Giọng ông Thào Chứ ngập ngừng, đục lẫn với tiếng củi cháy lách tách. Cô Ái nhẹ nhàng cựa mình:
Bố Thào Lử đi ngủ đi, sáng mai còn phải lên Tả Phăng kiểm tra lại cái guồng nước. Tối qua không có giọt nước nào chảy vào thùng cả. Sáng mai em phải đi bản sớm để tiêm vaccine cho trẻ em, tiện thể đưa cô Thúy xuống vận động mấy đứa trở lại trường học. Chúng nghỉ học nhiều quá…
Ừm, nước cạn rồi lại đầy. Mẹ Thào Lử có biết con mình cũng muốn nghỉ học không? Thằng bé ấy đầu đã cao gần bằng cánh cửa rồi, nó bướng bỉnh quá…
Cô Ái đắp lại chăn cho bé May Ly rồi nhẹ nhàng dậy, vén màn ra ngồi cạnh chồng. Ông Thào Chứ lấy cái áo bông khoác lên vai vợ, quay lại bỏ thêm củi vào bếp, rót một chén rượu rồi nhấp một ngụm, xuýt xoa và rót thêm một chén cho vợ.
Thằng Thào Lử nó muốn mua xe máy mình ạ. Nó thích con bé Súa bên bản Sủng Là. Nó bảo phải mua xe máy thì mới mong được con bé ấy để ý mà không theo bọn trai bản. Nó còn nói nếu không mua xe thì sẽ bỏ học.
Ông Thào Chứ nói một hơi rồi im bặt, như thể nếu ngập ngừng sẽ không đủ can đảm để nói tiếp. Tội nghiệp. Người đàn ông có lưng to như con gấu rừng, chân tay chắc chắn như dao pha, việc lớn nhỏ trong bản đều làm không chút nề hà, nhưng khi ngồi đối diện với vợ lại lúng búng như đứa trẻ nghịch ngợm bị cô giáo bắt gặp. Cô Ái thì dịu dàng thuần hậu…
Chiều qua nó về, cứ ngó nghiêng hỏi mẹ Ái đâu. Tôi gặng mãi nó mới nói ra ý định rồi vội vàng đứng dậy đi xuống trường.
Trời ạ, thằng bé mới học lớp chín, làm sao đủ tuổi đi xe máy.
Hay là cuối tuần, mẹ Thào Lử cố gắng sang điểm trường Lán Chải nhờ thầy A Pó khuyên nhủ nó vài câu. Chứ tôi chả biết làm thế nào. Tiền chưa có đủ là một chuyện, nhưng cái kiểu nứt mắt ra đã đua đòi thế, tôi mà nói rồi lại to chuyện…
Cô Ái không phải là mẹ đẻ của Thào Lử. Cô là người dưới xuôi, bén duyên với anh Tâm bộ đội biên phòng nên theo anh lên vùng rừng núi cheo leo này, vừa làm y sĩ, vừa như cô giáo cắm bản. Cưới nhau hơn một năm, còn chưa kịp quen hơi bén tiếng, chưa kịp lưu lại giọt máu của người thanh niên lực lưỡng như cây trám rừng thì Tâm mất vì bị rắn độc cắn trong một đêm đi tuần lên đỉnh Pà Lùng hiểm trở. Đêm đó, cậu San, đồng đội của anh, cõng Tâm vượt mấy cây số đường rừng về trạm y tế xã, đúng phiên trực của cô. Cô hối hả thực hiện các động tác sơ cứu cho chồng bằng tất cả những gì có được của trạm. Nhưng rồi vết thương tím bầm lại, khuôn mặt vuông vức của Tâm tái nhợt đi. Nhìn chồng dần dần lịm đi trong tay mình, ruột gan cô đau như xé.
Nước mắt cô như muốn hòa vào dòng Nà Ka chảy xuống thung lũng. Cô đã định bỏ về xuôi. Nhưng cứ nhìn đám trẻ nhỏ ngơ ngác học mãi không hết bảng chữ cái, đám trẻ lớn chưa tính nổi giá ngô, giá mận đã tấp tểnh lấy chồng, lấy vợ, người lớn có bệnh thì cạy cục nhờ mo về cúng rồi cứ sống lay lắt, mong manh như vạt sương bám hờ mỏm đá, cô lại không đành lòng.
Một chiều mờ mịt sương giăng, cô hì hụi leo lên đỉnh Tả Phăng, nhìn về phía đồn biên phòng La Chí Chải, thấy lá cờ đỏ nhỏ xíu như một giọt máu giữa xanh ngắt đại ngàn. Cô chẳng còn nước mắt để khóc nữa. Gió quất vào vách đá, thổi bay chiếc khăn voan trên vai cô. Chiếc khăn đó là món quà Tâm mua tặng cô dịp được về tỉnh nhận bằng khen vì lập thành tích trong một chuyên án chống buôn lậu. Chiếc khăn mắc vào cành sa mộc, cô vươn người chới với trượt chân ngã nhào rồi lăn xuống đám cỏ sữa lơ phơ. Lúc tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên tấm nệm cỏ của nhà Thào Lử, đứa học trò mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng, đang học lớp bốn ở điểm trường Lán Chải. Cậu bé cầm lấy tay cô, khẽ khàng lau mấy vết xước bằng nước muối ấm pha loãng. Bên cạnh bếp lửa, bố Thào Lử một tay quấy nồi cháo gà, tay kia sao vàng đám thuốc lá cây. Bếp lửa hồng rực giữa nhà xua bớt hơi lạnh đang theo gió len lỏi qua vách thưng. Thế là cô trở thành mẹ của Thào Lử, cũng như mối lương duyên chẳng thể dứt với bản làng heo hút bốn mùa chìm trong sương này…
Khi bé May Ly được hai tuổi, Thào Lử lên lớp bảy không ở nội trú mà chiều chiều về nhà, vừa bế May Ly vừa dúi những mớ cỏ sữa vào máng cho trâu ăn. Cô Ái đi miết từ sáng sớm đến tối mịt, mang thuốc phòng, chống dịch đến từng nhà trong bản. Nhiều đêm muộn cô mới về đến nhà, thấy Thào Chứ vẫn kỳ cạch sửa cái nọ, chữa cái kia, bé May Ly nằm bên cạnh Thào Lử ngoan ngoãn như một con mèo nhỏ, cô lại trào lên cảm giác hàm ơn. Đây là nhà của cô, những hòn than thô mộc đã sưởi ấm trái tim tưởng như đóng băng của cô. Cô khe khẽ chui vào màn, quờ tay ôm cả Thào Lử. Vai nó xương xương, tóc khen khét mồ hôi…
Từ năm ngoái, Thào Lử không ríu rít kể chuyện lớp, trường nữa, ít nói, ít cười với mẹ Ái hơn nhưng chiều muộn nào cũng đun nước ấm pha vào cái chậu gỗ kỳ cọ từng ngón tay bé xíu của May Ly. Khi cô bảo: May Ly đến tuổi đi mẫu giáo rồi, để mẹ mang em xuống trường Mầm non Tả Phìn. Thào Lử lẩm bẩm: Bố đừng đi nương nữa, ở nhà trông em đi. Nó bé như hạt ngô thế kia, đi mẫu giáo rồi khóc hết hơi…
Cô Ái đến trường gặp thầy, cô để hỏi về chuyện học hành của Thào Lử. Thầy A Pó bảo, thằng bé học vẫn thuộc loại khá của lớp, nhưng lúc nào cũng lầm lì như hòn đá tảng. Hôm trước thấy nó lao như tên bắn qua khoảnh sân lồi lõm rồi đứng khựng ngẩn ngơ nhìn cái xe máy đỏ chót của hai thằng trai người bản Sủng Là chở con bé Súa phóng vèo đi, nhả lại luồng khói xanh xám, mắt nó vằn lên, quay trở lại lớp với thái độ bậm bịch khác lạ. Rồi từ hôm ấy, cứ trông thấy chiếc xe máy đỏ lấp ló ở cổng trường là nó bứt rứt không yên. Thầy cười khà khà: Chú ngựa non nào chẳng bồng bột thế. Mà kể ra mua cho nó cái xe máy, hai mẹ con cùng đi. Đằng nào thì sang năm nó cũng phải xuống trường thị trấn học…
Thào Chứ đẩy thêm củi vào bếp rồi đứng dậy đi vào buồng, lấy ra một bọc vải nhỏ: Đây là chỉ vàng mẹ cả được ông bà ngoại cho làm của hồi môn. Tôi định giữ đến bao giờ Thào Lử cưới vợ thì cho nó. Nhưng tình cảnh này không mua xe không được. Chẳng phải tôi nuông chiều gì con đâu. Nhưng tôi sợ nó nghỉ học ngang chừng. Đời tôi không có cái chữ đủ thấy cực nhục lắm rồi. Ngày mai tôi gọi người lên bán con trâu lông vàng nữa chắc là đủ, đằng nào con trâu ấy đã nuôi mấy vụ mà chẳng thấy sinh nở gì cả.