Phải chăng, tiếng nói tri âm là khát vọng muôn đời của văn chương xưa nay? Người nghệ sĩ cầm bút là để giải bày lòng mình. Và rồi, mang tiếng nói ấy đi tìm những tâm hồn đồng điệu, một sự thấu hiểu anh không thể bắt gặp trong cuộc sống thực tại. Nếu không nhận được sự thấu hiểu đó, phải chăng quá trình “lầm lũi trên cánh đồng chữ” của anh là vô nghĩa? Hơn một thế kỷ trước, chẳng phải Nguyễn Khuyến đã có ý định thôi cầm bút khi mất đi một tâm hồn đồng điệu, rằng:
“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết cho ai, ai biết mà đưa”
Dẫu biết ước nguyện tìm lấy một sự thấu hiểu của người nghệ sĩ là rất khó nhưng cũng không vì vậy mà ta được phép khước từ đi điều đó. Không chỉ nhà văn mà chính mỗi bạn đọc đến với văn chương cũng luôn khao khát được hiểu. Sau khi tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật, ta luôn mong muốn được hiểu những cảnh đời, số phận, tâm tình của tha nhân; hiểu những tâm niệm, lý tưởng của nhà văn để rồi tự giáo dục, làm đẹp, thay đổi chính mình và hơn hết là nhìn đời mà hiểu mình. Những tác phẩm “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” thời trung đại sẽ thật thảm họa nếu con người không thể hiểu được những triết lý nhân sinh, tư tưởng sống mà các nho gia đã gửi gắm. Rõ ràng, văn chương rất cần để được giải đáp, được hiểu thấu thì mới có thể phát huy được mọi tiềm năng của nó.
Hiểu văn chương là điều mà bất cứ người học văn, đọc văn nào cũng mong muốn. Trong văn học nghệ thuật, tìm được bạn tri âm, kẻ tâm giao không phải là dễ. Cái tình mà nhà văn gửi gắm vào suy cho cùng là cái tình riêng trong sâu thẳm tâm hồn anh, làm sao người khác có thể dễ dàng hiểu
được. Có những khi, người nghệ sĩ sáng tác trong những cơn mê, cơn say, phút lên đồng mà ngay chính anh cũng không thể hiểu. Không mang trong mình căn bệnh quái ác như Hàn Mạc Tử, người đọc làm sao có thể thấu hiểu những câu thơ được viết từ “Máu cuồng và hồn điên” đó? Bên cạnh những khoảng cách giữa tâm hồn với tâm hồn, đôi khi người ta còn chịu những giới hạn về mặt nhận thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, thời gian để hoàn toàn hiểu được một tác phẩm.Không phải ai đến với văn học đều đã được trang bị một vốn đọc khổng lồ. Những kí hiệu ngôn từ trên trang giấy có thể vô cùng sinh động, giàu ý nghĩa đối với những người am hiểu và ngược lại, nó chỉ là những con chữ khô cứng với những người chưa “thực sự hiểu”.
Nếu được hỏi có thể hiểu thấu đáo một tác phẩm nghệ thuật hay không, tôi nghĩ mỗi người sẽ có cho mình một câu trả lời riêng. Bởi sự đọc và khả năng tiếp nhận của mỗi người là khác nhau nên việc hiểu hay không cũng không thể cưỡng cầu mà được. Khi hiểu được một tác phẩm thì lúc đó, ta được gặp gỡ một tâm hồn đồng điệu, được tiếp thu thêm những điều mới. Muốn vậy, người nghệ sĩ luôn cần một tấm lòng sống và yêu hết mình với cuộc đời, con người. Và người đọc hãy sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mĩ của tác giả, để chia sẻ, cảm thông với tác giả và trở thành người đồng sáng tạo với nhà thơ, nhà văn. Như vậy, tiếng nói tri âm giữa người cầm bút và độc giả là điều mà ở thời đại nào, giới văn nghệ sĩ cũng hướng tới. Như nhà văn Bùi Hiển đã nói: “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết"