Khô cứ để mặc cho bọn lính vây bắt trói lại và dìm xuống nước, nhưng dìm lần đầu lôi lên, Khô vẫn sống trơ trơ. Dìm lần thứ hai, thứ ba, Khô vẫn vui vẻ ca hát. Họ lại dìm nữa, nhưng dù dìm thế nào cũng không làm cho chàng chết được.

Tức mình, lại sợ mệnh vua, bọn chúng mới làm một cái cũi bỏ Khô vào cùng với rất nhiều đá tảng dòng dây đem thả xuống đáy biển, nhưng mấy tuần sau vớt lên vẫn thấy hắn sống như thường. Cuối cùng chúng phải đưa anh chàng về kể chuyện cho vua hay. Vua chưa tìm ra cách gì giết được, bèn bảo anh về, hẹn mười ngày sau nữa lại đến.

Vén Mây biết lần này vua dùng mưu độc đốt chết nên bảo Ướt đi thay. Ướt đến nơi thì vua đã sai dọn sẵn một căn lầu bằng gỗ dựng riêng biệt sau vườn, xung quanh chất đầy củi. Vua cũng tưởng Ướt là anh chàng hôm nọ, bèn mời gã lên lầu sai dọn mâm cỗ đầy rượu và thức ăn ngon cho ăn. Đoạn bảo quân lính đóng chịt mọi cửa lại rồi phóng hỏa. Lửa liếm rần rật cháy khắp mọi nơi. Nhưng Ướt ta vẫn ngồi một nơi chén tì tì. Và khi cánh cửa đổ xuống, chàng nói vọng ra cho chúng nghe:

– Ồ! Ở đây mát quá!

Vua lắc đầu, chưa biết làm thế nào để giết cho được, đành thả cho về nhà, mười ngày sau nữa lại đến.

Lần này Vén Mây bảo Mình Đồng Da Sắt. Khi anh chàng này đến nơi, vua thét đao phủ mang ra xử trảm. Nhưng bao nhiêu gươm đao đụng vào người đều quằn cả lại mà không làm cho anh chàng chết được. Đao phủ tức giận đâm mũi mác vào nách gã, gã chỉ cười rú lên như bị ai cù. Thấy vậy, vua rất bực mình, nhảy xuống rút bao kiếm, cầm bằng cả hai tay chém xuống rất mạnh, nhưng bảo kiếm chỉ gãy đôi mà tội nhân thì không việc gì. Cuối cùng vua lại thả cho về nhà, bảo mười ngày nữa lại đến.

Thấy chàng kiếm củi có phép lạ nên lần này vua không có ý định làm hại nữa. Vén Mây biết được ý đồ nên mười ngày sau cùng với bốn người kia dắt nhau đến kinh đô. Vua thấy cả năm anh em giống nhau như tạc, hỏi chuyện mới biết họ đều là con thiên thần. Vua dắt Vén Mây lên ngai vàng, nhường chỗ và gả con cho, rồi bỏ đi tu.

Shopacgame.vn