SHOP ACC GAME #SHOP-NICK-GAME #UY-TÍN #ONLINE-24/7
Truyện Chữ

Vòng Tay Học Trò - Nguyễn Thị Hoàng

Vậy là mình đã có thể hoàn thành những dòng cuối cùng của Vòng tay học trò theo cách mình mong muốn: trong một buổi chiều Sài Gòn mưa, ngồi trong phòng lành lạnh, qua lớp cửa kính đẫm hơi nước – một sự mô phỏng vụng về của không khí Đà Lạt, bối cảnh chính của truyện. Bối cảnh Đà Lạt có lẽ là điều mình thích nhất về quyển này, bởi mọi thứ diễn ra ở đó đều hay, đẹp, buồn và gợi nhớ. Mình cho rằng mọi câu chuyện yêu đương, dù lung linh hay tan vỡ, nên diễn ra ở Đà Lạt.

Mua sách

Mình đã rất tò mò về Vòng tay học trò từ khi có tin nó sẽ được in lại, lần đầu tiên sau năm 1975. Mình muốn thử đọc một tác phẩm đã gây tiếng vang và tranh cãi hơn nửa thế kỷ trước, dù đã đoán trước rằng cảm nhận của mình có lẽ sẽ khác với độc giả đương thời.

Không cần nói nhiều về nội dung tác phẩm – câu chuyện về cô giáo trẻ và vòng tay của cậu học trò mới lớn. Ấn tượng ban đầu là lối viết trơn tru liền mạch của tác giả, đến mức có thể tưởng tượng cảnh bà xuất thần và viết không ngừng nghỉ trên những trang giấy pelure giữa Sài Gòn những năm 1960. Những câu văn dài, có nhạc tính, lúc trầm lúc bổng, vẽ ra trong tâm trí người đọc ý tưởng của tác giả, chứ không cố ý chen đầy những từ bóng bẩy. Mình luôn thích cái cảm giác viết liền mạch như thế, bao nhiêu ý tứ cứ tuôn ra, và người đọc từ khi mở đầu là bắt ngay mạch văn và theo dõi dễ dàng.

Nhưng mình đã mất nhiều thời gian để “làm quen” với cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm, cố gắng hình dung và hiểu tâm tính của cô giáo chưa đầy 25 tuổi, thậm chí tìm trong tâm trí một hình mẫu để làm chân dung cô Trâm. Rồi cũng quen, và tiếp tục theo dõi chuyện tình “yêu người không nên yêu” của Trâm và cậu học trò Nguyễn Duy Minh.

“Mai cô đi rồi, để lại em với bao điều hối hận giày vò, tự trách đã si mê cuồng dại, đặt tình yêu không đúng chỗ, trót đã trèo cao (…) Còn em, một học trò, mà tàn ác nhất là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô.”

Ở phần đầu review, mình có nhắc đến cảm nhận của người sống ở thời nay sẽ khác với độc giả những năm 1960, vì thời nay là thời của đẩy thuyền; chúng ta hăng hái ship các cặp đôi, bất chấp những rào cản trước đây. Thành thử, mình chẳng thấy có gì phải phẫn nộ về luân lý; trái lại, mình tò mò muốn xem họ sẽ đi được bao xa (dù kết cục đã đoán trước). Mình cũng hiểu rằng khó mà mong sẽ đi quá xa, xét trong bối cảnh tác phẩm được viết. Vì tác giả tiết chế, hay vì như bà chia sẻ đây là câu chuyện có thật, nên không tiện đẩy nó đi xa hơn nữa?

“Trâm nghĩ mình có thể sống hoài mãi như thế, và nguồn tình êm ái mơ hồ đó sẽ không bao giờ cạn vơi. Không cần gì cả, ngoài sự hiện diện của một người. Có một người để âu yếm gọi tên. Một bước chân quen để chờ đợi mỗi chiều về. Một khuôn mặt làm gương soi cho cảm xúc mình phản chiếu. Thế thôi. Không giao nối. Không gửi trao. Không được gì để chẳng bao giờ phải mất”.

Đọc tác phẩm ở tuổi không còn trẻ nữa, mình hiểu được tâm lý của cô Trâm và trò Minh, khi họ bắt đầu phải lòng nhau, và cả những giận hờn, tổn thương sẽ có. Sách dày nhưng dễ đọc.

Shopacgame.vn