SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Xã Hội

Văn Chương Và Giấc Mộng Chưa Thành

Văn chương là sự thoát thai từ cuộc sống vạn trạng mà ở đó con người là tâm điểm. Và nhà văn bắt đầu ngẫm và trải về những giấc mộng của mình, anh đặt xuống những khao khát, tâm tư về con người, về thời đại vào trang viết... Nguyễn Du cũng từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng" mà viết nên “Truyện Kiều” đầy máu và nước mắt. Cũng từ hiện thực xã hội nhiễu nhương, tàn bạo mà Nam Cao mới cho ra đời một Chí Phèo lưu manh, rạch mặt ăn vạ với bi kịch tha hóa đầy tội lỗi. Ngay cả Dương Hướng trong những phút chia sẻ về tiểu thuyết “Bến không chồng” cũng từng bộc bạch rằng “Ngày thống nhất đất nước trở về làng, tôi giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con xóm làng, tất cả đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. Đó là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi chiến tranh đã qua. Rồi biết bao nhiêu nhân vật về cuộc đời tôi đã được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí mình.” Và từ đó anh bắt đầu viết. Quá trình ấy dẫu biết đầy ngổn ngang nhưng người nghệ sĩ vẫn tìm thấy ở đó “nguồn sáng” để tiếp tục. Họ viết để tạo nên ánh sáng của niềm tin và ước vọng.

Khởi sinh từ hư vô, từ thuở hồng hoang xa vắng, văn học đến và xua tan đám mây mù cảm xúc trong tâm hồn con người. Lấy cảm xúc đúc thành nghệ thuật, văn học phải trần tình về những nỗi oan khiên của nhân loại, viết lên những ấm ức để rồi đầy “những khắc khoải" - thứ cảm xúc đau đáu, day dứt khôn nguôi khiến anh ta phải viết ra “những mơ tưởng về một giấc mơ chưa thành”. Anh nói lên như lời hiệu triệu từ tận đáy lòng mình, bởi những điều mong muốn chưa tồn tại ở hiện thực nhân sinh chỉ là “những mơ tưởng về một giấc mơ chưa thành”. Những người khai sơn phá thạch, những kẻ thức giấc trước bình minh, những người tiếp bước buổi hậu thế - đứng trước trang viết của mình, tất cả đều viết lên tiếng nói cho những điều còn thiếu sót của nhân loại. Nhưng liệu văn học có lớn lao đến mức thay đổi được tất cả mọi thứ, hay chỉ có thể tác động đến tinh thần, tâm hồn rồi “có những giấc mộng sẽ không bao giờ thành”? Đâu đó trên cõi đời này vẫn còn vang mãi khúc ngân trong trẻo của người nghệ sĩ Lorca để rồi gãy vào tâm hồn Thanh Thảo những xúc cảm mãnh liệt mà viết ra bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca". Dẫu cho giấc mộng ngắn ấy giờ chỉ còn lại thanh ngân “Li-la li-la li-la” luyến lưu trong tâm hồn độc giả...

Mọi thứ thật nhỏ bé khi đứng trước cái chết, kể cả con người. Vậy văn chương có thể làm gì khi con người đứng trước bờ vực sống còn? Dĩ nhiên nó không thể tháo gỡ được tất cả vấn đề, biến động của mọi thời đại và càng không thể can thiệp vào quy luật tự nhiên. Con người ta khi tìm đến văn chương dĩ nhiên họ hiểu điều đó, càng rõ hơn về nhu cầu đọc của bản thân. Như một “thứ vũ khí thanh cao và đắc lực” đi vào đời sống hiện thực, thế giới nội cảm của con người, văn chương trở thành điểm tựa tinh thần, chắp vá những mảnh vụn tan vỡ của tâm hồn, chèo lái con thuyền cảm xúc vượt lên những bề bộn đau khổ. Như phút giây ngắn ngủi được đắm mình vào trang sách, tự do chiêm nghiệm, khám phá mọi chiều sâu, giá trị của nghệ thuật, mỗi chúng ta chính là đi tìm cái cảm giác bình yên đến lạ thường ở mỗi trang viết. Và văn chương cứu rỗi con người trong những giây phút ngồn ngang, tuyệt vọng nhất...

Shopacgame.vn