SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Xã Hội

Văn Chương Không Bằng Xương Cá Mòi

Trong những năm dịch bệnh Covid bùng nổ, đã bao lần con người hoang mang, hoài nghi trước ý nghĩa của văn chương trong việc cứu rỗi con người. Để rồi một nhà văn kỳ cựu như Diêm Liên Khoa cũng phải thốt lên: “Nó chẳng những không thể biến thành khẩu trang để đưa đến vùng dịch, mà cũng không thể trở thành một bộ quần áo bảo hộ y tế. Lúc cần ăn uống, nó không phải là sữa và bánh mì; khi cần rau cỏ, nó không phải là củ cải và cần tây. Thậm chí, khi mọi người sợ hãi, lo lắng bất an, nó cũng không thể trở thành một viên giả dược”. Có chăng, văn chương đang dần trở nên bất lực, yếu đuối, vô nghĩa trước cuộc đời? Điều này khiến tôi nhớ đến một quan niệm in hằn vào tâm thức của những người dân chài lưới: “Văn chương không bằng xương cá mòi”. Thứ thú vui xa xỉ, thanh tao mà nhân loại vẫn luôn tự hào lại trở nên yếu thế trước cả thứ phụ phẩm cuối cùng của quá trình làm mắm - xác mắm, với những giá trị vật chất thông thường. Người ta sẽ có thể không học văn, đọc văn nhưng sẽ không thể thiếu đi miếng ăn, vật chất, những yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của con người.

Vạn vật trên đời đều không toàn vẹn, văn chương cũng vậy. Văn học không thể là thứ “cứu rỗi thế giới” và nhà văn cũng không thể là “tiểu hóa công” có sức mạnh phi thường để làm nên mọi thứ như cách mà người xưa vẫn thường quan niệm. Suy cho cùng, văn chương cũng chỉ là một hình thái ý thức xã hội như bao bộ môn khác, không hơn không kém. Nhà văn là một người trần mắt thịt bình thường, nhỏ bé, hữu hạn giữa cuộc đời. Văn học dẫu sao cũng chỉ là một giá trị tinh thần của con người, chỉ có thể tác động trên phương diện tình cảm, không thể quyết định hiện thực, số phận con người. Lev Tolstoy buộc phải để cho nàng Anna Karenina đâm đầu vào đường ray xe lửa bởi ông không thể thay đổi những định kiến mà xã hội ràng buộc lên nàng. Một chị Dậu với tinh thần phản kháng mạnh mẽ là thế đến cuối cùng vẫn phải lao vào màn đêm “tối như mực và như cái tiền đồ của chị” bởi Ngô Tất Tố cũng phải bất lực trước xã hội tăm tối không lối thoát mà không thể làm gì hơn. Như vậy, văn học vẫn luôn tồn tại những giới hạn, những điểm yếu và con người cũng không thể thần thánh hóa nó trở thành một cái gì quá phi thường, biệt lệ, cao siêu.

Văn học vẫn luôn tồn tại những giới hạn không thể vượt thoát nhưng không vì vậy mà con người phủ nhận tất thảy những giá trị mà nó mang lại. Giữa cuộc đời luôn không ngừng vận động, xoay chiều, khi mọi giá trị không có ý nghĩa đều có thể bị đào thải bất cứ lúc nào thì văn chương vẫn đứng vững với những giá trị riêng của nó. Liệu văn chương nghệ thuật có xứng đáng để bị xem là một thứ “phế phẩm” bỏ đi, thậm chí “không bằng xương cá mòi”? Tất nhiên là không! Con người đâu chỉ tồn tại để ăn, để sống lay lắt qua ngày như những con vật bản năng. Sức hấp dẫn của văn chương nằm ở chỗ, nó làm cho con người phá bỏ những khoảng cách, giới hạn của mình: Văn chương giúp cho con người được sống, được trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau ở nhiều không gian, thời gian; được hiểu những cái tôi khác ngoài mình; được phiêu lưu đến những vùng đất mới, những chân trời sáng tạo của riêng nhà văn mà không ta không thể bắt gặp trong đời sống thực tại; được tìm thấy những sự tri âm, đồng điệu, làm phong phú hơn một tâm hồn tưởng như đã chai sạn,... nếu như những vật chất bên ngoài cho phép ta được tồn tại thì văn chương làm cho sự tồn tại của con người trở nên có ý nghĩa, đáng sống hơn. Chính bởi vậy mà văn chương với những tác phẩm đích thực vẫn luôn có giá trị mà không một bộ môn nào có thể thay thế được.

Shopacgame.vn